Truyền thuyết ly kỳ về trâu trắng (người xưa gọi Ngưu Tinh – NV) kết lên mối tình giữa làng Châu Lỗ (xã Mai Đình, Hiệp Hòa, Bắc Giang) và Kim Thượng (xã Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội) hơn 400 năm qua như một truyền kỳ ấn tượng.
Cơ duyên trâu trắng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngôi làng kết chạ với nhau ở một số tỉnh, thành vùng đồng bằng Bắc bộ thường nằm gần nhau về mặt địa lý, có sự giao lưu qua lại thường xuyên. Những ngôi làng cũng thường cùng xã, cùng huyện, tỉnh theo địa giới hành chính.
Nhưng làng (thôn) Kim Thượng nằm bên sông Cà Lồ, còn làng (thôn) Châu Lỗ bên sông Cầu cách nhau gần 15 km theo đường đê, thuộc 2 tỉnh, thành khác nhau là Hà Nội và Bắc Giang lại có kết chạ từ hơn 400 năm trước quả thực là một hiện tượng ngoại lệ, hiếm hoi.
Chúng tôi rất tò mò về câu chuyện trên nên đã tìm gặp một số người cao niên ở hai ngôi làng này hiện nay. Tìm tới làng Kim Thượng, xã Kim Lũ chúng tôi hỏi thăm và được một số bạn trẻ giới thiệu đến gặp được ông Nguyễn Văn Quế, Trưởng ban chấp hành hội người cao tuổi thôn. Thấy người trẻ chúng tôi đang lắng nghe câu chuyện của làng mình, ông Quế tỏ ra phấn khích và cho biết ngay: “Người dân làng tôi và bên Châu Lỗ từ già đến trẻ ai cũng biết chuyện về con trâu trắng”.
Chuyện kể rằng, đầu năm 1593 (cách đây 428 năm), chúa Trịnh Tùng cùng văn võ bá quan rước vua Lê Thế Tông (trị vì 1573-1599) ra kinh thành Thăng Long sau khi đánh đuổi được thế lực nhà Mạc. Tháng 4 cùng năm đó, vua Lê lên chính điện ban chiếu đại xá tù bình, giảm sưu thuế toàn quốc. Triều đình cho nhân dân khắp nơi mở hội ăn mừng vì đã thoát khỏi cảnh binh đao, loạn lạc. Hưởng ứng không khí chung của đất nước, chiều tối ngày 11.9.1593, dân làng Kim Thượng đem một con trâu trắng ra cửa đình làng để giết mổ làm lễ tế thần rồi chia thịt cho dân làng ăn liên hoan…
Những trai tráng to khỏe được làng cắt cử đang chuẩn bị công việc giết mổ thì bất ngờ con trâu lồng lên làm đứt chạc rồi chạy vụt biến mất. Cả làng nháo nhác đi tìm trâu, nhưng do trời tối nên không thấy. Sáng sớm 12.9, dân làng Châu Lỗ làm lễ tế thần ở khu đền đã rất ngạc nhiên khi thấy con trâu lạ lông màu trắng không biết từ đâu đến. Trâu nằm phục trên bãi cỏ trước cửa đền ven đê sông Cầu. Cũng sáng hôm ấy, dân Kim Thượng sau khi hỏi thăm tin tức ở các vùng lân cận đã biết trâu trắng chạy theo bờ sông Cà Lồ, rồi bơi vượt sông Cầu sang đền Châu Lỗ.
Người làng Kim Thượng tìm vào đền Châu Lỗ gặp các cụ cao niên xin chuộc trâu. Thấy vậy, các cụ bên Châu Lỗ đã mời khách trà nước rồi nói: “Người là vàng, của là ngãi, không may trâu đứt chạc chạy sang đây, dân chúng tôi giữ giúp, nay xin trả lại chứ đâu dám lấy tiền chuộc của các anh!”.
Sau khi cám ơn làng bạn, người Kim Thượng ra dắt trâu về. Nhưng không ngờ trâu trắng cứ nằm trơ trơ và ngóc đầu về phía đền Châu Lỗ. Mấy thanh niên xúm lại mà không tài nào kéo được trâu đi. Như một điềm trời báo, người Kim Thượng cử người mang đồ sang đền Châu Lỗ làm lễ tạ thánh thần. Khi lễ xong, quả nhiên dân Kim Thượng mới dắt được con trâu trắng về làng mình.
Sau sự kiện như một điềm lạ ấy, không chỉ dân làng Kim Thượng mà người Châu Lỗ cũng rất coi trọng con trâu trắng. Dân ở cả 2 làng đã gọi trâu trắng là Ngưu Tinh. Bởi, Ngưu Tinh có nghĩa là ngôi sao trên trời ứng vào con trâu trắng để tạo ra một sợi dân vô hình kết lên mối tình 2 làng Kim-Châu sau này.
Nói có sách, mách có chứng, chúng tôi sang (thôn) làng Châu Lỗ, tìm gặp ông Nguyễn Đình Ấn ( 82 tuổi). Ông Ấn hiện đang giữ nhiều tài liệu về tục kết chạ của làng mình. Ông đã cho chúng tôi xem 2 tập sách mang tên Lịch sử kết nghĩa Kim-Châu trong đó ghi lại rõ câu chuyện về Ngưu Tinh từ hơn 400 năm trước. Có sách để còn lưu truyền cho con cháu những thế hệ mai sau.
Mùa xuân cùng đi phu, đến thu kết nghĩa
Sau sự kiện ngày 12.9.1593, ông Nguyễn Đình Ấn kể tiếp cho chúng tôi nghe câu chuyện kết chạ ( còn gọi kết nghĩa anh em) giữa 2 ngôi làng. Cơ duyên nối tiếp cơ duyên, vào mùa xuân năm Giáp Ngọ (1594) trai tráng hai làng cùng đi phu lên vùng đất Cao Lạng (Cao Bằng và Lạng Sơn- PV) rồi gặp nhau trong niềm hoan hỉ như những người bạn lâu ngày hội ngộ.
“Tất cả những sự kiện về Ngưu Tinh, rồi câu chuyện đi phu làm cùng một nơi, giúp đỡ nhau thân tình… đã dẫn tới quyết định 2 làng kết chạ với nhau”, ông Ấn cho biết.
Đến mùa thu, nhằm ngày 12.9.1594, đúng kỷ niệm một năm sau khi hai làng gặp nhau để xin-trả trâu trắng thì lễ kết chạ đã diễn ra. Các cụ cao niên và đại diện nhân dân đôi bên đã chọn đền làng Châu Lỗ sát sông Cầu làm lễ kết nghĩa huynh đệ với lời thề thủy chung, son sắt. Ông Ấn đã đọc mấy câu thơ về lễ kết chạ, kết nghĩa này cho chúng tôi nghe. Đây là những câu trong tập thơ 244 câu lục bát và song thất lục bát được lưu truyền nhiều thế hệ ở 2 làng Kim-Châu:
…Xưa kia ai biết ai đâu
Ngưu Tinh dắt mối tình đầu nên thân
Hình đầu bài: Khung ảnh đền Châu Lỗ với hình con trâu trắng (Ngưu Tinh) minh họa ẢNH: T.L
Dương Hải – Nguyễn Hường (Thanh niên – https://thanhnien.vn/van-hoa/truyen-thuyet-ly-ky-ve-trau-trang-1338092.html)
Pingback: Người sở hữu đàn trâu trắng lớn nhất Quảng Nam - Di Sản Trâu Việt