Nữ giám đốc “chọi trâu”

Nữ giám đốc “chọi trâu”: Coi chọi trâu giữa Sài Gòn đã là chuyện lạ – mà còn là ở một sân vận động chuyên nghiệp có mái che hiện đại, sức chứa 5.000 khán giả mới ghê.

Nhưng chuyện một nữ giám đốc chịu nghiên cứu tìm tòi, học đủ “25 chước chọi trâu”, bỏ ra gần 7 tỉ đồng để thực hiện ước mơ của… chồng thì đúng xưa nay hiếm.

Sân chọi trâu Long Bình nằm cách con đường nhựa dẫn vào khu du lịch Suối Mơ (nơi xem hải cẩu và sư tử biển diễn xiếc) chừng 500m. Theo cái biển chỉ dẫn bé tẹo từ xa lộ Hà Nội rẽ vào con đường cạnh Nghĩa trang liệt sĩ TP là tiến vào sân chọi.

May mà hôm nay đúng dịp có tổ chức chọi trâu, đoàn người hiếu kỳ (có nhiều khách là người nước ngoài) vào xem khá đông nên chúng tôi không phải tìm kiếm lâu. Từ khúc ngoặt 200m trong làn bụi đỏ mù mịt, giữa bãi đất trống hoác mênh mông, một sân vận động bêtông cốt thép khổng lồ, mái che màu xanh da trời sừng sững hiện ra.

Thấp thoáng trên khán đài A, một phụ nữ khá trẻ, ra dáng… bà chủ, vẻ sốt ruột đi ra đi vào, miệng không ngừng chỉ đạo qua cái bộ đàm cầm tay. Hồi sau, khi được giới thiệu chúng tôi mới “à thì ra” chị chính là nữ giám đốc 39 tuổi Nguyễn Thị Hạnh – doanh nghiệp tư nhân Sỹ Đăng.

xu9mbcXC.jpg
So tài “một mất một còn”

* Với “cái đầu” của một doanh nhân thiếu gì ngành “quí tộc” hơn sao chị lại chọn kinh doanh mặt hàng khá “góc cạnh” đối với một nữ giám đốc?

– (Cười) Tại… ông xã mình mê quá. Năm nào ổng cũng ra Đồ Sơn coi cho bằng được. Tôi hỏi cắc cớ chọi trâu có hấp dẫn hơn… vợ không. Ổng cười hì hì rồi… xách vali lên máy bay. Tức quá tôi thu xếp việc nhà, gửi con rồi theo chồng ra Đồ Sơn. Vài lần thì… ghiền luôn. Mỗi lần đi là một lần tức anh ách: tại sao dân Sài Gòn phải tốn quá nhiều tiền tàu xe đi về, đăng ký nhà nghỉ khách sạn, chưa kể nhiều người còn bị “chém” vì lạ nước lạ cái… Lúc đó trong đầu tôi xuất hiện ý nghĩ: tại sao Sài Gòn lại không có một sới chọi?

* Nói tới “sân chọi trâu giữa Sài Gòn” của chị nghe cũng khoái, nhưng 6-7 tỉ đồng vốn bỏ ra chẳng phải là con số nhỏ. “Tầm nhìn xa trên 10km” của chị như thế nào? Tình hình có khả quan không?

– Mình có liều nhưng liều có tính toán. Từ ý tưởng đến khi cầm bản thiết kế hoàn chỉnh trong tay cũng phải mất 5-6 năm. Có niềm tin thì thấy công việc khả quan. Sân chọi (diện tích khoảng 2ha) được xây dựng ngay trong khuôn viên công viên lịch sử văn hóa dân tộc. Khi công viên hoàn thành thì sân chọi sẽ góp phần không nhỏ vào hoạt động chung, vì so với các loại hình văn hóa dân tộc thì chọi trâu là một trong những thể loại hấp dẫn du khách nhất.

Hiện nay, lịch thi đấu cứ hai tuần một lần vào ngày chủ nhật đầu và giữa tháng lúc 15g30 (giá vé có nhiều loại: 20.000, 40.000, 70.000, 100.000 đồng). Kế hoạch trước mắt là tổ chức hằng tuần. Công ty cũng đang lên chương trình tổ chức các giải chọi trâu – trâu chọi cho nông dân các vùng lân cận tham gia. Nông dân nào có trâu chiến đều có thể mang đến thi với nhau. Về lâu dài sẽ tạo thành phong trào và qua đó loại hình giải trí dân gian độc đáo này sẽ được nhân rộng hơn.

* Nghe nói chị học được tới 25 “tuyệt chiêu” để… coi tướng trâu?

– Nghề nào thì việc nấy thôi mà. Không biết xem tướng trâu thì lỗ chết. Có con coi mặt hiền lành nhưng xung trận là đấu tới bến. Có con đạt tiêu chuẩn “hoa hậu” như tóc xù, mắt ti hí, eo thon, chân ngắn, đít lồng bàn… nhưng chưa đấu đã thua phải đem bán xẻ thịt (lỗ toi mười mấy triệu).

hAdVGMF5.jpg
“Sân vận động” chọi trâu

Còn cách xem tướng, cách chăm sóc, dạy võ cho trâu thì để ý học từ mấy chú nài là ra hết. 24 con trâu đấu hiện nay đều có nguồn gốc “bốn phương tám hướng” vì trâu Sài Gòn chẳng còn bao nhiêu.

Để tuyển “vận động viên”, hai vợ chồng tôi đi khắp nơi từ Đồng Nai, Long An, Kiên Giang, Tây Ninh, Bình Phước rồi đến Đắc Lắc, Gia Lai. Coi hàng trăm con chọn được 1-2 con là mừng. Có chuyến đi mấy ngày trời coi tai coi chân hàng trăm con cũng đành về tay không.

Sới chọi có mái che màu xanh da trời, ghế ngồi, lối ra vào, cửa thoát hiểm, văn phòng… giống y như sân bóng đá. Chỗ khác biệt nhất là ở hai bên khán đài có hai lối đi ăn thông ra chuồng trâu (để dẫn trâu ra đấu). Đặc biệt là có cửa “thoát hiểm” dành riêng cho trâu bại trận (vì khi thua trâu chạy với tốc độ rất cao).

Còn đối diện với khán đài A có một gian rộng thiết kế riêng để chỗ cho cái máy cày to đùng. Nữ giám đốc hề hà: “Để ủi mấy con trâu lì quá đó mà”. Thì ra có nhiều trận nài cũng đành bó tay vì cặp trâu cứ ngoặc sừng xáp lá cà hàng tiếng đồng hồ chẳng chịu buông nhau ra.

Ảnh đầu bài: Nữ giám đốc Nguyễn Thị Hạnh

THI NGÔN  (Tuổi trẻ )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *