Nói đến trâu vàng, người ta nhớ đến một địa danh nổi tiếng ở Thăng Long-Hà Nội, ấy là Hồ Tây. Hồ Tây là một hồ nước ngọt lớn ở phía tây thành Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay. Cùng với lịch sử thành phố nghìn năm văn hiến, Hồ Tây mang trong mình biết bao sự tích của một thắng cảnh vừa thực, vừa huyền ảo như mơ mà quyến rũ lòng người.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc có lần nói với tôi: Hồ Tây không chỉ đẹp mà còn là một hồ thiêng của Thăng Long-Hà Nội, phải quan tâm đến nó. Ông kể cho tôi nghe về sự tích Kim Ngưu khá tỉ mỉ với những suy ngẫm của một nhà nghiên cứu cả đời vì Hà Nội. Ông kể rằng: Hồ Tây có nhiều tên gọi: Dâm Đàm, Lãng Bạc, Đoài Hồ, đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu… mỗi tên đều gắn với một sự tích. Những sự tích đều gắn với lịch sử, văn hóa và triết lý dân gian vùng sông nước.
Chiều Hồ Tây. Ảnh: QUANG VINH |
Kim Ngưu gắn với tiềm thức dân gian về trâu vàng có sức mạnh có thể áp chế ma quỷ. Với cư dân Bách Việt xưa, có tục đúc trâu bằng kim khí làm bùa trấn yểm giữ bình yên cho cộng đồng. Kim Ngưu-Hồ Tây có nhiều cách kể khác nhau nhưng đều thể hiện sự tôn thờ vật linh Kim Ngưu, sự tin tưởng Kim Ngưu trấn áp được cáo chín đuôi ngàn tuổi đã thành tinh và thường quấy nhiễu cư dân quanh Hồ Tây. Sự tích gắn với nhà sư nổi tiếng của Việt Nam Nguyễn Minh Không, người có nhiều phép thần thông, biến hóa đã lấy hết đồng đen tại kho nhà Tống đem về nước, đúc ra chiếc chuông thần diệu, khi đánh tiếng chuông vang vọng đến tận Trung Nguyên làm cho trâu vàng nghe thấy tưởng tiếng mẹ gọi, lồng lên và chạy sang nước ta. Trâu chạy đến đâu, đất lún đến đó mà thành sông Kim Ngưu. Khi trâu chạy đến phía tây kinh thành Thăng Long, tiếng chuông tắt, trâu lồng lộn, giẫm nát cả một vùng mà thành hồ Kim Ngưu, nay gọi là Hồ Tây.
Có một huyền thoại khác kể rằng, Lạc Long Quân sau khi giúp dân trừ cáo chín đuôi đã dùng Kim Ngưu để trấn yểm áp chế con vật thành tinh tệ hại này. Tuy các sự tích khác nhau nhưng có một điểm chung đó là trâu vàng có sức mạnh và linh thiêng, được cư dân lúa nước tôn thờ.
Thăng Long là kinh thành, là Kẻ Chợ, nhưng còn là trung tâm vùng châu thổ sông Hồng thì văn hóa lúa nước vẫn là đặc trưng nổi trội, nhất là vùng ven đô như Hồ Tây. Cư dân lúa nước coi trọng “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trâu gắn bó với người trong lao động và trong đời sống hằng ngày. Cư dân lúa nước yêu quý trâu, có thể tâm sự cùng trâu như là thành viên của gia đình vậy. “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”; và trâu hiện diện trong hạnh phúc ấm êm, dung dị cùng người nông dân: “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Trong kháng chiến, trâu chở gạo, chở súng đạn giúp người đánh giặc. Có thể nói, trâu trong tiềm thức cư dân lúa nước là biểu tượng của sức mạnh, biểu tượng của sự bền bỉ, nhẫn nại, chịu kham, chịu khổ, thủy chung cùng người trong sự sinh tồn, phát triển của mỗi gia đình và của cả cộng đồng.
Ngày nay, tiến bộ khoa học công nghệ đã đạt tới mức trâu được giải phóng về cơ bản khỏi việc kéo cày vất vả nơi đồng ruộng. Tuy nhiên, không vì thế mà trâu bị coi nhẹ trong cộng đồng. Trâu vẫn là hình ảnh rất đáng yêu trong văn học, nghệ thuật và đời sống con người. Hình ảnh con trâu chắc chắn còn gắn bó với chúng ta không chỉ bằng niềm vui mùa vụ mà còn bằng thứ tình cảm đặc biệt của tâm hồn và sự tin tưởng.
Năm Tân Sửu đang đến với niềm khát khao vươn tới của toàn dân tộc. Năm Tân Sửu mở đầu cho thập kỷ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới, là nền tảng để vươn lên cùng các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trước mắt chúng ta là cơ hội rất lớn nhưng cũng tiềm ẩn những thách thức không nhỏ. Linh khí trâu vàng sẽ áp chế thách thức, con người Việt Nam thông minh, sáng tạo và kiên nhẫn, sẽ đón mở cơ hội mà vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu để thỏa lòng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và cũng là khẳng định khát vọng của toàn Đảng, toàn dân ta. Tương lai tươi sáng của thập kỷ bắt đầu từ năm Tân Sửu với ước nguyện trâu vàng!
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC (Quân đội Nhân dân)