Ba cái chuồng trâu (Truyện cổ tích dân tộc Tày) đả kích thói lười biếng, kiêu căng và lố bịch của vợ chồng hai cô chị, đồng thời ca ngợi đức tính chăm chỉ, biết trọng lao động của vợ chồng cô Út. Câu chuyện giáo dục các em biết tôn trọng lao động và nhận thức rằng chỉ có lao động mới đem lại cuộc sống lành mạnh, ấm no và hạnh phúc.
1. Cách sống của ba chị em
Ngày xưa có ba cô gái con nhà giàu được bố mẹ yêu quý nuông chiều hết mực.
Ba cô lớn như thổi và ngày càng xinh đẹp. Hai cô chị lấy chồng giàu. Cô Út lấy chồng nghèo. Ba cô lần lượt ra ở riêng. Bố mẹ chia đều ruộng vườn cho các con nhưng còn giữ lại một đàn trâu một trăm con chưa chia.
Cô Cả và cô Hai cô nào cũng thuê người về làm tất cả mọi việc lớn nhỏ ngoài đồng, trên nương. Ngày ngày, công việc duy nhất của họ là đua đòi ăn mặc, soi gương ngắm vuốt.
Cô Út thì trái lại. Ra ở riêng, hai vợ chồng cô cố công dốc sức làm ăn. Họ thức khuya dậy sớm, chăm chỉ làm việc nhà, việc đồng áng. Đến ngày mùa, họ gánh nhiều lúa, ngô, khoai, gà, vịt, lợn, dê ngày càng chật chuồng.
Ba năm trôi qua. Hai vợ chồng cô Út đã có của ăn của để. Còn hai vợ chồng cô Cả, cô Hai đã có phần túng bấn. Họ bắt đầu bán dần ruộng đất để tiêu pha. Tuy vậy họ cũng vẫn chưa chịu làm lụng gì cả.
2. Hai ông bà chia trâu cho con như thế nào?
Đến lúc ruộng đất bố mẹ chia cho đã bán gần hết, cô Cả, cô Hai xin cha mẹ chia trâu, cũng nhằm để bán dần. Hai ông bà không nỡ từ chối con. Ông bèn bảo ba chàng rể và ba cô con gái rằng:
– Đàn trâu có một trăm con, ta không biết chia thế nào cho đều được. Bây giờ thế này: Vợ chồng các con, mỗi nhà làm một cái chuồng trâu ở gần chuồng cũ. Lúc nào ba chuồng mới làm xong thì ta sẽ đóng chuồng cũ lại. Khi về chuồng, trâu sẽ tự động về chuồng của các con. Lúc ấy, chuồng nào có bao nhiêu con thì sẽ được bằng ấy. Như vậy là đàn trâu tự chia, chứ không phải do cha mẹ.
Ông lại tiếp:
– Nếu các con ưng thuận thì ta hẹn trong mười ngày các con phải làm xong chuồng.
3. Ba cái chuồng trâu
Sáng hôm sau, họ bắt tay vào việc. Chàng rể cả và chàng rể hai không quen lao động, phải đón thợ về làm, và phải trả công rất đắt. Đến chiều ngày thứ chín, hai cái chuồng trâu đều xong. Chuồng nào cũng có những cây cột to bằng người ôm, bào nhẵn bóng, mái lợp ngói, nền chuồng lát đá phẳng lỳ, quét sạch như lau. Hai bên cửa chuồng dán hai câu đối đỏ. Nhìn hai cái chuồng trâu cao ráo, tinh tươm, hai vợ chồng cô Cả và Cô Hai mừng thầm phấn khởi, chờ ngày đón trâu.
Trong khi hai anh chị cùng hai anh rể đi ra đi vào, xem xét thợ làm việc thì vợ chồng cô Út tự tay ngả cây, đẽo cột, chặt xà, cắt gianh để làm chuồng trâu của mình. Hai người động viên nhau gắng làm xong cho đúng hẹn.
Thấy hai vợ chồng cô em làm việc vất vả, các anh và các chị tỏ ý coi khinh.
Hai vợ chồng cô Út làm mãi tới sáng ngày thứ mười mới lợp xong mái gianh. Nhìn cái chuồng Trâu của em, hai anh rể và hai chị chê bai hết lời.
(Đàn trâu sẽ chọn chuồng nào? Liệu chăng có chê chuồng của cô Út không)
4. Đàn trâu thuộc về ai?
Đúng ngày hẹn, ông bố ra đóng cửa chuồng cũ lại. Chiều đến, đàn trâu về. Hai vợ chồng cô Cả và cô Hai nhìn đàn trâu rồi nhìn cái chuồng của mình, lòng chứa chan hy vọng.
Trâu qua chuồng cũ, cửa chuồng cài chặt, không vào được. Chúng tản ra, tìm vào ba cái chuồng trâu mới. Đàn trâu nghiêng ngó, nhìn hai cửa có dán giấy đỏ, vội vàng ù chạy nhốn nháo. Thấy con trâu đầu đàn đang ăn cỏ trong chuồng trâu của cô Út, chúng tranh nhau theo vào và cũng tranh nhau ăn rơm, ăn cỏ. Chỉ một lúc sau, tất cả đàn trâu chen nhau vào chật ních cả chuồng của cô Út. Vợ chồng chị Cả và chị Hai nhìn nhau chưng hửng.