Tết trâu làng Long Trì

Tết trâu làng Long Trì chẳng biết tục Tết Trâu ở làng Long Trì khởi sự từ khi nào, chỉ biết nó có trước lúc giặc Pháp đến lập đồn binh trên đất Bình Cách. Tiếng là Tết Trâu, nhưng dân sở tại thường nói lệ cúng ông Chuồng bà Chuồng, mong ‘’yên nhà yên cửa’’ của đám trâu đục mưa đục nắng.

Tết trâu làng Long Trì
Tết trâu làng Long Trì

Thằng Sáu con chị Hai Lép, đứng trước ngã ba đường lựa chọn trong năm con gà:’’Mua trâu, cưới vợ, làm nhà’’, nó tính chưa ra nên ‘’chọn ba việc đó, thiệt là khó thay’’ (Ca dao). Nhớ hôm rồi, cậu Năm ở Đăng Hưng Phước sang chơi và khi ra về nắm tay nó, dặn nhỏ:

– ‘’Con trâu là đầu cơ nghiệp’’! Chớ chẳng phải ‘’cưới vợ, làm nhà’’ đâu nha Sáu!

*

Có lẽ, đất cũ đãi người mới! Tại sao không? Đất ‘’Trì kéo Rồng’’ và rồi, rồng chẳng nỡ bay đi. Rồng ở lại cùng người trong cái tình Thiên-Nhân-Địa…thành đạo lý Long Trì! Trâu Long Trì biết nghe lời và làm theo ý chủ. Đất Long Trì đẻ ra sản vật ‘’Dưa hấu Long Trì’’ danh vang khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Những lối mòn quê do bước chưn lưu dân miền Trung vào đất lạ, tạo thành chưn rết nối  Bình Cách, An Khương chạy xuống Thanh Bình, Đăng Hưng Phước… bọc qua An Lục Long,Thanh Phú Long và dừng lại thị trấn Tầm Vu với làng Dương Xuân Hội. Hiển nhiên, trời đất tạo thế vòng cung bảo vệ Long Trì. Phải nói dông dài như vậy, vì thôn dân nơi đây không những coi ‘’con trâu là đầu cơ nghiệp’’ mà còn hơn thế nữa, họ coi ‘’con trâu là bạn và hơn cả bạn’’.

Chị Hai Lép khăn gói sang Đăng Hưng Phước mời cậu Năm qua ‘’tậu trâu để khởi đầu cơ nghiệp’’ cho thằng cháu. Cậu Năm nói:

– ‘’Trâu khỏe chẳng lo cày trưa’’. Muốn vậy, nên coi kỹ ‘’Trâu xem sừng, chó xem chưn’’ (Tục ngữ)

Thình lình, cậu Năm vỗ vai thằng Sáu:

– Được trâu rồi, cưới vợ liền tay để: ‘’Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa’’ (Ca dao).

Rồi, như nhớ điều gì, câu Năm ngoái cổ nói vói:

– ‘’Trâu xem vó, vợ xem nòi’’! (Tục ngữ)

2.

Nói chơn chất chớ không nói ‘’ngọt mía lùi’’, rằng: ‘’Tâm linh tạo thêm sức minh tinh thần’’ cho lưu dân khẩn đất. Họ biết ơn và trả ơn những ai từng cứu giúp, dù người đương sống hay đã là kẻ khuất mặt khuất mày. Sau một năm vất vả việc đồng áng, vui Tết, họ không thể nào quên người bạn:’’Trâu ơi! Ta bảo trâu nầy/ Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta’’. Trâu cày với ta, thì không thể ta vui Tết một mình ta.

– Mình cắt thêm mấy khoanh bánh tét, mấy cục đường táng vàng thiệt vàng rươm…rồi bưng ra chuồng trâu cho tui!

Thằng Sáu lui cui dọn nhang đèn, bông hoa chuối nước, thúng trái cây hái trong vườn, thúng gạo nức hương nếp mới. Đôi trâu lim dim mắt, thong thả và rất thong thả, nhai lại thức ăn đã ăn hôm tối mồng 3 Tết. Dường như, nó biết sáng nay ngày mồng 4 Tết, là ngày Tết hoàn toàn thuộc về nó. Má Hai đi tới đi lui coi lễ vật Tết Trâu đủ thiếu món chi.

– Thiếu giấy tiền vàng bạc, áo quần cho ông bà Chuồng, nha con!

Má chồng cẩn thận nhắc con dâu.

Thông thường, người chủ trâu có bổn phận hành lễ và khấn vái. Đồng thời, người thôn dân ở Nam Bộ nhớ lâu và sâu, mỗi lần bị ai đó nguyền rủa: ‘’Ông bà Chuồng vật mầy!’’ hơn cả bị chửi cha mắng mẹ?!

*

– Theo lệ làng Long Trì, mồng 3 Tết nhà; mồng 4 Tết Trâu. Bởi, quan niệm xưa: Con trâu làm nên cái nhà. Vì ơn nghĩa đó, người nhà nông Long Trì không thể không Tết Trâu.

Má Hai nói phải lẽ cho bọn trẻ biết.

Gió se lạnh Tết quê còn nông hương vị chiều xuân! Đột ngột, đôi trâu đứng lên như ngỏ lời cảm ơn đôi bạn vợ chồng Sáu. Hình như nó muốn bày tỏ điều gì đó, nhưng ngập ngừng rồi lại thôi.

Má Hai nói:

– Cậu Năm nhắc vợ chồng bây: ‘’Tết Trâu thì Tết Chuồng. Nhưng, Tết Chuồng không hẳn Tết Trâu’’.

– Nghĩa là, sao hả má?

Thằng Sáu hỏi trong sự thắc mắc. Vợ nó, chắc là học lóm ở đâu đó trước khi đi lấy chồng; nhảy xổm vô:

– Cậu Năm thương nên nhắc vợ chồng mình đừng quên cúng ông bà Chuồng vào tháng 5 ngày mồng 5, trùng ngày Tết Đoan Ngọ mà làng mình thường gọi Tết bắt sâu!

Không đợi chồng phản bác hay đồng thuận, vợ thằng Sáu hò lơ hó lơ một hơi dài bất kể: ‘’Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà/ Tháng ba thì đậu đã già/ Ta đi ta hái về nhà phơi khô/ Tháng tư lo tậu trâu bò/ Để ta sửa soạn làm mùa tháng năm…’’.

Chẳng đợi vợ dứt câu, thằng Sáu hớt ngang:

– Thì mình đã biết, con trâu tự bao đời gắn bó với thời vụ nhà nông. Tháng năm là tháng cày cấy, tháng của ông bà Chuồng giúp đỡ trâu ăn ngủ ngon giấc để có sức phụ chủ đạt mùa lúa bội thu. Muốn vậy,…

– Muốn vậy, phải Tết ông bà Chuồng! Chớ chẳng là cúng bái Tết chi khác nửa năm. Tui hiểu rồi mình!

Vợ thằng Sáu xề xang cặp cổ chồng. Má Hai tằng hắng mấy tiếng như nhắc nhở con dâu giữ ý giữ tứ giữa ban mày ban mặt.

Má nói:

– Tết ông bà Chuồng vào ngày mồng 5 tháng năm, đừng quên hũ muối, nước, gạo…dâng lễ nơi bàn thiên. Nếu thiếu một trong ba sản vật trên, ông bà Chuồng quở thì mùa màng năm đó, trâu bị chậm bị ngơ: ‘’Trâu chậm uống nước đục, trâu ngơ ăn cỏ héo!’’ (Tục ngữ).

3.

Theo lời thầy giáo Huỳnh Văn Tồn, người làng An Lục Long sang làng Long Trì cưới vợ từ trước những năm 50 của thế kỷ trước, kể lại:

– Khi anh em Đỗ Tường Tự, Đỗ Tường Phong vận động nông dân Long Trì và nông dân các vùng phụ cận góp sức người, đóng góp trâu vô cuộc chiến nhổ đồn Bình Cách, hầu như tất cả đồng lòng, chẳng thấy ai từ chối.

Ngày đó, thầy tuổi đã cao, cố nhớ những gì do ông nội thuật lại:

– Nghe nói, vợ chồng Sáu mới vừa Tết Trâu, Tết ông bà Chuồng một mùa Tết thì, vợ dắt một con chồng dắt một con tới hiến giao cho nhị tướng quân họ Đỗ. Hôm đó, vợ chồng Sáu tần ngần đứng bên cạnh bạn cày, cả hai lắc lắc sừng trâu như mong mỏi ngày gặp lại sau trận sống mái với quân thù.

Trận hỏa công từ những cái đuôi trâu hừng hực lửa và hàng ngàn đốm lửa thuận lòng dân, đã thiêu rụi lá cờ tam tài trên nóc đồn Bình Cách sụp đổ.

*

Đầu thế kỷ 19, làng Dương Xuân dựng đình Tân Xuân, bề ngoài thờ Thần hoàng bổn cảnh, bề trong ngấm ngầm tưởng nhớ tới nhị vị tướng quân Đỗ Tường Tự và Đỗ Tường Phong. Năm 1852, đình được vua Tự Đức nhuận sắc. Và, từ rất lâu dân chúng sở tại cùng phối hợp dân chúng quanh vùng tổ chức ‘’Lễ làm chay’’ trong 2 ngày 15,16 tháng Giêng hằng năm tại thị trấn Tầm Vu. Có lẽ, vì vậy mà trong tâm thức của người cố cựu vẫn thuộc lòng câu nói xưa: ‘’Dù ai buôn bán bộn bề/ Làm chay mười sáu nhớ về Tầm Vu’’.

Hồi trước, các làng xã quanh vùng, nhứt là làng Long Trì, nơi gò hoang nào cũng có cái miếu nhỏ thờ trâu, như là biểu tượng thành kính của con người đối với con vật biết vì nghĩa quên thân. Nhiều biến động thời cuộc và cuộc sống tất bật áo cơm, những miếu nhỏ thờ trâu kia đã mai một và bị cuốn hút vào dòng thời gian!

Cơ giới hóa có thể thay thế sức trâu cày, nhưng một nền văn minh dù có vượt bực tới đâu, cũng chẳng thể thay thế được tâm tình của con vật đối với tấm chơn tình của người thương mến nó.

Miếu trâu mất, song chuyện về trâu không mất trong lòng dân Long Trì và người quanh vùng Nam Kỳ lục tỉnh xưa!

Hình đầu bài: Lệ cúng ông Chuồng bà Chuồng của người Việt. Ảnh: Bích Nhàn. 

Cao Thị Hoàng (Nông thôn Việt – http://nongthonviet.com.vn/kho-chuyen/tuc-xua-nep-cu/201703/tet-trau-lang-long-tri-698700/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *