Hố trâu đầm giữa cánh đồng

Một bầy trâu nằm trong vũng nước giữa cánh đồng trơ gốc rạ mục ruỗng. Quê tôi gọi là hố trâu đầm. Chữ “đầm” mới thật hay, gần như là đắm mình, gần như là đằm đẹ yên tĩnh.

Vãn vụ lúa, thỉnh thoảng đi qua một cánh đồng trơ gốc rạ mục ruỗng, chợt vui khi gặp cảnh một bầy trâu nằm trong vũng nước.

Vui vì giữa cánh đồng tưởng đang thiếu sức sống ấy vẫn có những quẫy động, dù rất nhẹ như cái ve vẩy đuôi khoái chí.

Những cái hố kiểu đấy, quê tôi gọi là hố trâu đầm. Chữ “đầm” mới thật hay, gần như là đắm mình, gần như là đằm đẹ yên tĩnh.

Mấy cái hố đó thực ra là hố bom từ thời chiến tranh. Nói không quá, bây giờ Quảng Trị chắc là nơi còn nhiều hố bom nhất.

Chiến tranh đi qua vùng đất này, tàn khốc là chuyện sách sử đã ghi. Đây còn là nơi có những cánh đồng trồng lúa lớn chưa bị quy hoạch đô thị lấy mất, chưa bị san lấp xây dựng.

Cỡ hai chục năm về trước, những sớm tinh mơ, ba tôi thường vác dăm cái rớ nhỏ đi ra đồng cất tép. Những cái rớ đơn giản làm từ tre và vải màn cũ. Mồi câu tép là cám lợn rang cháy được tẩm quanh hòn đất dẻo.

Chỉ cần đặt cái rớ xuống hố bom, thả hòn đất tẩm cám, hồi lâu dùng sào tre móc rớ lên là đã có một mớ tép tươi nhảy tách tách rất vui.

Mỗi lần ba tôi cất rớ được chừng một tô tép, chia làm hai phần. Một phần kho mỡ cất trưa ăn, còn một chén tép thả vào nồi cháo gạo trắng là có bữa sáng ngon lành. Cháo tép đồng ngọt nước, ăn ngon nhức răng.

Hố bom nằm giữa đồng, xung quanh là ruộng lúa có chủ, nhưng hố bom không thuộc về ai cả. Ai muốn xưng chủ chỉ cần thả vào đấy vài cái chuôm nè sơ sài, coi như năm đó được quyền tát cá.

Thế nên mấy cái hố bom sót lại vừa như chứng tích, vừa như là chỗ có thể kiếm sống được, coi như một bồi đắp hời hợt từ chiến tranh.

Xong mùa gặt, đồng cạn, chỉ còn mấy cái hố bom luôn đầy nước. Cá đồng theo những ngạch nước nhỏ tìm về hố bom.

Người ta dùng xe đạp nước, dùng gàu sòng tát nước liên tục một đêm, tới sáng hố bom trơ đáy, lộ ra đủ thứ cá đồng. Thường những năm có lũ lụt thì sau đó cá càng nhiều và to. Người xưng chủ hố bom xúc cá đem bán, đem cho hàng xóm láng giềng, ai cũng được phần.

Trẻ con chúng tôi cũng được phần, nhưng phải là tự xuống mò bắt, gọi là bắt hôi. Sau khi người ta bắt gần hết cá lớn, một người bảo: “Cho tụi bây xuống bắt hôi”.

Những đứa trẻ đứng quanh hố nhào xuống hào hứng. Cởi cái áo thun ra buộc lại thành một cái túi để đựng cá. Quẫy chừng tiếng đồng hồ thì áo đứa nào đứa nấy căng đầy cá lẫn bùn đất, cỏ rác.

Thường chúng tôi bắt được những mớ cá nhỏ, cá lia thia, hay đào được cá dét trốn dưới bùn. Có đứa may mắn cũng bắt được những con cá lớn chui lủi trong rìa cỏ ven bờ hố.

Qua từng năm, những cái hố bom cạn hơn vì đất bùn từ ruộng chảy xuống. Những cái rớ cất tép thả xuống thấy trơ lên vó gọng. Không còn ai thèm đặt những cái chuôm nè xưng chủ nữa.

Mấy ông già ở quê cười bảo vô lý chưa, cá tự nhiên không cần đầu tư chăm sóc mà lại đắt đỏ hơn cá nuôi trang trại. Nhưng đắt là đúng rồi vì thịt cá đồng ngon và chắc, cá đồng lại cạn kiệt dần bởi thuốc hóa học.

Mỗi năm hai vụ lúa, nông dân mấy lần phun thuốc diệt cỏ, mấy lần phun thuốc trừ sâu, chân người lội qua ruộng bị dị ứng ghẻ lở, huống nữa là sinh vật sống kiếp đời ở đó.

Cá trên ruộng tuyệt diệt, lấy đâu chui được tới mấy cái hố bom.

Người ta cũng không còn mặn mà tát hố bom, trẻ con thì bị cấm hẳn chuyện xuống bắt hôi vì các chai lọ chứa thuốc hóa học nằm dưới lòng hố. Người đi phun thuốc tới chỗ này pha chế súc rửa, tiện tay ném bao bì chai lọ.

Xui rủi xuống hố, có khi đạp nhầm mảnh vỡ đứt chân nhiễm trùng. Những cảnh cất tép, cảnh tát đìa bắt cá, cảnh trẻ nít bắt hôi ít dần rồi mất hẳn. Người xa quê trở về không tìm thấy những ký ức hồn nhiên ấu thơ khi đi qua đồng dù hố bom vẫn còn đấy.

Ôi những cái hố bom không thuộc về ai, không bị ai lấn chiếm khai hoang như mấy đám đất ven nghĩa địa, nhưng lại vô tình bị thủ diệt.

Hình ảnh một làng quê đẹp trong ký ức khuyết một phần hoang dã, tự nhiên. Đâu có mấy ký ức sống nổi trong một môi sinh bị nhiễm bẩn.

Thế nên trưa nay đi về qua đồng, cảnh bầy trâu đầm mình trong hố bom khiến tôi vui lạ. Tôi chụp mấy tấm ảnh, biết đâu sau này đến cả trâu cũng không đầm mình nổi trong cái hố mang tên mình.

Hoàng Công Danh Tuổi trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *