Trâu trắng ‘bạch tuyệt’ ở bản Đèo Mương – cực hiếm và cực thông minh: Trâu trắng thì không hiếm nhưng trâu trắng ‘bạch tuyệt’ nghĩa là ngoài lông trắng ra còn có cặp sừng màu trắng trong, cong vòng ra sau, chứ không phải sừng đen như bình thường thì quả là rất hiếm. Hơn nữa con trâu này rất thông minh.
Giống trâu trắng “bạch tuyệt” chỉ được học một lần là nhớ
“Lặn xuống, nằm im dưới đáy ao nào”. Anh Vinh ra lệnh. Con trâu “bạch tuyệt” lặn như một cái tàu ngầm, lâu cả phút, không còn nhìn thấy dù chỉ là cái sống lưng.
Rồi nó trồi lên, hít một hơi thở dài, hồi sau, đội chủ nhân trên lưng, lại lặn xuống, đi băng băng dưới đáy ao, kéo theo anh Vinh lướt trên mặt nước như người có phép thần thông biến hóa. Mặt người cười hết cỡ, mặt trâu nhệch ra, cũng ra dáng một nụ cười. Chơi đùa với nhau chán chê, anh Vinh lại lấy nước cọ sạch đôi sừng của con trâu “bạch tuyệt”, dưới ánh mặt trời nó trắng trong như nhìn xuyên thấu được.
Phùng Quang Vinh vốn gốc người Mường ở xã Ngọc Lập (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) lên bản Đèo Mương của xã Thu Ngạc mới chỉ được 2 năm để chăn vịt, chăn ngỗng, thả cá, thả trâu. Trong cái chòi lộng gió nơi bờ ao, anh thong thả kể: “Người ta kể rằng trâu trắng ngoan, dễ bảo mà lại bừa cày khỏe nên mấy chục năm trước tôi xuống xã Thu Ngạc của huyện Tân Sơn, thấy con trâu mẹ màu trắng của ông Cành Mai liền gạ mua ngay với giá 7 triệu. Trâu trắng thì không hiếm nhưng con trâu đó lại là “bạch tuyệt”, nghĩa là ngoài lông trắng ra còn có cặp sừng màu trắng trong, cong vòng ra đằng sau, gần chạm vào nhau chứ không phải là sừng đen như bình thường. Trong hàng trăm, hàng ngàn con trâu trắng mới có được một con “bạch tuyệt” như vậy.
Nó rất ngoan và thông minh, đi bừa, đi cày không cần phải có dây thừng xỏ mũi mà chỉ cần bảo “giật” hay “vặt” tức trái hay phải là biết rẽ, rồi “họ” là biết dừng. Tôi đặt tên nó là Cưa. Sáng thả nó lên đồi kiếm ăn, chiều đến giờ gọi “Cưa, Cưa” là đi thẳng về chuồng, tối không bao giờ ngủ lại trên đồi như những con trâu khác.
Bố mẹ đều là nông dân nên sinh ra tôi đã quen với việc chăn trâu, từ thời trâu hợp tác xã đến khi có trâu tư, bao giờ nhà tôi cũng nhiều trâu nhất xóm, có thời điểm lên đến 18 con. Chưa có con nào ngoan như con trâu trắng ấy, bảo ban dễ như một con chó vậy. Về sau nó đẻ được 5 con trong đó có 1 con trắng nhưng không phải “bạch tuyệt”, sừng trắng trong như mẹ mà vẫn là sừng đen vì khu vực đó không có trâu đực trắng để phối giống”.
Hồi thanh niên mải chơi, hay đánh lô đề, anh Vinh phải bán gần hết đàn trâu đen đi nhưng vẫn cố giữ lại con trâu “bạch tuyệt”. Năm 2001 lái đến gạ mua mãi, trả giá cao gấp 3 lần trâu đen (giá 16 triệu) anh mới chịu đồng ý. Khi đang thả ở trên đồi, thấy có người lạ đến, nó đã cảnh giác lùi lại, giương cặp sừng cong vút, sắc lẻm ra thủ thế nhưng rồi thấy chủ gọi thì nó lại ngoan ngoãn chạy về. Lúc người ta nắm lấy thừng, dắt nó lên ô tô để chở đi, anh Vinh không dám nhìn vì còn nuối tiếc và thương lắm. Khi được bán đến tay người cuối cùng, giá của nó đã bị đội lên rất nhiều, thấy bảo là thương lái Trung Quốc mua “bạch tuyệt” về không phải lấy thịt mà chỉ để lấy sừng làm đồ trang sức hay làm giả sừng tê giác gì đó.
Cuộc tìm kiếm 21 năm mới thấy
Sau khi bán mất con trâu mẹ “bạch tuyệt”, mấy chục năm trời anh Vinh cố ý đi tìm mua một con khác để thay thế, nhờ cả nhiều lái trâu nhưng cũng không tìm thấy con nào như vậy nữa. May thay, năm ngoái một lái trâu báo tin ở xã Đồng Thịnh cùng huyện Yên Lập có con trâu “bạch tuyệt” mới bốn tháng tuổi, mừng quá anh liền tìm đến gạ mua thì người chủ bảo: “Nó còn đang bú mẹ, khi nào bán tôi sẽ báo cho”. Cẩn thận hơn, anh Vinh còn dặn người lái phải trông chừng mọi động tĩnh của ông kia, có gì phải thông báo ngay kẻo sểnh mất cơ hội sở hữu con nghé quý hiếm. Kể từ đó, anh cứ vào gạ mua mãi, khi nó được 8 tháng, ông kia nể quá mới ra giá 20 triệu (trong khi một con trâu đen to như thế giá chỉ 17 triệu), không thèm mặc cả, anh chồng tiền trả luôn. Xong việc anh còn thưởng cho người lái 5 triệu tiền công môi giới…
Chứng kiến buổi trâu cùng người chơi đùa, bơi lặn ở dưới ao, ông Phùng Đăng Lục-một người dân của bản Đèo Mương khẳng định rằng: “Tôi năm nay hơn 60 tuổi, đã đi nhiều nơi, thấy nhiều con trâu trắng nhưng chưa bao giờ nhìn thấy một con trâu bạch tuyệt lông trắng, sừng trong, toàn thân và ngay cả sống mũi cũng không có một vết đen như thế này bao giờ. Nó còn rất ngoan và biết nghe lời chủ nữa chứ”.
“Chọn trâu xem xoáy (khoáy), xem lông”. Con trâu bạch tuyệt mới tậu này của anh Vinh mất hai khoáy sau, chỉ có hai khoáy trước, mà kinh nghiệm dân gian đã đúc kết rằng: “Trốn khoáy sau, làm giàu cho chủ. Trốn khoáy trước thì rước của đi”. Nghĩa là con trâu nào trốn khoáy sau thì mua về chủ sẽ làm ăn phát đạt, còn trốn khoáy trước chỉ có nước mổ thịt, nếu cố tình nuôi làm ăn sẽ hay bị lụn bại thậm chí bị nó phản chủ, húc chết.
Mùa đông vừa rồi Đèo Mương lạnh tê tái, hàng chục con trâu lớn, trâu bé của bản đổ gục nhưng con trâu bạch tuyệt dù còn non, mới được mang lên nơi xứ lạ vẫn không việc gì. Hiện nó đã 15 tháng tuổi, nặng 1 tạ, chưa mọc răng và ngoan như một chú chó nhỏ. Cách xa hết tầm mắt, không thể biết con trâu đen hay là hòn đá trên núi nhưng con trâu trắng bạch tuyệt nhà mình thì anh Vinh vẫn có thể nhận ra vì màu sắc của nó tương phản với màu xanh của rừng, nổi bật hẳn lên. Con trâu thân nhất với anh, sau đó là với đứa con gái. Chỉ cần thấy con bé ở đằng xa dù đang nằm nó cũng đứng dậy, nghển cổ mà nhìn. Bị buộc một chỗ, đến giờ cho ăn, bao dân bản đi qua nó không kêu nhưng hễ thấy chủ là kêu “nghẹ nghẹ” đầy vòi vĩnh. Nếu mà lỡ ăn vào ruộng lúa nhà ai, chỉ cần đánh một roi là lần sau nó không bao giờ tái phạm.
Bình thường trâu đen rất khó huấn luyện lặn bởi vì phản ứng tự vệ của con vật, hễ thấy nước bao phủ khắp mặt mũi là hoảng sợ nhưng con trâu bạch tuyệt này ngay lần đầu anh Vinh dắt nó xuống ao, bảo lặn rồi kéo dây thừng, ấn nhẹ đầu xuống là nó làm theo, chỉ đôi ba lần là nó đã quen và tỏ ra rất thích thú. “Con trâu trắng cách đây 21 năm của tôi cũng thế, bảo lặn cái là lặn luôn, dễ như sai một con chó vậy. Bình thường con trâu đen không thể bảo được như thế vì nó rất sợ bị ngạt thở. Mỗi ngày dù bận đến mấy tôi cũng phải sờ vào mình trâu một lần, tắm cho nó một lần.
Nó ở rất sạch, không bao giờ vừa nằm vừa ỉa, đái mà phải đứng dậy, đi tìm chỗ khác. Trước đây, người Trung Quốc thường săn trâu bạch tuyệt mục đích để lấy sừng, giờ không thấy mua nữa nhưng nhiều người thấy đẹp vẫn gạ mua nó về làm trâu cảnh, đã trả 30 triệu tôi vẫn không bán. Kể cả trả giá cao hơn nữa cũng không vì hơn 20 năm đi tìm tôi mới thấy một con trâu như vậy, muốn nuôi cho lớn để sau này cày bừa hay kéo gỗ trên rừng do rất dễ bảo.
Từ lúc nhỏ đến lúc lớn, trâu đen tôi thấy có ba bốn vụ húc chết chủ rồi, còn húc chủ bị thương thì rất nhiều, nhưng trâu trắng thì chưa bao giờ thấy húc chủ, dù là trắng thông thường hay trắng bạch tuyệt. Hơn thế nữa, nó còn rất thông minh, mới hơn 1 tuổi mà độ nhận thức đã ngang với 1 con trâu to rồi. Trâu bình thường phải đi tập bừa mới biết “vặt”, “giật” hay “họ” nhưng nó là nghé chỉ dạy qua mà đã biết. Trâu bình thường, khi tập cưỡi, phải trẻ con nó mới chịu, nhưng con bạch tuyệt vẫn cho tôi cưỡi được luôn. Nuôi 3-4 năm nữa, nó sẽ khôn như con người, bảo đi làm là đi làm, bảo nghỉ là nghỉ”.
Những lúc đi uống rượu quanh bản, sợ say anh Vinh không dám dùng xe máy mà dắt theo con bạch tuyệt đến rồi buộc nó ở ngoài hàng rào. Lúc ra về, anh chỉ việc lấy cái tải lót lên lưng trâu rồi cưỡi, dù say bao nhiêu cũng yên tâm là nó sẽ đưa về đến tận cầu thang nhà mình.
Theo Dương Đình Tường (báo Nông nghiệp Việt Nam)
Pingback: Con Trâu Bạch Tạng đắt Nhất Thế Giới: Giá 1,6 Tỷ VND, Mua Về để Nhân Giống » Di Sản Trâu Việt