Lễ hội dâng trâu tế trời của đồng bào Thái bản mường Chiềng Vạn

Lễ hội dâng trâu tế trời của đồng bào Thái bản mường Chiềng Vạn: Đồng bào Thái ở Tây Bắc cũng như Thanh – Nghệ đều là những cư dân giỏi canh tác lúa nước, cũng như cư dân đồng bằng Bắc bộ từ bao đời nay con trâu không chỉ là “đầu cơ nghiệp” trong sản xuất, làm ra của cải vật chất để nuôi sống chính họ và cộng đồng, mà con trâu còn là phẩm vật quý giá để dâng cúng các vị thần linh, như là sự trả ơn của con người đối với các đấng bề trên đã cho họ sức khỏe, giúp mùa màng bội thu, thóc lúa, khoai sắn đầy bồ, vật nuôi đầy sàn, đầy chuồng, dân khang vật thịnh.

Đồng bào Thái tỉnh Thanh Hóa có gần 23 vạn người, cư trú ở các huyện miền núi nhưng tập trung chủ yếu ở các vùng mường Ca Da (Quan Hóa), mường Khoòng (Bá Thước), mường Chiềng Vạn (Thường Xuân), mường Đanh (Lang Chánh) với hai dòng chính là Thái trắng (Tày Dọ) và Thái đen (Tày Đăm). Mường Chiềng Vạn là một trong ba mường lớn, tiêu biểu ở Thanh Hóa.

Bản Lùm Nưa (theo tiếng Thái cổ nghĩa là gió mát ở vùng trên), mường Chiềng Vạn nay thuộc xã Trịnh Vạn (Thường Xuân) chia thành ba khu vực đó là: xóm Lùm, xóm Nửa và xóm Pú Pen. Lùm Nưa là miền đất của “quế ngọc châu Thường” nổi tiếng, một trong những bản trung tâm của đất mường Chiềng Vạn, có thung lũng rộng lớn là vựa lúa tốt tươi, trải dài từ nương cao đến ruộng thấp, tạo nên bức tranh đẹp, giữa cảnh sắc núi rừng miền Tây hùng vĩ.

Linh khí của đất trời chung đúc tạo nên Lùm Nưa có sông Đặt lượn quanh soi bóng đồi Pú Pen địa điểm làm lễ dâng trâu tế trời, đồi Pú Tính nơi đưa tiễn ông bà về với bến nước người xưa, Hang Mường trên vách đá còn in hình Nàng Han, người con gái anh hùng đã hy sinh tuổi xuân vì sự bình yên của muôn dân và xã tắc; đền thờ tướng quân Cầm Bá Thước, Cầm Bá Hiểm… đánh đuổi kẻ thù xâm lược và đã hóa thân vào mỗi dòng sông, ngọn núi nơi đây. Với niềm tin yêu và biết ơn trời đất, thần và người được thể hiện trong tín ngưỡng trong trẻo, hồn nhiên và thuần phát đó đã in sâu đậm trong lễ dâng trâu trắng tế trời – Sớ Pha của cộng đồng dân tộc Thái nơi miền Tây xứ Thanh và hàng năm, lễ hội tổ chức kéo dài suốt cả tháng 6 âm lịch.

Pú Pen là đồi núi thấp, có độ cao khoảng 120m, nằm về phá Tây – Nam. Tạo hóa khéo xếp đặt đã tạc cho quả đồi này phân thành ba bậc, càng lên cao càng thu dần lại tựa hình bát úp vững chãi. Trên đỉnh có một khoảng đất rộng, tương đối bằng phẳng, chính giữa là một tảng đá lớn, dân gian gọi là hòn đá bạc, nơi đặt lễ vật dâng trâu tế trời, cạnh đó là hai cây muỗm cổ thụ với gần 200 tuổi cành là xum xuê tươi tốt, quanh đồi là những cây quế xanh tươi, loại cây bản địa có tiếng “quế ngọc châu Thường”. Dưới chân đồi phía Tây Bắc là dòng sông Đặt, phía Đông Nam là dòng sông Ác, nơi có bến Tà Pha – bến nước nhà Trời, chỉ được sử dụng trong những ngày tế lễ.

 

Để chuẩn bị cho ngày lễ, trước đó theo luật tục luân phiên, họ Cầm, Vi, Lê, Hoàng… ở các bản thuộc mường Chiềng Vạn phải tìm cho được con trâu đạt tiêu chuẩn và cắt cử gia đình có uy tín trong họ, trong bản lo việc chăm sóc và nuôi dưỡng trâu tế trời. Trâu tế được chọn lựa kỹ, phải là trâu trắng, trâu tơ, tai sừng bằng nhau, không có đốm vết và xoáy lạ. Trâu được chăm thả cẩn thận, không ai được đánh mắng con vật được chọn để dâng Trời này. Nếu chẳng may trâu ăn lúa nhà nào, làm đổ rào giậu cũng không được rầy la. Mùa đông đốt lửa, thưng phên che gió cho trâu ấm, mùa hè làm chuồng thoáng mát, xua đuổi ruồi muỗi…, vì vậy trâu tế là những “ông trâu” béo tốt, sạch sẽ, nó không phải là con trâu thường giúp việc nông tang, kéo gỗ… mà là con trâu dâng cúng thần linh.

Lưng chừng đồi Pú Pen, các dòng họ trong bản và các mường cùng nhau dựng sẵn ngôi nhà sàn 9 gian để đủ chỗ cho mọi người của mường Chiềng Vạn về tham dự lễ Sớ Pha. Người chủ lễ là người cao niên, uy tín trong họ, ngoài mường. Ông mo không chỉ là người chủ lễ mà còn là người chăm lo tinh thần cho cả bản. Trước năm 1954, ông mo của bản là Cầm Bá Cọn, ông mo có bộ râu dài trắng như cước, tóc búi tó, người dân ở đây quen gọi ông là ông Mường Chiềng Vạn. Ông Mường quanh năm suốt tháng ở trên đồi Pú Pen, trong ngôi nhà sàn, cách ly khỏi mọi người trong bản. Điều đặc biệt là ông chỉ nằm võng, không bao giờ nằm dưới sàn hay giường. Ông được coi như người nhà Trời, do Sớ Pha cắt cử xuống trần gian để coi sóc đàn tế Trời và thực hành nghi lễ thiêng liêng nên chỗ nghỉ cũng phải cách ly mặt đất, sinh hoạt, ăn uống thì thanh sạch, đạm bạc, tránh xa những gì uế tạp.

Trước khi tế trâu, theo sự chỉ dẫn của mo mường Chiềng Vạn, người trong mường đưa trâu ra sông Đạt tắm rửa thật sạch sẽ, cho ăn những loại cỏ mà trâu ưa thích, sau đó ông mo làm lễ tỉnh sinh, thắp hương, vẩy rượu cúng vào đầu, cổ, mình trâu và khấn: “Hôm nay, ngày lành tháng tốt, bản Lùm Nưa, mường Chiềng Vạn làm lễ tế Trời. Lễ vật là trâu trắng mà vua Trời ưng ý. Con trâu này là con trâu tốt, được bản mường chọn lựa, chăm sóc kỹ càng để hiến tế, dâng lên vua Trời mà những con trâu khác không có được vinh dự này. Trâu quý, trâu yêu ơi, dân bản hóa kiếp để trâu được về bên kia núi, về với ông bà tổ tiên, lên với mường trời, trâu thiêng, trâu quý hãy phù hộ cho bản mường khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, trâu đi xa đừng buồn nhé, trâu ơi!”. Sau khi làm lễ tỉnh sinh, khấn cầu có đất trời chứng giám, dân bản dắt trâu ra bến Tà Pha – bến nước nhà Trời để chọc tiết, mổ trâu và làm đồ tế lễ.

Lễ vật chính dâng Sớ Pha gồm có thủ trâu để nguyên, vó và đuôi trâu đã thui, tiết trâu đựng trong ống bương hoặc ống nứa tươi, thịt trâu thui chín cắt thành từng miếng xếp từng lượt cao đặt vào các mâm được đan bằng mây, cật giang hoặc nứa cùng với lòng trâu luộc chín. Cùng với cỗ trâu là các lễ vật như xôi, gà, vịt, hoa quả, rượu cần… Khi các lễ vật đã chuẩn bị chu đáo, đoàn người dâng lễ bước ra từ ngôi nhà sàn 9 gian ở lưng chừng đồi, tuần tự tiến dần lên tới đỉnh đồi, nơi có hòn Đá Bạc bằng phẳng – bàn lễ tự nhiên do Trời sắp đặt và cẩn trọng bày đủ lễ vật dâng cúng Sớ Pha và các vị thần linh.

Giữa đỉnh Pú Pen, nơi thông linh giữa trời và đất, dân bản và các mường tụ họp đầy đủ với lòng ngưỡng vọng thành kính, song cũng không giấu được sự nể sợ trước Sớ Pha uy linh, tối thượng. Trong không gian thiêng, tưởng như siêu thoát ấy có thanh âm trầm lắng của tiếng chiêng giữ nhịp, lời khấn của ông mo mà tưởng như tiếng nói từ trong thinh không vọng tới:

“Tôi xin mời! Tôi xin mời các vị thần thiêng, xin mời đức Vua Trời đang ngủ hay còn thức, đang dạo chơi hay ở nhà Trời. Đi chơi thì xin mời về, còn ngủ thì mời ngồi dậy, bước lên cầu thang vàng, ra giữa nhà rộng, ngồi vào chiếu trải lượt, ngồi chiếu đẹp trải rộng của con cháu họ Cầm và dân mường Chiềng Vạn. Xin mời hết thảy các thần ngồi lại để người già, người trẻ dâng lên trâu trắng, lợn béo, gà chọi, rượu ngon của con cháu mường gần, bản xa mâm lễ sáng như sao, hào quang lấp lánh như nước.

Các ngài ăn cùng uống bữa sớm, bữa trưa rồi bữa tối. Uống cho đến ba mươi năm còn ngất ngây men rượu, ăn cho đến chín mươi năm còn chán cỗ trâu. Được ăn đủ uống say, vua Trời và các ngài phù hộ cho bản gần, mường xa ăn nên làm ra, bàn tay ngọc ngà làm nên việc lớn, đi sông cho cá, đi ruộng cho nhiều lúa gạo. Người xấu không cho theo lệ, người nhỏ mọn không cho tham gia. Cầu vua Trời và các ngài linh thiêng phù hộ cho người trong bản trong họ giỏi giang, làm nên việc để mường có tăm có tiếng, cả bản cả mường đều ở yên, ăn đều, mưa sa họa đến đều qua, mọi nhà yên ổn, cho sông nhiều cá, ruộng nhiều lúa, nhà nhiều của, bản trên mường dưới nhiều con trai con gái… Tôi xin mời! Các thần được ăn cỗ trâu trắng không mủi lòng, ăn tim gan không trách bản, ăn no uống say thì ngủ kỹ, giữ lành cho con cháu dưới trần gian.” Trong thời khắc thiêng liêng ấy, ai nấy dường như đều cảm nhận những lời khẩn cầu, mong ước kia đã được vua Trời và các vị thần linh nghe thấy và các vị thánh thần sẽ giúp đỡ, phù hộ, đem đến cho họ mùa màng tốt tươi, nhân khang, vật thịnh.

Tế lễ xong, bản gần, mường xa cùng nhau bái tạ vua Trời và các vị thần linh, thu dọn lễ vật và trở về ngôi nhà sàn dài rộng, ở đấy mọi người cùng nhau thụ lộc, uống rượu cần, hát khắp, đánh coòng dàm, khua luống, nhảy sạp… trẻ già, trai gái cùng chuyện trò, cười nói trong niềm vui cộng cảm.

Ngày nay lễ tế trâu trắng thờ Trời trên đồi Pú Pen theo lệ cổ vẫn được dòng họ Cầm bản Lùm Nưa duy trì, nhưng quy mô và nghi thức không được như xưa. Thay cho các bản trong mường Chiềng Vạn xưa lần lượt luân phiên dâng trâu trắng tế Sớ Pha, thì nay con cháu họ Cầm cắt cử nhau sắm sửa lễ vật nhưng đơn giản hơn nhiều so với trước. Về thời gian cũng có sự dịch chuyển, xưa kia lễ kéo dài suốt cả tháng 6 âm lịch, để giản tiện nay chỉ tổ chức chỉ trong một ngày (vào mùng 3 tết). Chủ lễ do ông mo Cầm Chung Sức – cháu đích tôn của ông mường Cầm Bá Cọn xưa hoặc bà máy Cầm Thị Đành đảm nhiệm. Ngôi nhà sàn 9 gian không còn nữa, cảnh vật cũng ít nhiều thay đổi nhưng không vì thế mà lễ dâng trâu trắng tế Trời của người Thái bản Lùm Nưa, mường Chiềng Vạn trên đỉnh đồi Pú Pen linh thiêng lại rơi vào quên lãng. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái trên đất Thường Xuân, tháng 1-2023, lãnh đạo huyện đã cho quy hoạch, tiến hành tu bổ, tôn tạo đền thờ và nghiên cứu, phục dựng lễ hội dâng trâu tế trời trên đỉnh Pú Pen nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Thái nói riêng, du khách nói chung, giới thiệu, quảng bá nét đẹp truyền thống của người và đất châu Thường, góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa, du lịch.

Trong tâm thức của đồng bào Thái mường Chiềng Vạn từ bao đời nay, lễ dâng trâu tế trời là nghĩa cử đẹp của đồng bào trong việc ứng xử với thiên nhiên, tạ ơn trời đất, bản mường đã ban cho họ mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên, no đủ. Lễ dâng trâu trắng tế trời là một trong những lễ tục hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, độc đáo không chỉ đối với dân tộc Thái nói chung mà còn đối với đồng bào Thái tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Lễ tục đặc sắc đó cần tiếp tục nghiên cứu, phục dựng, phát huy trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Hoàng Minh Tường (báo Thanh Hóa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *