Trâu ơi, ta bảo trâu này…

Trong tranh dân gian Việt, chú bé mục đồng thổi sáo cưỡi trâu, gợi ra khung cảnh làng quê và cậu bé còn để tóc 3 chỏm đã thuần dưỡng trâu bướng bỉnh nhờ tiếng sáo vi vu… Đó thực ra là khát vọng của người Việt về chinh phục thiên nhiên, điều khiển trâu để phục vụ cuộc sống.

Con trâu là đầu cơ nghiệp. Ở Việt Nam, trâu là công cụ sản xuất được coi như vàng. Nhà nông không quý vàng bằng trâu. Vàng chỉ nằm ngủ, trâu đem lại lợi ích hàng ngày, tham gia việc nặng nhà nông. Mọi giá trị gia sản trước kia đều được tính bằng trâu. Thời cải cách, nhà có vài con trâu được xếp diện thành phần địa chủ, phú nông. Trâu như máy cày, có thể cho thuê. Nhiều thành ngữ gắn với trâu: Chửa trâu (chửa quá 9 tháng 10 ngày); Khỏe như trâu; tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu; đầu trâu mặt ngựa… Trâu cần trong cuộc sống người châu Á, trâu đứng thứ nhì trong mười hai con giáp.

Đi vào nghệ thuật, văn hóa thế giới

Hình tượng trâu cũng được nhiều nhà điêu khắc dựng ở trung tâm các thành phố lớn. Một tượng trâu khổng lồ của nhà điêu khắc Ý Arturo Di Modica nằm ngay khu thương mại nổi tiếng Wall Street (New York) – biểu tượng trâu đang chuẩn bị gánh nặng trên lưng, để nói lên sức mạnh của nước Mỹ. Ban đầu, nhà điêu khắc phải tự bỏ tiền túi, với số tiền khổng lồ thời đó là 350.000USD để đặt ở một nơi khác, sau tượng được Tòa Thị chính cho phép đặt chính thức ở phố Wall từ 1989. Giờ đây tượng trở thành nơi thu hút khách du lịch đến chụp ảnh kỷ niệm như tượng Thần Tự do.

Tatnien/ Trâu ơi, ta bảo trâu này... - Ảnh 1.

Thần Yama cưỡi trâu. Ảnh: HINDUPAD

Giờ đây, cày, gặt bằng máy, trẻ con bận học không có thời gian hoặc không muốn (phải) chăn trâu. Nhưng tôi, mỗi lần hình dung về quê hương Việt Nam, vẫn mơ thấy những đồng quê yên bình với mục đồng cưỡi trâu thổi sáo…

Trong thần thoại Hy Lạp, Hermes đã chinh phục được trâu. Ở ngay Trocadéro (quận 16, Paris, nơi có những khu phố sầm uất sang trọng) gần tháp Eiffel, trước nhà hát Chaillot nổi tiếng cũng có tượng Hermes đang tóm sừng trâu bằng một tay.

Thần Yama trong thần thoại Ấn Độ là người coi địa ngục, có quyền quyết định về số phận người âm, là người thường cưỡi trâu…

Ở Ấn Độ, tượng nữ thần Mahisamardini, đã bẻ gãy sừng trâu được coi là tượng nữ cổ nhất trước thế kỷ 4, biểu hiện cuộc chiến đấu chống lại trâu rừng hung hãn.

Bước vào ẩm thực của Ý, Pháp…

Tatnien/ Trâu ơi, ta bảo trâu này... - Ảnh 3.

Chăn trâu thổi sáo – hình ảnh thân thương của làng quê Việt Nam. Ảnh: T.L

Ở Pháp, trên những cánh đồng cỏ mênh mông bò, ngựa, cừu, dê ung dung gặm cỏ. Đó là các gia súc được chăn nuôi nhiều để lấy sữa, lông, và thịt. Ít ai biết ở Pháp cũng có trang trại nuôi trâu. Trâu cho sữa ít hơn bò, sữa trâu hiếm, và trở thành một sản phẩm tìm kiếm đắt đỏ ở Pháp. Muốn mua sữa trâu phải đặt trước nên hầu như không bày bán trên thị trường. Sữa trâu ít chất béo hơn sữa bò, đỡ cholesterol, được một số người dị ứng chất béo đặt mua tại trại. Theo một nghiên cứu, hàm lượng cholesterol trâu ít hơn 40% so với bò, nhưng nhiều hơn 15% chất protein. Thịt trâu non dễ tiêu hóa hơn thịt bò, ít hơn 20% calo.

Tại Việt Nam, trâu ngàn năm được coi là đầu cơ nghiệp, rất quý giá để so sánh: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, Phú Ông phải mang “3 bò 9 trâu” để dụ thằng Bờm đổi nắm xôi. Ở Tây Nguyên, nơi dân tộc Êđê duy trì chế độ mẫu hệ, nhà gái phải mang trâu sang nhà trai làm sính lễ để con gái “bắt chồng”. Trâu là một công cụ sản xuất quan trọng, nên người ta ít khi mổ trâu non…

Còn với châu Âu, nghề nông được công nghiệp hóa sớm, súc vật chăn nuôi làm thực phẩm. Thịt trâu là loại thực phẩm phong phú. Sữa trâu dùng sản xuất một loại fromage (pho-ma) trâu nổi tiếng của Ý “Mozzarella trâu”.

Pho-ma trâu có vị thơm khác pho-ma thông thường. Món salad củ cải cho vài lát pho-ma trâu rất thơm lạ vị. Chuyên gia đầu bếp Simon đã chế món khai vị đặc sắc cho khách quý sang món pho-ma trâu quấn như kem mút hấp dẫn. Ở Pháp, có một quán ăn duy nhất chuyên các món thịt trâu non. Ấn Độ nổi tiếng với nước sữa trâu lên men – khoo kheer. Sữa trâu nóng là thức uống chủ yếu của người dân cao nguyên Tây Tạng lâu đời, để chống lại cái lạnh thấu xương.

“Diễn viên” của nhiều lễ hội

Tatnien/ Trâu ơi, ta bảo trâu này... - Ảnh 4.

Tượng trâu ở phố Wall (New York, Mỹ). Ảnh: ISTOCK

Các cuộc thi cưỡi, đấu bò tót là truyền thống ở Tây Ban Nha. Còn với một số nước Đông Nam Á, thi cưỡi trâu nước tổ chức hàng năm khi đón Xuân. Trong xiếc có nhiều động vật khỏe, to lớn được thuần hóa huấn luyện tham gia như: Sư tử, hổ, báo, voi. Nhưng lần đầu tiên ở Canada, nữ diễn viên Rosalie đã chinh phục trâu, và đưa trâu ra biểu diễn diễn thu hút được đông đảo khán giả Québec, được phong “nữ hoàng cưỡi trâu”. Trâu rất bướng. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đưa trâu lên sân khấu từ 2018 và hiện có 3 con trâu thường xuyên biểu diễn, được nuôi và hưởng chế độ diễn viên thú.

Điều khiển được trâu cày đã mất cả ngàn năm thuần hoá để biến trâu rừng phục vụ sản xuất. Việc đưa trâu diễn xiếc theo tiếng nhạc, tiếng trống đòi hỏi một sự kiên trì nhẫn nại. Xem xiếc rồi, ai còn dám nói: “Đàn gảy tai trâu”! Trâu nghe tiếng nhạc tiếng trống, đi những bước theo hiệu lệnh của người điều khiển. Trong ca dao Việt, người Việt yêu trâu, lo cho trâu như lo cho con, thì thầm cùng trâu: “Trâu ơi, ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta”.

TS Trần Thu Dung (báo Dân Việt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *