Độc đáo lễ hội đập trống da trâu của người Ma Coong: Một lễ hội không chỉ mang bản sắc riêng từ bao đời mà còn mang âm hưởng thiêng liêng, phồn thực…
Cứ vào tối ngày 16 âm lịch hằng năm, người Ma Coong thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình lại nô nức tổ chức Lễ hội đập trống. Lễ hội nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy tươi tốt, bản làng được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh.
Đặc biệt, đây cũng là ngày dành riêng cho những đôi trai, gái gặp gỡ, hẹn hò tình tứ cùng nhau mà chẳng phải chịu một sự ngăn cấm nào…
Bắt nguồn từ truyền thuyết…
Xã Thượng Trạch là một xã biên giới giáp Lào với 18 thôn, bản. Theo lãnh đạo UBND xã, nơi đây là địa bàn cư trú của 692 hộ gia đình với khoảng 3.127 nhân khẩu, trong đó, đồng bào người Ma Coong chiếm gần 90%.
Theo truyền thuyết của người Ma Coong, khi xưa vùng đất của người Ma Coong xuất hiện con khỉ màu vàng, hằng đêm vào rẫy ăn ngô, phá lúa… Từ khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa đói kém, bệnh tật hoành hành triền miên. Để bảo vệ mình, bảo vệ bản làng, người dân đã dùng mọi cách nhưng con khỉ ác vẫn cứ thế tấn công.
Bỗng trước đêm rằm tháng Giêng, vị già bản lớn tuổi nhất nằm mơ thấy Giàng (Thần trời – PV) hiện về mách bảo, muốn đuổi khỉ thì hãy làm một chiếc trống tiếng thật vọng mang ra đánh vào đêm rằm trăng sáng.
Tỉnh giấc, già bản lập tức tề tựu người trong bản kể lại giấc mơ. Hôm sau, đàn ông người Ma Coong khẩn trương hoàn thành một chiếc trống từ tấm da trâu có âm thanh to ấm, vang xa tận sâu trong lòng đại ngàn Trường Sơn.
Chờ con khỉ ác đến giờ trăng sáng đêm rằm 16 tháng Giêng, những trai tráng khỏe nhất của bản mang trống ra thay nhau đánh cấp tập. Tiếng trống âm vọng, khỉ ác hoảng sợ rú lên thất thanh chạy trốn biệt tích và chẳng bao giờ trở lại nữa.
Những món ăn trong các mâm cổ của người Ma Coong. Ảnh: BẢO THIÊN |
Để bày tỏ lòng biết ơn, người Ma Coong mang những của ngon vật lạ đem ra bày biện, làm lễ cúng tế dâng lên Giàng. Cũng từ đó, lễ hội đập trống của người Ma Coong bắt đầu hình thành.
Ngày nay, lễ hội đập trống của người Ma Coong được tiến hành theo hai phần gồm: phần lễ và phần hội. Phần lễ do người chủ lễ là già làng, người có uy tín điều hành với các nghi thức cúng truyền thống. Phần hội là các hoạt động vui chơi, múa hát theo phong tục của đồng bào Ma Coong.
Năm nay, giờ khai lễ diễn ra vào lúc 19 giờ tối ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Khi trăng vừa lên ngửa đầu, già làng Đinh Xon đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu… Xong phần hành lễ, lúa gạo được già làng Đinh Xon ném ra tứ phía với cầu mong thóc lúc về đầy bồ, đầy nương.
Chiếc trống “đặc biệt” trong lễ hội đập trống của người Ma Coong. Ảnh: BẢO THIÊN |
Sau vài lượt cúng khấn, già làng Đinh Xon phát lệnh và lễ hội đập trống bắt đầu. Khách tham dự cùng dân bản lần lượt thay nhau dùng dùi đánh vào chiếc trống có bề mặt được làm từ da trâu, cho đến khi mặt trống thủng hẳn.
Đáng chú ý, theo tiếng chiêng dẫn nhịp, những người đập trống vừa đánh vừa hô vang: “Roa lữ! Roa lữ Giàng ơi!” (Vui sướng quá! Vui sướng quá Trời ơi! – PV).
“Trống của người Ma Coong không giống như trống của người dưới xuôi bởi tang trống được làm từ cây chi cúp (một loại cây thuốc rỗng – PV) sống trong rừng sâu, có thể dùng hết năm này sang năm khác. Mặt trống được bịt bởi da của một con trâu to khoẻ, trống được chằng bằng sợi dây mây rừng xây chéo với nhau rồi lấy tre nêm chặt lại, kéo cho mặt trống có hình thù kỳ quặc như ‘quả cầu gai’, như vậy tiếng trống mới ấm, vang vọng” già làng Đinh Xon chia sẻ.
Đồng bào người Ma Coong, người dân và du khách thay phiên nhau đập trống trong lễ hội. Ảnh: BẢO THIÊN |
Đêm yêu đương kỳ lạ
Khi mặt trống bị đập thủng, không khí ồn ào, náo nhiệt của lễ hội cũng lắng xuống. Những đôi trai, gái có quyền được tự do hò hẹn, yêu thương nhau mà không cần biết là người Ma Coong hay người Arem, Vân Kiều, người trong hay ngoài bản, hay những vị khách đến từ nước bạn Lào.
Tất cả được dắt tay nhau đi đến những nơi chỉ có hai người, họ sẽ tự tình với nhau những lời đường mật, trao nhau những ước nguyện hẹn hò đôi lứa sắt son. Chỉ còn những người già, trẻ con vui chơi bên bếp lửa, hay nhâm nhi bên ché rượu cần.
Dưới ánh trăng, từng tốp người cùng nhau nhảy múa, uống rượu và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Không chỉ người Ma Coong mà người dân từ nhiều địa phương lân cận và du khách cũng đến đây cùng chung vui trong ngày hội.
Nam thanh niên đồng bào Ma Coong đánh chiêng dẫn nhịp người đập trống. Ảnh: BẢO THIÊN |
Nói về đêm hẹn hò của trai gái miền sơn cước, già làng Đinh Xon cho biết, trải qua mấy cuộc loạn ly, lại thêm bệnh dịch hoành hành, nên tộc người Ma Coong có lúc đứng trước nguy cơ diệt vong. Khi ấy, những người có uy tín trong bản đã quyết định tổ chức “đêm hội yêu đương” để duy trì, phát triển giống nòi.
Khoảng thời gian của đêm yêu đương và lễ hội đập trống kết thúc là khi mặt trời vừa lên, tiếng gà gáy vang rừng, mọi người mới bịn rịn rời nhau trở về nhà bắt tay vào làm lụng. Có những cặp lại cùng nhau ước hẹn, chọn ngày mời bố mẹ, già làng đến đặt lễ trầu cau, nên duyên vợ chồng.
Già làng Đinh Xon cùng khách thưởng thức rượu cần. Ảnh: BẢO THIÊN |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm nay, UBND huyện đã sớm lên kế hoạch để phục hồi, phát triển lễ hội đập trống của đồng bào người Ma Coong đúng với bản sắc.
“Năm nay, được sự quan tâm và hỗ trợ của Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chúng tôi đã đầu tư thêm cho lễ hội một số hạng mục như mua thêm cồng chiêng, trang phục, hỗ trợ thêm điều kiện cơ sở vật chất, tăng cường công tác truyền thông để mọi người có thể biết được lễ hội độc đáo này. Đồng thời, huyện cũng tích cực chỉ đạo xã Thượng Trạch phải luôn chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là đồng bào người Ma Coong”, ông Hồng chia sẻ.
Lễ hội Đập trống của người Ma Coong đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2019. Lễ hội không chỉ góp phần động viên bà con dân tộc thiểu số nơi đây hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch mang đặc trưng vùng miền thu hút du khách.