Nhặt phân trâu, bò – kiếm tiền triệu

Nhặt phân trâu, bò – kiếm tiền triệu vào mùa khô, người Hà Nhì ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên lại có thêm một khoản thu nhập . Từ khi cửa khẩu A Pa Chải (Điện Biên) – Long Phú (Vân Nam – Trung Quốc) thông thương, đã giúp cho người dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập không nhỏ.

Phân trâu bò thành hàng xuất khẩu
Chúng tôi lên ngã ba biên giới A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, gió Lào ràn rạt, cái nắng chói chang như muốn thiêu đốt thảo nguyên Sín Thầu.
Chưa vào vụ nương, nên bà con người Hà Nhì ở đây tranh thủ từng ngày lên thảo nguyên nhặt phân trâu, bò khô để bán. Ai cũng cố tận dụng thời gian, bởi lẽ không lâu nữa vào mùa mưa là cơ hội kiếm tiền sẽ “nhão” ra theo dòng nước trời tầm tã.
Sáng nay nhà chị Lỳ Thị Lu ở bản A Pa Chải, huy động tất cả mọi người lên núi. Gia đình chị có 5 người, mỗi ngày nhặt được khoảng 10 bao phân trâu, bò khô, tương đương với 500.000 đồng.
Chị Lu bảo: “Có những đợt các thương lái Trung Quốc trả gần 60.000 đồng mỗi bao phân trâu, bò khô. Hiện nay giá xuống, họ chỉ mua 50.000 đồng mỗi bao”.
Trước đây chưa có đường ô tô, cuộc sống của người dân trông cả vào hạt lúa. Từ ngày con đường nhựa chạy qua bản lên cửa khẩu A Pa Chải được hoàn thành, người dân nơi đây mới có cái nghề “hái ra tiền” và đương nhiên, những nông dân chất phác tham gia vào hoạt động “xuất khẩu” hiệu quả và rất vui nữa.
Phải lên Sín Thầu vào những ngày này, mới có thể cảm nhận hết sự đổi thay mọi mặt trên vùng đất tận cùng phía Tây của Tổ quốc. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống các công trình đường – trường – trạm đang dần phủ khắp các làng bản sơn thôn.
Dọc đường lên cửa khẩu A Pa Chải, người dân nối nhau chở phân trâu, bò khô đi bán, khuôn mặt ai cũng phảng phất một niềm vui.
Chúng tôi đến nhà anh Vàng Phu Tư ở bản Tả Ko Khừ, khi anh đang hì hục xếp lên xe máy mấy tải phân trâu, bò khô để chở lên cửa khẩu. Từ ngày có thêm cái nghề nhặt “tiền rơi” ngoài thảo nguyên này, gia đình anh Tư đã bớt phần khó khăn.
Sau gần 5 tháng “làm chơi, ăn thật”, gia đình anh nhặt được khoảng 500 bao phân, tương đương khoản thu nhập 25.000.000 đồng. Rõ ràng đó là số tiền không hề nhỏ đối với một gia đình nông dân vùng sâu, biên giới.
Nhặt phân trâu, bò - kiếm tiền triệu
Nhặt phân trâu, bò – kiếm tiền triệu
 “Nhất cử lưỡng tiện”
Vùng ngã ba A Pa Chải thiên nhiên phú cho những đồng cỏ rộng mênh mông, đây là điều kiện lý tưởng để phát triển đàn trâu, bò theo phương thức đầu tư trang trại. Nhiều gia đình trở thành những “triệu phú nông dân” nhờ nuôi trâu, bò như các ông: Pờ Dần Sinh, Sừng Sừng Khai và đặc biệt là ông Chang Váng Sinh, được coi là ông “vua” nuôi bò nơi ngã ba biên giới.
Lúc cao điểm đàn bò của gia đình ông lên tới gần 170 con. Ngoài tiền bán trâu bò, mỗi năm ông thu không dưới 30 triệu đồng nhờ hoạt động bán phân trâu, bò khô sang Trung Quốc.
Theo thống kê sơ bộ của Trạm Biên phòng A Pa Chải (Đồn Biên phòng 317), mỗi năm nhân dân xã Sín Thầu xuất sang Trung Quốc khoảng 10.000 bao phân trâu, bò khô. Con số này đang ngày một tăng, bởi lẽ hiện nay không chỉ ở Sín Thầu, mà nông dân ở các xã Leng Su Sìn, Sen Thượng… cũng hàng ngày kìn kìn chở phân trâu, bò khô lên cửa khẩu để xuất bán sang Trung Quốc.
Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Lỳ Ná Na, Trưởng bản Tá Miếu xã Sín Thầu, cho biết: “Mấy năm gần đây bà con bản Tá Miếu có thêm thu nhập nhờ cái nghề “đặc biệt” ấy. Ước tính mỗi năm bản mình xuất sang Trung Quốc vài nghìn bao phân trâu, bò khô. Cứ tình hình đàn trâu, bò của bản không ngừng gia tăng như hiện nay, trong tương lai, hàng năm thu nhập từ bán phân trâu, bò cũng hàng chục triệu đồng mỗi hộ”.
Ông Pờ Chinh Phạ, Phó chủ tịch UBND xã Sín Thầu, cho đây là hướng phát triển kinh tế không chỉ giảm nghèo mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường – quả là “nhất cử lưỡng tiện”.
Ông Pờ Chinh Phạ cho biết, thời điểm này tổng đàn trâu, bò của xã Sín Thầu lên đến 2.000 con. Ngày trước, khi mùa mưa phân trâu, bò trôi theo các triền đồi rồi đổ vào dòng Mo Phí, khiến nguồn nước sinh hoạt dần ô nhiễm. Làng trên, bản dưới ngập ngụa phân trâu bò, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Đặc biệt là vào mấy tháng mùa mưa, chẳng ai muốn bước ra đường nữa.
Tuy nhiên, từ ngày bà con nhặt phân trâu, bò khô xuất bán, nước suối Mo Phí đã sạch hơn nhiều. Chuồng trâu, chuồng bò được dọn sạch bóng, bởi lẽ bà con chỉ cần chịu khó một chút là có thể kiếm được tiền rồi.
Theo tìm hiểu của ông Lỳ Ná Na, Trưởng bản Tá Miếu, người dân Trung Quốc mua phân trâu, bò khô để bón cho những trang trại cao su đại điền. Ông Na bảo không biết trong phân trâu, bò khô có chất gì đó cần thiết cho cây cao su phát triển, nhất là cây cao su sắp cho nhựa năm đầu thu hoạch. Hàng năm, nhân dân mấy xã vùng biên nhặt ròng rã suốt một mùa khô kéo dài 7 – 8 tháng trời, vậy mà không đủ phân để bán cho họ.
Nghe đâu vừa rồi, mấy xã giáp biên của Trung Quốc tiếp tục triển khai các dự án trồng cao su quy mô lớn. Chắc chắn nhu cầu mua phân trâu, bò khô sẽ càng rất lớn – đó như một nguồn lực gián tiếp thúc đẩy ngành chăn nuôi đại gia súc vùng ngã ba biên giới Sín Thầu…
Xuân Tuấn (Báo Điện Biên Phủ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *