Truyện ngắn: Người đàn bà chăn trâu ngoài bãi Cả: Bãi Cả nằm sát xóm Đìa. Xóm Đìa bị tách khỏi làng Yên Nhân bởi một con sông nhỏ cho nên đã có vẻ xa xôi lại thêm trống choáng. Đó là một bãi đất khá rộng, không ra gò đống, cũng chẳng ra ruộng, thành thử từ lâu rồi người dân ít qua lại. Người ít qua nên cỏ tốt bời bời, cỏ xanh dày như thảm êm trở thành chỗ cho bọn trẻ con xóm Đìa rủ nhau đá bóng. Bà Vượng chăn trâu ngoài đó.
Truyện ngắn: Người đàn bà chăn trâu ngoài bãi Cả:Con trâu của bà Vượng năm đó chừng hai tuổi, nó là “tiêu chuẩn” gia đình bộ đội mà Hợp tác xã Yên Nhân giao cho bà Vượng chăm nuôi hồi sau Tết. Sáng những ngày làm đất, bà Vượng dậy từ sớm, bà tung từng nắm cỏ còn tươi màu lá cho con trâu ăn. Vừa cho trâu ăn, bà Vượng vừa xoa xoa vào đầu nó, giọng vỗ về: “Trâu ơi! Trâu à! Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta”. Con trâu dường như đã quen với câu nói và động tác của bà Vượng nên nó ngừng dúi mõm vào chỗ cỏ, con trâu ngẩng đầu lên, nó khua hai chiếc sừng nhọn hoắt vào gióng cửa chuồng làm phát ra những tiếng kêu cọc cọc nghe rất vui tai. Bà Vượng thích lắm, bà lại xoa xoa vào đầu nó sau khi vãi thêm mấy túm cỏ nữa.
Đứng đợi cho người thợ cày tới nhận trâu, bà Vượng chỉ thầm mong người đó tới trễ đôi chút. Tới trễ là con trâu của bà được ăn thêm chút cỏ. Bà biết một khi nó đã ra tới ruộng và bắt đầu nghe theo tiếng hô “vắt, diệt” của người thợ cày là nó chẳng được ăn thêm gì nữa. Hợp tác xã đã có yêu cầu cho mỗi người thợ cày là khi nhận trâu đi cày phải lao động tích cực bằng hai, bằng ba để phấn đấu cày xong cho kịp thời vụ. Biết thế nên khi giao trâu cho người thợ cày bao giờ bà Vượng cũng lèo thêm câu nói: “Ông bắt nó làm in ít thôi. Nó hãy còn non, đừng bắt nó làm cố”. Người thợ cày bĩu môi đáp: “Làm in ít thôi để tôi bị trừ công điểm à. Bà chỉ được cái vun cho mình”. Bà Vượng tần ngần cúi đầu vẻ nhận lỗi rồi bà ngước mắt chăm chăm nhìn con trâu đi ra đồng.
Bà Vượng năm nay vừa bước vào tuổi năm mươi nhưng vẻ khắc khổ đơn chiếc khiến bà sọm đi. Hơn nữa, bệnh tê thấp làm bà đêm khó ngủ. Hồi tròn đôi tám, bà Vượng được gả cho một thanh niên cùng làng. Ở quê là thế, hễ gái có chồng là người ta quên phắt tên thời con gái mà cứ tên người chồng mà gọi. Rồi đến khi có con thì người ta lại cứ tên của người con đầu mà réo, đâm ra lâu rồi, người xóm Đìa cứ gọi bà là bà Vượng, theo tên người con trai đầu và duy nhất của bà.
Cuối năm ngoái, anh Vượng-đang là công nhân mãi tận Phú Thọ-được lệnh gọi nhập ngũ. Anh Vượng chỉ đảo về xóm Đìa chào mẹ được đúng một đêm rồi đi. Hợp tác xã thông cảm tình hình bệnh tật với lại hoàn cảnh neo đơn của bà Vượng nên quyết định giao con trâu mới lớn cho bà. Việc chăn trâu cũng là việc tập thể nên bà Vượng được tính công điểm. Số điểm ấy đủ để cho bà khỏi phải lo cấy hái mà vẫn có thóc.
Bà Vượng nhìn theo con trâu đi cùng người thợ cày khuất hẳn thì quay vào nhà. Bà quàng hai cái sọt cùng cái liềm rồi tất tả ra đi. Bà tới bãi Cả để cắt cỏ, cỏ ấy chờ chập tối con trâu được người thợ cày dắt về giao lại, bà sẽ cho nó ăn. Bà bảo: “Cắt nhiều cỏ cho nó ăn bù suốt ngày vất vả và trữ cho bữa sáng mai của nó”.
Vào dịp nông nhàn, trâu được nghỉ không phải đi cày, bà Vượng dắt trâu ra chăn ngoài bãi Cả. Bà ngồi một chỗ trông trâu và xem bọn trẻ con đá bóng. Bọn trẻ vừa đá bóng vừa hò hét ầm ĩ làm bà thấy vui lây. Bà le lói trong lòng ước gì có đứa cháu cho nhà ấm áp.
Đợi con trâu ăn chừng căng tròn bụng thì bà Vượng tới dắt trâu về. Bà lại cất giọng quen thuộc: “Trâu ơi! Trâu à!”. Con trâu no bụng nên thủng thỉnh bước đi. Nó nghe tiếng bà Vượng nói thì dừng lại giậm giậm chân. Bà Vượng xoa xoa đầu nó dặn: “Con ăn khỏe rồi cày khỏe cho u vui nhé”. Có lần mấy thằng trẻ con nghe bà Vượng thủ thỉ với con trâu như vậy thì chúng cười nắc nẻ, chúng trêu: “Bà lấy chồng mới đi. Lấy chồng có con không phải gọi con trâu là con”. Bà Vượng xịu mặt, thoáng buồn buồn, bà nói át: “Cha sư bố chúng mày trêu bà”.
Nói chuyện chồng con của bà. Số là sau khi sinh con được hai năm thì anh Thông, chồng bà, khi ấy đang là cán bộ hợp tác nhờ người bà con làm trên tỉnh giới thiệu đưa lên tỉnh làm chân cán bộ nhì nhằng gì đó. Chẳng hiểu vì chê cô vợ quê mùa hay vì trên tỉnh có lắm thứ rủ rê mà anh Thông lại phải lòng một cô gái trẻ cùng cơ quan. Họ trót ăn nằm với nhau có chửa nên anh Thông phải lấy cô ấy làm vợ. Cũng chẳng hiểu cô gái kia xinh đẹp hơn, chất tỉnh hơn hay là vì anh Thông chán cô Vượng thật mà từ hồi đó hiếm thấy anh về làng. Có chăng là vào dịp giỗ thầy u anh Thông thì anh mới về. Anh Thông, sau này là ông Thông, mỗi khi về xóm Đìa chỉ ở qua quýt rồi trở lên tỉnh. Bà Vượng thành ra có chồng mà cũng như không. Giờ lại thêm cô quả khi anh Vượng nhập ngũ.
Căn nhà của bà Vượng mới được bà con lợp lại mái rạ, tường mới được trát rơm bùn nên nom đỡ tội. Bà Vượng nằm trong nhà vật người qua trái rồi lại xoay mình sang phải. Căn bệnh tê thấp hễ cứ chân ngấm nước là đêm về đau nhức. Bà Vượng trở dậy, bà toan lấy chậu nước ấm pha muối ngâm chân nhưng tiếng gió bấc rít dữ dội ngoài đầu hồi làm bà chợt lo lắng. Bà nhíu mày nghĩ ngợi không hiểu con trâu đứng trong chuồng trống trơn có bị lạnh không?
Bà Vượng đứng dậy, khập khễnh đôi chân đau mỏi bước tới chuồng trâu. Bà cất tiếng gọi: “Trâu ơ! Trâu à! Trâu có bị lạnh không?”. Con trâu nhận ra tiếng bà, nó lại khua cặp sừng nhọn hoắt vào gióng cửa chuồng. Tiếng khua nghe có vẻ không mừng rỡ như mỗi khi sáng sớm bà tới gọi nó và cho nó ăn cỏ. Tiếng khua đêm nay nghe lục cục, lục cục. Bà Vượng đã tới chuồng trâu. Bà sững người lại bởi ở đó gió thổi vào lạnh buốt tai. Bà Vượng trùm lại khăn trùm đầu, bà xoa xoa đầu con trâu rồi nói: “Để u tìm cái chiếu che cho trâu nhé”.
Nói vậy, bà quay vào nhà phân vân một hồi rồi dứt khoát kéo chiếc chiếu trên giường, bà cuộn chiếu lại đem ra chỗ chuồng trâu. Đêm đen kín mít, gió bấc hun hút. Bà Vượng cuống quýt lần sờ tìm cách móc treo chiếc chiếu. Vẫn còn có chỗ chưa kín. Bà Vượng lại quay vào nhà, bà sục sạo tìm trong buồng xem có gì có thể dùng để che tạm chuồng trâu được không. Khổ, nhà neo người nên tìm mãi chưa ra. Cuối cùng, bà Vượng chợt nhớ ra còn tấm ni lông in hoa vốn dùng để trải bàn mỗi khi giỗ, tết. Chần chừ rất lâu, bà Vượng nghĩ: “Con trâu nó bị lạnh, sợ mai không đi cày được. Với lại thấy nó ốm, không khéo mình bị trừ điểm mất”.
Sợ trừ điểm, sợ làm mất thi đua của hợp tác nên bà Vượng bỏ qua ngần ngừ. Bà mang tấm ni lông in hoa ra căng che nốt chỗ còn chưa kín ở chuồng trâu. Được che kín gió nên con trâu đỡ dần khua sừng lục cục. Nó giậm giậm chân như muốn nói rằng giờ nó đã ấm rồi. Bà Vượng mỉm cười, bà lại quay vào nhà, bưng thau nước ấm đã pha muối trước đó định ngâm chân cho đỡ đau tê. Bà đặt thau nước ấm trước cửa chuồng rồi khẽ kéo kéo đầu con trâu lại thau nước. Con trâu chừng đã hiểu, nó vục mõm vào thau nước uống chùm chụp.
Sáng nay người thợ cày lại đến, ông há hốc mồm nhìn chuồng trâu được căng tấm ni lông in hoa cùng chiếc chiếu còn lành lặn. Điều này hơi hiếm thấy, ông thợ cày vỗ vỗ tay lên trán, cất giọng oang oang: “Nhất con trâu nhà bà đấy. Chuồng đẹp như buồng cô dâu ngày cưới vậy”. Nghe ông thợ cày nói thế, bà Vượng ngường ngượng. Bà thoáng nghĩ, đợi thằng Vượng được trên cho về phép phải bắt nó lấy vợ.
Thực ra anh Vượng không bao giờ về phép thăm nhà được nữa. Mới sớm, ông xã đội trưởng đạp chiếc xe đạp xích vừa đi vừa lắp tới trước cổng ngõ nhà bà. Ông xã đội trưởng chần chừ rất lâu mới đánh tiếng. Bà Vượng vội chạy ra, linh cảm chẳng lành khiến bà bủn rủn chân tay. Ông xã đội trưởng bước tới cạnh bà. Ông nói run run: “Chiều tối nay xã làm lễ truy điệu cho thằng Vượng. Xã mời bà đúng bảy giờ có mặt ở sân đình”.
Ông xã đội trưởng nói xong như chỉ sợ đứng thêm ít phút nữa thì khóc mất nên vội vã nhảy lên xe đạp đạp đi. Bà Vượng khuỵu người xuống. Bà nghĩ ngay tới cô Cúc, con gái ông bà Trịnh người trong làng. Từ hôm nảy ra ý định cưới vợ cho anh Vượng, bà Vượng đã nhờ người mai mối. Bà mai đã tìm cho bà cô Cúc, cô Cúc vừa tròn đôi chín, mặt trái xoan, nước da trắng hồng. Cúc vừa trúng tuyển vào trường sư phạm 10+2 của tỉnh. Thực là một cô con dâu hơn cả mơ ước.
Vậy mà… Bà Vượng vịn tay vào bờ tường đứng dậy. Mắt bà vẫn tối sầm, đầu óc vẫn quay quay. Chợt có tiếng sừng trâu khua cọc cọc. Tiếng khua sáng nay không mừng rỡ như khi bà Vượng đem cỏ tới cửa chuồng. Mà cũng không lục cục kiểu bị gió lạnh như khi chuồng trâu chưa che kín. Tiếng khua cục cục như tiếng người đang an ủi. Bà Vượng tỉnh hẳn. Bà bước những bước chân còn run tới bên chuồng trâu. Bà cất tiếng: “Trâu ơi! Trâu à!…”, giọng bà nghẹn lại. Sáng đã lên tỏ, con trâu lại khua cặp sừng nhọn hoắt vào gióng cửa chuồng. Bà Vượng nhìn lên, đôi mắt của con trâu đỏ ngầu, từ trong đôi mắt ấy đang chảy ra những giọt nước mắt.
Ngày 18-1-2021
Nguyễn Trọng Văn (Quân đội nhân dân cuối tuần)