Tại huyện vùng cao Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, người Tà Riềng (thuộc nhóm dân tộc Gié Triêng) quần cư xung quanh ngôi nhà làng truyền thống. Đồng bào Tà Riềng xem nhà làng là biểu tượng cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng dân gian và tâm thức của cộng đồng dân tộc mình. Vì vậy, việc trang trí tàcoi kapiêu (sừng trâu) trên nóc nhà làng, không chỉ làm đẹp mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Ông Zơrâm Ấm (77 tuổi), thôn Đắk Rế, xã La Dêê, huyện Nam Giang chia sẻ, theo quan niệm của người Tà Riềng, con trâu luôn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống hằng ngày của đồng bào. Nó được xem như của cải quý giá nhằm trao đổi nồi đồng, mã não của các dân tộc khác trong vùng.
Con trâu còn là hình ảnh thiêng liêng, kết nối ước vọng của người Tà Riềng với ông bà, thế giới thần linh (Yàng), qua đó thực hiện nghi thức hiến sinh trâu trong các nghi lễ cầu mùa, cầu mưa, cầu sức khỏe, ăn mừng được mùa, ăn mừng lúa mới, mừng nhà mới, cưới hỏi…
Khi con trâu ngã xuống, người chủ lễ hoặc già làng cẩn trọng rót nước nóng đúng vị trí quả tim, rồi trịnh trọng phủ chiếc khố đẹp nhất của làng lên mình trâu, không quên những lời cầu nguyện tốt đẹp nhất dành cho sự ra đi của nó. Trâu được xem là con vật thiêng trong đời sống tâm linh của người Tà Riềng. Người Tà Riềng quý trâu nên khắc biểu tượng tàcoi kapiêu lên nóc mái nhà làng, tại nơi trang trọng nhất của ngôi nhà làng ở vị trí cùng hướng vào nhau.
Từng có nhiều dịp đi công tác lên các làng của người Tà Riềng sinh sống ở các xã: La Dêê, Đắk Tôi, La Êê, mới cảm nhận hết được việc xây dựng ngôi nhà làng (su moong) của người Tà Riềng rất kỳ công. Người Tà Riềng quan niệm, khi lập làng mới, dù có khó khăn bao nhiêu, thì trong khoảng một năm phải xây dựng được su moong làm nơi để tụ họp cho bà con, bàn bạc công việc làm ăn và hòa giải mọi chuyện của làng.
Trong khi đó, để làm hoàn thành một su moong truyền thống, đồng bào Tà Riềng phải mất rất nhiều thời gian chuẩn bị. Mỗi ngôi nhà hoàn thành, cần sử dụng ít nhất 200 đến 250 bó tranh lợp (mỗi bó gồm nhiều mớ, trọng lượng khoảng 20kg) và trên dưới 20m3 gỗ, cùng tre nứa, dây mây.
Đặc điểm của ngôi nhà làng truyền thống là, có kết cấu vững chắc với sàn cao khoảng hơn 1m, vách gỗ, mái lợp tranh giúp người Tà Riềng tránh được thú dữ, tránh được thiên tai khi mưa lũ. Thành phần chính để cấu tạo nên một ngôi nhà làng truyền thống của người Tà Riềng gồm: Cột, xuyên, trính, vì kèo, đòn tay, đòn đông… thể hiện nét văn hóa độc đáo tinh tế.
Ngôi nhà làng truyền thống của người Tà Riềng thường có hình mai rùa, trên nóc có biểu tượng tàcoi kapiêu, là hai tấm gỗ mỏng cách điệu của hai sừng trâu cong nổi hai bên nóc nhà đối xứng nhau. Dáng dấp của tàcoi kapiêu là nét đặc trưng trong kiến trúc nhà làng của đồng bào Tà Riềng nơi đây. Theo các già làng cho biết, tàcoi kapiêu trên nóc của mái nhà làng, là biểu tượng tinh thần gắn liền với những cuộc thiên di đi tìm đất lập làng và lịch sử lâu đời mà tổ tiên, ông bà của họ trên vùng biên Nam Giang để con cháu người Tà Riềng sau này dễ dàng phân biệt làng, nhà cửa và ngôi nhà làng thân thương của dân tộc mình với các nhóm dân tộc anh em địa phương khác cùng cư trú trong vùng.
Xuân Tân Sửu năm 2021, trong hành trình lên vùng cao Nam Giang để chung vui đón năm mới cùng đồng bào các dân tộc Gié Triêng, Cơ Tu, Xơ Đăng…, du khách sẽ nhìn thấy biểu tượng tàcoi kapiêu trên nóc ngôi nhà làng người Tà Riềng để hiểu thêm những ý nghĩa, giá trị văn hoá sâu sắc của đồng bào trên dãy Trường Sơn hùng vỹ.
Pingback: Người Giẻ Triêng treo đầu trâu, đuổi ma làng