Tôi đến nhà Huân khi cậu ấy đang ngồi đẽo cày dưới gốc cây sung già đầu ngõ.
Thấy tôi từ xa, Huân lẳng khúc gỗ chưa ra hình thù bên cạnh, quẹt vội đôi bàn tay thô ráp ra hai bên hông áo. Tôi định cất lời thì cậu ấy gọi to: “Chào ông giáo đã về làng”. Tôi đảo mắt nhìn xung quanh. Đằng kia mấy bà bán nước đang cắm cúi dí mắt vào màn hình điện thoại, tay lướt lướt thỉnh thoảng trố lên những tràng cười khanh khách. Không gian buổi trưa ở quê im ắng, khác hẳn với vẻ ồn ã nơi phố thị. Huân rút chiếc dép tông lào kê trên một cái rễ sung trồi ra ngoằn ngoèo như con trăn cuộn mình dưới mô đất. “Thầy giáo ngồi tạm đây đỡ phải tháo giày”. Tôi cúi xuống nhìn đôi chân xem mình có bị nhầm lẫn gì không. Rõ ràng tôi đang đi đôi dép lê hiệu adidas. Tôi ngật ngưỡng ngồi. Cười đáp: “Hồi trước học văn toàn ăn trứng ngỗng mà bày đặt chơi chữ gớm, à nói mới nhớ dạo này mày nuôi ngỗng à?”. Huân ngúc ngoắc đầu ra vẻ ngạc nhiên, cậu đưa tay lên đầu gãi gãi ra vẻ thật thà “Trước giờ tao chỉ nuôi gà với vịt, ngỗng đâu mà ngỗng”. Tôi chỉ tay vào khúc gỗ Huân đang đẽo dở bên cạnh: “Đó không phải con ngỗng thì chắc là con thiên nga rồi”. Hai đứa lại có một tràng cười sáng khoái, Huân cười để lộ hàm răng ố vàng vì thói quen hút thuốc lào. Tôi và Huân tập tành hút thuốc từ thời còn đi học. Có lần hai đứa đi hái trộm lá thuốc lào về thái mỏng phơi khô và trốn cha mẹ hút phì phì. Khi những cây thuốc lào trụi lá chúng tôi lại ra đồng vặt râu ngô thay thuốc. Tất nhiên đó là những bí mật của lũ trẻ chúng tôi, người lớn không hề hay biết. Thế rồi đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Lần đó tôi đang đặt chiếc điếu cày lên miệng phì phỡn, Huân châm lửa đốt thuốc trên nõ điếu thì cha tôi bước vào. Tôi hoảng sợ làm rơi chiếc điếu trên tay, nước đen lòm từ ống điếu tràn ra lênh láng khắp nền nhà. Cha lấy roi mây vụt tôi sưng tẩy mông, tối trèo lên giường ngủ, miệng vẫn rên hùm hùm. Kể từ hôm ấy tôi bỏ thuốc, bỏ vĩnh viễn.
Tôi và Huân là bạn cùng làng, cùng lớp suốt quãng đời học sinh. Huân thiếu một điểm rưỡi để đậu ngành công nghệ thông tin. Tôi đậu nguyện vọng 2 vào một trường sư phạm địa phương. Huân từ giã con đường học vấn, ở quê bám ruộng và nối nghiệp ông cha: Đẽo cày thuê. Tôi tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố dạy học. Đợt này được nghỉ hè, tôi về quê phụ giúp cha mẹ thu hoạch mấy sào lạc. Tôi vẫn hay nói đùa với mấy đồng nghiệp rằng đợt hè này tao về quê “hưởng lạc”. Anh em đồng nghiệp vỗ vai cười khà bảo thằng này nhìn thế mà sướng.
Huân rót bát nước chè xanh mời tôi. Tôi ngụm một hơi rõ to rồi nhổ phù ngay tắp lự. Nước quá chát, cảm giác như đầu lưỡi được bao phủ bởi một lớp mủ đắng ngắt. Trước đây tôi có thể uống một lần hai ba bát, nhưng giờ không thể uống nổi. Nếu muốn uống thì nên đi pha loãng hơn. Lên thành phố, bốn mùa uống nước lọc đâm quen. Nương vườn ở quê rất rộng, vườn này thông sang vườn kia, lối tắt năm ngách bảy ngõ. Đêm đêm nhà nào có nồi nước chè xanh là tất cả quây quần từ già tới trẻ, bỏ hết những mệt nhọc của cuộc sống thường nhật, ùa vào nói chuyện rôm rả cho tới khi nước trong nồi cạn sạch mới thôi. Đâu có như thành phố, đến khi nhạc mẫu tử tình thâm nổi lên nhà bên cạnh vẫn chưa biết tên nhau.
Huân lấy khúc gỗ và tiếp tục đẽo. Lúc này mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Nắng gắt nhưng có gió. Tiếng chim gọi vịt thỉnh thoảng cất lên một tràng lanh lảnh với âm lượng nhỏ dần, xa dần. Loài chim rõ thật khôn, chỉ nghe tiếng mà rất hiếm khi lộ diện. Tôi cố lần tìm ký ức xưa cũ trong thứ âm thanh quen thuộc. Trước lớp bụi mờ chạy dài cả con đường lởm chởm đất đá, tôi thấy một cậu bé da đen nhẻm, quần ngắn cũn miệng ngậm đầy hoa cỏ may. Cậu ta khóc. Tôi hỏi mới biết cậu vừa bị lũ bạn lừa một cú đau điếng. Lũ bạn bảo cậu ngậm cây cỏ may ngang miệng, ngửa mặt nhìn lên sẽ thấy ông Trời đẽo cày. Cậu ta nheo mắt nhìn lên trời, lũ bạn nhanh tay cầm vào thân cây tuốt ngang miệng. Kết quả cậu ta chẳng thấy gì ngoài một bụm miệng đầy hoa cỏ may. Chắc chắn lúc nữa mẹ cậu ta sẽ ra với cái roi mây trên tay, lũ bạn biết được điều đó và chạy trốn mất tiêu.
Tôi thoát ra khỏi mớ suy tư hỗn độn bởi vụn gỗ té vào mặt. Trước mắt tôi cũng có một người đang đẽo cày nhưng không phải ông Trời, đó là Huân. Cậu ấy đang hì hục đẽo, những thớ gỗ bong tróc dưới bàn tay liến thoắng. Tôi bỗng ví khúc gỗ tựa như một cuộc đời. Bàn tay của người thợ đẽo lớp này đến lớp khác, càng vào lõi càng chắc chắn. Và rồi khúc gỗ vô tri sẽ biến thành một công cụ hữu ích. Con người ta cũng vậy, sau những va vấp khiến ta trở nên rắn rỏi và dần hoàn thiện hơn. Hình như khuôn mặt Huân đã có những vết sạm. Huân trông già hơn so với cái tuổi hai mươi lăm.
Tôi quẹt mồ hồ đang lấm tấm trên trán rồi quay sang hỏi Huân:
– Người ta mua cày làm gì khi mọi công đoạn từ vỡ đất cho tới thu hoạch đều dùng tới máy móc?
Huân dừng tay lại, với ấm nước chè rót một bát đầy ắp. Ngụm một hơi ra vẻ đăm chiêu.
– Cày cấy đúng là giờ có máy thật. Nhưng mày thử tính xem một mùa lạc có bao nhiêu mà trừ các chi phí như tiền giống, phân bón cộng với khoản thuê máy móc nữa thì còn dư đồng nào. Với lại dỡ lạc vẫn cần đến cày thủ công, chứ cày bằng máy thì hỏng hết.
– Sao không dỡ lạc bằng tay?- Tôi hỏi.
– Dỡ trực tiếp bằng tay cũng được, nhưng đó là đất cát.
Gặp đất thịt nín câm như gái cấm cung thì chỉ làm giàu cho mấy đứa mót lạc. Củ chưa lên khỏi mặt đất thì nằm luôn ngay ở dưới. Gặp một trận mưa rào củ phơi trắng cả đồng, nẫu hết ruột gan.
Đánh một tiếng thở dài bởi tôi chả lạ gì thổ nhưỡng ở quê. Dù máy móc hiện đại đến đâu thì một số khía cạnh vẫn không thể thay thế được con người.
Huân tâm sự với tôi rằng nhiều lần cũng muốn ra phố để xem mặt mũi người thành phố họ thế nào, sau là kiếm ít vốn về mua thêm con bò con bê. Khổ nỗi cha mẹ cậu đau ốm triền miên, mỗi lúc trái gió trở trời, đổ bệnh ra đó lại không có ai chạy vạy thuốc thang.
***
Tôi ngước mắt nhìn về phía con sông trước mặt, nơi có con trâu đen loáng béo múp đang đằm mình trong nước. Tò mò tôi hỏi:
– Trâu nhà ai mà béo thế?
Huân cười khà khà nói:
– Trâu nhà thằng Tài đấy, ăn có phải làm gì đâu mà không béo. Nhà nó có máy cày rồi, trâu chỉ việc ăn với đẻ. Khoản kéo phân, kéo thồ thì đã có xe máy, vừa nhanh vừa tiện. Trâu vào nhà giàu nó sướng thế đấy, mỗi năm chỉ cần đẻ một chú nghé là hoàn thành nhiệm vụ. Tính ra nó còn sướng hơn cái thân tao.
Nghe những lời nửa đùa nửa thật của Huân, có một chút gì đó gợn lên trong lòng tôi. Người có người giàu người nghèo. Trâu có trâu sướng trâu khổ. Ngẫm phận người lam lũ làm tôi cay khóe mắt. Huân còn nói với tôi rằng trâu nhà Tài sống chỉ biết hưởng thụ đâm lười; có lần trâu nhà bị ốm Huân sang mượn trâu Tài cày ải đất trồng ngô, ì ạch ra đến đồng nhưng đến lúc tra ách vào cổ thì có đánh thế nào cũng không chịu đi. Thế là phải đưa nó về. Vừa tốn công vừa tốn sức.
– Trâu còn chê ruộng huống chi con người- Tôi chặc lưỡi.
Hai chúng tôi đang chăm chú nói chuyện thì một chiếc exciter lướt qua, bụi đường tung hỏa mù. Đó là Toàn, con trai cán bộ xã. Ngồi sau xe là một cô gái bịt khẩu trang kín mít. Toàn là bạn học của chúng tôi. Hồi đi học nó là đứa ngỗ nghịch, lười học nhất lớp nhưng bây giờ lại là đứa sướng nhất. Trước đây chúng tôi sướng hơn nó ở khoản không bao giờ phải bê chậu nước đứng ở góc lớp vào mỗi giờ học.
Bất ngờ một tiếng rầm vang lên. Xe Toàn bị ngã khi vấp phải ổ gà. “Ở đời cha làm con chịu”. Huân vỗ đùi ra vẻ đắc chí. Đoạn đường bê tông này mới hoàn thành vào đợt cuối năm và giờ đã xuống cấp trầm trọng. Ổ gà ổ vịt vô thiên. Chả lẽ cấp trên tính toán hụt vật liệu khi xây dựng đoạn đường dài chỉ mấy trăm mét này. Không khó để bắt gặp những đoạn đường kiểu này trong xã. Người trong xã chẳng ai dám đi qua đoạn đường làng Cầu vào buổi đêm, đoạn đường ghồ ghề khó đi mà gặp phải ma trâu thì có mà chạy đằng trời.
Toàn khập khiễng đứng dậy, lom khom tựa như cái cày đẽo lỗi, nhìn về phía chúng tôi ra vẻ ấm ức, leo lên xe phóng vù. Tôi và Huân chẳng ưa gì cái tính khinh người của cậu ta. Bỗng Huân lẳng khúc gỗ bên gốc sung, kéo tay tôi đứng dậy. “Uống, phải đi uống cho vụ này”.
***
Mùa lạc. Đi khắp các nẻo quê đâu đâu cũng thấy lạc. Cây lạc chất thành đống. Củ lạc xếp từng bao. Các tay buôn lạc ra tận cánh đồng thu gom. Năm nay mặc dù giá lạc không cao nhưng rất dễ tiêu thụ. Nông dân cũng đỡ khổ. Và tất nhiên một bữa nhậu dân dã sẽ không tốn nhiều công sức khi phải đau đầu chọn đồ nhậu, nơi nhậu. Quán nhậu mọc lên rầm rộ, đặc điểm chung của các quán này là quy mô nhỏ và kinh doanh một món chủ đạo: Lạc luộc bia hơi. Tôi mời Huân ra quán bia hơi đầu làng, Huân từ chối với lý do: “Tao dị ứng với mùi bia và nhà đang còn rượu”. Tôi biết Huân chả khách sáo gì bởi chúng tôi đã quá hiểu nhau.
Một cuộc nhậu đã diễn ra sau đó. Tại nhà Huân.
Chỉ có tôi và Huân.
Chỉ có lạc và rượu.
Kể cũng sang chứ chả đùa. Thứ sang ở đây là tình là nghĩa. Lớn lên mỗi người đi một nẻo kiếm kế mưu sinh. Môi trường sống thay đổi cách nghĩ con người ta. Hình như nếp sống của nơi phố thị phồn hoa đang dần hiện diện trong những bản thể chân chất mộc mạc ngày nào. Tôi từng chứng kiến một đôi bạn rất thân, lớn lên cùng nhau, chăn trâu cắt cỏ cùng nhau cũng chỉ vì một vấn đề rất nhỏ mà cạch mặt nhau: Bạn coi thường tôi, gọi tôi bỏ thì giờ đi nhậu mà chỉ toàn lạc với lạc. Thế là hai người “lạc” mất nhau trong một ngôi làng rộng chỉ vài héc-ta. Hay thật nực cười với một cô bé lên thành phố có vài tháng, khi trở về quê đã trở thành người thành phố. Miệng tô son đỏ choét xài những từ ngữ “xịn sò”, quần bỗng dưng ngắn cũn lượn lờ xóm trên xóm dưới. Trở thành người thành phố nó dễ dàng vậy sao?
Hình ảnh những thớ gỗ bong tróc lại lóe lên trong đầu tôi. Đẽo hết lớp gỗ này bên trong vẫn là gỗ. Rũ bỏ nét mộc mạc chân quê rồi liệu có dễ tìm lại? Tôi nghĩ điều đó còn khó hơn việc lắp ghép những thớ gỗ vụn vào nhau để trở về hình dạng ban đầu.
Có thể tôi là người khó tính và khá cổ hủ.
Những cuộc hẹn bắt đầu thưa dần khi ta lớn lên. Bởi vậy tôi rất trân quý giây phút được ngồi tán gẫu cùng với những người bạn thuở hàn vi. Những câu chuyện trên trời dưới đất, những kỉ niệm thời chăn trâu cắt cỏ rồi đến chuyện làng chuyện phố ngót cả buổi trưa của hai đứa.
Ngoài trời bỗng đổ cơn mưa. Mưa tuôn ào ào như xổi. Ruộng đồng nhão nhoét. Nghề nông phụ thuộc vào thời tiết. Nắng làm, mưa nghỉ. Còn tôi và Huân bây giờ chẳng còn vướng bận gì cả. Chúng tôi như rót cạn lòng mình vào những chén rượu đầy. Hai mươi, ba mươi năm sau hoặc có thể lâu hơn nữa, thế hệ chúng tôi sẽ già đi. Lớp trẻ sau này liệu có hãnh diện đứng trước những tòa nhà cao chọc trời mà nói; trên mảnh đất này, ông cha tôi đã từng một thời như thế.
Huân bỗng vỗ một cái thật mạnh vào bả vai tôi. Nốc cạn chén rượu trên tay, khề khà:
– Phán xàm gì thế ông giáo, có gì đâu mà tự hào, mà hãnh diện với tháng ngày bám đít trâu, người ta muốn che gốc gác bần nông mà chả được. Mà thôi, cày đẽo chưa xong đã lòng vòng chuyện tương lai.
Hai chúng tôi đã ngà ngà say.
– Đời mày đẽo bao nhiêu cái cày rồi?- Tôi hỏi.
Huân bỗng cúi đầu rập xuống:
– Tao chả nhớ.
Một dãy phép tính ngập ngừng tuôn ra từ miệng sao nghe đắng chát. Ừ, thật nực cười. Rượu đắng chứ ngọt bao giờ. Tôi nghĩ thế và cười. Rượu làm tôi thấy đắng. Đời Huân còn đắng hơn cả rượu.
Cậu ấy đã ngủ gục trên bàn tự lúc nào.
***
Trận mưa hồi chiều khiến những cánh đồng trũng chìm trong biển nước. Âm thanh ồm ộp, trẽo trẹt của loài bò sát lan khắp bờ đê. Trong chếnh choáng men say, tôi lững thững bước về.
Đoạn đường làng Cầu vắng tanh, không có lấy một bóng người. Tôi vừa đi bộ vừa nghêu ngao hát cho đỡ sợ. Những ổ gà ổ vịt cơ hồ nước. Thỉnh thoảng chân tôi dẫm phải vũng nước bì bõm. Tôi nhớ đến câu hát của mấy đứa trẻ chăn trâu và lẩm bẩm theo: “Trâu ơi tao khổ hơn mày. Mày cày hai vụ tao cày cả năm”. Từ sau lưng tôi bỗng nghe những tiếng thùm thụm như có ai bê từng tảng đá khổng lồ ném vào mặt sông. Từng tiếng từng tiếng rõ mồn một, càng lúc càng gần. Một cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng, mặt mũi đầm đìa mồ hôi. Lấy hết can đảm, tôi rọi ánh đèn điện thoại yếu ớt về phía sau. Hình như một khối gì đen lòm đang tia về phía tôi. Tôi rụt hẫng chân bổ nhào vào vũng nước. Lại có tiếng rầm rầm của những bước chân nặng trịch dội vào mặt đường, âm thanh chạy tuốt vào vạt ngô. Những cây ngô đang độ trổ bông lung lay rồi đổ ràn rạt. Tôi không nghĩ mình say đến nỗi sinh ra ảo giác. Hay là ma trâu đang hù dọa?
Tôi nghe người ta kể lại rằng đoạn đường làng Cầu có một đàn ma trâu. Chúng thường dẫn nhau ra bờ sông tắm táp lúc chạng vạng chiều. Thức dậy đi hù dọa người vào những đêm không trăng. Có khi nó rống lên từng tiếng đầy ai oán, khi thì ò ọ phò phò như bị chọc tiết. Người ta còn nói rằng, đêm đêm ma trâu lén vào chuồng dẫn trâu nhà ra vách đá rồi đẩy chúng rơi xuống vực sâu hun hút mà không bao giờ tìm thấy xác. Khi con người phát hiện chỉ còn trơ lại một đống xương trắng hếu. Chỉ một khúc sông ngắn chảy qua làng Cầu mà đã khiến rất nhiều trẻ em đuối nước. Khi được vớt lên, đứa nào đứa nấy đen sậm như da trâu.
Trên những vạt ngô mơn mởn chạy dọc hai bên đoạn đường làng Cầu từng là mồ chôn của vô số con trâu. Trận đại dịch lở mồm long móng càn quét qua làng vào những năm 2000 thực sự là nỗi kinh hoàng. Đêm đêm tôi bật dậy bởi tiếng rống đau đớn của những con trâu bệnh. Và cả tiếng sụt sùi của mẹ. Đôi chân nứt toác rỏn rẻn trên nền đất lạnh ngắt, qua tấm phên mục mẹ nhìn những chiếc xe bò chầm chậm chở xác trâu ra bãi đất làng Cầu. Trâu mất rồi, cha lặng lẽ gác cày cạnh đống rơm vàng rộm, lui cui vác cuốc miệt mài từng lát đất.
Những câu chuyện về ma trâu làng Cầu bắt đầu từ đó. Một mình chẳng ai dại gì mà đi qua đoạn đường này vào buổi đêm. Không hiểu sao tôi lại cả gan đến thế.Có người còn mách lại đã từng thấy một con trâu bạc ngồi chễm chệ trên vách núi cao nhất mà hát rằng: “Người ơi tao bảo người này, thời nay máy móc đẽo cày làm chi, bừa – cày – cuốc – cấy khó gì, chỉ làm tao khổ suyển suy thân gầy”.
Tôi co người lại, một vệt sáng lấp lóe trong vạt ngô. Luồng gió lạnh từ đâu thốc vào mặt, nghe như mùi gây của xác chết. Một tiếng ụm lại vang lên. Hình như thứ gì lành lạnh đặt vào bả vai, tôi quay đầu lại gặp phải một luồng sáng chĩa vào mặt, mắt tôi nhắm tít, chân run lẩy bẩy, miệng khẩn liên hồi.
– Làm gì mà khật khưỡng ở đây thế ông giáo?
Tôi nghe giọng nói quen quen, là giọng người. Tôi từ từ mở mắt trong khi hai bàn tay đang chắp vào nhau khẩn khoán. Đúng là Tài rồi.
– Sao mày lại ở đây- Tôi hỏi Tài.
Ánh mắt ngơ ngác của Tài nhìn tôi vẻ như cậu ta muốn hỏi ngược lại câu đó. Đoạn xong mặt Tài tỏ vẻ cuống quýt, hỏi tôi:
– Mày thấy có con trâu nào ở đây không?
– Là sao?- Tôi ra vẻ không hiểu.
– Trâu nhà tao phá chuồng đi mất rồi.
Tôi nhớ đến khối đen lòm lởn vởn và thứ âm thanh sột soạt lúc nãy.
– À, đúng rồi. Hình như tao vừa thấy con trâu mộng nhà mày, nó đang phá ngô đằng kia- Tôi chỉ tay về vạt ngô đổ rạt phía xa.
Đúng là rảnh rỗi sinh nông nổi. Tôi lẩm bẩm câu ấy khi thấy Tài đi khuất vào vạt ngô. Rồi lại nghêu ngao ngát: “Trâu ơi tao khổ hơn mày, mày cày hai vụ tao cày cả năm”.
***
Đồng nghiệp tôi bị tai nạn trên đường đi tập huấn nhiệm vụ coi thi quốc gia. Chiếc xe đâm phải một con trâu mộng đi ra từ hẻm núi, đang ngược về hướng phố. Vụ tai nạn khiến đồng nghiệp tôi gãy chân phải nhập viện điều trị. Tôi vừa đặt giỏ cam trên bàn cậu ta đã cằn nhằn, giá mà trâu học luật giao thông thì tao đâu đến nỗi, đấy mới thấy ước mơ làm dân phố chẳng dễ dàng gì.
Hai tuần sau người ta phát hiện khung xương trâu mộng nhà Tài bị kẹt trong vách đá, xương mõm kếch về phía mặt đường, ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào hai hốc mắt. Lung linh, huyền ảo như ánh đèn chốn phồn hoa đô hội.
Huân đứng lặng trước đống xương trâu Tài mà than thở: “Đến một lúc nào đó, cái giống bọn mày cũng sẽ bỏ làng mà đi”.
Tôi nhận được công văn khẩn về nhiệm vụ coi thi bổ sung. Lúc đi qua nhà Huân, tôi thấy cậu ấy vẫn đang ngồi đẽo cày.
Khúc gỗ ngày một nhỏ. Mong ước của Huân thì ngày càng lớn.
Huân nhìn tôi, không nói gì, lẳng lặng cúi gằm mặt xuống và tiếp tục đẽo. Tôi không biết Huân đang nghĩ gì.
“Thời đại nhà lên số- trâu ngược phố liệu có còn chỗ cho Huân đẽo cày mãi”. Tôi nghĩ thế và phóng xe thật nhanh. Chắc có lẽ Huân sẽ nhìn tôi cho đến khi mất hút sau cổng làng.
Lê Văn Thân
Theo https://quanchieuvan.com/