Trong nhiều chuyện cổ tích có hình ảnh con trâu, như các câu chuyện kể về sự tích con trâu, cái nốt dưới cổ con trâu, chuyện giải thích tại sao trâu đen bò vàng, con trâu bay, chuyện “Trí khôn của ta đây”… Trong các truyền thuyết lịch sử, có truyền thuyết trâu vàng ở hồ Tây gắn với sự tích con sông Kim Ngưu thơ mộng thời xa xưa.
Tượng trâu bằng đất nung xuất hiện trong di chỉ Đồng Đậu có niên đại cách đây hơn 3000 năm, hay trong thời kỳ đầu dựng nước, có nhiều tượng trâu tại di chỉ Đình Chàng, những hình ảnh lễ hội đâm trâu của người Việt cổ được chạm khắc trên mặt trống đồng Bắc Lý, Hiệp Hòa.
Con trâu được đặt tên cho một chòm sao trên trời, là sao Ngưu trong chòm sao Huyền Vũ thuộc hệ thống nhị thập bát tú. Con trâu là một hình ảnh đẹp đẽ trong dòng tranh Đông Hồ. Rất nhiều làng quê Việt có tục thờ thần trâu hay làm lễ hiến trâu trong hội tế thần hoàng làng…
Theo huyền sử, ngày xưa, Đinh Bộ Lĩnh đã cùng các cậu bé chăn trâu trong vùng Hoa Lư tổ chức cưỡi trâu, ngắt cờ lau tập trận để hun đúc ý chí, sau này đứng lên dẹp loạn 12 sứ quân và lên ngôi Đinh Tiên Hoàng đế, lập nên triều đại nhà Đinh. Trong thời kỳ hội nhập, hình ảnh con trâu được chọn làm biểu tượng cho thể thao Việt Nam và con trâu cũng là linh vật của SAE Games 22.
Con trâu thuộc vào trong số 12 con giáp, là biểu tượng của thời gian tiếp nối, luân chuyển cùng đời người đi qua năm tháng. Vì thế hình ảnh con trâu xuất hiện rất nhiều và thường xuyên trong lời ăn tiếng nói, trong ví von của con người. Hình ảnh con trâu đã thành một hình tượng đậm nét trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ truyền đời của người Việt.
Con trâu là “đầu cơ nghiệp” của người Việt. Có một con trâu trong nhà là một trong ba việc lớn của người đàn ông nông dân xưa: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/Cả ba việc ấy thật là khó thay”. Con trâu thành nguyên lý lớn nhất trong cuộc sống ổn định và phát triển: “Làm ruộng có trâu/Làm giầu có vợ”.
Còn hơn thế nữa, con trâu đã trở thành như một người bạn thân thiết trong nghiệp nông gia của con người: “Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta” mở đầu bài ca dao thuộc vào dạng phổ biến nhất, quen thuộc nhất, hầu như ai cũng biết trong vô vàn câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ của người Việt có liên quan đến hình ảnh con trâu. Ngôn ngữ trò chuyện, chia sẻ trong bài ca dao này là những lời tâm tình với bạn bè thân thuộc. Con trâu đã được nhân cách hóa lên, trở thành người bạn của con người.
Chính vì con trâu đã cùng lao động và chia sẻ niềm vui cùng sự vất vả, lam lũ của con người nên hình ảnh con trâu còn nhiều lần hiện ra trong khung cảnh cuộc sống thanh bình như mơ ước của người nông dân:
“Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”…
Con người, khi nâng lên trên tay thành quả lao động của mình, nhớ gì thì rồi cũng gắn với hình ảnh con trâu:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Nhớ công hôm sớm cấy cày cùng trâu”.
Hình ảnh con trâu cũng gắn với những nhắn nhủ về chuẩn mực đạo đức, cách ứng xử của người Việt:
“Trai thì cày ruộng khiển trâu
Gái thì phải biết bổ cau têm trầu”.
“Nghé ơi, ta bảo nghé này
Nghé ăn cho béo, nghé cày cho sâu
Ở đời khôn khéo chi đâu
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần”.
Trong kho tàng kinh nghiệm lựa chọn vật nuôi cho mình, có vô vàn những câu ca dao, tục ngữ nói về con trâu, ví dụ như:
“Trâu khỏe chẳng lo cày trưa
Mạ già ruộng ngấu không thua bạn điền”.
“Chùn đùi, thắt quản, ngắn đuôi
Sừng to móng hến thì nuôi đúng rồi”.
“Cao đầu thấp hậu thì tậu liền tay”.
“Cao vây nhỏ sống thì rộng đường cày”.
Chính vì con trâu thân thuộc, gần gũi, gắn bó trong lao động và cuộc sống nên nó cũng là một ẩn dụ để nói về mọi vấn đề của con người, từ nơi cao sang, quyền quý như trong quan trường, với câu: “Trâu buộc thì ghét trâu ăn/Quan võ thì ghét quan văn dài quần”. Hay cũng để nói về tình yêu trai gái. Nào thì ngậm ngùi: “Công anh chăn nghé đã lâu/Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày”. Hay là quả quyết, khẳng định: “Anh về bán ruộng cây đa/Bán cặp trâu già để quyết cưới em”. Hoặc bóng gió xa xôi: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta/Tuy là cỏ cụt nhưng là cỏ thơm”… Rồi oán thán, trách thân trách phận: “Chẳng qua số phận long đong/Cột trâu, trâu đứt, cột tròng, tròng trôi”…
Chắc khó mà kể cho hết những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ có hình ảnh con trâu liên quan đến mọi lĩnh vực và vấn đề trong cuộc sống, từ can qua, xung đột: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”, đến thất tán, tha phương mà tìm về quê cũ thì: “Lạc đường nắm đuôi chó/Lạc ngõ nắm đuôi trâu”.
Cũng từ rất lâu rồi, đã trở thành truyền thống, lễ hội chọi trâu được tổ chức để phục vụ nhu cầu vui thú và náo nhiệt của con người:
“Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Mồng mười tháng tám trở về chọi trâu”.
Còn rất nhiều câu chuyện về con trâu trong thơ ca, âm nhạc, dân ca, điêu khắc, hội họa, trong văn chương truyền khẩu và văn học thành văn, từ xa xưa cho đến hiện tại. Ở đâu thì hình ảnh con trâu cũng luôn có đủ các sắc thái ẩn dụ, đủ các cung bậc mang màu sắc ái ố hỉ nộ của tình cảm con người…
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hóa, con trâu không còn là nguồn sức kéo, không gắn bó với sản xuất nông nghiệp nữa, thì nó vẫn còn nhiều vai trò khác. Trâu là nhân vật chính làm nên náo nhiệt của lễ hội chọi trâu. Tiếng trống, tang bằng gỗ mít, mặt bọc da trâu, vang lên trầm hùng từ làng quê lên thành dàn trống hội nơi thành phố. Con trâu trở thành một nguồn đầu tư để nuôi lấy sữa, lấy thịt, lấy da cho ngành công nghiệp thuộc da… Con trâu sẽ còn mãi mãi găn bó với đời sống của người Việt.
Trong một vòng hoa giáp 60 năm, có 5 năm mang tên trâu, là Tân Sửu, Quý Sửu, Ất Sửu, Đinh Sửu và Kỷ Sửu. Năm mới 2021 này là năm Tân Sửu, đứng đầu tiên trong các năm mang tên con trâu, với ý nghĩa là con trâu mới mẻ, thanh tân, đầy sức sống. Vì thế, năm Tân Sửu 2021 sẽ mang đến cho chúng ta thêm nhiều kỳ vọng tốt lành về cuộc sống bình an và sự nghiệp đầu tư kinh doanh phát đạt, thành công.
Phương Nguyên
https://vietnamfinance.vn/cau-chuyen-dau-xuan-hinh-tuong-con-trau-trong-van-hoa-viet-20180504224249563.htm