Tỷ phú nuôi trâu ở miền Tây

Khi bình minh vừa ửng hồng ở góc chân trời phía đông và những giọt sương vẫn còn long lanh trên ngọn cỏ, anh Nguyễn Hồng Ngự (ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã thức dậy. Công việc đầu tiên của anh là bước ra… chuồng trâu, nhẹ nhàng vén chiếc mùng giăng chống muỗi cho đàn trâu chuẩn bị đưa chúng ra đồng ăn cỏ. Nhờ những con trâu “cưng” này, anh Ngự được bà con trong vùng mệnh danh là “tỷ phú nuôi trâu miền Tây”.

“Con trâu là đầu cơ nghiệp”

Với nụ cười đôn hậu, mộc mạc của một nông dân miền Tây, anh Ngự giới thiệu với chúng tôi ngôi nhà đang được xây mới trên diện tích hàng trăm mét vuông. Đó là thành quả xứng đáng cho những năm tháng anh đã quần quật với đàn trâu của mình.

Chú thích ảnh
Một góc cánh đồng xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) vào sáng sớm.
Chú thích ảnh
Mỗi khi trời vừa hửng sáng, anh Nguyễn Hồng Ngự bắt đầu từ việc ghé thăm chuồng trâu, vén chiếc mùng chống muỗi để đưa trâu ra đồng.

Xa xa, phía sau nhà lớn, tiếng ậm ừ của những chú trâu như đang muốn nhanh nhanh được ra đồng tắm nắng, gặm cỏ non từ cánh đồng chuyên canh cỏ của gia đình. Cánh đồng cỏ này được anh Ngự đầu tư rộng hơn 3 ha và chỉ chuyên trồng cỏ làm thức ăn cho trâu. Nhờ cánh đồng chuyên canh này, đàn trâu của anh Ngự luôn được “ăn ngon ngủ kỹ” và béo tốt.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Anh Ngự ôm bó cỏ cho đàn trâu “cưng” ăn sáng.
Chú thích ảnh
Đàn trâu được anh Ngự chăm sóc như một đứa con nên con nào con đấy mập mạp, to béo.

Nói về thành quả của mình, anh Ngự cho biết: “Năm nay, nhờ chăn nuôi thuận lợi mà đàn trâu 100 con của tôi đều xuất chuồng thành công, thu về 3 tỉ đồng. Với số tiền này, vợ chồng tôi mua được lô đất trị giá 1,3 tỉ đồng để dành cho tương lai, số còn lại tôi xây nhà mới khang trang, rộng rãi hơn để chuẩn bị đón Tết Tân Sửu 2021.

Chú thích ảnh
Đàn trâu được anh Ngự dẫn ra đồng để tắm nắng và ăn cỏ.

Hiện đàn trâu của gia đình chỉ còn khoảng 80 con, số trâu này tôi để dành nuôi và gầy đàn cho mùa trâu năm sau”. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nhiễm phèn nặng nhưng nhờ tính kiên trì, mạnh dạn đầu tư và nhạy bén trong làm ăn mà anh Ngự đã khởi nghiệp thành công từ nghề nuôi trâu. Ban đầu, anh chỉ có một con trâu nái. Dần dần qua nhiều năm, từ một con, anh nhân lên được 10 con, rồi 20 con và giờ là hàng trăm con.

Nuôi trâu phải hiểu tính từng con

Để nuôi trâu hiệu quả, anh Ngự cho biết, điều đầu tiên là phải tìm hiểu tính nết từng con. Con nào thích ăn cỏ gì thì thả nó đến chỗ đó, đặc biệt loài trâu rất thích ngâm mình dưới nước nên sáng nào cũng phải cho trâu được đầm mình thỏa thích, đến gần chiều tối mới lùa về chuồng.

Chú thích ảnh
Anh Ngự hiểu tính từng con trâu trong đàn, con nào thích ăn cỏ gì thì anh dắt đến khu đó thả.
Chú thích ảnh
Cánh đồng rộng hơn 3ha của gia đình dùng trồng cỏ cho trâu ăn.

Hiện nay, với số lượng hàng trăm con trong nhà, ngoài việc bán trâu giống, trâu thịt và tham gia lễ hội chọi trâu ở nhiều nơi, anh Ngự còn cho thuê dịch vụ dùng trâu để kéo rơm trong một năm với giá 6 triệu đồng/con. Vào dịp đầu năm, anh mang trâu cho người thuê, cuối năm anh nhận trâu về. Như vậy, anh vừa không mất công chăm sóc trong một năm mà anh còn thu được lợi nhuận.

Chú thích ảnh
Đàn trâu được đưa ra cánh đồng để tắm bùn vào mỗi buổi sáng.
Chú thích ảnh
Nụ cười hiền hậu của anh Ngự.

“Kinh nghiệm 27 năm nuôi trâu cho thấy, một con trâu được chăm sóc tốt, một tháng sẽ tăng 10 kg thịt, tương đương có 2,4 triệu đồng. Đối với những con nghé tơ, nếu chăm sóc tốt, sau một tháng cũng có thể thu về 3 triệu đồng. Hiện tại, tổng đàn trâu của tôi đã lên đến 180 con, mỗi năm đàn trâu cái đẻ thêm từ 30-50 nghé”, anh Ngự chia sẻ.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Hồng Ngự gắn bó với nghể nuôi trâu đã 27 năm.

Anh Ngự còn tạo thêm nhiều việc làm cho người dân khó khăn ở các tỉnh như Long An, An Giang, Kiên Giang… từ đàn trâu của mình. Mỗi năm, anh gửi hơn 100 con trâu cho các hộ nghèo chăm sóc. Với hộ nhận nuôi 20 con trâu, cứ 3 tháng, anh sẽ trả cho người chăm sóc 20 triệu đồng; nếu 30 con thì sẽ trả 30 triệu đồng.

Cứ như vậy, hễ thấy ai có nhu cầu nuôi thuê, anh lại lùa cả đàn trâu lên xe tải và chở đến tận nơi giao cho họ nuôi. Nhờ vậy, đàn trâu của anh Ngự mỗi năm đi “du lịch” khắp vùng Tây Nam Bộ vài tháng, thậm chí cả năm mới trở về. Nếu ai nuôi trâu thuê theo ngày, anh trả cho lương cho họ 250.000 – 300.000 đồng/ngày/15 con trâu.

Nhờ nuôi trâu thuê cho gia đình anh Ngự, nhiều gia đình cũng đã vươn lên thoát nghèo. “Tôi còn áp dụng hình thức giao trâu rồi chia đôi lợi nhuận cho người nuôi. Nghĩa là năm đó, tôi giao đôi trâu cho một hộ nuôi, trâu đực thì dùng để kéo lúa, còn trâu cái để sinh sản. Sau thời gian nuôi, trâu cái đẻ thêm con nghé, khi bán con nghé trị giá khoảng 20 triệu đồng thì sẽ chia đôi”, anh Ngự vui vẻ nói.

Chú thích ảnh
Cuộc sống an nhàn của “tỷ phú nuôi trâu” ở miền Tây.
Ảnh đầu bài: Do số lượng đàn trâu hơn 100 con gửi cho các hộ nghèo chăm sóc ở các tỉnh nên anh Ngự thường xuyên điện thoại để hỏi thăm và cách vài tháng là anh đến xem đàn trâu một lần
Bài, ảnh, video: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *