Trước đây, bà con nông dân xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) chăn nuôi trâu bò chỉ với mục đích cày kéo và lấy phân hữu cơ bón ruộng. Những năm gần đây, bà con nông dân trong toàn xã chuyển mạnh sang chăn nuôi trâu bò hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay khâu làm đất trong sản xuất nông nghiệp cơ bản được cơ giới hóa, chăn nuôi theo kiểu cũ không còn phù hợp. Bởi vậy, những năm gần đây, bà con nông dân trong toàn xã chuyển mạnh sang chăn nuôi trâu bò hàng hóa, chăn nuôi theo phương thức này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã có 27 xóm thì cả 27 xóm đều phát triển mạnh về chăn nuôi trâu bò, đây cũng là ngành chăn nuôi chính, chủ lực của bà con nông dân. Hiện nay, tổng đàn trâu bò cả xã lên tới 3000 con, 100% đều được chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Nhờ hướng dẫn kỹ thuật của khuyến nông trong chăn nuôi, bà con nhanh chóng tiếp thu những tiến bộ KHKT nên đàn trâu bò rất phát triển. Ở đây, người dân chăn nuôi theo 2 phương thức: chăn nuôi sinh sản và chăn nuôi vỗ béo.
Chị Nguyễn Thị Hải, 32 tuổi, xóm 13B, mấy năm gần đây gia đình chị đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu sinh sản, nhờ xây dựng chuồng trại bảo đảm, chọn được giống trâu mạ tốt, nhanh lứa, chuẩn bị đủ thức ăn xanh, thức ăn khô (rơm, rạ), thức ăn tinh và đặc biệt nhất là áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi cùng sự siêng năng cần cù nên trâu mạ của chị trung bình 1 năm sinh 1 con nghé. Nghé đẹp, nhanh lớn, một năm xuất chuồng được 22 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 20 triệu đồng. Gia đình chị dự định năm tới mua thêm 1 trâu mạ sinh sản nữa để tăng tổng đàn, tăng thêm nguồn thu nhập. Cũng như chị Hải, ông Bùi Văn Tiến (81 tuổi, cùng xóm) gia đình chỉ có 2 ông bà ở với nhau, trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo, những năm gần đây ông đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi trâu sinh sản, trung bình mỗi năm xuất chuồng 1 con nghé trị giá trên 20 triệu đồng, hiện nay, gia đình ông đã thoát nghèo.
Trong chăn nuôi trâu bò, xã Nghi Kiều có nhiều thuận lợi như: có nhiều diện tích đồi núi; diện tích ruộng trong thời gian chuyển vụ; thêm một thuận lợi lớn nữa là địa bàn xã ở gần chợ Ú (Đại Sơn, Đô Lương) là trung tâm mua bán trâu bò của Nghệ An và Bắc Trung Bộ. Tận dụng nguồn lợi đó, nhiều hộ dân ở các xóm 20, 21… đầu tư chăn nuôi theo phương thức chăn nuôi bò vỗ béo cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bò được chọn về nuôi là bò nhỏ, gầy, trọng lượng khoảng 100 – 120kg, khi nuôi bà con dùng thức ăn như: dây khoai, cây ngô, rơm, có thêm chất bột (mỗi ngày 2-3kg/con). Khoảng 3-4 tháng khi bò đạt 200 – 220kg là xuất chuồng để quay lại vòng mới. Với phương pháp này, sau khi đã trừ chi phí 1 con trong 1 tháng lãi ròng 1- 1,5 triệu đồng.
Những năm gần đây, bà con nông dân xã Nghi Kiều chăn nuôi trâu bò theo 2 hướng đó, nên tổng đàn trâu bò của xã luôn ổn định, thu lãi 1 năm trên 40 tỷ đồng.
Nhờ có nhiều lợi thế trong chăn nuôi, sự hỗ trợ của xã, sự hướng dẫn kỹ thuật của khuyến nông và đặc biệt nhất là sự cần cù, sáng tạo trong lao động của người dân, nên ngành chăn nuôi trâu bò của xã phát tiển mạnh, đem lại nguồn thu lớn không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế của xã nhà, sớm đưa Nghi Kiều cán đích NTM.
Văn Xinh – Đan Phượng Báo Nghệ An- http://nghean.gov.vn:10040/wps/wcm/connect/Web+content+Huyen+Nghi+Loc/hnl/ttskcacxa/e06e800043f3bd2e8f89dfb859ed744e?presentationtemplate=PT+-+Print&presentationtemplateid=9fa7660042484b99a675af907d6959a7)