Tản văn cuối tuần: Con trâu đi trước cái cày đi sau

Cái cày là công cụ xới đất để làm ruộng cấy lúa. Cày là công cụ tiến bộ vượt bậc so với cái cuốc ban đầu. Cái cày, con trâu gần gũi với người làm nông như bóng với hình. Nhưng tôi đoán chắc không phải ai cũng biết kĩ về cái cày và đẽo được cày như những nông dân cách nay 50 năm về trước. Và tên các bộ phận trên cái cày thì chắc chắn càng không biết.

Tản văn cuối tuần: Con trâu đi trước cái cày đi sau
Tản văn cuối tuần: Con trâu đi trước cái cày đi sau

Cày được đẽo từ một thân gỗ hơi cong. Nó được kết hợp với những bộ phận có tên như sau: Hò cày, rốn cày, bắp cày, náng cày, cá cày, roỏng rẻng, ách cày, thiếu cày, vai cày, óng và cuối cùng là diệp cày cùng lưỡi cày. Diệp cày để đỡ đất lật lên khi cày hoạt động, lưỡi cày xới đất. Hai thứ đều bằng gang mới chịu được sự chà xát thường xuyên của đất cát.
Mỗi một bộ phận trên cái cày đều có chức năng liên kết để cày hoạt động được. Chỉ thiếu một bộ phận thôi thì cày sẽ không dùng được, hoặc chí ít là hoạt động chệch choạc:
– Hò cày là chỗ tay nắm điều khiển cái cày
– Bắp cày làm bằng tre đực già chắc khỏe, để nối cày với trâu khi hoạt động xới đất
– Náng cày cũng bằng gỗ, nửa dưới xuyên qua thân cày, nửa trên xuyên qua bắp cày có lỗ đục ngang để gài cá cày
– Cá cày là cái cữ gài vào náng cày, thường có hai ba khấc, nâng lên hoặc hạ xuống của bắp cày để điều khiển sâu nông của đường cày. Đất thịt thì cày sâu, đất pha cát nền đá thì cày nông tránh vấp đá gãy mui cày.

– Rốn cày giữ cho bắp cày gắn chắc với thân cày. Không có rốn thì bắp cày không hoạt động được vì thiếu điểm tì.
– Roỏng rẻng là hai vòng sắt chốt nối bắp cày với ách. Hai vòng sắt lồng vào nhau linh hoạt khi cày hoạt động.
– Ách là khúc gỗ ngắn chừng 40 phân, nằm ngang. Ở giữa có chốt nối với roỏng rẻng, hai đầu có khấc để nối thiếu cày với vai cày.
– Thiếu cày làm từ dây cóc trên rừng phơi khô. Cóc là loại dây dẻo dai chịu nước. Sau này rừng hết không kiếm ra dây cóc, người ta làm thiếu cày từ da trâu cắt ra phơi khô thì còn bền hơn dây cóc gấp chục lần.
– Vai cày là khúc gỗ hình chữ V, đẽo bẹt đặt lên vai trâu để làm điểm tì khi trâu kéo. Hai đầu phía vai trâu nối với ách cày bằng thiếu cày, còn dưới cổ là óng.

Tản văn cuối tuần: Con trâu đi trước cái cày đi sau
Tản văn cuối tuần: Con trâu đi trước cái cày đi sau

– Óng đan bằng dây mây, lồng dưới cổ trâu, giữ cho vai không bị tuột khỏi cổ trâu khi trâu dướn vai kéo cày.
Đấy, cái cày, dụng cụ làm ruộng của nhà nông tưởng đơn giản, nhưng là một cỗ máy hoàn chỉnh cấu trúc như thế. Rất nhiều bộ phận.

Bộ máy ấy chỉ có thể hoạt động được khi các bộ phận liên kết khăng khít với nhau. Bất cứ bộ phận nào lỏng lẻo là cày không thể hoạt động. Nếu khuyết bất cứ bộ phận nào như rơi mất cá, hoặc mũi cày gãy mẻ, hoặc náng cày vỡ, rốn cày vỡ hoặc tuột dây óng, hoặc thiếu cày bị đứt, roỏng rẻng bị hỏng thì nó không còn là dụng cụ xới được đất nữa.
Hò cày là chỗ tay cầm, điều khiển đường cày, trông đơn giản, tay giữ rất nhẹ nhàng khi cày, nâng lên hạ xuống, nghiêng cày sẽ quyết định đường cày sâu nông, đi thẳng hay ăn lẹm chỗ nào. Hò cày giống vô lăng ô tô, ghi đông xe đạp, bánh lái thuyền bè. Hò cày bị gãy là chiếc cày vứt đi, không như các bộ phận khác còn thay tháo được.
Nghĩ về một cái cày, dụng cụ xới đất nhà nông gắn với con trâu từ xa xưa trên ruộng lúa nước, quen thuộc với mọi người cũng nảy ra khối chuyện hay!
Theo Họa sĩ Đỗ Đức (Thể thao Văn hóa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *