Tản văn: Ký ức đàn trâu về làng! Với người canh nông xưa, con trâu chính là “đầu cơ nghiệp”, là “người bạn” đã bao đời cùng chia sẻ buồn vui, sướng khổ. Quanh năm cày sâu, cuốc bẫm, chỉ biết là chân trâu trước, chân người sau mà làm cho đất đai thêm màu mỡ, những bông lúa nặng hạt của mùa vàng bội thu.
Một lần về quê, nghe cha tôi chỉ ra con đường quê mòn dấu chân, hai bên cỏ xuân đã lên xanh và lốm đốm những bông hoa dại. Cha bảo đây là con đường mà khi còn nhỏ, cha thường cùng bạn bè cưỡi trâu rồi thúc cho chúng phi như người lớn vẫn nói là lũ trẻ đua trâu vậy.
Trâu nhà mình thường quyến chủ dẫu chủ trâu mới chỉ là những cậu bé đứng cạnh chúng mà đầu mới tới bắp chân. Chú trâu hiền từ cúi đầu cho chủ trèo lên sừng rồi cưỡi lên lưng. Lắm khi đang mải mê ăn cỏ ở trên gò hay nằm khuất trong bụi tre nào nhưng chỉ cần thấy bóng chủ là lại bước tới cọ chiếc sừng oai nghiêm vào lưng cậu chủ mà nựng.
Những mùa xuân ấm áp, đàn trâu gặm cỏ mà như hớp lấy từng lớp bụi mưa. Những chiều hè khi mặt trời đã lặn yên ả chỉ còn thấy những sống lưng trâu nổi trên mặt hồ hay bến sông hòa vào tiếng cười vang của lũ trẻ. Mùa thu nắng dịu, cũng đàn trâu tha thẩn triền đê. Lũ trâu chẳng biết có cảm nhận được những tiếng sáo trúc mà lũ trẻ chúng tôi thổi hay không nhưng cũng xúm lại quanh đây.
Người xưa đã từng đúc kết những lời gan ruột: “trâu chết để da, người chết để tiếng”. Những tấm da trâu dày dặn đã được căng thành mặt trống để vang lên những âm thanh hùng tráng dưới cánh tay vung dùi của tráng đinh. Thanh âm ấy như thôi thúc bao người dân ra với hội làng để được xem rước kiệu, chơi đu, chơi đấu vật, xem bơi thuyền…
Dường như cả những khi ấy hồn vía những chú trâu vẫn phảng phất đâu đây trong những thanh âm báo hiệu mùa nô ấm đã về trên quê hương. Để rồi hôm nay, sau bao năm trở về nằm thiếp đi với giấc mơ trưa, chợt bâng khuâng nhìn ra ngõ vẫn ngỡ như đàn trâu nhà mình đã ăn no căng bụng đang lốc cốc gõ tiếng mõ trở về như hình ảnh trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: