Thử giải mã hình tượng trâu vàng trong những huyền tích ở đất Thăng Long xưa

Hà Nội có nhiều địa danh gắn liền với biểu tượng trâu vàng như: sông Kim Ngưu, đền Kim Ngưu, Hồ Tây … Thế nhưng ít người hiểu rõ tại sao hình tượng trâu vàng lại xuất hiện nhiều và gắn chặt với mảnh đất ngàn năm văn vật này đến vậy.

Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến ngôi đền Kim Ngưu – một địa danh gắn với sự tích thờ thần Kim Ngưu trong truyền thuyết mà không nhiều người trẻ ở Hà Nội biết đến. Thoảng trong tiếng chuông Phủ Tây Hồ và không khí đầy mê hoặc của huyền tích xa xăm, bức tranh lịch sử về vùng đất và con người nơi đây dần hiện lên rõ rệt.

Vừa lần dở những trang trong cuốn sách “Làng Tây Hồ, Phủ Tây Hồ” của tác giả Hoàng Giáp – Trương Công Đức, ông Trương Tín Hồi (74 tuổi), Trưởng tiểu ban quản lý di tích phủ Tây Hồ vừa kể: “Đền Kim Ngưu nằm trong quần thể di tích phủ Tây Hồ, tọa lạc trên một gò đất cao sát bờ đông Hồ Tây (phường Quảng An, quận Tây Hồ). Đền xây theo kiểu chữ đinh, bên ngoài ba gian bái đường, bên trong hai gian hậu cung thờ dọc, tường hồi bít đốc, bào trơn đóng bén. Tương truyền ngôi đền được xây dựng cách đây cả nghìn năm”.

Theo ông Hồi, thần Kim Ngưu (trâu vàng) được thờ trong đền hiện nay đã được nhiều sách ghi chép như: Bắc Thành dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí, Thăng Long cổ tích khảo, Tây Hồ chí … Tuy nhiên, hình tượng trâu vàng xuất hiện trong văn hóa của vùng đất Thăng Long xưa có sự liên kết rất chặt chẽ với nhau.

Ông Trương Tín Hồi đang giới thiệu ngôi đền với phóng viên

Sách Lĩnh Nam chích quái chép như sau: “Núi Tiên Du (Bắc Ninh) có tinh trâu vàng nửa đêm thường tỏa sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu. Trâu bỏ chạy húc vào làm sụp đất. Nơi đó là thôn Húc sau này. Sau đó, trâu chạy qua địa phận Văn Giang (Hưng Yên), qua các xã Như Phượng, Như Loan, Đại Lan, Đa Ngưu … Trâu lại từ trong bến ra sông Cái, đi men phủ Lý Nhân tới sông Tô Lịch. Sau đó, trâu chạy tới Hồ Tây thì ẩn xuống hồ. Những vết chân trâu để lại tạo thành dòng chảy, gọi là sông Kim Ngưu”.

Huyền tích Kim Ngưu được ghi trên tấm bảng vàng ngay cửa đền chép rằng: “Đời Lý, thiền sư Không Lộ sang chữa bệnh cho hoàng thất nhà Tống được vua nước ấy thưởng một ít đồng đen về đúc chuông. Sau khi về nước, thiền sư cho đúc một quả chuông lớn, sau đó treo lên. Khi thỉnh, tiếng chuông ngân vang sang tận Bắc quốc. Trâu vàng của vua Tống ngỡ là tiếng mẹ gọi, phi thẳng sang nước Nam. Đến khu vực rừng lim ngoài kinh thành Thăng Long thì không còn tiếng ngân của chuông, trâu vàng bị mất phương hướng, đã quần thảo khu rừng lim sụt thành hố nước mênh mông. Thấy thế, thiền sư cũng thả luôn quả chuông đồng đen xuống hồ, trâu vàng cũng nhảy theo. Từ đó người dân lập đền thờ gọi tên là Kim Ngưu. Hố nước trâu đằm cũng được gọi là hồ Kim Ngưu (ngày nay là Hồ Tây).

Qua những huyền tích nêu trên có thể thấy sự liên kết chặt chẽ giữa ba địa danh lịch sử là sông Kim Ngưu – Hồ Tây (hồ Kim Ngưu) – đền Kim Ngưu. Tuy nhiên bóc tách những huyễn tượng trâu vàng từ những địa danh cụ thể nói trên, hậu thế chúng ta biết được những gì mà cha ông muốn gửi gắm?

Hai tượng trâu vàng trong khuôn viên đền Kim Ngưu hiện nay

Sinh thời, Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc giải thích rằng: Xét sâu xa thì có lẽ truyền thuyết trâu vàng có gốc là sự giao thoa văn hóa giữa các tộc Bách Việt (người Việt là một tộc trong tộc Bách Việt – PV) và các tộc phi Hán thuở xa xưa. Bởi tại những vùng đất mà ngày xưa là địa bàn cư trú của những tộc Ba Thục, Bách Việt ở phía Nam sông Hoàng Hà (phía Bắc là địa bàn tộc Hán) có phong tục đúc hình con trâu bằng kim khí để trấn yểm.

Có thể nghĩ là ở khu vực từ Trường Giang đổ xuôi xuống Nam thời cổ sơ có tục đúc trâu vàng (đồng) để trấn yểm. Tục đó ở mỗi địa phương được giải thích theo mỹ cảm của từng dân tộc, cũng như theo điều kiện lịch sử của từng thời điểm. Như ở Hồ Tây của chúng ta, trâu vàng được coi là thần trấn áp cáo chín đuôi từ thời Lạc Long Quân.

Còn nhớ, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền từng giải thích cho người viết bài này về hình tượng trâu vàng như sau: Hình tượng con trâu có rất nhiều ý nghĩa cả tốt lẫn xấu. Trâu vàng là chúa của loài trâu nên khi thờ con trâu vàng là người ta cầu mong cho hạnh phúc. Trái ngược với nó là con trâu trắng, người xưa có quan niệm không mang lại may mắn, thường gắn với lũ lụt. Như vậy tín ngưỡng thờ trâu vàng là một tín ngưỡng tích cực, phù hợp với nguyện vọng cầu mong một cuộc sống yên ổn của nhân dân xưa. Trâu vàng với đôi sừng cong cân phân như mặt trăng hình lưỡi liềm. Mặt trăng làm cho trai gái yêu nhau, cho giống đực giống cái gần gũi nhau. Vì thế nó thúc đẩy sự sinh sôi, phát triển và tượng trưng cho ước vọng được mùa.

Thời gian dâu bể đã phủ bóng lên lịch sử những lớp sương mờ của huyền hoặc khiến cho nhiều câu chuyện nơi đây mang vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Nhưng đằng sau những bóng mờ của huyền thoại là cả khát vọng được mùa, khát vọng được an yên, vượt qua thiên tai địch họa của người xưa. Hơn hết, khát vọng đó là khát vọng muôn đời của dân tộc Việt.

One thought on “Thử giải mã hình tượng trâu vàng trong những huyền tích ở đất Thăng Long xưa

  1. Pingback: Ông Tuấn "Trâu Vàng": Hành Trình Trở Thành Cổ động Viên Số 1 Của SEA Games » Di Sản Trâu Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *