Tôi không nghĩ, ở đất nước xa xôi cách Việt nam hàng giờ bay, con trâu Murrah ở Ấn Độ lại có duyên và ghi đậm ấn tượng với tôi cho đến hôm nay.
Bầy trâu ở Đồng Xanh
Đó là tháng 10.1983, tôi từ trường sĩ quan Quân chính trở về đơn vị cũ- thuộc Phòng Tham mưu, Tỉnh đội Quảng Nam Đà Nẵng. Và từ chàng thanh niên “dân cày đường nhựa”, tôi được thăng hạng thẳng về làm Trưởng trại sản xuất của đơn vị, tổ chức cày cấy, thu hái mấy ha lúa, nuôi giữ vài chục con bò, bên cạnh trại trâu Murrah, quà của Thủ tướng Ấn Độ tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Những năm này cả nước khó khăn lương thực. Bộ đội thường trực như đơn vị tôi cũng ăn độn khoai sắn, đồng thời tự túc lương thực 30% mỗi tháng. Đơn vị xin được vài héc-ta đất ở Đồng Xanh-Đồng Nghệ thuộc xã Hòa Khương huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng để tăng gia sản xuất trồng lúa nuôi quân.
Mỗi năm, sau mùa truy quét, luyện tập nghiệp vụ là cả đơn vị kéo nhau lên đây cày cuốc, gieo sạ… Thời đó, vùng này heo hút rừng xanh núi thẳm, chứ không như bây giờ. Vài ba anh bộ đội leo queo, ra vào, hết ruộng nương đến bắt chim lưới cá. Chúng tôi hay nói vui đây là thời gian đi “an dưỡng”, vì ai về khu sản xuất cũng mập trắng ra, nhưng buồn thì không bút viết nào có thể tả xiểt.
Bất ngờ một ngày, cách doanh trại không xa, xe pháo ầm ầm kéo đến ban, dọn mặt bằng, xây dựng lán trại và tiếp đó là bầy trâu mấy trăm con được đưa đến. Nhưng vui nhất dành cho những người lính trẻ là những cô gái chăn nuôi đàn trâu, sáng tối dập dìu làm sáng cả một góc núi.
Hỏi ra mới hay, đây là đàn trâu Murrah của Ấn Độ, do bà Indra Gandhi tặng Thủ tướng nước ta sau một chuyến viếng thăm trước đó. Và đàn trâu được đưa về vùng núi Đà Nẵng nuôi dưỡng. Dân trong vùng gọi đây là Nông trường trâu.
Thế nhưng khác hẳn với giống trâu ta, trâu Mura không cày bừa chi được, mà chỉ nuôi để lấy sữa, thịt như bò. Thỉnh thoảng có con sa hố, sập hầm là công nhân nông trường lại vui vẻ xả thịt chia nhau. Đơn vị tôi nhờ đó cũng hưởng phần, có chất tươi cải thiện bữa ăn trong một thời gian dài.
Do thung thổ không phù hợp, số lượng trâu Murrah của nông trường trâu teo tóp dần còn vài trăm con và cuối cùng nghe nói dời về Quảng Ngãi cho anh hùng Hồ Giáo chăm sóc. Trâu thì rơi rụng, nhưng đơn vị tôi lại sinh sôi vài mối tình, và nhiều cặp nên duyên vợ chồng.
Ăn thịt “bò” ở Ấn Độ
Năm 2009, tôi nhận được học bổng học tập tại Ấn Độ. Đây là khóa giảng dạy tiếng Anh giành cho sinh viên quốc tế (International Training Programme), do Chính phủ Ấn Độ tài trợ cho các nước đang phát triển.
Lớp tôi gần 70 người mà có đến 32 quốc tịch, từ châu Phi, Trung Á cho đến Đông Nam Á. Tôi là người Việt Nam duy nhất theo học, và là một trong hai người lớn tuổi nhất trong lớp. Có lẽ vì vậy mà được các bạn đồng học yêu quý, chăm sóc.
Sinh viên quốc tế được ưu đãi ở các ký túc xá tốt nhất của Đại học ngoại ngữ Hyderabad (Bang Andra Pradesh) và được chia phòng ở theo tín ngưỡng. Do hai sinh viên người Nepal, là tín đồ Hindu (Ấn Độ) giáo, nhập học muộn nên được phân về cùng block với chúng tôi, gồm 4 người là Phật giáo và Công giáo.
Ngay tuần đầu tiên, “xung đột” tập quán tôn giáo đã sớm nổ ra. Mỗi block có 3 phòng ở, một bếp ăn và 1 tủ lạnh sử dụng chung. Tôi cùng Evan, người Kazakhstan ở cùng phòng, vốn dễ tính và tập quán ăn uống cũng khá giống nhau.
Do Ấn Độ là nước đa phần người dân theo Ấn Độ giáo, cùng một số đông có tín ngưỡng Hồi giáo nên thịt heo, thịt bò là loại thực phẩm gần như không thể tìm thấy ở các chợ. Người theo Ấn Độ giáo khiêng ăn thịt bò, vì cho rằng nó là con vật thiêng; vật cưỡi của thần Shiva.
Ở bất kỳ đâu tại Ấn Độ, người ta cũng dễ nhận thấy những đàn bò được tự do thả rong, lang thang khắp thành phố. Một hôm Evan bảo tôi: “Tao mới tìm được nơi bán thịt bò và mua một ít, cất vào ngăn đông, tủ lạnh để ăn dần”. Loại thịt này phải mua tận thành phố Secondrabad, cách đó hơn mươi cây số, trong khu ở của người Công giáo. Lâu nay thức ăn chỉ thuần thịt gà, trứng và rau quả, nên cả hai cả mừng, chiên, xào, nấu súp… các kiểu.
Thế nhưng bất ngờ một hôm từ lớp học trở về, tôi và người bạn cùng phòng hỡi ơi khi mấy lạng thịt bò cấp đông bị ném vào thùng rác, kèm theo đó là sự phản ứng dữ đội của anh chàng người Nepal.
Anh kiên quyết không cho chúng tôi cất giữ thịt bò trong tủ lạnh của block, vì cho rằng xúc phạm đến tín ngưỡng Ấn Độ giáo. Evan cũng không vừa, tranh cãi quyết liệt và cuối cùng, nhà trường buộc phải trang bị thêm một tủ đông khác để hai tín đồ Hindu sử dụng riêng.
Thế nhưng một bất ngờ khác, kết thúc khóa học, trước khi về nước, chúng tôi kéo nhau đến quầy thịt bò trong khu Secondrabad mua lạng thịt cuối cùng, đồng thời chào tạm biệt người chủ cửa hàng.
Anh kéo tôi ra ngoài và nói nhỏ: “Tao xin lỗi, vì lâu nay thứ chúng mày ngỡ là thịt bò, đó là thịt trâu Murrah ! Tao mà bán thịt bò là họ dẫn nhau đến đập sập quán tao ngay !”. Ô ! Thật tình cờ, con trâu Murrah ngày nào lại trở về trong ký ức của tôi.
Và lúc này, nó còn dạy tôi bài học “nhập gia, tùy tục”, đó là ở bất cứ đâu, làm việc gì, ta cũng phải học, tìm hiểu để tránh những xung đột đáng tiếc. Trong đó, tôn giáo và sắc tộc là hai lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm và dễ dẫn đến sự đối đầu không dễ hòa giải.
Ảnh đầu bài: Những con trâu Murrah-Ấn Độ cùng Anh hùng Lao động Hồ Giáo
Nguyễn Trung Hiếu (https://dulich.laodong.vn/tren-duong-thien-ly/nam-suu-nho-chuyen-con-trau-murrah-o-an-do-877528.html)
Pingback: Ấn Độ: Chú Trâu Murrah đực Nặng 1,5 Tấn đắt Nhất Thế Giới » Di Sản Trâu Việt