Một ngày với “Vua Trâu” Đồng Tháp: 29 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Lắm được người dân Đồng Tháp đặt cho cái tên đầy kiêu hãnh: “Vua Trâu”. Bởi dẫu một chữ bẻ đôi cũng khó, nhưng kiến thức, sự hiểu biết, thuần phục về loài trâu thì ít ai qua Lắm được.
Nguyễn Văn Lắm, sinh năm 1994, ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, trong một gia đình “rặt” nông dân miền Tây Nam Bộ.
Ông nội của Lắm là một trong những người đến khai phá vùng Đồng Tháp Mười khá sớm. Thuở ấy, cả vùng này đất đai hoang hóa, bốn bề lau sậy, cỏ cây cao lút đầu người. Cùng với những người đi khai phá vùng đất Phương Nam, ông nội và cha của Lắm là ông Nguyễn Văn Út Lì đã cùng với con trâu, cái cày, cây cuốc ngày đêm phát cỏ, san lắp hồ, ao, đào mương dẫn nước để trồng lúa.
Lắm cho biết, bên cạnh làm ruộng lúa, gia đình anh ba đời sống chính bằng nghề nuôi trâu: từ ông nội, tới đời cha và đời mình.
Lắm vẫn luôn nhớ lời của ông nội và cha khi nhắc đến con vật trung thành, quanh năm vất vả giúp con người cày bừa, làm ra hạt lúa. Gia đình Lắm ba đời sống vững ở vùng đất mới này cũng là từ công lao động của chính mình và có sự giúp sức của con trâu, tham gia vào các khâu của sản xuất nông nghiệp. Vì thế, anh rất yêu quý và chăm sóc, nuôi nấng con trâu cẩn thận như một cách để trả ơn.
Được sinh ra và lớn lên tại vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười, Lắm đã được chạm mặt con trâu từ thuở lên 5 tuổi. Tuổi thơ của Lắm lớn lên trên lưng trâu, trong những chuyến theo ông nội, theo cha ra đồng cày bừa, kéo lúa.
Chính cái nắng cái gió của vùng đất phương Nam đã tôi luyện cho chàng trai trẻ một sức khỏe dẻo dai và khả năng đặc biệt có thể thuần hóa trâu hoang.
Lắm kể: “Hồi nhỏ xíu là em đã theo cha dẫn trâu đi cày ruộng mướn cho người dân trong xóm, trong vùng vào mỗi đầu vụ làm đất, xuống giống. Cuối vụ, khi lúa bắt đầu thu hoạch thì em lại kẽo kẹt trên lưng trâu, trên chiếc cộ (xe kéo bằng gỗ, bằng tre) để chở lúa mướn từ đồng ruộng về nhà cho người dân. Cuộc sống của em làm gì cũng có dính tới con trâu”.
29 tuổi, Lắm được người dân Đồng Tháp đặt cho cái tên đầy kiêu hãnh: “Vua Trâu”. Bởi dẫu một chữ bẻ đôi cũng khó, nhưng kiến thức, sự hiểu biết, thuần phục về loài trâu thì ít ai qua được.
Hỏi về bí quyết gì giúp anh có thể nhận biết từng con trâu trong đàn trâu hàng trăm con của xứ mình, Lắm chỉ cười hiền kể: “Em từ nhỏ đã được sinh ra ở vùng đất này, lớn lên đã giáp mặt con trâu, suốt ngày sống, làm lụng với con trâu nên em thuộc lòng về đặc điểm nhận dạng trâu lúc nào không biết. Con trâu chỉ có bộ mình giống nhau thôi, chứ xoáy tích, cặp sừng mỗi con mỗi khác. Mình có cái nghề nuôi trâu lâu năm nên nhìn là phân biệt được ngay trâu này của chủ nào”.
Đã có hẹn từ trước, sáng sớm tôi đã có mặt tại xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp để “trải nghiệm” một ngày với “Vua trâu” Nguyễn Văn Lắm trên đồng nước lũ.
Khu vực xã Phú Đức giáp ranh với vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim, khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và là khu Ramsar 2.000 của thế giới.
Thời điểm này, cánh đồng ở Phú Đức mênh mông nước nổi. Đây cũng là khu vực có số lượng trâu nuôi khá đông, lên đến hơn 300 con. Với lợi thế đồng ruộng rộng lớn, người dân nơi đây tận dụng nuôi chăn thả trâu, bò để tạo thêm sinh kế và thu nhập của gia đình.
5 giờ sáng, Lắm đã thức giấc, bước ra chuồng trâu phía sau nhà, mở cửa cho đàn trâu đi tự do tìm cỏ ăn trên đồng nước.
Mặt trời ngoi lên khỏi ngọn tràm cũng là lúc đàn trâu từ khắp nơi của nhà dân đã tập trung ra đồng đi ăn cỏ.
Lắm chầm chậm chống chiếc vỏ lãi theo sau, giữ không cho trâu đi vào phạm vi của Vườn quốc gia Tràm Chim. Bởi theo quy định của vườn và kế hoạch kiểm soát gia súc, trâu, bò của người dân không được chăn thả vào vườn, xâm phạm và ảnh hưởng đến hệ sinh thái của khu Ramsar.
“Nếu trâu của người dân bị cán bộ và bảo vệ Vườn quốc gia Tràm Chim bắt được sẽ lập biên bản, phạt từ hơn 1 triệu đồng/con”, Lắm nói.
Đến trưa, đàn trâu no cỏ liền đi thành hàng đến một bờ kênh để trầm mình trong dòng nước mát. Chỉ cho tôi một bãi đất lớn cạnh bờ kênh chi chít dấu chân trâu, Lắm quả quyết, đây là bãi trâu ngủ hằng đêm.
“Trâu ở đây nuôi thả tự do nên nó tự tìm chỗ ngủ, thỉnh thoảng tự đi về chuồng. Rồi nhiều khi cũng đi lạc vô rừng tràm suốt mấy ngày không biết đường ra”, Lắm giải thích.
Vậy rồi, “Vua trâu” phải vận dụng kỹ năng thuần thục của mình để đi tìm trâu lạc trong rừng cho chủ khi được thuê.
“Đặc biệt hơn là, khi cán bộ của Vườn quốc gia Tràm Chim bắt được trâu đi lạc vô vườn nhưng không biết ai là chủ thì cũng phải nhờ tới Lắm. Anh ta tới nhìn một lúc là chỉ đúng tên người chủ nuôi trâu, giúp cán bộ vườn giải quyết công việc theo quy định, mà chủ trâu cũng không chối cãi được”, ông Năm Hiệp, một người nuôi trâu lâu năm ở xã Phú Đức cho hay. Điều này cũng được các bảo vệ của Vườn quốc gia Tràm Chim xác thực.
Xế chiều, trời đang nắng bỗng kéo mây đen mù mịt rồi mưa to ập tới bất ngờ. Có chủ trâu nói qua điện thoại cho Lắm, nhờ bắt mấy con trâu đi lạc giữa đồng về chuồng để chữa bệnh. Vì ngày hôm trước trong lúc đi len trâu trên đồng nước, Lắm phát hiện có xác một trâu nghé mới sinh đã chết cặp bờ kênh. Cạnh đó, trâu mẹ có dấu hiệu không tốt về sức khỏe nên báo cho chủ nuôi biết.
“Tuy trâu bệnh vậy chứ chủ trâu muốn bắt nó không dễ vì đồng trống mênh mông, không biết cách là không đuổi bắt nó được. Họ phải thuê em bắt. Giá thuê mỗi làn bắt trâu từ 500 tới 1 hơn 1 triệu đồng, tùy theo con trâu hiền dễ bắt hay trâu hung dữ, đi lạc giữa rừng tràm. Cứ một hai ngày là em được thuê đi bắt trâu 1 lần, tháng nào cũng cả chục lần như thế nên sống cũng khỏe”, Lắm cho biết.
Báo Nhân dân
Chỉ đạo: Kim Phương Bình
Thực hiện: Quốc Dũng – Khánh Bách – Hoài Đàm
Trình bày: Minh Đức