Lễ hội ăn trâu huê của người Ca Dong

Hằng năm, sau dịp tết cổ truyền, trước khi bắt đầu vụ mùa mới, người Ca Dong ở huyện Bắc Trà My tổ chức lễ hội ăn trâu huê. Lễ hội nhằm cầu mong thần linh ban phát một năm mưa thuận gió hòa để mùa màng được bội thu.

 

Toàn cảnh lễ hội ăn trâu huê ở nhà ông Hồ Văn Giác từ góc nhìn flycam. Ảnh: PHAN VINH
Người dân thôn Cao Sơn tập trung tại nhà ông Hồ Văn Giác để tổ chức lễ hội. Ảnh: PHAN VINH

Tại thôn Cao Sơn của xã Trà Sơn, từ ngày 14.2, người dân đã bắt đầu vào lễ hội ăn trâu huê. Mùa vụ trước, gia đình ông Hồ Văn Giác thu hoạch được hơn 100 bao lúa, nên năm nay gia đình ông đăng cai tổ chức lễ hội ăn trâu huê cho cả làng.

Ông Hồ Văn Giác thực hiện nghi thức cúng rước thần linh. Ảnh: PHAN VINH
Ông Hồ Văn Giác thực hiện nghi thức cúng rước thần linh. Ảnh: PHAN VINH

Lễ hội diễn ra trong vòng 12 ngày, được tính từ lúc đàn bà trong làng nấu hơn 100 đốc rượu cần (mỗi đốc khoảng 20 lít rượu); đàn ông thì lên rừng chọn cây gỗ tốt để làm cây nêu, tìm con chim, con chuột, con cá, con ốc,… để làm thức ăn dâng lên các thần linh.

Mâm cúng rước thần linh của người Ca dong. Ảnh: PHAN VINH
Mâm cúng rước thần linh của người Ca Dong. Ảnh: PHAN VINH

Ông Hồ Văn Giác cho biết: “Lễ hội ăn trâu huê là dịp để người trong làng đến chia vui cùng gia đình; còn là dịp để chúng tôi tỏ lòng biết ơn với thần linh và cảm ơn những người trong làng đã giúp đỡ cho gia đình chúng tôi có được như ngày hôm nay”.

Vợ chồng ông Hồ Văn Giác đi quanh con trâu cúng để thần linh chứng kiến. Ảnh: PHAN VINH
Vợ chồng ông Hồ Văn Giác đi quanh con trâu cúng để thần linh chứng kiến. Ảnh: PHAN VINH

Bước sang ngày thứ 7, vào rạng sáng cả làng tổ chức nghi thức dựng cây nêu và dắt trâu tơ vào cột. Buổi sáng ngày thứ 8, chủ hộ Hồ Văn Giác thực hiện nghi lễ rước thần linh về dự hội. Trong nghi thức rước thần linh, mâm cúng gồm các sản vật quen thuộc của người dân bản địa như cơm lam, chuối, lúa, bắp, chuột khô, cá, gà…

Trong nghi thức cúng rước thần linh, những chàng trai, cô gái mạnh khỏe trong làng còn thực hiện các điệu múa truyền thống của người Ca Dong trên nền tiếng cồng chiêng.

Cây nêu trong lễ hội ăn trâu huê của người Ca dong. Ảnh: PHAN VINH
Dân làng biểu diễn những điệu múa vòng quanh cây nêu. Ảnh: PHAN VINH

Buổi chiều của ngày thứ 8, gia đình đăng cai thực hiện nghi thức cúng tiễn đưa con trâu về với thần linh và đâm trâu theo hình thức cổ truyền của người Ca Dong. Sau đó cả làng cùng dùng thịt trâu và uống rượu. Đặc biệt, cả những vị khách lạ khi đến làng vào dịp này cũng được mời vào ăn thịt trâu để góp điều may mắn cho cả làng.

Mỗi lần tổ chức lễ hội ăn trâu huê, gia đình người đăng cai phải chi hơn 100 triệu đồng để chiêu đãi cả làng. Khách trong làng đến tham dự cũng mang theo quà là con gà, vài ký thịt heo, rượu…

Nghệ nhân biểu diễn cồng chiên trong nghi thức cúng rước thần linh. Ảnh: PHAN VINH
Nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng trong nghi thức cúng rước thần linh. Ảnh: PHAN VINH

Ông Đinh Văn Xoan – già làng thôn Cao Sơn cho biết: “Lễ hội ăn trâu huê đã có từ rất lâu đời của đồng bào Ca Dong. Trong lễ hội, đồng bào chúng tôi thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm trong sản xuất nương rẫy, xây dựng đời sống văn hóa mới. Sau lễ, chúng tôi bắt đầu lên nương rẫy sản xuất và tiến tới một mùa màng bội thu”.

Điệu múa truyền thống của người Ca dong trong nghi thức rước thần linh. Ảnh: PHAN VINH
Điệu múa truyền thống của người Ca Dong. Ảnh: PHAN VINH

Lễ hội ăn trâu là một trong những lễ hội lớn của người Ca Dong, vì chi phí tổ chức lễ hội khá cao. Đây là dịp để thế hệ trẻ trong làng được tiếp xúc, học hỏi những điệu cồng chiêng, điệu múa và các nghi thức cúng – xin truyền thống.

Chị Hồ Thị Hiền – một diễn viên múa truyền thống ở thôn Cao Sơn chia sẻ: “Khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống và biểu diễn các điệu múa truyền thống thì tôi cảm thấy rất tự hào. Người phụ nữ ngày bình thường lam lũ nhưng đến dịp lễ hội ai cũng tươi đẹp để thể hiện niềm vui với gia chủ. Tôi nghĩ phong tục này nên được duy trì và tiếp nối cho thế hệ trẻ”.

Để dựng một cây nêu như thế này, cả làng phải mất 7 ngày, 7 đêm liên tục thi công. Ảnh: PHAN VINH
Để dựng một cây nêu như thế này, cả làng phải mất 7 ngày đêm liên tục. Ảnh: PHAN VINH

Bà Trịnh Thị Hồng Nga – Trưởng phòng VH-TT huyện Bắc Trà My cho biết: “Lễ hội ăn trâu huê của đồng bào Ca Dong đặc sắc ở chỗ gom tụ nhiều nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc của người bản địa. Đây là vốn quý của văn hóa địa phương. Chúng tôi đang xây dựng thôn Cao Sơn thành điểm du lịch cộng đồng và những nghi lễ này tin chắc sẽ thu hút được nhiều khách du lịch”.

Người trong làng mang quà mừng đến tặng cho gia chủ. Ảnh: PHAN VINH
Người trong làng mang quà mừng đến tặng cho gia chủ. Ảnh: PHAN VINH
Nghi lễ đâm trâu đã được rút gọn hơn so với nghi lễ truyền thống. Ảnh: PHAN VINH
Nghi lễ đâm trâu đã được rút gọn hơn so với nghi lễ đâm trâu truyền thống. Ảnh: PHAN VINH
Sau khi đâm trâu, cả làng cùng chế biến các món ăn truyền thống từ thịt trâu và ngồi lại cùng nhau bên chén rượu. Ảnh: PHAN VINH
Sau khi đâm trâu, cả làng cùng chế biến các món ăn truyền thống từ thịt trâu và ngồi lại cùng nhau bên chén rượu. Ảnh: PHAN VINH

PHAN VINH – NGUYỄN HÀ (Báo Quảng Nam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *