Trâu trong nghệ thuật cổ Champa: cầu nối giữa người với thần linh: Nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận rằng, trong văn hóa Ấn Độ từ thời cổ đại, con trâu và hình ảnh sừng trâu là biểu thị cho sự liên hệ với thần linh, hoàng gia, địa vị xã hội, hoặc uy quyền của cá nhân, được chứng minh qua hình tượng con trâu khắc trên những con dấu phát hiện ở Thung lũng Indus, trên đó thể hiện một vị thần ngồi trong tư thế hoa sen, đầu thần trang trí cặp sừng trâu. Tác phẩm này xuất hiện vào khoảng năm 2500 trước Công nguyên.
Theo quan niệm Ấn Độ giáo, hình tượng con trâu đại diện cho cả hai phẩm chất tích cực và tiêu cực của thần linh và của con người. Tính tích cực của con trâu được ghi chép trong bộ cổ thư nổi tiếng là kinh Vệ Đà. Trong đó, con vật tượng trưng cho nhiều phương diện của chư thần với sức mạnh vô song, luôn hỗ trợ loài người, với dáng vẻ oai phong, dữ dội, biểu tượng cho sức mạnh đạo đức tâm linh của con người. Tiêu biểu là hình tượng con trâu nước, là vật cưỡi của Diêm Vương hay Yama, ngài là chúa tể của cõi âm và cũng chính là chúa tể của công lý vũ trụ.
Về mặt tiêu cực, hình tượng con trâu biểu trưng cho bóng tối (tamas), si mê, ngu dốt, tham lam và bản chất ma quỷ của con người, tượng trưng bằng quỷ đầu trâu Mahisasura. Do vậy, Ấn Độ giáo thờ nữ thần Mahisasura-mardini, là biểu tượng của sức mạnh trí tuệ để khuất phục quỷ đầu trâu; bà là sự phối hợp âm tính tinh hoa của ba vị thần tối thượng là thần Sáng tạo Brahma, thần Bảo tồn Visnu và thần Hủy diệt Siva. Vì quỷ Mahisasura đã xuất hiện với lời thề là không có một nam thần nào có thể khắc phục được lòng tham dục của nó, ngoại trừ một nữ thần, cho nên nữ thần Durga hay thần Mẹ đã xuất hiện theo thỉnh nguyện của các nam thần để khuất phục con quỷ đầu trâu này.
Ảnh 2: Phù điêu thể hiện nữ thần Durga khuất phục quỷ đầu trâu tại Mamallapuram, Tamil Nadu, Ấn Độ (Thế kỷ 7). Nguồn ảnh: Arathi Menon
Theo các nghi lễ Vệ Đà, trâu được hiến tế nhằm xoa dịu sự nổi giận của thần linh và cầu xin ân phước. Cũng giống như ngựa, trâu là vật hiến tế chính trong lễ tế các hóa thân của thần Siva – đấng Hủy diệt và Tái tạo Vũ trụ. Hằng năm có một lễ hội đặc biệt dành cho nữ thần Durga – minh phi của Siva, gọi là ‘Durga-puja’. Mọi tín đồ Ấn Độ giáo đều tham gia lễ hội tôn kính này để cầu xin những điều tốt lành nhất cho cuộc sống và xin hối cải những tội lỗi cũng như xa lánh như tật xấu mang lại hệ lụy bất hạnh cho chính mình. Lễ hội ‘Durga-puja’ tổ chức vào khoảng tháng 9-10 dương lịch và kéo dài trong 10 ngày; trong lễ hội này nghi thức tế trâu được diễn ra tại đền thờ Siva-Durga ở nhiều nơi trên đất Ấn.
Ảnh 3: Mô hình nữ thần Durga được trang trí trong lễ hội ‘Durga-puja’ tại Kolkata (Ấn Độ). Nguồn: eisamaylive.com
Trong nghệ thuật điêu khắc Champa, hình tượng nữ thần Durga-Mahisasura xuất hiện vào cuối thế kỷ 9, đó là một pho tượng tròn thể hiện nữ thần trong tư thế đứng trên một bệ vuông có chạm đầu trâu, phát hiện ở Bích La, Quảng Trị.
Ảnh 4: Tượng nữ thần Durga trấn áp quỷ Mahisasura (Bích La, Quảng Trị), hiện thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Lyon (Pháp). Nguồn ảnh: Sách “Trésors d’art du Vietnam la scuplture du Champa V- XV siècles”
Hình tượng Durga trở nên phổ biến hơn trong nền nghệ thuật này vào thế kỷ 11-12, khi Champa có những mối tương tác hải thương và văn hóa sâu sắc hơn với miền Nam Ấn. Vào thời kỳ nghệ thuật này, đáng chú ý là bức phù điêu trán cửa (tympan) của ngôi đền chính Pô Nagar Nha Trang, thế kỷ 11. Bức chạm diễn tả nữ thần múa trên lưng con trâu ngẩng cao đầu chiêm ngưỡng và kính sợ uy quyền của ngài.
Ảnh 5: Nữ thần Durga – Mahisasura chạm trên mi cửa ngôi đền chính Pô Nagar Nha Trang. Thế kỷ 11. Nguồn ảnh: Trần Kỳ Phương
Ảnh 6: Cửa ngôi đền chính Pô Nagar. Nguồn ảnh: Sách “Trésors d’art du Vietnam la scuplture du Champa V- XV siècles”
Một phù điêu khác của nhóm Chiên Đàn, Quảng Nam, thế kỷ 12, thể hiện nữ thần Durga sáu tay cầm vũ khí nhảy múa uy dũng trên lưng trâu. Hình tượng Durga xuất hiện trên ngôi đền Champa vừa để hộ trì chốn linh thiêng vừa để nhắc nhở tín đồ cảnh tỉnh trước những thế lực đen tối ẩn tàng trong tâm thức của chính mình.
Ảnh 7: Phù điêu Durga – Mahisasura hiện đang lưu giữ tại nhà trưng bày đền-tháp Chiên Đàn, tỉnh Quảng Nam. Nguồn ảnh: Hòa Bình
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hình tượng con trâu trong Ấn Độ giáo đã được kế thừa và tiếp biến từ tục thờ trâu trong văn hóa bản địa của các cư dân thời tiền – Ấn Độ giáo tại lục địa Ấn Độ cũng như tại Đông Nam Á. Cư dân từ thời cổ sơ đã nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa con trâu và con người khi phải đối mặt với môi trường sống khắc nghiệt của thiên nhiên nhiệt đới. Ngày nay, lễ hiến trâu vẫn được tổ chức trong nhiều cộng đồng cư dân ở đây.
Trong lịch sử, người Cơ Tu là ‘anh em kết nghĩa’ của người Chăm trong mối tương tác kinh tế và văn hóa giữa miền ngược và miền xuôi. Mùa Xuân năm 2014, chúng tôi được tham gia một buổi ‘lễ đâm trâu’ của người Cơ Tu tổ chức tại huyện Tây Giang. Con trâu hiến tế được buộc vào ‘cột đâm trâu’ hay ‘xanur’ trang trí rực rỡ; cột ‘xanur’ tượng trưng cho ‘cột vũ trụ’ liên kết ‘đất với trời’; còn trâu đại diện cho ‘người’. Vào đêm trước lễ chính, chúng tôi chứng kiến, các già làng và phụ nữ cao tuổi đã đến khấn nguyện ‘trâu’ để nó thay mặt ‘người’ chuyển những mong ước và thỉnh cầu của họ lên các ‘yàng’. Sau khi con trâu ngã xuống, phụ nữ mang những tấm ‘tuốt’, vải dệt thổ cẩm của người Cơ Tu, đắp lên trâu để ca ngợi và biết ơn sự hy sinh của nó cho dân làng; họ cũng hốt đất có dính máu trâu đem về đặt trước cửa nhà để cầu mong ân phước mà các ‘yàng’ đã ban cho làng thông qua lễ hiến tế.
Ảnh 8: Cột đâm trâu “xanur” của dân tộc Cơ Tu, huyện Tây Giang. Nguồn ảnh: Báo Quảng Nam
Lễ hiến trâu vẫn được bảo lưu trong cộng đồng người Chăm sinh sống ở vùng Ninh Thuận và Bình Thuận gồm cả Chăm Bà-la-môn và Chăm Bà-ni. Lễ hiến trâu của người Chăm được tổ chức tùy theo mục đích, có thể là lễ của gia đình, của dòng tộc hoặc của cộng đồng. Mặc dầu có nhiều lễ hiến trâu khác nhau nhưng đều dựa theo những nghi thức đã được quy định chung, chỉ khác về địa điểm và thời gian tổ chức, chư thần được hiến tế, mục đích cầu xin, v.v…
Theo người Chăm, con vật hiến sinh phải là trâu đực, có độ tuổi từ một năm rưỡi đến hai năm; toàn thân có sắc đen không bị lốm đốm, dị tật hay tì vết. Trâu hiến tế của người Chăm không được đâm bằng mũi giáo mà được cắt cổ bằng một thanh gươm bởi vị ‘thầy Cả’ của đạo Bà-ni gọi là ‘Gru Acar’. Sau lễ tế, thịt trâu được chia cho chức sắc và tu sĩ điều hành buổi lễ.
Ảnh 9: Lễ hiến tế trâu cúng ruộng. Nguồn ảnh: Sách “Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận”.
Trong các lễ hiến trâu của người Chăm ở Ninh Thuận thì lễ hiến trâu tổ chức tại núi Đá Trắng là lễ hội lớn nhất, gọi là ‘Kabaw Yang Patao’, được sự tham gia của toàn thể cộng đồng vì lễ này liên quan đến sinh hoạt nông nghiệp, tổ chức bảy năm một lần, con vật hiến tế phải là một con trâu trắng. Lễ được điều hành bởi ‘thầy Hamua Ia’ hay ông cai lệ chăm sóc nguồn nước của thần linh; ‘thầy Kadhar’ kéo đàn Rabap và ca tụng thần linh; và ‘bà Bóng’ hay ‘Muk Pajau’ để múa thiêng và dâng lễ vật cho thần linh. Vì tính quan trọng của lễ hội tế trâu này nên người Chăm truyền tụng câu tục ngữ, ‘Bilan năm yang tikuh/Bilan tajuh yang patau.’ (‘Tháng sáu cúng thần chuột phá hoại mùa màng/Tháng bảy cúng thần Chằn tinh ở núi Đá Trắng.’)
Từ thuở sơ khai, hình tượng con trâu đã gắn liền với đời sống của con người. Con trâu tượng trưng cho sức mạnh vô song với cặp sừng cong dài, nó trở thành biểu tượng cho quyền năng của tạo hóa cũng như khả năng sáng tạo của con người. Hình tượng con trâu trong các nền văn hóa cổ, kể cả Champa, được thiêng hóa để hỗ trợ cho con người có thêm sức mạnh chiến đấu với thiên nhiên; và thông qua các nghi thức tế tự nó đại diện cho con người mang cái ‘tiểu ngã’ cá nhân hòa nhập vào ‘đại ngã’ vũ trụ.
Các tác phẩm có chủ đề liên quan đến con trâu đang được trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và một số địa điểm khác
Ảnh 10: Tượng Hộ pháp, xuất xứ: Đồng Dương (Quảng Nam), cuối thế kỷ 9 – đầu thế kỷ 10. Hiện đang trưng bày tại phòng Đồng Dương, BTĐKC
Ảnh 11: Tượng Yama, xuất xứ: Quá Giáng (Đà Nẵng), thế kỷ 10. Hiện đang trưng bày tại phòng Đà Nẵng – sưu tập Quá Giáng, BTĐKC
Ảnh 12: Tượng nam thần (Yama?), xuất xứ: Mỹ Sơn (Quảng Nam), thế kỷ 10. Hiện đang lưu giữ trong kho, BTĐKC
Ảnh 13: Tượng nữ thần Durga, xuất xứ: Mỹ Sơn (Quảng Nam), thế kỷ 10 – 11. Hiện đang trưng bày tại phòng Mỹ Sơn, BTĐKC
Ảnh 14: Tượng nữ thần Durga diệt quỷ Mahisasura, xuất xứ: Chiên Đàn (Quảng Nam), thế kỷ 11 – 12. Hiện đang trưng bày tại phòng Quảng Nam – sưu tập Chiên Đàn, BTĐKC
Ảnh 15: Bệ thờ Vân Trạch Hòa với hình tượng thần Yama ngồi trên lưng trâu (phải ảnh), xuất xứ Vân Trạch Hòa (Thừa Thiên Huế), thế kỷ IX – X. Hiện vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015, hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế. Nguồn ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Người viết: Trần Kỳ Phương (http://baotanglichsu.vn)
m4xadg