Từ bao đời nay, con trâu là vật linh trong tín ngưỡng dân gian của người Hrê (tỉnh Quảng Ngãi). Con trâu không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn là vật nuôi đem lại cuộc sống sung túc cho dân làng.
Những ngày đầu xuân mới, bà con Hrê ở thôn Đại Lâm, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ quây quần bên ché rượu cần cay nồng, thưởng thức miếng thịt trâu gác bếp thơm lừng. Trong câu chuyện rôm rả đầu năm mới, bà con chúc nhau dồi dào sức khỏe, cầu mong cây lúa trên rẫy trĩu hạt, con trâu hay ăn, chóng lớn… Dân làng chỉ cho nhau cách chăm sóc, phòng bệnh để con trâu mạnh khỏe, chống chọi với mưa lạnh của núi rừng.
Ông Phạm Văn Nỗi, ở thôn Đại Lâm, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, chăn nuôi trâu đã mang lại nguồn thu đáng kể: “Gia đình tôi hồi trước cũng nghèo, bây giờ nhờ nuôi con trâu đỡ khó khăn. Gia đình bây giờ có nhà cửa, con cái đi học, cuộc sống ổn định hơn so với trước kia”.
Ông Phạm Văn Khai (ở thôn Làng Giấy, xã Ba Cung, huyện Ba Tơ) kể, năm 2016, gia đình ông được nhà nước hỗ trợ một con trâu đực giống, cán bộ hướng dẫn làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, trồng cỏ… Sau 5 năm chăm sóc trâu, đến nay, gia đình ông đã bán mấy lứa trâu thịt, trong chuồng hiện còn 7 con lớn, nhỏ. Con trâu đực giống đó nay là trâu bố của hơn 40 con nghé trong làng… Ông Phạm Văn Khai cho hay, nhiều gia đình ở thôn Làng Giấy thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ nuôi trâu: “Bà con miền núi ở đây quan trọng nhất là con trâu. Từ đời ông bà, cha mẹ từ xưa đến nay, gia đình nào có trâu thì kinh tế phát triển rất khá”.
Huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Hrê. Mấy năm gần đây, bà con chú trọng phát triển chăn nuôi trâu thịt, giá trị kinh tế cao. Từ năm 2016 đến nay, huyện Ba Tơ tập trung hỗ trợ người dân cải tạo và phát triển đàn trâu theo hướng nuôi trâu thịt. Từ hàng chục con trâu đực giống hỗ trợ ban đầu, đến nay, trên núi rừng Ba Tơ đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi trâu hiệu quả, mang lại thu nhập khá cho bà con.
Ông Nguyễn Thanh Lục, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Ba Tơ cho biết, bà con người Hrê đã thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông, biết cách chăm sóc, lai tạo đàn trâu: “Con trâu của bà con đồng bào ở Ba Tơ bây giờ đã trở thành hàng hóa. Ngoài việc nuôi trâu để cày bừa, bà con nuôi trâu đến tuổi trưởng thành mổ thịt. Hiệu quả kinh tế của con trâu rất cao”.
Xuân Tân Sửu, bàn chuyện “Ông Trâu” giúp dân làng xóa đói giảm nghèo, người Hrê ở Ba Tơ và các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi nhắc câu chuyện về Anh hùng Hồ Giáo cùng những kinh nghiệm trong việc chăn nuôi trâu.
Năm 1990, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng tỉnh Quảng Ngãi 15 con trâu Mura gốc Ấn Độ. Lúc đó, ông Hồ Giáo, người con của quê Quảng Ngãi nghỉ hưu về quê mang theo đàn trâu giống với kỳ vọng cải tạo đàn trâu bản địa. Theo ông Hồ Trọng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, từ nguồn trâu giống Mura và giống khác, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi tập trung cải tạo đàn trâu.
“Năm 2018, Chi cục Chăn nuôi và thú y thực hiện Dự án khoa học công nghệ, dùng tinh của con trâu Mura phối với trâu địa phương để lai tạo ra đàn trâu lai có sức khỏe, sức đề kháng tốt hơn, vóc dáng cao to, phù hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh Quảng Ngãi, rất thích hợp với bà con miền núi. Qua đó, thay dần đàn trâu thoái hóa, cận huyết của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là chủ trương rất lớn của ngành chăn nuôi Quảng Ngãi, góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Hồ Trọng Phương cho hay.
Với người Hrê, từ bao đời nay, con trâu là vật nuôi không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của bà con… Trên hai đầu nóc ngôi nhà sàn truyền thống của người Hrê được trang trí cặp sừng trâu làm bằng tranh hoặc làm bằng cây rừng. Từ xa xưa, đối với người Hrê, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là vật hiến sinh quý nhất, luôn hiện diện trong tất cả cuộc tế lễ cúng Yàng của dân làng.
Già Phạm Văn Vụng, thôn Huy Ba 1, xã Ba Thành cho biết, người Hrê tổ chức ăn Tết cổ truyền từ sau tháng 10 âm lịch, sau khi hạt lúa trên rẫy được đưa về cất trữ trong nhà. Tết của đồng bào Hrê diễn ra khi bà con tổ chức xong các lễ cúng tổ tiên, cúng chuồng. Tết đến, bà con cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ con cháu dồi dào sức khỏe, no đủ, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Xuân mới, già Phạm Văn Vụng bảo: Bây giờ, một gia đình tổ chức cúng đâm trâu mang tính tượng trưng rồi mời cả dòng họ, làng xóm cùng tham dự.
“Trước kia, bà con mê tín dị đoan, họ đi xem bói về gia đình tự cúng, đâm trâu rồi mời bà con, làng xóm đi dự, ăn uống… Hồi trước kia nhiều lắm, bây giờ ít, không có nữa, bà con bỏ rồi”, già Phạm Văn Vụng nói.
Tết này, dân làng cùng uống rượu, đánh chiêng, hát ka lêu, ka choi… Trai gái trong làng múa hát, trong men rượu nồng, tỏ tình, thương nhớ.