Tiểu thuyết “Lão Ngưu” và tiếng gọi nơi hoang dã

Tiểu thuyết “Lão Ngưu” và tiếng gọi nơi hoang dã của tác giả Ba Gàn (tên thật Bùi Long Thành) tái hiện cuộc sống hoang dã, bất quy tắc, phá bỏ mọi rào cản quy luật cuộc sống của một lão nông nhưng tràn ngập sự nhân văn.

Tiểu thuyết “Lão Ngưu” lấy nhân vật trung tâm là một lão nông có cuộc sống khác thường. Sở dĩ có tên là Ngưu vì lão chăn một đàn trâu trên núi. Từ lúc bắt đầu, cuộc sống đã rất lạ thường với Lão Ngưu. Lão chỉ có một mình, không gia đình, không vợ con, không họ hàng, lão hoàn toàn đơn độc giữa núi rừng hoang dã. Vây quanh lão là đàn trâu và thiên nhiên bất tận.

Tiểu thuyết “Lão Ngưu” và tiếng gọi nơi hoang dã
Tiểu thuyết “Lão Ngưu” và tiếng gọi nơi hoang dã

Giữa hằng hà sa số những tiểu thuyết hướng tới sự ăn khách, lấy đề tài tình yêu, tình dục, cuộc sống sang giàu, cách kiếm tiền ồn ào ở phố thị, “Lão Ngưu” chọn hướng đi tưởng như lạc lõng, khi thuần chất miêu tả một cuộc sống hoang dã, thuần khiết, không phủ bất kỳ màu sắc nào của đời sống hiện đại kim tiền.

“Lão Ngưu” tràn ngập những trang miêu tả cuộc sống thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, trong trẻo. “Hoa xoan nở rộ, trông như những đám mây xám trôi về ngủ quên trên vòm lá non xanh tươi. Trong bụi tre gai rậm rì bên bờ đá, vang vang tiếng chim cuốc gọi bạn dồn dập thiết tha. Lão Ngưu nắm mũi dắt con trâu đầu đàn băng qua con suối khô để sang khu đồi bên kia thác Bạc. Bên ấy, rẫy tranh vừa mới đốt, gặp cơn mưa rào đầu mùa mấy hôm trước, đang lên chồi non mơn mởn”.

“Rừng lồ ô có nhiều hòn đá già màu nâu sẫm. Gió sớm thổi nhẹ, cả khu rừng xào xạc hát ca. Đá già vẫn lặng yên hoang vắng…” – Giữa không gian mở ra ra khoáng đạt, hùng vĩ, rộn ràng sự sống của muông thú và mơn mởn màu xanh của thảo nguyên ấy, Lão Ngưu hiện lên vững chãi, sừng sững. “Lão Ngưu cởi cái áo trên người mặc cho thắng bé. Bắp thịt cuồn cuộn rắn chắc, bộ ngực nở nang, nước da màu đồng hun… lão già như cái tượng đá vững chắc, tràn đầy nhựa sống”.

Giữa đại ngàn hoang vắng nhưng Lão Ngưu không hề đơn độc, lão sừng sững và vui sống bên đàn trâu, con Mực, con Lượm, giữa réo rắt âm thanh của chim muông, giữa sự sống mãnh liệt của bầy thú.

Lão Ngưu cũng rất bận rộn. Bóng dáng lão thoắt ẩn thoắt hiện, xuyên suốt khu rừng. Khi thấy lão cứu bầy heo ở vườn khoai, lúc lại thấy lão thoăn thoắt di chuyển, lúc lại thấy lão đang cứu thằng bé Quỷ Sứ, khi thấy lão ngồi lặng chứng kiến hoàn cảnh gia đình của Bảy Cô Lốc, lúc lại thấy lão đang lo lắng, vật vã tìm cách cứu thằng Chó Con và ông Thầy Cúng…

Lão Ngưu phủ bóng khắp khu rừng, và phủ bóng lên cuộc đời của từng nhân vật. Lão thành thục ẩn hiện giữa hoang dã, xuất hiện đúng lúc đúng thời điểm để cứu những cảnh đời, cứu con người, cứu cả muông thú với tất cả yêu thương.

Đan xen giữa những câu chuyện cứu người, cứu thiên nhiên, muông thú của lão Ngưu, là hiểm họa, là bàn tay tàn phá của con người tác động lên môi trường, lên sự sống thiên nhiên.

Câu chuyện của “Lão Ngưu” ẩn chứa thông điệp tha thiết về môi trường, khơi dậy tình yêu với thiên nhiên, kêu gọi giữ gìn sự hoang dã trường tồn – như lão Ngưu, người đàn ông đã và đang hoàn toàn cô độc trên con đường ấy.

Theo Bình An (Báo Lao động)

One thought on “Tiểu thuyết “Lão Ngưu” và tiếng gọi nơi hoang dã

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *