Con trâu cuối cùng ở làng -truyện ngắn dự thi của Vũ Đảm

Con trâu cuối cùng ở làng -truyện ngắn dự thi của Vũ Đảm
Con trâu cuối cùng ở làng -truyện ngắn dự thi của Vũ Đảm

Con trâu cuối cùng ở làng -truyện ngắn dự thi của Vũ Đảm: Chị Liễn gọi điện cho tôi, nghe trong giọng chị có cả sự nghẹn ngào, cậu ơi, con Một sừng vật vã mấy ngày nay mà chưa chết, hễ nhắc đến tên cậu là đôi mắt nó lại sáng lên, chắc là nó mong muốn được gặp lại cậu lần cuối, trước lúc nó nhắm mắt đi xa! 

Con trâu cuối cùng ở làng -truyện ngắn dự thi của Vũ Đảm: Con Một sừng, chỉ nghe tên nó, tâm hồn tôi đã xao động chứ đừng nói đến việc nó đang hấp hối. Hai năm rồi vì vợ bị tai nạn mà  tôi chưa gặp lại con Một sừng; những năm trước, năm nào tôi cũng thu xếp cho vợ con bay từ Sài Gòn về quê ăn Tết để thắp hương cho tổ tiên, bố mẹ, thăm hàng xóm láng giềng và tất nhiên tôi không thể không vuốt ve thăm hỏi con Một sừng, rồi chính tay tôi dắt nó ra cánh đồng làng. Tôi cưỡi lên lưng con Một sừng để nó thong dong gặm cỏ còn tôi lại tha thẩn lần hồi lại những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của tuổi thơ.

Hai mươi năm có lẻ trước đây, bố tôi đang là một chủ nhiệm hợp tác xã được dân tin yêu thì ông đột ngột từ chức vì ông thấy cán bộ chủ chốt của xã tham ô, đánh chén nhiều quá, ông can ngăn chả được nên xin nghỉ việc, mua một con trâu gầy nhẳng với mục đích: không giúp được dân với cái chức chủ nhiệm thì về làm thợ cày giúp dân; ai cũng chê cười con trâu sẽ chả làm nên trò trống gì. Bố tôi chỉ im lặng, vì ông biết xem tướng trâu; mông to ngực nở là rất khỏe, dáng đi vững chãi là rất hiên ngang, mắt to và sáng là rất nhân ái, không bao giờ phản chủ. Nó gầy nhẳng là do chủ trâu lười biếng không chịu chăn dắt, tắm rửa cho nó.

Quả nhiên về nhà tôi mới có hai tháng, được bố tôi và tôi thay nhau chăm bẵm, con trâu béo khỏe hẳn lên, một mình nó có thể cày bừa thuê gấp rưỡi, gấp đôi diện tích ruộng so với những con trâu khác. Còn sự hiên ngang của nó thì chả riêng gì tôi mà cả làng được chứng kiến. Con trâu Mộng của nhà ông Chu vốn nổi tiếng khỏe và hung dữ, nó bắt nạt tất cả những con trâu trong làng để chiếm lấy những bờ cỏ xanh mướt và dĩ nhiên những con trâu cái luôn luôn thuộc quyền sử hữu của con trâu Mộng. Bọn trâu đực khát tình rất căm thù con Mộng nhưng cũng đành ngậm ngùi, chỉ cần bén mảng đến con trâu cái nào là y như rằng bị con Mộng lao đến tấn công; hậu quả còn sờ sờ ra đấy, con trâu của nhà chị Nuôi, của nhà  anh Bần đã từng bị con Mộng húc cho què chân, sứt mõm cũng chỉ vì dám cả gan ve vãn đám trâu cái. Hình như con trâu nhà  tôi đã nhận ra sự bất công này, nó ngấm ngầm rèn sức bằng cách gặm thật nhiều cỏ, chạy như bay trên những thửa ruộng mới gặt.

Một buổi chiều, con trâu nhà tôi đi đến tán tỉnh một con trâu cái mới lớn đang gặm cỏ ở cánh đồng Rạng. Con trâu cái này bị con Mộng ve vãn nhiều lần nhưng mỗi khi nhảy lên lưng con cái để làm tình thì đều bị con cái lồng lên, chạy ra xa. Thế mà con trâu nhà  tôi dám to gan chiếm đoạt người tình của con Mộng. Mấy thằng bạn hò hét tôi chạy lại dắt trâu về ngay kẻo tan xương nát thịt với con Mộng. Tôi sợ hãi, chạy tụt cả quần đùi nhưng không kịp mất rồi. Con Mộng không biết từ đâu lao đến với tốc độ kinh hoàng. Từ xa, tôi hét lên: “Trâu ơi, chạy đi, chạy đi!”. Nhưng con trâu nhà  tôi không chạy.

– Huỵch! Ầm!

Cú húc như trời giáng của con Mộng vào con trâu nhà tôi bất thành, con trâu nhà tôi nhanh chóng xoay người tránh, con Mộng mất đà ngã dúi dụi xuống ruộng. Nó điên tiết quay lại tấn công địch thủ, con trâu nhà tôi khôn ngoan nép vào người con trâu cái để tránh đòn và làm tiêu hao sức lực của con Mộng. Lũ trẻ trâu chạy đến reo hò ầm ĩ khiến cả làng kéo ra chứng kiến cảnh đánh nhau vì gái chưa từng có của hai con trâu đực. Sau một hồi mất sức, con Mộng cũng nhận ra được vấn đề, nó cần phải kết thúc cuộc chiến càng nhanh càng tốt kể cả phải hy sinh người tình. Con Mộng bỗng húc mạnh vào con trâu cái, quả nhiên con này đau quá vùng bỏ chạy. Con trâu nhà tôi còn đang bàng hoàng vì mất lá chắn thì ăn trọn một cú húc như trời giáng vào bụng. Nó đau đớn vùng chạy, phía sau con Mộng tăng tốc khiến bùn đất tung tóe. Rõ ràng những cuộc tập dượt chạy đã giúp con trâu nhà tôi sự dẻo dai cần thiết nhưng khoảng cách giữa hai con cứ ngắn dần. Con trâu nhà tôi bỗng dừng chạy, quay ngoắt lại 180 độ, khiến con Mộng không kịp xoay xở, bị một cú húc rất mạnh vào cổ. Bắt đầu một cuộc chiến giáp lá cà.

– Cốp, cốp, cốp!

– Phập, phập, phập!

Đám đông hò hét nhưng không ai dám xông vào can ngăn, người thì sợ hãi nhìn những miếng đòn mà hai con trâu dành cho nhau, kẻ thì phấn khích reo hò cổ vũ.

– Rắc!

Tiếng rắc khô khốc ghe rùng rợn. Tôi gào lên khi thấy một cái sừng của con trâu nhà tôi bị sừng của con Mộng đánh gãy. Con trâu nhà tôi vô cùng đau đớn. Con Mộng ngạo nghễ nhìn con trâu nhà tôi một cách khinh bỉ, men say chiến thắng cùng tiếng reo hò  khiến con Mộng đắc chí càng thêm vênh váo. Trước khi kết liễu cuộc đời của con trâu nhà tôi, con Mộng đi quanh địch thủ một lần, lấy cặp sừng lành lặn của mình dứ dứ để con trâu nhà tôi sợ hãi, quỳ xuống cầu xin nó tha mạng nhưng con trâu nhà tôi không quỳ, vẫn nén đau chờ đợi. Bất thần con Mộng quay lại lao vào con trâu nhà tôi với một sức mạnh của thần chết, nó dùng cặp sừng húc thẳng vào cổ con trâu nhà tôi nhưng con trâu nhà tôi đã chuẩn bị từ trước, nó né người dùng chiếc sừng còn lại cắm phập vào mắt con Mộng. Con Mộng đau đớn, máu phun ra tung tóe từ con mắt đã bị chiếc sừng của con trâu nhà tôi lôi lòi ra ngoài. Chưa dừng lại ở đó, con trâu nhà tôi lao vào tiếp tục tấn công khiến con Mộng bỏ chạy thoát thân. Con trâu nhà tôi không đuổi theo mà chậm chạp bước đi.

Tôi dắt con trâu về nhà trong niềm kiêu hãnh trước con mắt trầm trồ khen ngợi của dân làng. Chỗ sừng gãy lởm chởm của con trâu được bố tôi lấy cưa sắt cưa đi cho bằng phẳng. Từ đấy tôi gọi con trâu nhà tôi là con Một sừng. Cũng từ đấy kẻ bại trận – con Mộng bây giờ có biệt danh là con Chột  hết hung hăng; đàn trâu làng được tự do gặm cỏ, tự do yêu đương trên cánh đồng làng lộng gió.

Sau trận thư hùng ấy, nàng trâu cái kia đem lòng ngưỡng mộ và say đắm chàng Một sừng. Tôi cũng tưởng con Một sừng đã lấy cả mạng sống ra để giành giật lấy con trâu cái thì sẽ đáp lại tình yêu một cách nồng nàn nhưng không, tuyệt nhiên không! Mấy lần con trâu cái đi đến bên con Một sừng để sẵn sàng dâng hiến nhưng con Một sừng lại hờ hững bỏ đi.

Thì ra con Một sừng đánh nhau với con Mộng không phải để tranh giành gái mà để dạy cho con Mộng bài học về sự ngông nghênh, ăn hiếp kẻ khác và  đem lại sự tự do, công bằng cho lũ trâu làng.

Con Một sừng phải lòng một ả trâu cái mũm mĩm xinh đẹp, có nước da đen bóng, có cái đuôi dài sát đất ở bên kia sông. Hèn chi, tôi hay thấy con Một sừng tha thẩn gặm cỏ ở bờ sông và khi đó bên kia sông cũng thấy con Đuôi dài xuất hiện. Lúc đầu tôi nghĩ đó là sự ngẫu nhiên nhưng sau khi tôi điều tra thì mới hay, thời còn là nghé con, Một sừng và Đuôi dài sinh ra cùng làng, sát nhà nhau, chắc đã nảy nở tình cảm nên khi con Một sừng bị bán sang làng tôi thì chúng vẫn không quên nhau. Rồi một chiều hè yên ả, Một sừng đang gặm cỏ bên sông thì đột nhiên biến mất, tôi hốt hoảng chạy lại phía bờ sông, sững sờ chứng kiến cảnh con Một sừng đang làm tình với con Đuôi dài.

Cũng một chiều hè, tôi đi học về, thấy nóng quá liền cởi quần áo nhảy ùm xuống sông và bị chuột rút không bơi được vào bờ. Dòng sông vắng lặng, trên bờ cũng không một bóng người, tôi kêu cứu trong tuyệt vọng, chìm dầm, chìm dần.

Tôi tỉnh dậy, trong tiếng khóc nức nở của mẹ tôi, của chị Liễn. Người cứu sống tôi chính là con Một sừng. Bố tôi đang cùng con Một sừng cày cố đám ruộng ở gần nghĩa địa làng thì con Một sừng nhìn thấy tôi đi học về, nó linh cảm được điều gì sắp xảy ra với tôi nên nó chồm lên không chịu cày, bố tôi quất roi rất mạnh, con trâu vẫn không chịu cày tiếp nên ông đành tháo gióng cày. Lập tức con Một sừng phi về phía bờ sông, lao xuống sông và bàn tay chới với trong phút cuối cùng của tôi đã bám vào chiếc sừng bị cụt của nó. Bố tôi cũng nhận ra có vấn đề gì đó nên chạy theo con Một sừng và ông đã nhún người nhảy một cú rất xa xuống sông, thêm vài sải bơi nữa là đến chỗ con trâu, bế tôi lên bờ.  Sau lần Một sừng cứu sống tôi, tôi và nó trở thành người bạn tri kỷ. Chính vì đã cứu sống tôi nên khi lũ trâu làng lần lượt bị đem bán, đem giết vì sự cạnh tranh của máy cày bừa tư nhân thì con Một sừng vẫn được bố tôi để lại nuôi.

Tôi lớn lên vào đại học, lập nghiệp, cưới vợ ở Sài Gòn, bố mẹ tôi cũng lần lượt qua đời; ở quê chỉ còn chị Liễn đã lấy chồng và con Một sừng giao cho con chị chăn dắt và mỗi năm tôi lại gặp lại con Một sừng vào dịp Tết. Bây giờ thì con Một sừng đang hấp hối, đang đợi tôi, tôi không thể không về.

Tôi bay chuyến bay giữa trưa và về tới nhà vào lúc 3 giờ chiều. Nước mắt tôi chan chứa khi nhìn thấy con Một sừng gầy gò đang nằm thở thoi thóp bên bụi tre ở góc ao.

– Một sừng ơi, tao về với mày đây!

Nghe thấy tiếng tôi, con Một sừng mở mắt, cố gắng vẫy vẫy đuôi như thời xa xưa nó vẫn hay vẫy để biểu hiện cái gì đó vui lòng với tôi. Chị Liễn bảo gần một năm nay con Một sừng ít ăn, gầy yếu hẳn đi. Thỉnh thoảng con Một sừng hay đi ra  đầu làng nhìn về phía con đường mà tôi đã chia tay nó để vào Nam lập nghiệp. Và dĩ nhiên, con Một sừng không thể không ra bờ sông, nhìn về phía bên kia ngóng gặp người tình Đuôi dài nhưng mãi mãi chỉ là vô vọng; người tình Đuôi dài của nó đang khỏe mạnh thì bị giết thịt chỉ vì cô con dâu của chủ tịch xã nghén thai, thèm ăn thịt trâu xào rau cần.

Tôi ngồi xuống, vuốt ve lên chiếc sừng chiến tích của con Một sừng, động viên nó hãy cố gắng ăn uống để khỏe mạnh trở lại, để mỗi năm vào dịp Tết, tôi và nó lại được gặp nhau, lang thang trên cánh đồng làng lộng gió, xào xạc tiếng lúa của đồng quê, vi vu tiếng sáo diều hiếm hoi còn sót lại. Tôi còn khích lệ nó hãy dũng mãnh lên như thời nó xả thân đem lại sự công bằng cho lũ trâu làng. Con Một sừng nghe chừng hiểu hết những lời tôi nói, nhưng tuổi tác và nỗi buồn mất đi người tình đã khiến con Một sừng mỗi lúc một gần đất xa trời.

Có tiếng xe máy gầm rú ngoài đường làng rồi lao thẳng vào nhà chị Liễn. Gã đồ tể béo múp míp đeo cặp kính đen dựng xe trong sân rồi đi lại, vỗ vai tôi:

– Mày mới về à? Nó còn đang thoi thóp, tao trả mày 1 triệu; nó chết rồi cho tao cũng không thèm lấy. Mày đồng ý, tao alo cho mấy thằng đệ tử đến cho nó một nhát búa vào đầu rồi thịt ngay bán cho phiên chợ sáng mai. Riêng mày tao biếu thêm cho cân thịt mông mà nhắm rượu.

Mấy bà hàng xóm cũng nói góp vào, được đồng nào hay đồng ấy chứ đem chôn lại phải mất mấy triệu tiền công khênh nó ra ngoài đồng và tiền đào hố. Tôi bảo không, mấy năm trước, họ trả chục triệu tôi còn không bán, con Một sừng là ân nhân của tôi, tôi sẽ chôn cất nó. Gã đồ tể bảo nó còn da với xương chứ còn cái đéo gì đâu, mà nó là trâu chứ là người đâu mà chôn với chả cất, thôi tao trả 2 triệu! Chị Liễn cũng bảo tôi bán đi chứ giờ thanh niên bỏ làng ra thành phố hết rồi lấy ai mà khênh con Một sừng? Chả nhẽ chặt nó ra từng khúc rồi mang ra đồng chôn? Mà mộ người còn phải mua đất mấy triệu một mét vuông thì con trâu này bao nhiêu đất cho vừa? Tôi nói với chị Liễn, sẽ chôn con Một sừng ở góc thửa ruộng của bố mẹ để lại cho vợ chồng chị vẫn cấy lúa bù cho việc chăn dắt con Một sừng. Đây cũng chính là mảnh ruộng mà bố tôi, tôi, con Một sừng gắn bó bao năm có cả mồ hôi, nước mắt và nụ cười.

Gã đồ tể thấy tôi kiên quyết không bán, nhổ bãi nước bọt đánh toẹt rồi lên xe rồ máy lao vút đi.

Trời tối dần, con Một sừng vẫn thoi thóp, tôi đút cho nó ít cháo loãng, nó cố gắng nuốt từng tí từng tí một, cuối cùng cũng hết một bát to cháo băm thịt; tôi mừng thầm trong bụng, ăn được, nó sẽ hồi sức, khỏe lại.

Cả đêm, tôi gần như không ngủ, chốc chốc lại chạy ra xem con Một sừng còn sống hay đã chết. Khoảng 3 giờ sáng, tôi mệt quá ngủ thiếp đi. Sáu giờ, chị Liễn chạy đến giường đập tôi dậy:

– Cậu  Lâm dậy đi, dậy đi!

– Con Một sừng biến mất rồi!

Tôi vùng dậy lao ra chỗ bụi tre. Đúng là con Một sừng đã mất tích. Tôi nghĩ ngay đến gã đồ tể, liền lấy xe máy của chị Liễn phi ra chợ làng, tuyệt nhiên không có ai bán thịt trâu. Tôi lại phóng xe đến nhà gã đồ tể, gã càu nhàu bảo tôi trên đời này chả có thằng chó nào chê tiền cả, cứ về nhà đi, tí nữa gã sẽ cho mấy thằng đệ đến làm thịt con trâu. Vậy ra, gã đồ tể không ăn trộm con Một sừng!

Tôi phi xe máy về nhà chị Liễn, chả hiểu trời xui đất khiến thế nào mà xe lại lao về phía cánh đồng làng. Từ xa nhìn xuống thửa ruộng của bố mẹ tôi, tôi kinh ngạc khi thấy con Một sừng đang nằm ở đó. Tôi dựng xe trên đường, hộc tốc chạy xuống.

Tôi khóc nức nở. Ôi Một sừng ơi, mày đã nghe thấy hết những lời nói của tao với mọi người chiều qua, mày không muốn tao tốn kém, không muốn phiền phức đến ai nên mày đã dùng ý chí phi thường, lê lết tấm thân gầy cố đi ra đây để chết. Hèn chi tối qua, mày đã cố gắng ăn được nhiều cháo để lấy sức.

Con Một sừng đã chết nhưng đôi mắt nó vẫn mở. Tôi thì thầm với nó, hãy nhắm mắt ra đi thanh thản, tao sẽ đào hố chôn mày ở góc ruộng, sát với con mương mà mày vẫn hay cúi xuống uống nước; tao sẽ xây mộ cho mày đàng hoàng, trên mộ đặt một tấm bia, mặt trước khắc những dòng chữ ca ngợi chiến công hiển hách của mày thời trai trẻ, mặt sau tao sẽ tập làm thi sĩ làng, khắc một bài thơ về cuộc tình đẹp đẽ, lãng mạn của mày với con Đuôi dài. Đôi mắt con Một sừng vẫn không khép lại!

Chị Liễn cũng đã ra đây từ bao giờ, chị đưa nắm hương cho tôi rồi bảo:

– Trâu cũng như người, cậu thắp mấy nén hương rồi khấn thì mắt nó sẽ nhắm lại!

Tôi làm theo lời chị Liễn, bật lửa thắp cả một nắm hương mà chị mang ra, cắm xung quanh con Một sừng rồi chắp tay khấn linh hồn nó, hãy nhắm mắt ra đi để tôi được an lòng. Đôi mắt con Một sừng vẫn mở!

Con trâu cuối cùng ở làng -truyện ngắn dự thi của Vũ Đảm:Chị Liễn hỏi tôi có thất lễ gì với con Một sừng không? Tôi bảo không. Chị bảo rõ ràng có nghe thấy tôi nói xây mộ, khắc bia gì đó mà? Tôi nói lại cho chị nghe ý định xây mộ, khắc bia cho con Một sừng. Chị Liễn trách tôi, tri kỷ gì mà lạ quá, con Một sừng hiểu tôi mà tôi không hiểu hết về nó, nó không muốn xây mộ để lãng phí đất, nó cũng không thích được tụng ca, nó muốn khi sống có ích cho người nông dân, có lợi cho đồng loại nhưng khi chết thì bình dị, lặng lẽ rời cõi nhân gian. Tôi gật đầu đồng ý với những nhận xét rất chân tình, thật thà của chị Liễn, tôi ngồi xuống, hai tay vuốt lên hai mắt con Một sừng:

– Một sừng ơi! Tao sẽ không xây mộ mà chỉ chôn mày rồi lấp phẳng đất đi để thân xác mày hóa vào đất làm tốt tươi cho cây lúa. Tao cũng không khắc bia trên mộ mày nữa nhưng mỗi khi về quê, tao sẽ ra đây, không cần thắp hương khấn vái; tao chỉ nói với chính tao, với ai đó tình cờ đi qua đây rằng: Đây là nơi an nghỉ của con trâu cuối cùng ở làng!

Đôi mắt con Một sừng từ từ khép lại!

(Truyện đã đăng Tạp chí Văn nghệ TPHCM, số 12/2022)

One thought on “Con trâu cuối cùng ở làng -truyện ngắn dự thi của Vũ Đảm

  1. Pingback: Thư họa “Trâu xuân” của Nguyễn Hiếu Tín

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *