Dấu chân trâu vàng và tiếng chuông Thiên Đế

Lĩnh Nam chích quái kể rằng, xưa ở núi Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) có tinh trâu vàng nửa đêm thường tỏa ra ánh sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu, trâu vàng bỏ chạy, đến địa phận Văn Giang, qua các xã Như Phượng, Như Loan, Đại Lạn, Đa Ngưu. Trâu lại từ trong bến ra sông Cái, đến Ninh Giang, đi men phủ Lý Nhân, theo ven sông Cái tới sông Tô Lịch, chỗ ấy chính là Tây Hồ. Trên đường trâu chạy, khắp nơi biến thành khe, ngòi, rãnh, lạch.

Truyền thuyết về trâu vàng đã đi vào tâm thức bao đời của người Việt, thể hiện trong bao nhiêu địa danh thôn làng, sông hồ, mang chữ Ngưu trong tên gọi. Vậy, con trâu vàng Kim Ngưu là gì mà lại linh thiêng vậy?

Chuyện kể về sự tích Hồ Tây rằng, vào thời Lý có ông Khổng Lồ đúc một quả chuông lớn, khi đánh lên tiếng chuông vang xa. Con trâu vàng đang nằm nghe thấy tiếng chuông liền chạy đến. Rồi ông Khổng Lồ ném chiếc chuông xuống Hồ Tây. Con trâu vàng nhảy theo, ẩn mình trong hồ. “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”. Ông Khổng Lồ, người đã gõ lên tiếng chuông thức giấc trâu vàng là ai?

1. Núi Tiên Du ở Bắc Ninh là nơi tu hành của Khâu Đà La, là vị tu sĩ Bà Là Môn đã truyền đạo vào nước ta những thế kỷ đầu Công nguyên. Trên núi nay còn có chùa Kim Ngưu tại thôn Cổ Miếu xã Phật Tích, huyện Tiên Du. Quanh chùa còn phát hiện được những bức với tượng linh vật đá từ thời Lý, trong đó có tượng hình trâu đang quỳ chầu. Ngôi chùa Linh Quang ở cùng xã đó tương truyền là nơi Khâu Đà La tu hành và nay còn thờ ông tại đây. “Nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu” ở núi Tiên Du như thế chính là vị tu sĩ Khâu Đà La.

Ban thờ Khâu Đà La ở chùa Linh Quang, xã Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh).
Ban thờ Khâu Đà La ở chùa Linh Quang, xã Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh).

Trên đỉnh núi Tiên Du có những bàn đá lớn gắn với truyền thuyết tiều phu Vương Chất gặp các vị tiên đánh cờ ở núi này. Ngọn núi này cũng là nơi có chùa Phật Tích, với hai hàng linh vật bằng đá thời Lý nổi tiếng. Vị tiên giỏi cờ theo truyền thuyết Việt là Đế Thích, người có kỹ thuật cao siêu và có phép cải tử hoàn sinh như trong truyện “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Đế Thích cũng được biết là hình tượng của vị thần Shiva, một trong những thần chủ quan trọng nhất của Bà La Môn giáo. Do đó, giáo sĩ Khâu Đà La ở núi Phật Tích, người đã truyền đạo Bà La Môn vào miền Bắc thời đầu Công nguyên, đã được tôn thờ dưới hình tượng Đế Thích trong văn hóa Việt.

Con trâu vàng từ núi Phật Tích chạy qua sông Đuống, sang bên kia bờ sông là thành cổ Luy Lâu, trung tâm của Giao Châu thời Bắc thuộc. Đây là nơi có ngôi chùa Dâu cổ kính, gắn với sự tích về Khâu Đà La và Phật Bà Man Nương sinh ra Tứ Pháp Vương Phật. Bên ngoài sân chùa Dâu, dưới chân tháp Hòa phong là một con cừu đá. Có thể thấy, con cừu này không gì khác chính là hình tượng của con trâu vàng đã chạy theo tu sĩ Khâu Đà La từ núi Tiên Du tới.

Phép phiên thiết Nho văn cho ta một bất ngờ lớn. “Kim Ngưu” đọc thiết âm là “cừu”. Tên gọi con “cừu” thực chất là chỉ con trâu vàng. Thời đầu Công nguyên, nước ta chưa có loài “cừu” sinh sống theo cách hiểu như ngày nay.

2. Từ chùa Dâu, trâu vàng theo dòng sông Dâu xưa chạy ra vùng đất Văn Giang. Ở Văn Giang nay còn có dòng sông mang tên Kim Ngưu với các di tích liên quan. Bên dòng sông này, tại thôn Cầu Váu của xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang có đền thờ Đế Thích với tên là Thiên Đế tự. Sự tích ở đây chép rằng, Thiên Đế đã giáng trần, cưỡi bò vàng, bắn cung, diệt trừ quỷ Càn Sát và 15 loại quỷ trừ hại cho dân. Khu vực này tới nay vẫn lưu giữ tục lệ không ai được cưỡi bò là vì vậy.

Khám thờ trong nội cung của đền Thiên Đế ở Cầu Váu có bức tượng gỗ tạo hình Thiên Đế đang cưỡi trên một chú bò màu nâu đỏ, rất sinh động. Câu đối ở đền này nhắc lại sự tích trên:

“Sáng lòa chớp đỏ ngờ cung ảnh;

Mù mịt mây vàng tưởng xe trâu”.

Thiên Đế Đế Thích là hình tượng của thần Shiva nên con vật cưỡi của Thiên Đế là con bò thần Nandin. Trong Bà La Môn giáo, bò thần Nandin được cho rằng có khả năng truyền ý nghĩ cho thần Shiva. Nó có nhiệm vụ đưa linh hồn người chết qua con sông và dẫn đường cho linh hồn người quá cố lên thiên đường. Con trâu vàng – Kim Ngưu – cừu chính là con bò thần Nandin của Khâu Đà La – Thiên Đế – thần Shiva. Đây là dấu vết rất sớm của việc du nhập và truyền đạo Bà La Môn vào nước ta và tôn giáo, tín ngưỡng này đã ăn sâu vào văn hóa Việt qua gần 2.000 năm.

Trâu đá chùa Kim Ngưu ở thôn Cổ Miếu, núi Tiên Du.
Trâu đá chùa Kim Ngưu ở thôn Cổ Miếu, núi Tiên Du.

Trâu vàng từ Văn Giang chạy sang vùng đất Hưng Yên. Chặng đường của trâu vàng cũng được đánh dấu bằng những nơi có sự tích về Đế Thích. Đó là ở thôn Liêu Hạ (xã Tân Lập, huyện Mỹ Hào) với chuyện Đế Thích đã giáng trần đánh cờ rồi hoàn hồn tái sinh cho kỳ thủ Trương Ba. Rồi ở xã Cẩm La (huyện Ân Thi) với sự tích Đế Thích trừ yêu quỷ từ thời Hùng Tạo Vương. Vùng này cũng là nơi mà tục thờ Tứ Pháp rất phổ biến, thờ Pháp Vân, Pháp Điện, Pháp Vũ, Pháp Lôi, cùng với Thạch Quang Phật.

Ở Phố Hiến, trung tâm của tỉnh Hưng Yên còn có ngôi chùa Chuông cổ kính. Xưa kia, chùa có một quả chuông đồng rất lớn. Tương truyền khi đánh quả chuông ở chùa thì trâu vàng sẽ chạy đến…

3. Trâu vàng tiếp tục đi men phủ Lý Nhân sang đất Hà Nam. Tới đây, câu chuyện liên quan tới một vị tướng thời nhà Đường. Sách “Thăng Long cổ tích khảo” chép rằng: “Tương truyền đời Đường, Cao Biền làm Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ, đi các nơi có núi sông danh thắng của ta để yếm diệt long mạch. Khi Biền đào sông yểm mạch núi Long Đội, Sơn Thần núi ấy biến thành hình con trâu toả ánh vàng bơi theo sông Đường Giang lên phía Bắc, ẩn ở vùng Hồ Tây thành Đại La”.

Cao Biền là tướng nhà Đường được cử sang dẹp quân Nam Chiếu ở Bắc Việt. Nam Chiếu khi đó là một quốc gia theo đạo Bà La Môn (Hindu giáo) nên đã được hình tượng hóa bằng hình ảnh trâu vàng – Kim Ngưu. Khu vực Đọi Sơn có lẽ từng là một căn cứ quan trọng của Nam Chiếu. Cao Biền dẫn quân đổ bộ bằng đường biển từ vùng Thái Bình – Nam Định tiến đánh Nam Chiếu, trước hết là đánh vùng Lý Nhân Hà Nam này, sau đó mới tiến chiếm thành Đại La.

Bài thơ trong Lĩnh Nam chích quái nói về việc này:

“Trâu vàng còn ẩn mãi trong hồ

Dấu vết khó tìm dẫu nước khô

Đại Việt Nam yên nhờ thánh chúa

Cao Biền hạ bút hận không bờ”.

Lại nói về ông Khổng Lồ thời Lý đúc chuông, được biết là vị Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không, với tên hiệu là Không Lộ thiền sư. Thần tích về thánh Nguyễn Minh Không cho biết, mẹ của ông là bà họ Dương đi cầu tự, đã nằm mộng gặp được Thái Thượng Lão Quân. Lão Quân chỉ cho bà Dương nuốt một con bò vàng (“Hoàng ngưu”) để có được đứa con Phật (“Phật tử”). Từ đó, bà có mang, sinh ra thánh Không Lộ.

Như vậy, ông Khổng Lồ đánh chuông là một kiếp giáng sinh của Thiên Đế Đế Thích qua điềm mộng bò thần vào thời Lý. Bài minh trên chiếc chuông ở đền Thiên Đế tại Cầu Váu viết, khi chuông đánh lên thì “Phật văn lâm giáng, quỷ kiến diệt vong” (Phật nghe mà giáng tới, quỷ thấy sẽ diệt vong).

Tiếng chuông của Thiên Đế là tiếng chuông hoằng dương đạo pháp, xua trừ tà quỷ, tích thiện gặp lành, truyền khắp nước Nam, theo dấu chân dẫn đường của con trâu vàng – Kim Ngưu. Xuất phát từ núi Tiên Du ở Bắc Ninh, trâu vàng mang theo đạo Bà La Môn giáo của Thiên Đế Khâu Đà La đã lan sang các vùng Hưng Yên, Hà Nam, rồi quay về Hà Nội mà ẩn trong lòng Hồ Tây. Tín ngưỡng thờ “Trời” (Thiên Đế) đã ẩn sâu dấu dưới những lớp văn hóa khác trong tâm thức người Việt. Chỉ cần thỉnh lên tiếng chuông của Trời Phật thì con trâu vàng, tinh thần của đạo, sẽ lại hiển hiện trên nhân gian.

Ảnh đầu bài: Thiên Đế cưỡi bò ở điện Cầu Váu, Văn Giang.

MINH THI (Lao Động cuối tuần)

2 thoughts on “Dấu chân trâu vàng và tiếng chuông Thiên Đế

  1. Pingback: Cuộc Thi Miss Teen International 2022: Ngô Ngọc Gia Hân Mang Trâu Vàng, Nón Lá, Lúa, Rơm đi "đánh" Xứ Người » Di Sản Trâu Việt

  2. Pingback: Ngô Ngọc Gia Hân mang trâu vàng, nón lá, lúa, rơm đi "đánh" xứ người

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *