Chuyện độc lạ về trâu Việt Nam: Từ xa xưa, hình ảnh con trâu đã gắn bó thân thuộc với cuộc sống của người Việt. Con trâu tượng trưng cho sự an lành, no đủ với tính hiền lành, chăm chỉ và mưu trí, mang đến phúc khí, thịnh vượng.
1. Đền thờ trâu
Đó là đền Kim Ngưu ở làng Tây Hồ. Làng này hiện thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đền được tạo dựng từ rất sớm, là nơi thờ thần Kim Ngưu (trâu vàng). Tín ngưỡng thờ trâu vàng cũng là một trong những đặc trưng văn hóa của người Việt bởi theo quan niệm, đây là loài vật thiêng có thể kết nối với thần linh, trấn áp yêu ma và bảo vệ cuộc sống của người dân.
Đền Kim Ngưu ở làng Tây Hồ |
Năm 1947, đền Kim Ngưu bị đạn đại bác của Pháp phá hủy. Năm 2000, đền được xây dựng lại với kiến trúc kiểu chữ Đinh, có tam quan, phủ chính, điện thờ Mẫu, sân trong và nhà khách. Trong đền hiện còn lưu giữ 32 đạo sắc phong cho thần Kim Ngưu từ thời Lê đến thời Nguyễn.
Đền Kim Ngưu có Tam quan, phủ chính, điện thờ Mẫu, sân trong và nhà khách. Trong những năm gần đây, quận Tây Hồ đã có các cuộc hội thảo khoa học về đền Kim Ngưu, để từ đó có cơ sở phục hồi một điểm di tích gắn với vùng Hồ Tây.
Đền Kim Ngưu bên bờ hồ Tây được xem à một biểu hiện của tín ngưỡng thờ trâu vàng của người dân. Qua đó, có thể thấy được giá trị văn hóa và tín ngưỡng của trâu vàng đối với văn hóa dân tộc. Người ta tin rằng, trâu vàng là một con vật thiêng, có thể kết nối với thần linh, mang lời thỉnh cầu về một cuộc sống yên ổn đến các vị thần và trấn áp yêu ma.
2. Những chuyện độc lạ về loài trâu ở Việt Nam: Rừng hồn trâu
Ở xã Thạch Lương ngược lên Nậm Tốc Tát vùng Mường Lò – tỉnh Yên Bái có một bãi đá cổ ngổn ngang hình thù những con trâu đứng trâu nằm đen trũi, từ xưa dân gọi là Rừng hồn trâu.
Vùng Mường Lò ở tỉnh Yên Bái |
Theo truyền tích trong sách chữ Thái cổ “Quam tô Mương” (kể chuyện Mường): Hai anh em người Thái Đen là Tạo Xuông và Tạo Ngần dẫn đầu đã tới vùng đất này khai phá tạo nên Mường Lò. Sau đó Tạo Ngần tiếp tục đi khai phá vùng đất tận Thái Lan. Tạo Xuông ở lại, sinh 7 người con trai, gắn bó truyền đời với vùng đất Tây Bắc.
Dưới cánh đồng lúa vàng trĩu bông, trên sườn núi hoa ban nở trắng. Tạo Xuông và Tạo Ngần mở hội để dân làng mổ trâu, giã cốm, làm cơm gạo mới, mừng khai khẩn vùng đất rộng đủ cho con cháu nối dõi sinh sống gieo trồng muôn đời.
Hồn con trâu được hóa vào đá, như biểu tượng của anh linh Tạo Xuông, Tạo Ngần và con cháu. Đó còn là biểu hiện sự sung túc: Trâu lớn, trâu bé tiếp tục sinh sôi từng bày đàn.
Trong lễ hội bên rừng hồn trâu, người Thái thổi khèn, cuồng nhiệt theo các điệu xòe và hát đối đáp bằng các điệu khắp tình tứ, ca ngợi tình yêu, ca tụng công lao khai khẩn ruộng đồng. Hàng năm dân bản làm lễ thắp hương cho hồn trâu phù trợ cho mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe.
3. Chợ trâu bò lớn nhất Đông Nam Á
Chợ Ú được xem là chợ đầu mối trâu bò thuộc diện lớn nhất Đông Nam Á giao dịch phiên cuối cùng của năm cũ tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Người dân ở đây có nghề truyền thống buôn bán trâu bò lâu đời. Nhờ chợ trâu bò mà cuộc sống của người dân khấm khá lên.
Chợ Ú ở Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An |
Chợ Ú họp mỗi tháng 6 phiên vào ngày 1, 6, 11,16, 21, 26 âm lịch. Chợ họp từ 4 giờ sáng đến khoảng 8 giờ sáng là vãn. Nguồn hàng từ các nơi trong và ngoài tỉnh cũng như từ Lào, Thái Lan, Myanmar… tập trung về.
Chợ này có khu vực trâu và bò riêng. Tại phiên chợ, trâu được người bán dắt tay hay cột vào những chiếc xe, những cột điện trên sân chợ. Người mua đi quanh một lượt, chọn được con trâu nào ưng ý thì trả giá với người mua. Cả người bán và người mua đều nói cười thoải mái. Hai bên ra giá, thỏa thuận xong thì xuống tiền ngay tại chợ.
Các thương lái ở tỉnh xa sau khi mua được trâu số lượng lớn sẽ đưa lên các xe ô tô để chở đi các tỉnh. Những con trâu chưa bán được thì người dân tiếp tục vỗ béo để chờ phiên giao dịch sau.
4. Những chuyện độc lạ về loài trâu ở Việt Nam: Dạy trâu làm xiếc
Ở khoảng sân trống phía sau Liên đoàn xiếc Việt Nam, anh Vũ Tuấn Đại (SN 1977, quận Đống Đa, Hà Nội) hàng ngày miệt mài tập làm xiếc cho những chú trâu của mình.
Trâu biểu diễn xiếc trên đường phố Hà Nội |
Anh Đại đang nuôi và huấn luyện 3 con trâu: Quyết, Chí, Thành. Những con trâu này được gần 2 năm tuổi, anh Đại mua về từ Lục Nam (Bắc Giang). Trâu được chọn biểu diễn xiếc phải là trâu đực vì khỏe mạnh và thời gian diễn được lâu hơn trâu cái. Những con trâu này được tuyển chọn rất kỹ càng từ cách chọn vóc dáng, lông, xoáy, mắt…
Theo anh Đại, khoảng những năm 1985, Liên đoàn xiếc Việt Nam cũng có tiết mục xiếc trâu. Thế nhưng, chỉ diễn được 1-2 tháng thì tiết mục này hỏng. Từ đó đến nay, chưa ai tập lại tiết mục này.
Vài năm trước, ở xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An có anh Hoàng Ngọc Hùng (sinh năm 1980) nổi tiếng với tài thuần phục nhiều con trâu hung dữ và dạy chúng làm xiếc.
Theo anh Hùng để huấn luyện một con trâu thực hiện được tất cả các động tác như làm xiếc cũng mất tầm 2 tháng trời (huấn luyện 1 giờ đồng hồ/ngày).
5. Bộ sưu tập linh vật trâu 2021
Mừng năm mới Tân Sửu 2021, một nhà sản xuất gốm sứ hàng đầu Việt Nam đã tung ra một bộ sưu tập tượng linh vật trâu bằng gốm sứ cực kỳ sống động hình tượng trâu trong dân gian, nổi bật với vẻ đẹp khỏe khoắn, tinh tế và sắc sảo.
Tượng trâu Thịnh Vượng |
Các tượng trâu này có thiết kế độc đáo, giàu tính nghệ thuật, mang nhiều ý nghĩa tốt lành, phù hợp để trưng bày và trao tặng, với lời chúc năm mới khỏe mạnh, bình an, may mắn và thịnh vượng.
Điển hình như tượng trâu Thịnh Vượng được tạo hình đầy đặn với thế đứng, đầu ngẩng cao, mặt hân hoan, mắt tinh anh, miệng cười tươi tắn, hạnh phúc. Chế tác được thiết kế đặc biệt với thế đứng vững chãi, sẵn sàng, thân hướng về phía trước, tượng trưng cho sự tiến tới, vượt qua mọi khó khăn. Chân linh vật mạnh mẽ vượt lên những phiến đá như vượt qua những thử thách, chân chạm vào đâu hóa vàng đến đó, ngụ ý đem đến tài lộc, phú quý.
Hoặc như tượng trâu Hưởng Lộc nghệ thuật hóa sinh động hình tượng chú trâu an nhàn nghỉ ngơi sau mùa vàng bội thu với tạo hình đầy đặn, thế nằm thảnh thơi, hưởng thụ, nổi bật với vẻ đẹp tinh tế, sắc sảo và sang trọng.
Ngoài ra, trong năm Tân Sửu 2021, các nhà kinh doanh vật phẩm phong thuỷ còn cho ra lò các mẫu tượng trâu phong thủy bằng đồng mạ vàng, được chế tác hoàn toàn thủ công bởi những đôi tay khéo léo của người thợ. Theo giới chuyên gia, việc thỉnh những linh vật Trâu làm quà tặng phong thủy hoặc để bài trí trong nhà mình vào dịp Tết này sẽ đem đến sự thịnh vượng, bền vững cho cả năm.
6. Những chuyện độc lạ về loài trâu ở Việt Nam: Nuôi trâu độc lạ
Vài năm trước, ở xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre có anh Phạm Văn Hải vốn nổi tiếng với nghề lái trâu và càng nổi tiếng với việc nuôi một con trâu có 3 sừng và một con trâu lùn nhất thế giới với chiều cao khoảng 60cm và dài chừng 90cm (đã chết hồi năm 2014).
Trâu 3 sừng ở tỉnh Bến Tre |
Từ khi mua đôi trâu này từ Campuchia về, gia đình anh trở thành “điểm đến” của hàng ngàn khách hiếu kỳ trong và ngoài tỉnh, có ngày tới cả trăm người xem.
Nhất là con trâu ba sừng, dù hình dáng bên ngoài giống rất nhiều con trâu khác nhưng đặc biệt cạnh chiếc sừng bên phải mọc thêm 1 sừng nữa và cả 3 chiếc sừng đều bằng nhau.
Các câu chuyện về con trâu đặc biệt này bắt đầu được người dân thêu dệt theo đủ mọi thể loại. Trong đó, chuyện về xuất xứ của con trâu “kỳ lạ” này đã khiến dư luận bàn tán xôn xao nhiều nhất.
Con trâu 3 sừng từng được đưa ra trưng bày lễ hội dừa tổ chức ở Bến Tre phục vụ du khách tham quan, chiêm ngưỡng. Không ít người vì kết con trâu đặc biệt này đã quyết định hỏi mua với giá trên 100 triệu đồng, nhưng đều bị anh Hải khước từ.
Thanh Loan