Yên Bái: Giám đốc HTX nuôi trâu thành tỷ phú Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, chàng trai trẻ Hoàng Văn Liêm, sinh năm 1986 dân tộc Tày từ xã Xuân Lai, huyện Yên Bình Yên Bái cũng như nhiều thanh niên khác ở địa phương, phải xoay xở nhiều cách để mưu sinh. Đến tuổi trưởng thành, anh xách ba lô vào các tỉnh Đông Nam bộ tìm việc làm. Bôn ba nhiều nơi, anh Liêm nhận thấy công việc làm thuê rất nặng nhọc mà không đủ trang trải cho cuộc sống. Chính vì vậy, anh nung nấu ý định trở về làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Tháng 7/2019, anh Hoàng Văn Liêm cùng với 9 hộ thành viên khác đứng ra thành lập HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An với ngành nghề kinh doanh chính là chăn nuôi trâu, bò thương phẩm.
Giám đốc HTX Hoàng Văn Liêm cho biết: “HTX quyết định chọn lĩnh vực hoạt động chính của mình là chăn nuôi trâu, bò vỗ béo vì tôi đã có nhiều năm đi buôn trâu bò thấy mô hình này cho hiệu quả kinh tế khá cao, khả năng xoay vòng vốn nhanh và đặc biệt thích hợp với những nơi có diện tích để trồng cỏ và có các phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. Hơn nữa, tôi vốn là người địa phương xuất thân trong gia đình nông dân với mong muốn giúp bà con, thành viên HTX vươn lên thoát nghèo, tôi quyết định thành lập HTX, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương”.
Khi mới thành lập, các thành viên thường đi các nơi để tìm mua những con trâu, bò gầy của các gia đình không có điều kiện chăm sóc tốt về nuôi. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt trâu, bò của thị trường ngày càng tăng, HTX đã thu mua trâu bò của các HTX về vỗ béo. Những con vật này sau khi mua về đều được đưa vào nơi nuôi cách ly kiểm dịch đúng thời gian quy định, đồng thời được tiêm vắc xin và cho ăn thêm những loại thức ăn giàu đạm để nhanh chóng phục hồi thể trạng.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu bò, các hộ thành viên ngoài sử dụng diện tích đất vườn nhà còn thực hiện thuê thêm những chân ruộng kém hiệu quả để đầu tư trồng cỏ voi, trồng chuối. Đến nay, HTX đã có từ 12 – 15 ha cỏ voi VA06, mỗi hộ đều có khu vực chứa rơm đủ cung cấp cho ít nhất 10-20 con trâu, bò ăn hàng ngày.
Cỏ voi được HTX dùng máy cắt nhỏ trộn với cám ngô, cám gạo theo tỷ lệ nhất định và cho ăn thêm các loại phụ phẩm nông nghiệp như: gốc ngô, khoai, sắn nên chi phí chăn nuôi giảm đáng kể.
Không chỉ chú trọng đến nguồn dinh dưỡng, trong quá trình chăn nuôi, HTX còn liên kết chặt chẽ với cán bộ thú y trong việc theo dõi đánh giá vật nuôi từ khi nhập đàn đến khi xuất bán. Do đó, đàn trâu, bò của các thành viên luôn phát triển khỏe mạnh, được các đơn vị, thương lái tìm đến mua.
Giám đốc HTX Hoàng Văn Liêm cho biết: “Sau hơn 1 năm chăm sóc tốt, HTX sẽ xuất bán và thu lãi khoảng 10 triệu/con bò và 15 triệu/con trâu. Từ chỉ nuôi vài con trâu đến nay, HTX đã phát triển quy mô 100 con/lứa. Giờ đây trâu, bò của HTX đã có mặt ở khắp các địa phương và các tỉnh lân cận, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tính năm 2019, HTX xuất bán trên 2.000 con trâu, bò, đảm bảo chất lượng và mang lại doanh thu 800 triệu đồng, tạo thu nhập cao cho các thành viên. HTX đã và đang trở thành phương thức làm ăn đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên. Từ đó, dần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông của người dân sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn từng bước đưa lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc của địa phương phát triển mạnh, giúp nhân dân giảm nghèo hiệu quả”.
Tuy mới hoạt động, HTX đã có những thành quả bước đầu trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và trở thành “bà đỡ” cho các thành viên. Các thành viên HTX Thiên An đều có cuộc sống ổn định. Lợi nhuận bình quân của mỗi thành viên trong HTX đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.
Anh Hoàng Văn Kiểm, thành viên HTX Thiên An phấn khởi nói: “Từ khi gia đình được anh Liêm đưa vào làm một thành viên HTX, gia đình đã nuôi trâu và phát triển nhiều hơn; đầu ra, đầu vào ổn định hơn”.
Ông Nguyễn Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Xuân Lai cho biết, trước đây, bà con chủ yếu chăn thả gia súc tự do trên đồng ruộng, không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hoàng Văn Liêm là người tiên phong, làm gương để người dân thôn Cây Tre nói riêng, xã Xuân Lai nói chung thay đổi nếp nghĩ và cách làm.
“Từ mô hình của anh Liêm, hiện nay các hộ lân cận khác trong trong xã đã học tập để nhân rộng ra. Bây giờ không thả bãi nữa mà toàn bộ đều nuôi nhốt như vậy. Tư duy của bà con có sự thay đổi rất là rõ nét” – ông Thương nói.
Không chỉ phát triển chăn nuôi, gia đình anh Liêm hiện còn trồng 10ha rừng, chủ yếu là bạch đàn. Nhờ đó, tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi chu kỳ khai thác, 10ha rừng cũng mang về cho gia đình anh trên 600 triệu đồng.
Nhờ cần cù chịu khó, năng động tìm hướng đi mới, đến nay, gia đình anh Hoàng Văn Liêm đã gây dựng được cơ ngơi khang trang. Trung bình mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp mang về cho gia đình nguồn thu hơn 2 tỷ đồng.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Hoàng Văn Liêm cho biết sẽ mở rộng mô hình, lựa chọn cây, con giống tốt hơn và kết nạp thêm những thành viên mới, các hộ nghèo vào HTX để giúp đỡ nhau cùng phát triển./.