Quay đầu trâu là phong tục độc đáo được lưu truyền từ đời này qua đời khác trong cộng đồng người S’tiêng. Khi kinh tế khá giả, người S’tiêng có thể mời một gia đình trong dòng họ hoặc hàng xóm tổ chức lễ quay đầu trâu. Để tổ chức lễ, gia chủ phải chuẩn bị trong một thời gian dài, có khi cả một đời người cũng chưa chuẩn bị xong. Chúng tôi may mắn được dự lễ quay đầu trâu tại nhà ông Điểu Thanh ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập).
Hai đời người – một ngày lễ
Trước đây, cha ông Thanh nhận lời tổ chức quay đầu trâu với thông gia. Tuy nhiên, đời cha không trả được nên ông Thanh là con cả phải đứng ra trả thay. Để thực hiện ý nguyện này, ông Thanh chăm chỉ lao động, kiếm tiền mua trâu về nuôi để chọn 2 con trâu to béo làm thịt trả lễ. Tổ chức một buổi lễ quay đầu trâu tốn trên dưới 100 triệu đồng nhưng gia đình ông Thanh không đặt nặng vấn đề tiền bạc. Ông Thanh cho biết: “Đây là dịp để con cháu trong gia đình báo hiếu cha mẹ đã có công sinh thành, nuôi dưỡng. Do lễ quay đầu trâu đến đời thứ hai mới trả được nên mình phải tổ chức trang trọng hơn”.
Gia đình ông Thanh có kinh tế khá tại thôn 3. Ngoài 2 con trâu, ông Thanh còn chuẩn bị 2 con heo và một đàn gà để đãi khách trong những ngày lễ. Công phu nhất là khâu chuẩn bị rượu cần để mời bà con, đồng bào trong thôn đến chung vui. Trước lễ 2 ngày, chúng tôi vào thăm nhà ông Thanh thì mọi thứ đã chuẩn bị chu đáo. Lúc này, ông Thanh đang kiểm tra 10 tố rượu cần, khoảng 1.000 lít dùng cho ngày lễ. Để có 10 tố rượu cần ông Thanh phải chuẩn bị gần 2 tạ gạo và nhiều ngày công vào rừng tìm lá, vỏ cây về làm rượu. Loại rượu cần ông Thanh đãi khách có phần đặc biệt hơn những chum rượu mua ở ngoài thị trường. Yếu tố tạo nên sự khác biệt này là nguyên liệu làm từ lá, vỏ cây rừng để rượu lên men tự nhiên. Gạo làm rượu cũng được ông Thanh chọn mua loại tốt nhất. Nhưng đặc biệt hơn cả là nguyên liệu làm rượu được đựng trong những chiếc tố truyền thống của người S’tiêng. Chính vì vậy, rượu luôn được giữ ở nhiệt độ ổn định và lên men tự nhiên.
Trước ngày diễn ra lễ quay đầu trâu khoảng 1 tháng, ông Thanh thông báo cho gia đình được trả lễ biết. Mặt khác, hằng đêm ông Thanh cùng người thân trong gia đình đánh cồng chiêng báo hiệu cho dân làng biết nhà mình sắp tổ chức lễ để đến chung vui.
Màn chào hỏi có một không hai
Trước lễ 1 ngày, những chàng trai khỏe mạnh trong làng đến giúp gia đình ông Thanh dựng cây nêu, chôn cọc cột trâu. Cây nêu của người S’tiêng khá đặc biệt, phần chân nêu gắn thêm một tấm gỗ có nhiều hoa văn khá độc đáo, trên ngọn nêu có một chú chim làm bằng gỗ. Cọc buộc trâu làm bằng cây rừng được chôn sâu xuống đất, những con trâu trưởng thành cũng không thể nhổ cọc lên được. Trâu được cột vào cọc bằng những sợi dây lấy ở rừng to gần bằng cổ tay. Phụ nữ trong làng mỗi người một việc, người xuống suối lấy nước đựng đầy các ống lồ ô gùi về xếp xung quanh khu vực làm lễ, những người khéo tay rót rượu cần vào ống lồ ô, gói cơm bằng lá bục để mời khách vào buổi chiều. Ông Thanh cũng khá bận rộn với việc chuẩn bị thuốc lá và trầu để mời khách. Người mặc đẹp hơn cả là con gái lớn của ông Thanh. Cô khoác lên mình bộ váy truyền thống của phụ nữ S’tiêng.
Khi mặt trời xuống phía sau vườn điều cũng là lúc gia đình ông Thanh đón khách. Con gái lớn cùng vợ ông Thanh tay bưng trầu, tay cầm ống lồ ô rót đầy rượu cần cùng những người phụ nữ trong dòng họ ra đứng đầu ngõ đón khách. Lúc này, những thanh niên trai tráng trong làng đánh cồng chiêng và nhảy múa làm sôi động khắp buôn sóc. Khu vực đón khách là vườn điều khá bằng phẳng, rộng khoảng 0,5 ha. Theo giờ hẹn, những vị khách đến đầu ngõ cách nhà ông Thanh khoảng 100m thì dừng lại. Sau đó, hai bên khách và chủ cùng đánh cồng chiêng vang vọng núi đồi miền sơn cước khoảng 15 phút rồi bất ngờ chạy ùa vào nhau. Tiếp đó, con gái lớn của khách sẽ được con gái lớn ông Thanh tiếp rượu. Khi vừa gặp, hai bên chào nhau bằng những màn uống rượu “đo ván”. Những ống lồ ô đổ đầy rượu cần (khoảng 1-1,5 lít) được dốc thẳng vào miệng những vị khách và ngược lại. Sau màn chào hỏi khá đặc biệt này, hai bên ngồi bệt xuống đất nói chuyện, mời trầu và hút thuốc. Lúc này, người nhà ông Thanh tiếp tục đánh cồng chiêng, mời rượu các vị khách.
Sau đó, gia đình ông Thanh cùng những vị khách tập trung quanh 2 con trâu đã cột sẵn để chuẩn bị làm lễ. Dòng người múa cồng chiêng chung quanh rồi lên ngồi trên những chiếc sạp được làm bằng lồ ô đã bày rượu cần và bữa cơm tối sẵn. Khi màn đêm buông xuống, ngọn lửa hồng được đốt lên ngay cạnh hai con trâu, mọi người vừa uống rượu vừa múa hát trong tiếng cồng chiêng vang vọng khắp vùng. Cứ vậy, mọi người thay phiên nhau nhảy múa đến sáng hôm sau.
Độc đáo ngày lễ
Vào ngày chính lễ, mọi người tập trung xung quanh 2 con trâu và nhảy múa theo nhịp cồng chiêng. Ông Thanh bắt đầu lễ cúng các thần linh theo nghi thức truyền thống của người S’tiêng. Sau khi hoàn thành mọi thủ tục, ông Thanh và người được trả lễ cầm cây xà gạc (một loại dao) chặt mạnh 2 chân sau để trâu quỳ xuống trước cây nêu. Trước khi phóng lao giết con trâu, ông Thanh tiếp tục khấn vái một hồi lâu.
Ngay khi 2 con trâu khụy xuống, gia đình ông Thanh và người được trả lễ kiểm tra xem con trâu được trả lễ có to bằng con trâu ngày xưa của hai gia đình hay không. Để xác định trâu to hay nhỏ, người S’tiêng dùng một sợi dây đo vòng tròn cổ trâu. Sợi dây càng dài chứng tỏ trâu càng lớn. Cách xác định trâu to, béo đã “cổ” nhưng cách lưu truyền chiều dài sợi dây đo cổ trâu lại càng “cổ” hơn. Người S’tiêng dùng chiều dài sợi dây đo cổ trâu đo từ ngón tay trỏ đến khớp khuỷu tay một số người trong gia đình hai bên. Những người đo sẽ nhớ cổ trâu có chiều dài mấy lần từ khuỷu tay đến ngón tay trỏ mình. Những người này khi một trong hai gia đình giết trâu quay đầu lần sau sẽ có mặt để chứng kiến và đo kích thước con trâu.
Sau màn chào hỏi khá đặc biệt, các vị khách ngồi bệt xuống đất vì uống một lúc quá nhiều rượu
Giết trâu xong, ông Thanh cắt đầu trâu đặt dưới cây nêu để cúng các vị thần. Những người trong gia đình dùng dao rạch da trâu tạo thành chiếc bạt để mổ trâu. Những người được trả lễ đặt thịt lên một cái sạp có đốt lửa ở dưới để bảo quản lâu hơn. Ngoài số thịt được chia cho hai gia đình, ông Thanh chia thịt cho những người dự lễ để nướng và thưởng thức món thịt trâu chấm muối giã với lá quế rừng. Ngũ tạng trâu được làm sạch cho vào một nồi lớn để nấu món canh bồn (hỗn hợp gạo, ngũ tạng trâu và rau rừng) đãi khách. Những người đến dự lễ tụm năm, tụm bảy đốt lửa nướng thịt trâu ăn nhậu lai rai và dùng những chén canh bồn nóng hổi được đựng trong những ống lồ ô.
Lễ quay đầu trâu cứ thế được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người S’tiêng. Trước đây rừng nhiều, người S’tiêng nuôi trâu thả rong hằng tháng, thậm chí hằng năm mới vào kiểm tra đàn trâu và chọn những con trâu đực to nhất về làm lễ quay đầu. Nay diện tích rừng bị thu hẹp, đất ít khó nuôi trâu, muốn làm lễ quay đầu phải tốn hàng trăm triệu đồng nên nét văn hóa đặc thù này dần bị mai một.
Ảnh đầu bài: Khách và chủ nhà cùng nhảy múa quanh con trâu trước khi làm lễ
Nhất Sơn Báo Bình Phước https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/96493/le-quay-dau-trau—net-dep-van-hoa-cua-nguoi-stieng