Năm Sửu ‘mạn đàm’ về con trâu trong đời sống người dân Trung Quốc

Con trâu- biểu tượng cho sự cần mẫn, đáng tin cậy, có một vị trí hết sức gần gũi với con người trong suốt chiều dài lịch sử, nhất là ở các nước Á Đông.

Bạn của nhà nông

Năm 2021 là năm Tân Sửu theo quan niệm dân gian của các nước Á Đông bao hàm ý nghĩa là mở ra một giai đoạn mới. Trong danh sách các loài vật thuộc cung hoàng đạo, con trâu đứng ở vị trí thứ hai.

Trong văn hóa Trung Hoa, con trâu là hiện thân của sự cân bằng kỳ lạ giữa thực tế và tính thần thánh. Chúng là loài gia súc ăn cỏ sống trên cạn, nhưng đồng thời được tôn lên thành một vị trí nổi bật trong cả đời sống cổ xưa lẫn các sáng tạo nghệ thuật.

Người Bouyei ở tỉnh Quý Châu tổ chức lễ hội cảm ơn trâu vào ngày 15 tháng 11 hàng năm. Ảnh: THX

Người Bouyei ở tỉnh Quý Châu tổ chức lễ hội cảm ơn trâu vào ngày 15 tháng 11 hàng năm. Ảnh: THX

Hình ảnh bức họa đồng quê bình dị nổi tiếng cho thấy, một đứa trẻ mục đồng đang ngồi trên lưng trâu thong thả thổi cây sáo trúc đi về phía trước bên một cánh đồng với những ngọn núi phủ sương mù xa xa.

Trong bức tranh này, hình ảnh con trâu vốn phổ biến ở khắp nơi đã chứng tỏ được phẩm chất siêng năng, khắc kỷ và vị tha của nó qua hàng nghìn năm, đồng thời xứng đáng với danh tiếng cao quý của nó trong văn hóa.

Hình tượng con trâu vị tha còn được thể hiện và làm cho vững chắc thêm qua hàng loạt sáng tạo văn học, nghệ thuật điển hình của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Hoa…

Ngày nay mặc dù con trâu đã dần rời xa cuộc sống hiện đại, tuy nhiên những phẩm chất của nó vẫn còn nguyên vẹn và thích hợp để làm giáo cụ trực quan đến các thế hệ người dân.

Trong bài phát biểu gặp mặt mừng năm mới vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tóm tắt ba đặc tính của con trâu mà chúng ta nên học hỏi gồm: sẵn sàng phục sự mọi người, luôn đi tiên phong vỡ đất và không quản ngại vật lộn với khó khăn.

Trong suốt hàng nghìn năm, người Trung Hoa cổ đại luôn phụ thuộc vào một nền văn minh nông nghiệp và một nền kinh tế nông hộ quy mô nhỏ, trong đó gia súc đóng một vai trò không thể thiếu.

Theo nhà nghiên cứu Wu Yucheng, thành viên Hiệp hội Văn hóa Dân gian Trung Quốc, bằng chứng đầu tiên về mối quan hệ giữa nông nghiệp và loài trâu ở Trung Quốc đã được tìm thấy tại di tích khai quật Hemudu ở tỉnh Chiết Giang có niên đại khoảng 7.000 năm. Tại đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy cả hạt thóc, hóa thạch sọ trâu, cùng nhiều nông cụ được làm từ xương trâu.

Quan điểm học thuật được thừa nhận rộng rãi cho rằng, việc cày xới đất bằng trâu bò đã trở nên phổ biến trong thời Chiến quốc (475-221 trước Công nguyên). Kể từ đó, con trâu đã phát triển thành một biểu tượng của sản xuất nông nghiệp, đồng thời là một cộng sự thân thiết của con người trong đời sống hàng ngày.

Trong một câu chuyện dân gian nổi tiếng về tình yêu của một chàng chăn trâu nghèo và cô gái dệt vải, theo một số phiên bản thì chính con trâu đã làm mai mối đưa dẫn chàng trai đến với cô gái như một cử chỉ hàm ơn.

Sau đó tình yêu của họ bị các đấng siêu nhiên chia cắt và gắn liền với ngày lễ Thất Tịch, theo văn hóa phương Đông là ngày lễ tình yêu (qixi) thường được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm. Lịch sử về ngày lễ này gắn với sự tích câu chuyện tình của Ngưu Lang Chức Nữ hoặc vợ chồng Ngâu với nhiều dị bản.

Qua câu chuyện dân gian này, ngoài việc tôn vinh tình yêu nó còn thể hiện một cuộc sống bình dị lý tưởng của một gia đình trong xã hội cổ đại – nơi mà đàn ông thì cày ruộng còn phụ nữ dệt vải, đảm bảo cơm ăn, áo mặc hàng ngày.

Từng là linh vật

Lật giở lại lịch sử Trung Hoa, trong một số triều đại, con trâu còn được tôn lên một địa vị cao đến mức mà những người dân bình thường bị cấm đánh đập hay giết mổ.

Các bằng chứng đầu tiên về mối quan hệ giữa con người và loài trâu đã được tìm thấy tại hố khai quật Hemudu ở tỉnh Chiết Giang có niên đại khoảng 7.000 năm. Ảnh:Getty Images

Các bằng chứng đầu tiên về mối quan hệ giữa con người và loài trâu đã được tìm thấy tại hố khai quật Hemudu ở tỉnh Chiết Giang có niên đại khoảng 7.000 năm. Ảnh:Getty Images

Một văn tự đầu tiên liên quan đến điều luật này ghi nhận có từ cách nay hơn 2.000 năm trước và hoàn thiện vào thời Tây Hán và Tây Chu quy định, các lãnh chúa không được phép giết mổ trâu bò mà không có lý do chính đáng, và chỉ có hoàng đế mới có thể giết loài vật cho sức kéo này vào hai dịp mùa xuân và mùa thu để làm lễ vật hiến tế.

Lịch sử cũng ghi nhận việc bảo vệ đàn gia súc không hề suy giảm theo thời gian. Từ triều đại nhà Đường (618-907) đến triều đại nhà Thanh (1644-1911), nếu người nào đó giết mổ gia súc, thậm chí của gia đình nuôi sẽ bị phạt roi đến chết. Ngay cả khi trâu bò già hoặc ốm yếu, người chủ nuôi cũng phải làm đơn xin chứng thực của các cơ quan chính quyền.

Ngoài mục đích trồng trọt, còn một lý do khác khiến cho loài trâu có vị thế cao là vai trò quan trọng của chúng trong các lực lượng vũ trang. Các hồ sơ quân sự triều đại nhà Đường còn lưu giữ, trâu bò và ngựa đã được quân đội sử dụng vào công việc của nhà binh nên bất cứ ai ăn trộm hoặc giết gia súc sẽ phải đối mặt với bản án tù hai năm rưỡi.

Gia súc thời đó được sử dụng trong các cuộc chiến để vận chuyển vật tư, quân trang. Thậm chí ngay cả khi đã chết, xương và sừng của chúng vẫn có thể được chế tạo thành vũ khí, còn da và gân của chúng sau khi chết phải được nộp cho chính phủ trong một số triều đại.

Một điều có thể ngạc nhiên khi biết rằng ngay cả tới khi sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, thịt trâu bò vẫn là một mặt hàng quý hiếm và hoạt động giết mổ tư nhân bị coi là bất hợp pháp cho mãi đến cuối những năm 1970.

Ngày nay với sự tiến bộ của nền nông nghiệp hiện đại, trong đó việc chăn nuôi gia súc lớn được thay thế bằng máy móc, thịt trâu bò mới trở thành thực phẩm phổ biến hàng ngày.

Theo cung hoàng đạo, cứ mỗi mười hai năm con trâu lại lặp lại, tương tự như các con giáp khác. Riêng con trâu, với vị thế của mình trên khắp Trung Quốc vẫn có rất nhiều lễ hội để tôn vinh nó trong suốt cả năm, điều hiếm có trong số các loài vật thuộc cung hoàng đạo.

Các tác phẩm nghệ thuật tò he nặn hình trẻ mục đồng cưỡi trâu của nghệ sĩ Zuo Ansheng ở tỉnh Sơn Đông trưng bày mừng năm mới Tân Sửu. Ảnh: THX

Các tác phẩm nghệ thuật tò he nặn hình trẻ mục đồng cưỡi trâu của nghệ sĩ Zuo Ansheng ở tỉnh Sơn Đông trưng bày mừng năm mới Tân Sửu. Ảnh: THX

Xuyên thời gian và không gian, người dân khắp nơi đều thờ thần trâu với nhiều phong tục, bao gồm cho chúng nghỉ một ngày, được tắm rửa sạch sẽ và ăn một bữa ngon.

Vào ngày đầu tiên của tháng 10 âm lịch, tộc người Gelao ở tỉnh Quý Châu  thường chăm sóc và dọn dẹp chuồng trại, đồng thời chuẩn bị thịt và rượu để cúng tế thần trâu, cầu cho gia súc khỏe mạnh. Ngay cả những gia đình không có trâu cũng sửa lễ vật và cầu mong sẽ sớm sở hữu một con.

Còn tộc người Bouyei ở cùng địa phương lại tưởng nhớ thần Trâu vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, họ làm món xôi nhiều màu chế từ nhựa cây và hoa để cho trâu ăn rồi sau đó cùng ngồi xuống dùng bữa tiệc, uống rượu, ca hát và giao lưu.

Các lễ hội tương tự có thể gọi bằng những tên khác nhau, nhưng nhìn chung đều dễ dàng tìm thấy ở các tỉnh Hồ Bắc, Chiết Giang và Quảng Đông. Nguồn gốc của lễ hội này có thể khác nhau giữa các vùng miền, nhưng hầu như luôn liên quan đến một truyền thuyết cảm động về cách mà con trâu gắn bó với con người.

Theo GlobalTimes, THX

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *