Năm sửu nói chuyện con trâu

Năm 2021 theo lịch can chi là năm Tân Sửu, còn gọi là năm Con Trâu. Sửu hay Trâu là con giáp thứ 2 trong 12 con giáp, gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Trâu là một con vật vô cùng thân thuộc trong đời sống của người nông dân Việt Nam. Nhân đầu xuân mới, năm Tân Sửu 2021, chúng ta hãy cùng tản mạn về chuyện con trâu trong sản xuất, đời sống xưa và nay.

Vào ngày đầu xuân Tân Sửu, bên tách trà xanh thơm nóng, ông Đặng Văn Tuyến, xã Phúc Thành trầm ngâm hồi tưởng lại những ký ức về một thời chăn trâu, cắt cỏ để kể cho con cháu nghe. Không chỉ riêng ở xã Phúc Thành, các thế hệ sinh ra và lớn lên như ông Tuyến ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, tuổi thơ đều gắn liền với kỷ niệm về cánh đồng thẳng cánh cò bay, con trâu thong dong gặm cỏ. Những hình ảnh mà đến bây giờ, với những người đã ở cái tuổi “thất thập cổ lại hy” như ông vẫn khắc khoải nhớ như in.

Với một nước nông nghiệp như Việt Nam, từ thuở “sơ khai” cho đến những năm cuối của thế kỷ 20, việc cày bừa – công việc quan trọng nhất trong quá trình canh tác trồng cấy vẫn trông cậy chủ yếu vào sức kéo của trâu, bò. Tuy bò cũng là vật kéo cày quan trọng, nhưng trâu mới là chủ lực. Cũng bởi trâu có sức vóc lớn hơn, khỏe hơn; trâu chịu được nước sâu như ruộng rộc, ruộng ngập nước, lầy thụt. Trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn minh lúa nước, chú trâu hiền lành, chịu thương chịu khó đã trở thành người bạn của nhà nông. Bà Hà Thị Khiết, xã Minh Khai bồi hồi nhớ lại: Cũng có những thời điểm và hoàn cảnh lịch sử mà con người phải “kéo cày thay trâu”, nhưng tựu chung  lại, trâu vẫn là con vật “lĩnh ấn tiên phong” trong nhiều công đoạn làm ruộng, từ cày vỡ, cày ải, cày đánh luống đến bừa vỡ, bừa kĩ,… “Con trâu đi trước cái cày” theo sau đã thành một trong những hình ảnh biểu trưng về cảnh làm ăn của người nông dân Việt Nam như bà.

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu / Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” là hai câu ca dao vẽ nên bức tranh thật đẹp về đồng quê Việt Nam vào mùa vụ. Qua mùa cày cấy, trâu lại làm nhiệm vụ kéo xe, vận chuyển những nguyên vật liệu cần thiết cũng như chuyên chở thành quả lao động sau khi thu hoạch. Sau những lúc “nông vụ chí kì”, hình ảnh chú trâu đủng đỉnh gặm cỏ trên đồng, trên lưng trâu vắt vẻo mục đồng thổi sáo là một trong những khuôn mẫu cho phong cảnh bình yên, nên thơ và lãng mạn của làng quê Việt Nam. Qủa là không sai khi nói rằng, trâu không chỉ là gia súc “đầu cơ nghiệp” mà còn là vật gắn bó nghĩa tình, bầu bạn với người nông dân thời trước; là biểu tượng, thước đo sự giàu – nghèo, sang – hèn. Nhà giàu thì có “ruộng sâu, trâu nái” có “ba bò chín trâu”; người có hoàn cảnh khốn cùng, bị thống trị, chèn ép thì ví như “thân trâu ngựa”,  chịu cảnh “cương ngựa ách trâu”.

Câu ca dao “Bao giờ cây lúa còn bông / Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn” là lời an ủi, vỗ về, nhắn gửi của người nông dân; không chỉ thể hiện ước mong về mùa màng tươi tốt, mà còn là sự biết ơn  của con người đối với vật nuôi “đầu cơ nghiệp”. Với nhà nông, con trâu không chỉ là tài sản lớn mà còn là phương tiện lao động sản xuất quan trọng bậc nhất, là “tri kỷ” sớm hôm gắn bó. Chẳng thế mà với xã hội nông thôn Việt Nam, từ xa xưa, “tậu trâu” đã được coi là một trong ba việc hệ trọng của đời người: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà / Cả ba việc ấy đều là khó khăn”; trong đó “tậu trâu” đứng số một.

Với sự phát triển của khoa kỹ thuật, máy móc đang dần thay thế sức người; “trâu sắt” thay thế “trâu đen” trên những cánh đồng canh tác nông nghiệp; phương tiện cơ giới đã trở thành chủ lực trong chuyên chở, vận chuyển thay thế cho sức kéo của trâu. Nhiều người cho rằng, con trâu đã mất vị thế trong đời sống nhưng không phải như vậy. Nó chỉ giảm nhiệm vụ, chức năng cày kéo và thồ vác, còn nó vẫn là con vật mang lại nhiều giá trị kinh tế trong đời sống của người dân hiện nay, đặc biệt trong cung cấp nguồn thực phẩm có chất lượng và giá tương đối cao so với các vật nuôi khác. Nghiên cứu cho thấy, thịt trâu có giá trị dinh dưỡng không thua kém thịt bò, và còn ưu điểm hơn là thịt nhiều nạc, ít mỡ, hàm lượng cholesterol thấp. Những năm gần đây, trước nhu cầu của thị trường, nhiều địa phương đã phát triển đàn trâu thịt theo hướng chăn nuôi hàng hóa, lấy thịt và phụ phẩm. Thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy Thái Bình và Đề án 04 của UBND huyện Vũ Thư về phát triển đàn trâu, bò, đến nay, đàn trâu trên địa bàn huyện có khoảng 500 con  trâu, tập trung nhiều ở các xã: Vũ Tiến, Nguyên Xá, Minh Quang. Giá trị kinh tế mà con trâu mang lại cũng không phải là thấp, bình quân mỗi con trâu có trọng lượng từ 350-400kg, giá bán trung bình 1 kg thịt trâu là 250.000kg. Mỗi con trâu cũng đem về cho người chăn nuôi khoảng 50 triệu đồng. Dù đã có chủ trương, song nhìn chung vẫn chưa có chương trình đủ lớn để phát triển đàn trâu thịt trong tỉnh nói chung và huyện nói riêng. Phương thức nuôi trâu vẫn chủ yếu là quảng canh với quy mô hộ gia đình. Trong năm Tân Sửu 20221, hy vọng Nhà nước sẽ có chính sách, giải pháp để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, khai thác tiềm năng, giá trị của con trâu để con trâu vẫn là “đầu cơ nghiệp”, từ đó góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng phát triển nông thôn ở nước ta./.


Bài và ảnh Tiên Dung (trang tin điện tử Vũ Thư – Thái Bình)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *