Tháng 3 và tháng 4 dương lịch là mùa phát rẫy của đồng bào Cadong ở Trà My (Quảng Nam)
Lễ hội ăn trâu huê đã có từ lâu đời trong cộng đồng dân tộc Cadong, Xêđăng… trên vùng núi Trà My. Lễ hội không diễn ra hằng năm, không hẳn do cộng đồng trong làng đứng ra tổ chức mà chủ yếu là những gia đình giàu có. Lễ hội ngày nay thường kéo dài 3 ngày 2 đêm (trước kia 9 ngày đêm).
Sẵn có chuyến đi lên Nam Trà My, anh Điền – phó chủ tịch thường trực huyện Nam Trà My giữ tôi lại kỳ được để tham dự lễ hội ăn trâu huê của hai gia đình ở xã Trà Don – nơi cách trung tâm huyện 20 cây số đường rừng, kèm lời nhắn: ‘Mi đã lên đến đây rồi, ráng ở lại dự lễ ăn trâu huê, không phải năm nào cũng có dịp để ăn trâu huê đâu!’. Với những gia đình khá giả nhất làng, thường phải 5 năm mới tổ chức một lần. Riêng với hai gia đình ở Trà Don năm nay, đã hơn 20 năm rồi họ chưa tổ chức ăn trâu huê.
Đoạn đường đến Trà Don dài 20 cây số nhưng hành trình thật gian nan, cung đường bám theo sườn núi đầy gập ghềnh đất đá, xen lẫn những vũng sình lầy do những trận mưa dông trái mùa khiến chiếc U-oát phải chật vật lắm mới vượt qua được. Anh cán bộ thông tin huyện đi cùng ngồi ôm cứng chiếc máy quay cười bảo: ‘Đi vậy ăn thua gì, gặp trời mưa chỉ có nước xuống xe đi bộ’. Từ trung tâm huyện Nam Trà My, chiếc U-oát cũ kỹ cà rịch cà tàng lắc lư gần 2 giờ đồng hồ mới đến nơi. Đã lâu lắm rồi dân làng Lê và Tak Lang ở Trà Don mới có gia đình tổ chức lễ hội trâu huê, nét vui tươi hiện rõ trên khuôn mặt từng người trong làng.
Đúng 3 giờ chiều, cây huê (cây nêu) được thanh niên trong làng dựng lên. Trong lễ hội trâu huê, dựng cột huê là một nghi thức quan trọng. Cây huê được hiểu ngắn gọn là cột đâm trâu, con trâu tế lễ sẽ được cột bằng những vòng dây mây ở một khoảng cách cố định, đi vòng quanh cây huê. Cây huê thường gồm 3 phần với độ cao tổng cộng trên 20m. Phần thứ nhất được làm từ gỗ chò, đường kính độ 3 gang tay, dài khoảng 8m. Người Cadong chọn cây chò vì cả vùng rừng Trà My, ở đâu cũng có cây chò. Hơn nữa, chò còn là biểu tượng sự mạnh mẽ, dẻo dai của người Cadong. Phần thứ hai được làm từ cây lồ ô với chiều dài trung bình 6 – 8m. Phần còn lại, phần ngọn, được làm từ cây nứa cũng với chiều dài tương tự.
Cây huê là phần trang trí nổi bật nhất trong lễ hội. Ba phần cây huê được nối với nhau bằng những sợi dây rừng rất khéo léo mà quan sát bằng mắt thường khó có thể nhận ra mối nối. Trên cây, người Cadong đưa lên các hoạ tiết trang trí rất lạ mắt và ấn tượng bằng 3 màu chủ yếu (trắng, đỏ, đen) được giã ra từ vỏ cây rừng. Cây càng sặc sỡ, cao, đẹp và lạ mắt bao nhiêu càng chứng tỏ tay nghề khéo léo của thanh niên trong làng bấy nhiêu.
Dựng cột huê xong, con trâu tế được đưa đến cột vào gốc. Trâu tế ở mỗi gia đình cũng khác nhau, tuỳ theo quyết định của thầy mo. Có gia đình chỉ ăn trâu đực, gia đình khác chỉ ăn trâu cái, và điều này được lưu truyền từ đời nọ qua đời kia. Trâu lớn nhỏ phản ảnh thu nhập kinh tế của từng gia đình. Trâu tế ngày nay thường nhỏ, khoảng hơn 1 năm tuổi, giá từ 3-4 triệu đồng. Sau khi buộc trâu tế vào cột huê, dân làng về nhà nghỉ ngơi. Đến tối tiếng chiêng trống vang lên, bắt đầu nghi thức khai mạc lễ hội. Dân làng kéo đến ăn mừng, từng tốp một vào bếp dùng cơm, sau đó ra sân nhảy múa vòng trong vòng ngoài quanh cây huê. Ai khát nước có người tiếp rượu cần cho uống, ai nhảy múa mệt ra nghỉ để người khác vào thay.
Lễ hội trâu huê còn là dịp để các nam thanh nữ tú trong làng gặp gỡ, tỏ tình. Trong trang phục dân tộc, các chàng trai nhảy những điệu nhảy hoàn toàn theo cảm hứng, vừa gây chú ý, vừa thay lời tỏ tình. Các cô gái tỏ ra e lệ hơn, nhảy uyển chuyển nhịp nhàng theo từng điệu múa do một người đi hàng đầu khởi xướng. Cứ thế, nữ vòng trong, nam vòng ngoài, trò chuyện qua lại, hát đối đáp tạo cho lễ hội một không khí thực sự náo nhiệt suốt đêm.
Sáng tinh mơ, tiếng trống chiêng vẫn không dứt. Các chàng trai say lướt khướt, đứng ngồi không vững nhưng cũng ráng tập trung lại ở khoảng sân có cây cột huê để chuẩn bị tiến hành nghi thức quan trọng: đâm trâu. Chủ nhà cùng gia đình, con cái, cháu chắt tiến đến con trâu, gửi gắm những lời cầu nguyện, tạ ơn với mong muốn khi con trâu chết đi nó sẽ đem lời khấn nguyện của họ đến tai thần linh, để thần linh thấu hiểu và phù hộ cho gia đình họ và dân làng. Sau lời cầu nguyện, những người già trong làng cũng góp thêm những ‘tâm sự’ riêng với con trâu: họ đến trước con trâu vuốt ve, rồi thì thầm những ước nguyện. Giây phút rất cảm động và mang đầy vẻ trang trọng của buổi lễ.
Nghi thức đâm trâu chính thức bắt đầu. Chủ nhà cầm ngọn lao dài, đâm một mũi ngang sườn, kế đến là con trai, rồi các thanh niên trong làng. Con trâu chạy vòng quanh cột huê đến đâu, các mũi lao lần lượt ghim thẳng vào phần dưới bả vai đến đó. Dính chừng chục nhát lao, con trâu loạng choạng, máu phun xối xả hai bên sườn rồi ngã gục. Cô gái con chủ nhà xách can nước đến, chú trâu thấy nước ngước mình lên hớp, do bị đâm lủng phổi, trâu uống nước vào xì hơi ra nơi những vết đâm nên chỉ vài phút sau tắt thở. Gia chủ xẻ thịt trâu chia cho dân làng, giữ lại tai, đầu, tim, gan để cúng cho mùa màng năm tới phát đạt. Lễ hội sau đó lại tiếp tục cho đến hết ngày thứ ba.
Sau khi kết thúc lễ hội, cây huê vẫn được để nguyên như thế cho đến khi mục gãy mới thôi. Người Cadong quan niệm để cây huê cho thần linh, tổ tiên ông bà của họ làm nơi cư ngụ, là sợi dây tâm linh nối con người với thần linh, tổ tiên thêm gần gũi hơn, cũng như khẳng định vị thế của gia đình trong từng ngôi làng. Nhà có cột huê tạm hiểu đó là những gia đình giàu có. Hơn thế nữa, cột huê còn là biểu trưng để giáo dục, dạy bảo những thế hệ con cháu của người Cadong ý thức giữ gìn những giá trị văn hoá của mình trên vùng núi Trà My.