Xuất xứ một số tên gọi, địa danh liên quan đến trâu ngưu có rất nhiều, thật khó thống kê đầy đủ, chi tiết và giải thích ý nghĩa, nguồn gốc địa danh đó hết được. Bài viết dưới đây chỉ giới thiệu, điểm qua một số địa danh mà thôi.
Một trong những câu chuyện nổi tiếng là chuyện về trâu vàng gắn với nhiều địa danh liên quan. Trong sách Lĩnh Nam chích quái có nói đến núi Tiên Du nơi có ngôi chùa Phật Tích (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) như sau: “Núi Tiên Du có tinh trâu vàng nửa đêm thường tỏa ra ánh sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu, trâu vàng bỏ chạy húc vào đất làm sụp thành cái hồ. Nơi này sau gọi là thôn Húc.
Trâu chạy đến địa phận Văn Giang, vì vậy ở đây có cái vũng lớn gọi tên là vũng Trâu Đằm. Trâu chạy qua các xã Như Phượng, Như Loan, Đại Lạn, Đa Ngưu. Các xã này sở dĩ tên như vậy là vì có vết chân trâu đi tới. Trâu lại từ trong bến ra sông Cái, đến Ninh Giang, đi men phủ Lý Nhân, theo ven sông Cái tới sông Tô Lịch, chỗ ấy chính là Tây Hồ. Người đời truyền tụng rằng, Cao Biền của Tàu giỏi thuật số, thông địa lý, thường cưỡi diều giấy bay trên không trung để yểm các nơi thắng cảnh. Biền thấy trâu đi vào hồ Dâm Đàm, nay là Hồ Tây, rồi thoắt không thấy trâu đâu nữa. Trên đường trâu chạy, khắp nơi biến thành khe, ngòi, rãnh, lạch”. Dân gian còn truyền tụng bằng câu ca như sau:
Trâu vàng ẩn mãi giữa hồ,
Nước dù cạn vẫn mịt mù tăm hơi.
Các địa danh được nhắc tới ở trên nay chủ yếu thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, một số thuộc về Hà Nam, Hà Nội. Người xưa đã có thơ rằng:
Kim Ngưu do ẩn tại hồ trung,
Thuỷ hạt nan tầm bất kiến tung.
Đại Việt nam an tồn thánh chủ,
Cao Biền hạ bút hận muôn thu.
Nghĩa là:
Trâu vàng còn ẩn tại hồ sâu,
Nước cạn mong tìm chẳng thấy đâu.
Đại Việt bình yên nhờ thánh chúa,
Cao Biền hạ bút hận vô cùng.
Nhắc đến trâu vàng và Cao Biền, còn có các sự tích khác nhau, có thuyết nói thời Đường, viên quan Đô hộ là Cao Biền rất giỏi thuật phù thủy, thấy nước ta có nhiều nơi đất linh có thể sinh những nhân tài chống Bắc quốc nên mới cưỡi diều giấy bay đi tìm để trấn yểm. Một hôm qua đất Duy Tiên (nay thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), Cao Biền cho khai sông để chặt đứt long mạch núi Đọi Sơn, thần núi liền hóa thành con trâu vàng tỏa ánh sáng rực rỡ theo sông Hồng mà chạy trốn, những vết chân trâu để lại tạo thành dòng chảy gọi là sông Kim Ngưu (Trâu Vàng), hồ Tây nơi trâu vàng trú ẩn được gọi là hồ Kim Ngưu (Trâu Vàng). Các sách Thăng Long cổ tích khảo, Tây Hồ chí… cũng có ghi chép tương tự về sự tích này.
Một thuyết khác khá phổ biến gắn với một vị đại danh sư nổi tiếng thời Lý, đó là Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không. Truyền rằng muốn hoằng dương Phật pháp, đại sư có ý định tạo Đại Việt tứ khí (tượng Phật, hồng chung, cái đỉnh, cái vạc) nên đã đi sang Bắc quốc quyên đồng. Vua Tống thấy sư chỉ xin số đồng đựng trong một cái túi vải đeo bên người liền đồng ý ngay, một viên quan quan coi kho được lệnh dẫn sư đi lấy đồng; trước nhà kho có một con trâu được đúc bằng vàng sáng rực như trâu thật nằm phủ phục. Viên quan coi kho nói đùa rằng:
– Đồng đen là mẹ của vàng, đồng đen trong kho là mẹ của con trâu vàng này. Nay ông xin đồng đen, thế có muốn lấy cả con trâu vàng này cho mẹ con được đoàn tụ hay không?
Thiền sư Minh Không từ chối và nói chỉ cần đồng mà thôi. Khi vào kho, Ngài dùng phép thuật thu hết đồng cho vào túi vải rồi ra về. Tới kinh đô Thăng Long, sư đem toàn bộ đồng đúc chuông, tô tượng, làm bảo tháp… Trong số đó có một quả chuông rất lớn. Chuông đúc xong mang ra đánh thử, tiếng ngân vang đến tận Trung Quốc. Nghe tiếng chuông ngân, con trâu vàng ở bên ấy tưởng tiếng mẹ đồng đen gọi liền lồng lên lao về phương Nam. Trên đường trâu chạy tạo thành nhiều đầm, hồ, vệt thừng trâu dài hóa thành dòng sông (sau gọi là sông Kim Ngưu), nơi nó nằm là làng Đa Ngưu (xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, Hưng Yên). Trâu tìm được đến nơi đặt chuông, nó nằm phục dưới giá chuông, thấy vậy, để tránh phương Bắc sang đòi trâu vàng, thiền sư Minh Không khuyên vua cất chuông đi. Được chấp thuận, thiền sư mang chuông đồng đen ấy ném xuống hồ Tây ở bắc thành Thăng Long, con trâu vàng cũng vùng dậy, nhảy theo chuông mẹ xuống hồ. Từ đấy Hồ Tây còn có tên là hồ Trâu Vàng (Kim Ngưu).
Người ta truyền rằng, những đêm thanh vắng con trâu vàng lại lên bờ đi dạo quanh hồ, thoáng thấy bóng người nó lại nhảy xuống lặn mất tăm. Lại có chuyện kể rằng, mỗi năm đến khoảng mưa rào mùa hạ, nước hồ đầy tràn, thỉnh thoảng các nhà chài đi đánh cá sớm lại trông thấy trong khói sóng nổi lên núm chuông đen nhánh; đôi khi trở trời, nhìn thấy cả chiếc sừng trâu vàng vùng vẫy trên sóng nước. Bởi vậy mới có câu chuyện huyền ảo rằng nếu nhà ai đẻ được mười người con trai mà đem thả lưới xuống Hồ Tây thì kéo được trâu vàng.
Ở Hà Nội còn có một địa danh mang tên trâu cũng nổi tiếng không kém, đó là vùng đất Trâu Quỳ (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Có thuyết nói từ thời cổ xưa, xuất hiện một con trâu lớn, người ta gọi nó là trâu thần, một người thợ săn tài ba đã dùng cung tên bắn gục nó, nơi trâu quỵ xuống sau gọi là Trâu Quỳ. Thuyết khác thì kể rằng, con trâu vàng ở phương Bắc chạy sang nước Nam theo tiếng vọng của chuông đồng đen, đến vùng này nó nằm nghỉ nên gọi là Trâu Quỳ; hoặc giải thích đơn giản hơn thì có người cho rằng tại thị trấn Trâu Quỳ có ngọn núi đất hình dáng giống con trâu phủ phục nên nơi đây mới có tên như vậy.
Một cách lý giải khác được gắn với một giai thoại thú vị, chuyện kể rằng cô gái thôn quê Lê Thị Khiết khi được tuyển vào cung trở thành Ỷ Lan phu nhân có mang về kinh thành một con trâu. Về sau, con trâu này được coi là trâu quý, trở thành vật đem đi cống cho phương Bắc để kết tình hòa hiếu giữa hai nước. Bà Ỷ Lan và con trâu chia tay tại vùng Gia Lâm, con trâu tuy là loài vật nhưng sống lâu với chủ nên có nhiều tình cảm, phút chia ly, trâu quỳ xuống trước bà Ỷ Lan và rống lên tiếng não nùng. Thương con vật thân yêu của mình, chiều chiều bà Ỷ Lan đều lên lầu cao trong kinh thành nhìn về Gia Lâm trầm ngâm nhớ đến con trâu. Quân tướng triều đình cảm động tấm lòng của bà nên trong một đêm đào đất đắp thành một quả đồi hình con trâu đang quỳ để ghi dấu tình cảm giữa bà hoàng với con vật có nghĩa. Nơi đó vì thế mới có tên gọi là Trâu Quỳ.
Các địa phương khác cũng ít nhiều đều có tên gọi, địa danh liên quan đến trâu, thí dụ như đảo Trâu Nước ở vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh). Hay như ở huyện Quế Dương xứ Kinh Bắc xưa (nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) có xã Trâu Cầu, có làng Trâu Sơn. Ngoại thành Hà Nội có một di tích rất nổi tiếng là chùa Tây Phương (tức chùa Sùng Phúc) ở huyện Thạch Thất, ngôi chùa cổ kính này được xây dựng trên núi Tây Phương, hay còn gọi là núi chùa, nhưng tên chính của núi là Ngưu Lĩnh. Theo phong thủy, trên núi Ba Vì về phía Nam có dãy núi đất chạy xuống huyện Quốc Oai tựa như đàn trâu, có một quả núi như quay lại đón nước sông Tích gọi là Ngưu Lĩnh sơn (núi con Trâu). Còn theo sách Đại Nam nhất thống chí thì “núi Tây Phương cách huyện Thạch Thất ba dặm về phía Nam, có tên là Câu Lậu sơn. Huyện lỵ đóng ở chân núi. Núi Câu Lậu có giống trâu lặn ở dưới nước (sông Tích) thường lên bờ chọi nhau, khi nào sừng mềm lại lặn xuống nước”.
Tam quan chùa Tây Phương bên chân núi
Tại miền Trung, những địa danh liên quan đến trâu cũng có nhiều, như trong sách Nghệ An ký có nhắc đến núi Trâu (Trâu Sơn) ở huyện Quỳnh Lưu. Hoặc như Ngưu Chử (Bãi Trâu) ở huyện La Sơn, xứ Nghệ (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh); theo sách An Tĩnh sơn thủy vịnh thì “ở giữa sông La nổi lên một bãi cát hình tựa con trâu nằm nên có tên gọi như vậy. Bên sông có chợ. Sách phong thủy chép: “Ngưu chử quá thị, quý bất khả ngôn (Bãi trâu qua chợ, mừng rỡ hết nói)”. Tiến sĩ thời Nguyễn là Dương Thúc Hạp có bài vịnh về Ngưu Chử (Bãi Trâu) như sau:
Ngưu tòng giao thất phóng lai da?
Hồ ngọa giang trung nhất đới sa.
Thủy bá hữu thì khiên quá thị,
Bất tri tiên khứ tại thùy gia?
Nghĩa là:
Từ chuồng giao xổng ra, trâu chạy,
Giữa dòng sông, bãi nổi, trâu đằm.
Hà bá lăng xăng, dắt trâu ra chợ,
Chẳng biết roi trâu, bỏ ở nhà ai?
Tại Ninh Thuận có suối Sừng Trâu thuộc xã Phước Chiến, nằm cách thị xã Phan Rang, Tháp Chàm khoảng 40 km về hướng Tây Bắc. Nước suối chảy tạo nên sông Trâu tại hạ nguồn.
Ở miền Trung còn có nhiều nơi mang địa danh Trâu khác, trong đó địa phương có nhiều địa danh như vậy phải nhắc đến Khánh Hòa mà nổi tiếng nhất là thác Trâu Đụng, đây là một ngọn thác nguy hiểm dẫn nước từ sông Nha Trang (còn gọi là sông Cái) chảy ra cửa biển. Giữa thác có ba khối đá lớn như bầy trâu đang lội nước.
Điều đặc biệt là cũng trên sông Nha Trang còn có thác Trâu Á, ở đây có hai tảng đá hình con trâu đang húc nhau nửa chìm nửa nổi có đủ hình dáng đầu, sừng. Thuyền bè qua lại nơi này nếu không chú ý sẽ bị tai nạn.
Ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có hai địa danh nổi tiếng liên quan đến trâu, đó là hòn Trâu Nằm thuộc xã Vạn Thạnh, có hình giống đàn trâu đằm mình trong nước. Còn ở xã Vạn Thọ, trong khu vực bán đảo Hòn Gốm có vũng Trâu Nằm.
Huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi có hòn núi mà dựa vào hình dáng của họ, người dân gọi đó là núi Chân Trâu. Một nhóm đảo nhỏ nằm ngay trước cửa biển Đề Ghi của tỉnh Bình Định tục gọi là Hòn Trâu…
Nam Bộ được coi là vùng đất mới so với lịch sử hàng nghìn năm của đất nước ta, tuy nhiên đây lại là vùng đất trù phú, giàu có về sản vật, đẹp đẽ về thiên nhiên, hồn hậu về con người và là vựa lúa lớn nhất của Tổ quốc ta. Có lẽ gắn bó với yếu tố nông nghiệp nên tại Nam Bộ có nhiều địa danh liên quan đến con trâu, như tại khu vực giáp hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang có một vùng đất gọi là cù lao Trâu. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của tên gọi này, trong đó có giả thuyết nói rằng sở dĩ gọi như vậy vì hình dáng của cù lao giống hình một con trâu. Có cách lý giải khác lại kể rằng xưa kia cứ vào ngày lành tháng tốt là có một bầy trâu trắng từ dưới nước lên ăn cỏ ở đầu cù lao, thấy người là chúng chạy xuống nước mất dạng, người ta gọi là trâu thần và gọi nơi bầy trâu hay xuất hiện là cù lao Trâu.
Tại vùng đất Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long có một con kênh tên là kênh Đường Trâu vì theo truyền tụng, xưa kia ở đây nuôi rất nhiều trâu, hàng ngày người ta lùa trâu đi thành từng đàn cả ngàn con trên một con đường đất. Qua thời gian, con đường bị sức nặng của trâu đè xuống biến thành một con mương gọi là mương “đường trâu đi” rồi dần dần nước chảy làm mương mở rộng ra biến thành con kênh gọi là kênh Đường Trâu.
Một đàn trâu len qua cánh đồng nước xã Tân Công Chí (Đồng Tháp)
Ở địa phận xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, có rạch nước đổ ra biển gọi là rạch Trâu Trắng. Tương truyền, xưa kia, ở đây có hai vợ chồng người nông dân sinh sống, một năm nọ khi cánh đồng lúa bên sông của họ nhờ phù sa mà trở nên xanh tốt thì bị trâu đến ăn lúa, dẫm nát nhiều khoảnh. Nhiều lần bị như vậy, người nông dân kia bí mật rình xem nguyên nhân từ đâu, xem con trâu nhà ai đến ăn lúa trên ruộng nhà mình. Một tối, thấy có con trâu trắng xuất hiện từ mép sông, ông chạy ra tóm được đuôi định bắt nó; con trâu sợ hãi lao xuống nước kéo theo người nông dân nọ. Dưới sông, có một ông lão nhận là chủ nhân của con trâu, xin bồi thường thiệt hại mà con trâu gây ra bằng thóc lúa, rồi đưa người nông dân trở lại trần gian, lại cho người nông dân một chiếc lông trâu để có thể lặn xuống nước kiếm tôm cá, vớt của cải dưới nước đem bán lấy tiền lo cuộc sống và giúp đỡ mọi người. Do sự tích trên mà con rạch đó có trên là rạch Trâu Trắng.
Cầu “Đường Trâu” bắc qua con kênh tại xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ
Tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ có một ngôi làng gọi là làng Trâu. Sở dĩ có tên như vậy vì ban đầu, có một gia đình nông dân tình cờ bắt được một cặp trâu hoang đem về chăm sóc, nuôi dưỡng. Cặp trâu sinh ra nhiều trâu con, chúng được vợ chồng người nông dân đem cày bừa, cho thu hoạch mùa màng tốt. Dân làng thấy thế mới hỏi mua trâu để dùng cho việc đồng áng, từ đó dần dần trong làng nhà nào cũng có trâu để cày bừa nên người dân quanh vùng gọi ngôi làng này là làng Trâu.
Ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre có giồng Trâu Cheo. Chuyện kể rằng, Cheo là tên con trâu của một ông lão, con trâu này sinh được một nghé con thì đêm về cọp bắt mất. Cheo giựt đứt dây đuổi theo cọp để cứu con. Sáng hôm sau, mọi người đi tìm thì thấy trâu Cheo đang ghì xác cọp vào một gốc cây, người ta đưa Cheo về được một ngày thì nó chết. Nhớ đến con trâu dũng cảm, người dân ấp Thới Bình đặt tên giồng đất nơi trâu húc, ghì chết cọp gọi là giồng Trâu Cheo.
Ở huyện Long Mỹ tỉnh Hậu Giang có địa danh Ngan Trâu, theo đơn vị diện tích cổ thì “ngan” là một lô rừng tràm. Xưa kia rừng tràm ở đây được chia làm nhiều ô gọi là ngan, tùy theo đặc điểm sử dụng mà có tên gọi tương ứng, thí dụ ngan có nhiều cây kè gọi là Ngan Kè, ngan dùng để chăn thả trâu gọi là Ngan Trâu.
Còn tại Tắc Thủ, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cũng có con rạch chảy ra sông Ông Đốc mang tên gọi Bạch Ngưu (Trâu Trắng). Vùng gần con rạch có hai vợ chồng nông dân hiền lành, đức độ, hòa thuận, hạnh phúc nên được người dân nhất chí đề nghị quan phủ khen ngợi. Để thử xem có đúng như lời đồn, quan phủ cho gọi người chồng lên chỉ một con trâu trắng và bắt phải nói đó là trâu đen, nếu không sẽ bị trừng phạt. Sau đó quan gọi vợ người nông dân chỉ một con trâu khác có màu đen và hỏi con trâu đó màu gì. Người vợ trả lời là trâu đen. Quan lại chỉ con trâu trắng và hỏi người chồng, dù trước đó đã bị đe dọa, nhưng anh ta vẫn nói đó là trâu trắng chứ nhất định không nói là trâu đen theo ý quan. Quan khen ngợi họ dù trong hoàn cảnh nào vẫn không khuất phục, sợ hãi trước sự đe dọa mà vẫn giữ được lẽ phải, cái đúng. Sau đó, người dân đi qua con rạch gần ngôi nhà của vợ chồng người ấy đều kể cho nhau câu chuyện trâu trắng, trâu đen và rồi dần dần con rạch đó mang tên gọi Bạch Ngưu (Trâu Trắng).
Cũng tại Cà Mau, ở huyện Đầm Dơi, có địa danh Đầu Trâu vốn đọc chệch từ tên gọi Độn Trâu, có hai cách giải thích: Thứ nhất “độn” nghĩa là cho ăn độn, vào mùa khô người ta cho trâu ăn độn rơm với cỏ. Thứ hai từ “độn” theo phương ngữ Nam Bộ chỉ những gò đất cao nhiều cỏ năn, người ta dùng để thả trâu sau khi rảnh việc đồng áng.
Có thể nói, so với các khu vực khác trên cả nước, Nam Bộ là địa bàn có rất nhiều địa danh, tên gọi liên quan đến trâu, thí dụ ở TP Hồ Chí Minh nổi tiếng nhất là Bến Nghé, có rất nhiều cách giải thích về tên gọi này. Đây là tên một con sông, nó còn có tên là Ngưu Chử, Ngưu Tân hay Tân Bình giang. Sách Phương Đình dư địa chí viết rằng: “Tục truyền sông này nhiều cá sấu từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế”. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.
Dân gian thì giải thích đơn giản rằng Bến Nghé nghĩa là bến sông có nhiều trâu hoặc chợ buôn bán trâu bên bờ sông. Tên gọi này có thể xuất phát từ tiếng Khmer là Kompong: bến, Kon Krabei: con trâu. Ca dao xưa còn có câu về địa danh này, như sau:
Nguyên xưa rậm rạp còn rừng,
Trâu thường dằm tắm hoặc chừng nghé kêu.
Ngày nay phong cảnh tốt đều,
Tàu ghe lớn nhỏ đậu bèo hai bên.
Đò dọc rước mối xuống lên,
Hàng, người lên xuống vang rên cả ngày.
Ghe bầu sắp lớp đậu ngay…
Ngoài địa danh Bến Nghé, ở TP Hồ Chí Minh còn rất nhiều địa danh khác về trâu như Rỏng Trâu, Trâu Dầm, Bàu Trâu, Đồn Trâu, Sống Trâu…; hay như tỉnh Bến Tre có rạch Đầu Trâu, xóm Đầu Trâu, bến Trâu, ngã ba sân Trâu…
Tác giả: Lê Thái Dũng (http://www.vanhoanghethuat.vn/)