Ông Sáu Chiến và đàn trâu trong rừng

Đàn trâu 50 con tổng trị giá hơn nửa tỷ đồng được ông Võ Văn Chiến (60 tuổi, thường gọi là ông Sáu) chăn thả quanh năm trong rừng Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam. Chúng béo tốt, khỏe mạnh nhờ được chăn thả trong môi trường tự nhiên.

Cứ 7 giờ sáng, những tia nắng đầu ngày rọi qua tán cây dầu, đàn trâu đứng dưới tán rừng đưa mắt hướng về chủ nhân. Ông Sáu Chiến dáng người nhỏ thó, chân đi dép nhựa, vai mang ba lô vải có chai nước và gói cơm cá khô trích. Ông nhanh chân đi về phía đàn trâu đang chờ.

“Trâu nuôi trong rừng khôn lắm, chúng ngửi thấy mùi người quen mới đứng yên vậy, chứ người lạ vào là nó nhảy lên như thú rừng”, ông Chiến cho biết.

Đếm qua một lượt, thấy đàn trâu không thiếu con nào, ông Sáu Chiến bắt đầu mở dây từng con, dùng gậy tre gõ vào gốc cây khô kêu lóc cóc và hô to hiệu lệnh: “Đi nào!”. Cả bầy trâu ùn ùn bước đi nhanh chân len lỏi qua khỏi tán cây nơi chúng ngủ qua đêm. Tiếng mỏ trâu vui tai hòa nhịp trên đường đi.

Cả đàn nối đuôi nhau theo đường cũ xuống suối Đá Bàn uống nước, còn ông vòng qua lùm tre gai, đi lên con đường tắt để chặn đầu khi chúng lên khỏi bờ suối. Ông cho biết, mỗi ngày trước khi đi vào rừng ăn, trâu trong đàn được ông cho dừng bên suối uống nước mát trong. Nhờ đó, chúng mới có thể đi xa cả ngày hàng chục km mà không khát.

Trong rừng luôn có cỏ xanh, lá tre, lá cây rừng… do vậy đàn trâu đi đến đâu cũng có thức ăn. Mùa mưa, các lán cỏ giữa rừng xanh mướt, phong phú chủng loại, trâu kiếm ăn rất dễ dàng. Mùa nắng, cỏ ít đi, đàn trâu đi tìm thức ăn ở quãng đường xa hơn, lên cả những triền núi cao. Mỗi chiều trở về, con nào con nấy bụng đều căng tròn.

Ông Sáu Chiến cho hay, do nuôi trong rừng lâu năm, nên trâu trong đàn có sức đề kháng tốt, ít bệnh. Chúng cũng đánh hơi và nhớ đường rất giỏi. Những thời điểm do bận công việc mùa vụ, đàn trâu không có người chăm, ông phải thả cho chúng đi kiếm ăn tự do trong rừng sâu. Có khi ông để chúng vào rừng gần cả tháng, xong việc đồng áng, ông mới lên đem về. Mỗi con trâu đều được chủ đặt tên và thuộc tên từng con, gọi riết chúng quen tiếng ông gọi. Những lần trâu mải mê đi ăn trong rừng sâu chưa về, ông rảo bước lên núi tìm, hú gọi. Biết chủ gọi, từ trong các lùm cây, vách đá, chúng chạy đến đứng vẫy đuôi trước mặt ông như thể trình diện chủ nhân. Ông lùa những con lạc đi về hướng cả đàn đang gom tụ, rồi xuống núi. “Có hôm cả đi lẫn về phải 50 – 60 cây số”, ông Chiến nói.

Dù chăn thả trong rừng, nhưng từ trước đến nay đàn trâu của ông chưa từng bị mất con nào. Theo ông Sáu Chiến, trâu nuôi trong rừng rất khó bị mất trộm, vì chúng chỉ nghe lời chủ. Dù có ai đó cầm dây kéo mũi đi, chúng vẫn ghì lại, không theo ý người lạ. Thậm chí, khi thấy nguy hiểm, chúng sẽ giương sừng báng kẻ lạ như trâu rừng.

Ông Sáu Chiến cho biết gia đình ông bắt đầu nghề nuôi trâu cách đây hơn 15 năm. Lúc đầu, ông chỉ làm rẫy. Vùng cao này không có nước thủy lợi, tùy thuộc nước trời, mỗi năm chỉ làm 1 vụ. Thời gian nhàn rỗi nhiều, nên ông cùng vợ quyết định mua trâu nuôi. Ban đầu mua 3 con, sau mua thêm 6 con, rồi đàn trâu dần dần tăng lên hơn chục con.

Những năm sau, mấy con trâu cái lớn lên, chúng sinh sản, đàn trâu càng lúc càng đông đúc. Nếu đàn có số lượng vượt quá 50 con, ông sẽ bán bớt để dễ bề chăm sóc. Hiện cả trâu trưởng thành lẫn nghé trong đàn này có tổng trị giá 600 – 700 triệu đồng. Ông Sáu nói rằng lúc kẹt tiền lắm hoặc lúc đàn đông quá, gia đình mới bán bớt. Ông để lại nuôi nhiều, vì theo ông, đây là niềm vui tuổi già của ông. “Đi trong rừng hàng ngày với chúng, thấy cuộc đời thanh thản lắm, bán chúng hết lấy tiền để đó cũng không làm gì, buồn thêm”, ông nói.

Ngoài chăn trâu, những năm qua, ông Sáu Chiến còn tham gia vào lực lượng giao khoán bảo vệ rừng địa phương. Ông cùng người dân xã Mỹ Thạnh thường xuyên có mặt trong những cánh rừng tự nhiên để ngó chừng người lạ đột nhập, góp phần cùng lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng tại địa phương.

“Ông Sáu Chiến thuộc lòng từng ngõ ngách trong rừng, nhớ chi tiết từng khu vực có các loài cây gỗ quý. Nhờ ông và bà con trong làng dân tộc Rai, công tác bảo vệ rừng đã phát huy hiệu quả thông qua những tin báo có giá trị”, ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng trạm bảo vệ rừng Đèo Nam (quản lý khu vực rừng Mỹ Thạnh) cho biết.

Ảnh đầu bài: Ông Sáu Chiến đang buộc trâu lại trong lán rừng sến sau làng Rai (xã Mỹ Thạnh)

Khải Nguyên (Báo Bĩnh Thuận) http://www.baobinhthuan.com.vn/doi-song/ong-sau-chien-va-dan-trau-trong-rung-134013.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *