Rời Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc, nơi cả hai đã từng công tác, vợ chồng anh Phạm Trọng Huy về quê (thôn Trường Xuân, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy) nuôi trâu sinh sản kết hợp nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế trên đất quê hương.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê ven biển, ngay từ khi còn nhỏ, anh Huy đã ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp để có thể giúp gia đình và người dân phát triển nuôi trồng thủy sản. Để hiện thực hóa ước mơ, ngay khi tốt nghiệp THPT, anh đã quyết tâm thi và đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I, theo học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản. Tốt nghiệp, ra trường năm 2005, anh đi làm tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc. Tại đây, anh đã nên duyên vợ chồng với cô sinh viên Phạm Tố Như, quê Nghệ An, mới tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, cùng học ngành nuôi trồng thủy sản.
Năm 2013, khi xã Thụy Trường thực hiện chuyển đổi vùng đất chua, mặn, cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, anh Huy bàn với vợ về quê phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp. Tâm sự với chúng tôi, chị Như chia sẻ: Lúc đầu nghe chồng bàn vậy, tôi cũng không đồng ý vì công việc của hai vợ chồng đã dần ổn định. Nhưng thấy chồng rất quyết tâm và biết đây là ý nguyện lâu nay của anh nên tôi đã ủng hộ.
Ngay sau khi chuyển đổi hơn 1 mẫu ruộng từ diện tích cấy lúa của gia đình sang nuôi trồng thủy sản tập trung, vợ chồng anh Huy đã đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi trâu sinh sản, đào ao nuôi cá, tôm thẻ chân trắng.
Xã Thụy Trường có hàng nghìn héc-ta bãi triều ven biển cùng với nhiều diện tích bãi đất cỏ ven đê, rất phù hợp để phát triển chăn nuôi trâu, bò… Nhận thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi, sau khi xây dựng chuồng trại xong, vợ chồng anh Huy đã vào Nghệ An mua 15 con trâu cái giống và 3 con trâu đực giống. Hai vợ chồng đều là kỹ sư nông nghiệp, cùng với học hỏi kinh nghiệm thực tế tại các mô hình chăn nuôi nên việc nuôi trâu sinh sản của anh chị thành công, cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Huy chia sẻ: Sau hơn một năm nuôi, đàn trâu bắt đầu sinh sản. Sau khi sinh hai tháng, trâu mẹ tiếp tục mang thai, nghé nuôi từ 8 – 10 tháng là xuất chuồng, bình quân mỗi con nghé bán được trên 20 triệu đồng. Một năm, gia đình xuất bán chục con nghé, trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng. Hiện nay, đàn trâu của gia đình có giá trị từ 600 – 700 triệu đồng.
Cùng với nuôi trâu sinh sản, vợ chồng anh Huy còn nuôi cá và tôm thẻ trên diện tích 1.500m2 ao đầm, hàng năm cho doanh thu khá cao.
Khát vọng làm giàu trên đất quê hương đã giúp vợ chồng anh Phạm Trọng Huy vượt qua nhiều khó khăn để có được thành công như ngày hôm nay. Với kiến thức, nghị lực của mình, tin tưởng rằng, anh chị sẽ thành công hơn nữa, góp phần làm giàu cho gia đình và quê hương.
Trần Tuấn (báo Thái Bình – https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/71/42013/vo-chong-ky-su-nong-nghiep-lam-giau-tu-nuoi-trau-sinh-san)