Tìm lại dấu chân trâu tuổi thơ

Tìm lại dấu chân trâu tuổi thơ tuổi nhỏ, ai ở quê miệt vườn, miệt rẫy, miệt đồng (hay miệt giồng) đều biết dấu chân trâu. Đó là thời kỳ vàng son của cây lúa nước từ lúc gieo hạt giống, nẩy mầm thành cây mạ đầu mùa mưa. Cây mạ được nhổ lên trên ruộng cạn cấy xuống ruộng sâu thành cây lúa. Lúa nở bụi, trổ đòng đòng ngậm sữa thành nhánh lúa non, lúa sẽ thành hạt gạo trắng bọc vỏ vàng bên ngoài được gặt, đập, cộ, gánh về sân nhà phơi cho khô đem “ví” vào bồ.

Tìm lại dấu chân trâu tuổi thơ
Tìm lại dấu chân trâu tuổi thơ

Khi tôi còn nhỏ thường chơi trốn tìm (cút bắt, năm mười) với bạn bè trang lứa chạy trốn, ẩn nấp quanh bồ lúa. Nhà hết gạo ăn, lúa được mang đi xa, tận phố chợ có nhà máy xay lúa để chà thành gạo. Khi chưa có nhà máy chà gạo, nhiều nhà có cối xay lúa xoay tròn đổ lúa vô xay ra thành hai thứ gạo: gạo trắng và gạo lức. Gạo trắng nấu thành cơm để người ăn, gạo lức nấu với cám thành cháo cho heo ăn. Muốn heo mau lớn người ta xắt cây chuối thành từng khoanh mỏng, bầm nhuyễn cho vào nồi cháo cám nấu thành món cháo heo. Thịt heo ngày xưa ngon và sạch đâu cần gì có thuốc tăng trọng.

Nhưng thứ tôi muốn đi tìm lại trong ký ức tuổi thơ đã mất có liên quan tới cây lúa, hạt gạo, nồi cháo heo lại là… dấu chân trâu. Đó là thời kỳ đồng ruộng sau khi gặt xong, chân cây lúa còn lại trên đồng ruộng trống gọi là rạ, cây lúa được gặt đập lấy hết hạt lúa gọi là rơm. Rơm được chất sau nhà dành cho trâu bò ăn khi mùa khô gọi là cây rơm. Tuổi nhỏ ở làng quê ai cũng biết cây rơm, con nít nô giỡn, trốn tìm quanh cây rơm, trai gái mới biết yêu hẹn hò ra cây rơm. Rơm được rút dần cho trâu bò ăn thay cỏ từ mùa khô tới giáp mùa mưa thì trơ ra chân cây rơm oai mục, mưa xuống sẽ mọc lên một loài nấm ăn rất ngon gọi là nấm rơm. Đó là nấm tự nhiên, sau này người ta khai thác nấm rơm bằng cách lấy rơm sắp thành luống, gieo men nấm rơm lên chờ ngày thu hoạch nấm rơm.

Để lại trên đồng ruộng khi nước bị sức nắng nóng làm cho bốc hơi khô dần là dấu chân trâu chi chít lõm xuống lớp đất bùn khô nẻ. Khi nước trên đồng ruộng chưa rút hết dưới dấu chân trâu là… cá mắc cạn. Trẻ con và người lớn vai mang giỏ, tay xách nơm ra tìm dấu chân trâu nào có nước đục úp nơm lên, tay mò dưới dấu chân trâu sẽ bắt được cá lóc, cá rô mắc cạn. Hết mùa bắt cá mắc cạn trên đồng khô, dưới dấu chân trâu đầy kẽ nứt, liên thông với nhau thành một thứ “địa đạo” cho lũ dế đá trốn. Trẻ con muốn bắt dế đá dưới dấu chân trâu cầm hai tay 2 cái que để chặn đầu bắt những con dế đá dưới kẽ nứt lỗ chân trâu về tuyển lại những con dế chiến nuôi thành “dũng sĩ dế đá” cáp độ với dế của bạn bè trang lứa.

 

Mùa mưa xuống, cỏ năn mọc lên xanh tươi trên đồng ruộng, dưới lỗ chân trâu có gì? Đó là cá lia thia bắt cặp, kết đôi sinh sản, đóng bọt làm ổ phun trứng lên bọt, nở thành cá lia thia con. Trẻ con lại có thú vui vớt cá lia thia về tuyển lại, nuôi thành những con cá lia thia chiến cáp độ đá với nhau. Muốn bắt cá lia thia, trẻ con cần có một chai lít hoặc chai xị đổ nước mưa sẵn khi ra đồng tìm bọt cá lia thia vớt cá lên bỏ vào chai mang về. Vớt cá lia thia cũng cần khéo léo của hai bàn tay, kinh nghiệm của người đã từng vớt hụt để cá lia thia chạy mất.

Kinh nghiệm là, bước đi thật chậm trên mặt ruộng nước lấp xấp, cỏ năn phủ kín lỗ chân trâu, lưng khom thấp xuống cho dễ nhìn, mắt mở to, căng thẳng tìm dưới lỗ chân trâu, khi thấy một cái bọt trắng hay ngả vàng (nếu ruộng nước phèn). Bọt vun lên cỡ mấy ngón tay chụm lại. Lúc này đứa trẻ con phải ngồi thụp xuống, cẩn thận luồn hai bàn tay xuống lỗ chân trâu, dưới ngay cái bọt cá lia thia hất ngược lên từ từ sẽ túm được con cá lia thia trống kỳ vĩ rất đẹp bỏ vào chai nước mang theo. Nếu không cẩn thận con cá lia thia trống sẽ chạy mất rất khó tìm bắt lại.

Nhưng tất cả đó chỉ là ký ức tuổi thơ tuyệt đẹp của đứa trẻ con quê làng ngày xưa khi đồng ruộng còn trồng lúa, nhà nông còn nuôi trâu để cày bừa, cộ lúa, đạp lúa… Bây giờ quê tôi không ai nuôi trâu bò nữa vì đồng ruộng đã lập vườn hoặc cải tạo thành ao nuôi tôm công nghiệp. Trẻ con quê tôi bây giờ có thể đã không còn biết dấu chân trâu là gì, thú vui bắt cá cạn, bắt dế đá, bắt cá lia thia dưới dấu chân trâu theo mỗi mùa mưa nắng cũng không biết. Nhưng cả người biết, giờ đi tìm lại dấu chân trâu cũng không biết tìm ở đâu. Làng quê tôi bây giờ không còn bóng dáng con trâu, con bò quen thuộc. Người quê đã ăn gạo chợ. Tôi muốn nuôi gà, nuôi vịt, nuôi ngỗng cũng không biết tìm rơm ở đâu về lót ổ cho chúng.

Theo Từ Kế Tường (Báo Công an TP HCM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *