Nói đến ẩm thực Quảng Ninh, nhiều người sẽ biết đến lợn Móng Cái, gà Tiên yên hay chả mực Hạ Long. Đây cũng là những sản phẩm OCOP vang danh của tỉnh này.
Nhưng, có một đặc sản khác mà chắc chắn nó đủ sức làm say lòng người, đủ sức để trở thành một thương hiệu, một sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương mang lại giá trị kinh tế cao – đó là sản phẩm trâu Dương Huy tại thành phố Cẩm Phả. Đáng tiếc, nó lại đang thiếu những điều kiện để phát triển.
Thương hiệu của Dương Huy
Cách đây ít hôm, trong chuyến công tác tại Cẩm Phả, tôi đã được anh Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND xã Dương Huy và cũng là một hộ nuôi trâu có tiếng chiêu đãi món trâu nhúng mẻ để thấy hương vị đặc biệt và khác biệt của trâu Dương Huy so với vùng khác.
Theo anh Tuấn, nếu như trâu nhúng mẻ ở nơi khác phải đem về xắt ngang thớ, ướp gia vị sả, tỏi, ớt, muối, đường, bột ngọt và hành tây xắt mỏng mới đúng điệu, thì ở Dương Huy lại khác, miếng thịt thái dày và không cần tẩm ướp gia vị, bởi lẽ thịt trâu ở đây rất mềm và ngọt.
Nước lẩu ở đây cũng không cần cầu kỳ, thành phần chủ yếu là sả, ớt và cơm mẻ. Còn nước chấm phải là thứ cơm mẻ tán nhuyễn thêm tí muối, sả, ớt sao cho vừa nồng, vừa chua, mặn, ngọt, và cay xốc đến tận mũi để vừa ăn vừa hít hà. Ai không thích cơm mẻ có thể dùng nước chấm mắm tỏi cũng ngon hết chỗ chê.
Còn một điều thú vị nữa là rau. Thưởng thức món trâu luộc mẻ mà dùng các loại rau chợ, rau cao cấp thì hỏng ngay. Phải là rau vườn, rau quê như cần nước, ngò gai, cải xanh, rau muống… Vào một ngày se se lạnh, vợ chồng con cái hoặc bạn bè rủ nhau đi tẩm bổ bằng trâu nhúng mẻ thật không có gì thú vị bằng.
Anh Tuấn gắp cho tôi 1 miếng thịt nhúng mẻ, quả thật khi nhìn miếng thịt “dày cộp”, tôi có chút e ngại, vì nghĩ rằng nhai hết miếng chắc cũng mệt đây. Nhưng không, thật quá tuyệt miếng thịt tuy to, dày nhưng đưa vào miệng nó không hề dai, cứng mà mềm, nhuyễn và thịt ngọt, đậm đà cộng thêm chút chua chua, cay cay của nước chấm, quá hấp dẫn để chỉ thoáng chúng tôi đã chén bay nồi lẩu..
Khi tôi hỏi vì sao trâu nuôi ở Dương Huy lại ngon như vậy thì được ông Nguyễn Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Dương Huy cho biết, Dương Huy không phải là nơi có đàn trâu lớn, nhưng nhờ được nuôi ở nơi có thổ nhưỡng phù hợp, nơi có nguồn nước được đánh giá sạch và ngọt nhất tỉnh nên trâu ở đây có thịt săn, chắc, ngon mà khó nơi nào sánh được.
Anh Tuấn bổ sung thêm, ở vùng khác dù nuôi nhiều trâu nhưng do người dân hay cho ăn ngô nên trâu rất nhiều lông, mỡ dày, thịt thường có màu đỏ nhạt và nhão. Trong khi trâu ở đây, thường được thả lên rừng tự nhiên nơi có nguồn thức ăn đa dạng theo mùa với những loài cây ít nơi có được trong đó có hơn 50% là loài thuốc quý nên trâu luôn khỏe mạnh, săn chắc, thịt ngon và bổ là điều dễ hiểu.
Trâu Dương Huy cũng rất thuần và thông minh, người nuôi chưa bao giờ bị mất vì trâu đi lạc. Hơn nữa, người dân ở đây có kinh nghiệm chăn nuôi trâu nên thịt trâu ngon, và có thương hiệu nổi tiếng trong tỉnh. Người Dương Huy có nhiều cách chế biến món thịt trâu: từ trâu luộc, nấu cà ri, sườn trâu nướng vỉ cho đến nướng sả ớt, hấp chao, xào lá cách, xào hành, lúc lắc, gác bếp…
Trong việc chế biến, bà con còn có bí quyết chọn gia vị, cũng như nguyên liệu nấu riêng nên món nào cũng hấp dẫn, góp phần làm nên thương hiệu trâu Dương Huy.
Một thứ đặc sản ngon tuyệt như thế này, mà sao không được phát triển, không trở thành mũi nhọn về phát triển kinh tế của địa phương, trong khi đó người dân Dương Huy thì vẫn đồng áng, lên rừng kiếm chút sinh nhai. Cuộc sống rất khó khăn? Tôi hỏi.
“Đúng như anh hỏi, nếu có thể đưa đặc sản trâu lên tầm thương hiệu lớn, là điểm đến của những thực khách, thì chắc chắn đời sống của người dân Dương Huy sẽ khá lên nhiều”, anh Tuấn nói.
Cần chính sách hỗ trợ
Theo anh Tuấn, giá trị kinh tế của trâu là rất cao. Trong xã có gia đình đàn trâu lên đến hơn 20 con, giá trị cũng phải hàng tỷ đồng, trâu Dương Huy là bán hoang dã chỉ thả trên rừng uống nước tự nhiên và ăn cây, cỏ nên không bao giờ phải lo nguồn thức ăn, việc này cũng đã tiết kiệm rất nhiều chi phí cho người nuôi trâu. Đặc biệt con trâu thả hoang dã, nên năm nào chúng cũng sinh con. Đám nghé con nhanh lớn, chỉ sau 2 năm là xuất bán được, giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/con.
“Cách bán trâu thịt của Dương Huy cũng đặc biệt. Nhiều nhà hàng trong tỉnh, đặc biệt tại các thành phố như Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ biết tiếng là trâu Dương Huy béo tốt, thịt lại thơm ngon đặc biệt, nên họ đến đặt trước cả tuần, thậm chí cả tháng, nếu không sẽ chẳng có mà đến lượt” – anh Tuấn nói.
Anh Tuấn cho biết thêm, trước đây xã có khoảng vài chục hộ nuôi trâu, có gia đình thu nhập hàng trăm thậm chí vài trăm triệu đồng/năm. Thu nhập cao là vậy, nhưng hiện nay nhiều hộ đã bỏ để chuyển sang nghề khác. “Thật ra thì chính quyền xã cũng đã vận động, bà con tích cực đầu tư tăng gia sản xuất tập trung tăng trưởng cho đàn trâu nhiều lên từ đó hình thành nên những trang trại lớn nhỏ, đủ sức cung cấp cho thị trường”, anh Tuấn nói.
“Tuy nhiên, bà con nơi đây vẫn chưa thể thực hiện được điều này là bởi vì nhận thức, thói quen chăn nuôi đơn giản, ngoài ra một khó khăn lớn là nguồn vốn đầu tư cho mỗi đàn trâu cũng phải vài trăm triệu đồng, số tiền không hề nhỏ với những người dân nơi đây”. – anh Tuấn cho biết thêm.
Vẫn theo anh Tuấn, nguyên nhân chính là, hiện nay những cánh rừng tự nhiên tại Dương Huy đã chuyển đổi hết sang rừng sản xuất, phòng hộ do công ty Lâm Nghiệp Hoành Bồ quản lý, trâu không được tùy tiện thả vào đó, đương nhiên nguồn thức ăn tự nhiên rất cần để có đàn trâu chất lượng thịt ngon sẽ mất dần. “Trong hoàn cảnh này, nếu đầu tư mạnh, phát triển đàn trâu thì lấy đâu ra nguồn thức ăn cần thiết cho chúng. Còn nếu nuôi theo hình thức nhốt chuồng, cho ăn thức ăn công nghiệp, ăn ngô thì còn đâu là trâu Dương Huy tự nhiên chính hiệu nữa”, anh Tuấn nói
Quả thật là rất tiếc. Cuộc sống người dân Dương Huy hiện còn khó khăn, nguồn thu chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ. Việc nuôi thả tự nhiên đàn trâu, thứ vật nuôi quan trọng được coi đúng nghĩa là “đầu cơ nghiệp” cho hiệu quả kinh tế đáng kể lại đang đứng trước khó khăn như vậy.
“Chúng tôi mong muốn, sản phẩm thịt trâu Dương Huy sẽ có mặt trong những hội chợ OCOP lớn nhỏ và có mặt trong bảng chỉ dẫn địa lý của tỉnh Quảng Ninh về một sản phẩm độc đáo, chất lượng của người Dương Huy, một sản phẩm mà khi đến du lịch tại Quảng Ninh, nhiều người muốn tìm mua.
“Tất nhiên, để đạt được điều ấy, thì phải có môi trường chăn thả để phát triển đàn trâu. Nghĩa là cần có chính tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý rừng, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện với sự hỗ trợ cần thiết về nguồn vốn vay, liên kết quảng bá giới thiệu sản phẩm của tỉnh và thành phố”, anh Tuấn nói.
Tôi cũng đồng quan điểm với anh Tuấn, giá như có một sự quy họach rừng tự nhiên cho nuôi trâu ở Dương Huy và có một sự đầu tư bài bản, có chính sách hỗ trợ, quảng bá sản phẩm chắc chắn trâu Dương Huy sẽ mang lại một nguồn lợi đáng kể về kinh tế, theo đúng chủ trương của Quảng Ninh về phát triển kinh tế nông thôn cũng như xây dựng mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP)
Ảnh đầu bài :Anh Tuấn và đàn trâu Dương Huy Ảnh Lê Cường
Lê Cường Diễn đàn Doanh nghiệp https://diendandoanhnghiep.vn/quang-ninh-trau-duong-huy-tiem-nang-con-bi-bo-quen-140960.html