Đã qua rồi cái thời lặn lội ra tận Hải Phòng để xem hội chọi trâu Đồ Sơn. Cũng qua luôn cái thời phải ngồi trước ti vi (xem truyền hình hoặc xem video) mới thấy được những cảnh trâu chọi ngoạn mục.
Giờ đây, khán giả thành phố nói riêng và miền Nam nói chung không cần phải “khổ” đến như vậy. Muốn xem chọi trâu ư? Ở ngay phường Long Bình thuộc phường 9 – TPHCM cũng có!
Đó quả thật là một “đấu trường” chọi trâu hoàn chỉnh. Sân đấu (diện tích 2 ha) nằm ngay giữa, khán đài (sức chứa 5.000 người) ôm sát bốn chung quanh, hàng rào sơn trắng đỏ bọc quanh khu khán đài một cách rất cẩn thận, mặt sân thì lởm chởm đầy cỏ và đất bùn – một môi trường thật thú vị cho các “chàng” trâu chọi. So với Đồ Sơn, Long Bình ăn đứt về cơ sở vật chất.
Mọi chuyện mới chỉ là bắt đầu với “ngành chọi trâu” thành phố (do Doanh nghiệp Sỹ Đăng phối hợp cùng Công ty Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc đầu tư). Do vậy, khó có thể đòi hỏi gì hơn ở cả người tổ chức lẫn… trâu. Cách thức tổ chức vẫn còn hơi lộn xộn, nài trâu vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong các việc dắt trâu vào sân đấu, che tầm nhìn trâu như thế nào, tách đôi một cặp đấu đã phân thắng thua… Tất nhiên, đến sân chọi trâu Long Bình, người ta cần xem trâu chọi chứ không phải xem cách người ta tổ chức!
Có lẽ do còn quá mới, còn thiếu “máu” chọi, phần lớn trâu chọi ở Long Bình vẫn còn khá… thờ ơ trong việc đọ sừng cùng nhau. Thường thì các cặp đấu rất “vô tư” trong việc nhìn ngắm khán giả và khán đài trước khi nhập cuộc. Người ta nói đây là giai đoạn trâu thăm dò nhau. Nhưng việc thăm dò đôi khi lại kéo quá dài. Thậm chí, sau giai đoạn thăm dò (hay chưa thì cũng chẳng ai biết), đột nhiên có một “kẻ” bỏ chạy dù chưa hề đọ sừng (?) Trong trường hợp này, thật khó để phân định thắng thua (theo luật, hai trâu phải đọ sừng với nhau xem như trận đấu mới bắt đầu). Thật ra, cũng có một vài cặp “chơi” rất được, nhưng số này hiện thời vẫn chưa phải là nhiều. Điều này xem ra cũng là lẽ thường mà thôi!
Cho đến giờ này, cả đấu trường có tổng cộng 20 con trâu chọi. Nhà đầu tư cho biết, họ đã phải đi khắp các tỉnh miền Tây để tuyển chọn được 20 chàng trâu như ý này. Tiêu chí “xét tuyển” là trâu phải to khỏe (xấp xỉ 700 kg trở lên), sừng không quá cong cũng không quá ngắn (để các “cú” ra đòn đạt hiệu quả), cổ phải to, bụng thon… Khi mang trâu về, lại phải qua một quá trình mài sừng ngắn bớt để giảm bớt mức độ sát thương khi trâu ra sân chọi. Quả là một “nghề” chơi (hay đầu tư) lắm công phu!
Loại hình giải trí này chắc chắn sẽ phát triển. Đó là sự khẳng định chắc nịch của nhà đầu tư. Dù sao thì, trong thời gian sắp tới, một số khiếm khuyết trong loại hình chọi trâu tại sân đấu Long Bình sẽ được cải thiện. Và tất nhiên khi đó, các chàng trâu nhà ta cũng sẽ “máu” hơn rất nhiều. Hãy ghé thử một lần đến sân chọi trâu Long Bình (ấp Thái Bình 1, phường Long Bình, quận 9 – ngay phía sau Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM), biết đâu bạn sẽ ghé tiếp lần thứ 2…
ĐỖ HOÀNG (SGGP -https://thethao.sggp.org.vn/choi-trau-dau-chi-o-do-son-177309.html)