Tượng “Hai chú trâu”: Công-nông hòa hợp trên tác phẩm sơn mài. Trong không gian nhà máy cũ, hai chú trâu của nghệ nhẫn Nguyễn Tấn Phát được khai thác bằng một góc nhìn mới, là cầu nối hòa hợp giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa dân gian và đương đại.
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023, nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát (Sơn Tây) đã mang đến sự kiện những tác phẩm nghệ thuật mang đậm tinh hoa văn hóa truyền thống. Tại sự kiện năm nay, ông đem tới một tác phẩm sơn mài đặc sắc đó là hai chú trâu được tạo ra từ vật liệu truyền thống kết hợp với kỹ thuật khảm trai, khảm trứng và khảm đồng.
Tác phẩm này không chỉ đơn thuần là sự hòa quyện giữa cái đẹp truyền thống và hiện đại mà còn thể hiện sự gắn kết mạnh mẽ giữa biểu tượng của nền nông nghiệp lúa nước lâu đời và biểu tượng của sự phát triển công nghiệp hiện đại ngày càng mạnh mẽ của đất nước.
Nét độc đáo ấy được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát gửi gắm một cách khéo léo qua từng chi tiết tinh tế. Điển hình như khắc họa trên lưng chú trâu, là lớp mái ngói cổ đặc trưng của làng nghề Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (cũng là quê hương của nghệ nhân). Hình ảnh này kết hợp với phần thân là bộ phận mang hàm ý về chiếc thùng lúa, nơi chứa đựng “hạt ngọc trời ban” do nhân dân tạo ra. Tiếp đến, phía dưới chân hai chú trâu là 4 bánh xe tượng trưng cho nền công nghiệp nước nhà.
Sự kiện lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” được tổ chức từ ngày 17/11 đến hết ngày 26/12/2023, tại nhiều địa điểm trong thành phố Hà Nội nhằm khẳng định những ý nghĩa, vai trò của nhiều loại di sản trong đó có di sản công nghiệp trong đời sống hiện đại./.
Theo Ánh Ngọc-Lê Na-Nguyệt Minh (Vietnam+)