Năm 2021, tương ứng với năm Tân Sửu trong âm lịch. Cầm tinh năm Sửu là con trâu, chữ Hán viết là 牛 (ngưu). Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng nghĩa của chữ 牛 (ngưu) trong Hán tự không phải là trâu, mà là bò; rằng 牛 (ngưu) là hình thức giản lược của 黃牛 (hoàng ngưu), là bò; còn trâu, chữ Hán viết đầy đủ là 水牛 (thủy ngưu).
Chào xuân Tân Sửu, tôi muốn giới thiệu một vài món đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, có trang trí liên quan đến đề tài ngưu / trâu, mà tôi đã có dịp thưởng lãm hoặc với hy vọng mua vui cho độc giả trong mấy ngày Tết, nhưng vì có tranh luận liên quan đến chữ 牛 là trâu hay bò, nên tôi phải dài dòng đôi chút về chữ 牛 này, trước khi đi vào chuyện chính.
1. Ngưu là trâu hay là bò?
Huệ Thiên, trong bài viết “Ngưu là trâu hay bò?” in trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 234 (Xuân Đinh Sửu 1997) đã liệt kê những biên khảo hay từ điển có đề cập chữ 牛(ngưu) như sau:
– Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng: “牛 ngưu: con bò. Ta nhận lầm chữ 牛 là con trâu. Hán – Việt từ điển của Nguyễn Quốc Hùng cũng giải thích chữ 牛 như Đào Duy Anh.1
– Hán ngữ đại từ điển (Nxb Thành Đô, 1993) định nghĩa: “Ngưu: Động vật có vú, họ bò, thân mình to lớn, đầu có hai sừng, cuối chân có guốc, chót đuôi nhọn hoặc có lông dài; ăn cỏ, nhai lại, sức lực khỏe, có thể cày ruộng hoặc kéo xe; thịt, sữa, có thể ăn; sừng, da, xương có thể làm đồ dùng. Thường thấy ở nước ta (Trung Quốc – HT), thì có bò, trâu, bò Tây Tạng, v.v…”.2
Tương tự, Phạm Đình Lân trong bài “Thân thế ngưu tộc” đăng trên một webpage www.caidinh.com, viết: “Phần lớn chúng ta lầm tưởng rằng ngưu hay ngâu là trâu. Thực sự ngưu là bò. Bò hay trâu đều thuộc gia đình Bovidae. Có người cho rằng bò là huỳnh ngưu và trâu là hắc ngưu. Cách phân biệt này không được ổn lắm vì cũng có nhiều con bò có lông đen, bò vá đen – trắng hay trắng – nâu và bò có lông trắng toát. Người Trung Hoa gọi trâu là thủy ngưu. Người Anh cũng gọi như thế với danh từ water buffalo hay water ox. Người Anh cũng gọi trâu là Indian buffalo vì Ấn Độ là một trong những vùng xuất phát của loài động vật ăn cỏ và nhai lại này… Tên khoa học của trâu là Bubalus bubalus. Trâu gốc ở Ấn Độ, Nepal, Thái Lan và được nuôi ở Việt Nam mang tên khoa học Bubalus arni”.3
Trái với những diễn giải cho rằng 牛 là bò như đã dẫn trên đây, nhiều biên khảo / từ điển khác lại cho rằng 牛 đích thị là trâu. Chẳng hạn: Hán – Việt từ điển của Thiều Chửu, giảng: “牛 (ngưu) có hai nghĩa: con trâu; sao Ngưu.4 Việt – Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp cũng giảng chữ 牛 ngưu là trâu.
Cũng trong bài viết “Ngưu là trâu hay bò?” đã dẫn trên đây, Huệ Thiên đã liệt kê những dẫn chứng khác giải nghĩa ngưu là trâu chứ không phải là bò. Chẳng hạn:
– Tam thiên tự ghi: ngưu – trâu, mã – ngựa, cự – cựa, nha – răng…
– Trong Hán ngữ cổ đại, ngưu cũng được ghi nhận là trâu; Ngưu lang là chàng chăn trâu; ngưu manh là con mòng trâu; ngưu dăng là con ruồi trâu; ngưu sắt là con ve trâu; ngưu điệt là con đỉa trâu; ngưu đầu mã diện là đầu trâu mặt ngựa; đối ngưu đàn cầm là đàn gảy tai trâu; ngưu ẩm là uống như trâu uống; ngưu ký cộng lao là trâu (hèn) nhốt chung chuồng với ngựa (giỏi)…5
Đặc biệt, trong Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc có thành ngữ ngưu y dạ khấp bắt nguồn từ một câu chuyện sau: “Thời Tây Hán, Vương Chương nhà rất nghèo. Khi còn đi học ở Trường An, cùng vợ sống trong một căn nhà tồi tàn, trong nhà không có lấy một cái gì đáng giá, tối đến phải ngủ trong cái “áo của trâu” (ngưu y: vật bện bằng rơm rạ, đay gai, đắp trên lưng trâu). Một tối, Vương Chương bỗng ngã bệnh nặng, trong lúc đói rét, đau đớn, ông cảm thấy mình sắp chết liền khóc từ biệt vợ (dạ khấp). Người vợ an ủi, khích lệ ông. Về sau, được vợ chăm sóc tận tình, sức khỏe Vương Chương hồi phục nhanh chóng, ông ra sức học tập và thì đỗ làm quan”.6
Trong một bài viết khác, tựa là “Dấu nối giữa trâu và ngưu”, in trên tạp chí Thế giới mới số 224 (ngày 24/2/1997), Huệ Thiên cũng đã chứng minh liên hệ giữa các chữ: ngưu (Hán) – sưu (Hán) – trâu (Việt). Theo đó, trâu là một từ Việt gốc Hán, chính là chữ 牛 ngưu. Giữa ngưu và trâu có một mối liên hệ, đó là chữ sưu (theo âm Hán – Việt hiện đại), có nghĩa là “khỏi bệnh”. Theo Huệ Thiên, sưu là một chữ thuộc thanh mẫu 徹 (triệt), nên nó phải được đọc là trưu, còn chữ ngưu là một chữ thuộc vận bộ 尤 (vưu), mà nhiều chữ thuộc vận bộ này đã được đọc thành vận – âu, nên đã có sự kết hợp giữa thanh mẫu trưu với vận bộ -âu để thành chữ trâu trong tiếng Việt.7
Với những chứng minh của Huệ Thiên trong hai bài khảo cứu nói trên, kết hợp với cách giảng trong các từ điển của Thiều Chửu, Đỗ Văn Đáp… thì chữ 牛 (ngưu) chính là trâu, chứ không phải là bò như nhiều người đã giải thích.
Tôi tán đồng quan điểm này.
2. Hình tượng trâu trên đồ sứ ký kiểu
Trâu xuất hiện khá nhiều trên gốm sứ cổ của Trung Hoa và Việt Nam, bao gồm hai loại:
– Tượng trâu riêng biệt hoặc tổ hợp tượng có hình con trâu;
– Hình vẽ con trâu trên các món đồ gốm sứ với bút pháp thể hiện và màu sắc khác nhau.
Trong bài này, tôi chỉ tập trung giới thiệu hình tượng con trâu xuất hiện trên những món đồ sứ ký kiểu vào thời Nguyễn.
Đồ sứ ký kiểu là những món đồ sứ do vua quan các triều đại Lê – Trịnh, chúa Nguyễn, Tây Sơn, Nguyễn (từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX) đặt làm tại các lò sứ ở Trung Hoa, với các yêu cầu riêng về kiểu dáng, chất liệu, màu men, đề tài trang trí… mang các yếu tố Việt, đưa về Việt Nam để dùng.
Về sau, các thợ gốm Trung Hoa đã nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu và sở thích của tầng lớp vua quan người Việt để chế tác những món đồ sứ tương tự về chủng loại, kiểu dáng, màu sắc…, nhưng có đôi chút khác biệt về chất liệu và chủ đề trang trí, để xuất khẩu sang thị trường Việt Nam, nhiều nhất là vào thế kỷ XIX. Những đồ sứ này cũng được những nhà sưu tầm cổ vật ở Việt Nam và hải ngoại xếp vào dòng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, chính xác hơn là “gốm sứ mậu dịch dành riêng cho thị trường Việt Nam” (trade ceramics for Vietnam market) như cách phân loại của nhiều nhà nghiên cứu về gốm sứ cổ ở các nước Đông Á.
Trong nhóm đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn nói trên, có một số đồ sứ, chủ yếu là trà cụ (tea-set), có trang trí chủ đề ngưu – trâu. Dưới đây là một số hiện vật mà tôi có dịp diện kiến:
a. Bộ đồ trà “Xuân du”
Bộ đồ trà này thuộc sưu tập của nhà sưu tầm Đoàn Phước Thuận (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), gồm sáu món: dĩa bàn, chén tống và năm chén tốt, hiệu đề Ngoạn ngọc.
Trên các món đồ thuộc bộ đồ trà này đều có vẽ hình một mục đồng cưỡi một con trâu, và một con trâu đang nằm trên đồng cỏ. Phối cảnh là các cổ thụ như tùng, liễu, mai, vách núi và hai câu thơ chữ Hán: “Xuân du phương địa. Đồng vịnh ca quy” (Mùa xuân đi chơi trên đồng cỏ thơm. Mục đồng nghêu ngao hát trên đường trở về). Đây là hai câu phong dao rất phổ biến trong văn học dân gian Trung Hoa, được viết rất nhiều trên gốm sứ cổ.
b. Dĩa trà “ngư – canh”
Dĩa trà này là một dĩa bàn trong bộ đồ trà sứ ký kiểu thời Nguyễn, nhưng các món dầm, tống, tốt đã lưu lạc đâu đó, nhà sưu tầm Đoàn Phước Thuận chỉ sưu tập được chiếc dĩa bàn này, hiệu đề viết theo lối chữ triện.
Trong lòng dĩa trà trang trí “phong cảnh – nhân vật”, chủ đề “ngư – canh”, vẽ cảnh một người chèo thuyền và một người đang cày ruộng trên đồng cùng con trâu. Phối cảnh là hình một trang viên xinh xắn, với vườn, nhà, gác đọc sách, cây liễu, cây trúc…; đối diện với trang viên ở bên kia sông là hình túp lều nằm ven rừng. Thực ra, đây là đề tài “ngư – tiều – canh – độc”, vốn rất phổ biến trên gốm sứ cổ, nhưng người họa sĩ dân gian khi thực hiện đề tài này chỉ vẽ hình ngư phủ và nông phu (cùng với con trâu), giấu đi hình ảnh của tiều phu (thay bằng hình ảnh túp lều ven rừng) và độc giả (thay bằng hình ảnh tòa nhà có thư phòng ở trên gác).
c. Dĩa trà “ngư – tiều – canh – độc”
Đây cũng là một dĩa bàn trong bộ đồ trà sứ ký kiểu, thuộc một sưu tập tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh. Dĩa trà này không có hiệu đề.
Trong lòng dĩa trà trang trí “phong cảnh – nhân vật”, chủ đề “ngư – tiều – canh – độc”, kết hợp chủ đề “Đào Nguyên động” với sự xuất hiện đầy đủ của bốn nhân vật chính: ngư phủ, tiều phu, nông phu (cùng con trâu) và độc giả. Làm nền cho các nhân vật chính này là phong cảnh “Đào Nguyên động” với núi non hùng vĩ, hang động âm u, sông ngòi cuồn cuộn, cùng với phong cảnh trang viên và những bóng tùng, trúc, liễu điểm xuyết.
Có thể coi đây là một kiệt tác của người họa sĩ dân gian khi trang trí trên đồ sứ ký kiểu, với một bố cục hợp lý, chặt chẽ và một bút pháp điêu luyện.
d. Dĩa trà “ngô đồng – ngưu”
Dĩa trà này cũng là một dĩa bàn trong bộ đồ trà sứ ký kiểu thời Nguyễn thuộc sưu tập của nhà sưu tầm Đoàn Phước Thuận, hiệu đề Ngoạn ngọc.
Trong lòng dĩa trà vẽ hình một con trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ; cạnh đó là một cây ngô đồng cổ thụ và tảng đá; trên bầu trời có hình hai chim én.
Trong văn hóa Trung Hoa, các loài động – thực vật thường được phối hợp với nhau trong trang trí theo từng nhóm riêng: trúc và chim sẻ, mẫu đơn và chim trĩ, hoa cúc và bướm, liễu và ngựa, ngô đồng và trâu.
e. Ấm trà “mục đồng”
Ấm trà bằng sứ có niên đại vào nửa sau thế kỷ XIX, là kiểu ấm “song ẩm” dành cho các cuộc trà chỉ có hai người thưởng thức. Ấm trà thuộc một sưu tập tư nhân ở Hà Nội. Ấm trà này không có hiệu đề.
Thành ngoài của ấm vẽ cảnh mục đồng đang cưỡi trâu ra đồng, cùng với một con trâu đang đứng gặm cỏ. Phối cảnh có hình đồng ruộng, vách núi, cổ tùng và bầu trời lồng lộng.
Tất cả các món đồ sứ này đều là đồ sứ men trắng vẽ lam dưới lớp men phủ, theo đúng phong cách truyền thống của đồ sứ ký kiểu, và đều có niên đại vào thế kỷ XIX, thời Nguyễn.
Chủ đề trang trí trên các món đồ sứ này đều thể hiện một cuộc sống thanh bình, yêu vui của nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội. Trong đó, con trâu là một biểu tượng góp phần tạo nên sự thanh bình, yên vui đó.
Đây là mong ước của nhân loại từ xưa tới nay; cũng là lời chúc của người viết bài này gửi đến độc giả nhân dịp đón Xuân Tân Sửu 2021.
TS. Trần Đức Anh Sơn
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/71954/nguu-trau-va-hinh-tuong-con-trau-tren-djo-su-ky-kieu.html