Chị mời chào: “Trâu cái 14 tháng tuổi, của nhà nuôi thả, mông to, làm giống tốt lắm.” Ông khách đứng ngắm nghía một lúc rồi cầm thừng trâu kéo hếch mũi nó lên để xem răng có đều không, có bị mòn không, răng đều là trâu ăn tốt, khỏe…
Người Việt có câu thành ngữ “Thật thà cũng thể lái trâu” với hàm ý hoàn toàn ngược lại. Thôi thì ngược rừng xem lái trâu người Tày thế nào.
Chợ trâu, bò xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn nằm trong một thung lũng thuộc bản Đính và bản Khuổi Ún, cách tỉnh lộ 258B khoảng 500m nên rất thuận tiện cho việc đi lại, tập kết hàng hóa.
Sáu giờ sáng, cả một khu vực rộng lớn đã ồn ào. Ôtô chạy rầm rầm, bấm còi inh ỏi. Tiếng Tày, Hmông, Dao, Việt… ríu ran. Tiếng trâu nghé ọ, bò ụm ò… Người, xe, vật từ khắp nơi chảy xuống, trồi lên tụ về bãi đất bằng phẳng rộng 2.000m2 đắc địa.
Bãi đỗ xe chật kín ôtô tải tải trọng từ 2,4 tấn đến 10 tấn mang biển số Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Yên, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hà Nội, Nghệ An…
Đây là chợ bán trâu, bò lớn nhất trong vùng. Mỗi phiên giao dịch từ 400 con đến 500 con trâu, bò, nhiều phiên lên đến cả nghìn con. Thế nhưng số bò chỉ chiếm khoảng ¼. Đơn giản vì dân ở đây đa phần là người Tày, những cư dân làm ruộng nước. Mà cày, bừa ruộng nước thì không gì hợp bằng con trâu.
Chả thế mà họ thường nói “con trâu là vạn năng.” Cũng bởi thế mà chợ Nghiên Loan bán cả trâu và bò nhưng người ta thường quen gọi là chợ trâu.
7h, chợ bắt đầu đông. Trên bãi đất trống rộng chừng 1.000 m2, những hàng cọc bê tông, cọc gỗ, cọc tre san sát nhìn như trận đồ. Chủ trâu cứ tùy chọn vị trí mà dắt trâu đến buộc, ném cho chúng nắm cỏ rồi ngồi đợi khách.
Chị Lý Thị Chung người thôn Khuổi Ún, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cùng người em dắt bốn con trâu ra chợ. Miệng tươi cười, ăn nói nhỏ nhẹ, tính tình xởi lởi nên ra đến chợ lúc bảy giờ là chị đã có khách ngay.
Chị mời chào: “Trâu cái 14 tháng tuổi, của nhà nuôi thả, mông to, làm giống tốt lắm.” Ông khách đứng ngắm nghía một lúc rồi cầm thừng trâu kéo hếch mũi nó lên để xem răng có đều không, có bị mòn không, răng đều là trâu ăn tốt, khỏe; bóp mũi rồi một lát rồi thả tay ra xem trâu có thở đều không, sâu không, trâu thở gắt, khò khè là yếu; rồi vỗ lưng, mông, vén đuôi xem cẩn thận đến cả cái đít xem trâu ỉa phân xuê hay nát.
Ưng ý rồi, mới cười hỏi:
– Chị bán bao nhiêu?
– 25 triệu.
– Bớt đi!
– Phát giá 25 bán 21, bớt hẳn cho anh năm trăm (nghìn đồng) cho thoải mái.
Không còn gì để phàn nàn nên người mua cười tươi tắn rồi hai bên bắt tay đếm tiền. Người mua mau mắn trong có mười phút ấy là anh Đặng Phụ Hiền, từ thôn Trì Đòi, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng xuống chợ mua trâu về làm giống.
Trả tiền xong, anh dắt trâu ra đến cổng chợ là có chủ xe nhận chở thuê về tận nhà với giá 500.000 đồng.
Trái với không khí mua bán nhanh gọn của anh Hiền, chị Chung, khi tôi đến một đám ở cuối chợ, không khí đang rất căng thẳng. Một chủ trâu phát giá 45 triệu đồng mà khách chỉ trả có 35 triệu đồng.
Anh la oai oái: “Ối, 35 thì có mà chết. Trâu này nuôi thả mà, có phải như họ nuôi nhốt đâu mà trả giá đấy.”
Một đám khác thì mặc cả sát sạt:
– Con này bán bao nhiêu?
– 29.
– 25 thôi.
– Thêm nữa.
– Thêm 500 nữa.
– Úi, mất bao công chăn nuôi.
– Hết giá đi!
– 24.
– Không.
Đến một đám khác thì đúng lúc ông chủ đang hết lời khen con trâu đực của mình:
– Cao to đẹp trai, ăn tốt, cày khỏe, đùi to, mông to, khoáy tròn.
– 25 (khách trả giá).
– 25 thì anh cứ tìm hết chợ này xem có con nào đẹp bằng không thì bảo em mua cho. Nhà cần tiền mới bán chứ trâu non mà, răng mới mòn một tí (trâu hai tuổi thì thay răng – NV). Đúng 27 đếm tiền.
– Bớt cho hai trăm tiền xe đi!
– Hai trăm anh kỳ kèo làm gì.
– Được. Chơi.
Chủ trâu cầm trịch cuộc ngã giá nghẹt thở nhất phiên chợ mà tôi chứng kiến ấy là anh Dung Văn Ngai, người thôn Phja Đeng, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Nhà anh có hai bung (2.000m2) ruộng nên nuôi bốn con trâu để cày, bừa, làm giống.
Ngày nông nhàn thì trâu cứ được lùa lên đồi thả cho ăn cỏ dại, tối về chuồng mới cho chúng ăn thêm rơm, lá ngô, cỏ voi. Trâu thả nên khỏe, săn thịt, lanh lợi. Con trâu đực 12 tháng tuổi này là “mua con mẹ về nuôi đẻ ra con con”, mất bao nhiêu công sức mới được bán nên chả trách anh ra chiều lưu luyến và chắc giá.
Trái ngược với phong thái ấy, ai là lái buôn nhìn biết ngay. Họ ăn to nói lớn, mua bán ào ào và không bao giờ nói những lời trìu mến về những con trâu của mình. Có ông bán một lúc năm con trâu mà con nào cũng tuyên bố “bán lỗ lấy may, phiên sau kiếm bù.”
Người chào trâu cho khách thì chỉ gọn lỏn: “Chả có bệnh tật gì.” Lúc đồng ý bán thì bảo: “Này, dắt về đi! Bớt cho hai trăm tiền lộc. Tao còn lên chợ chứ có bỏ chợ đâu mà mày lo.” Người thoáng hơn thì phát giá: “23 triệu rưỡi, chơi đi, bớt một triệu tẹo anh em đi ăn vịt ngay.”
12h, nắng hầm hập, mặt đất nhão nhoẹt nước đái, phân trâu, bò, mùi khai, thối càng nồng. Người dắt trâu, bò đi bộ về bản, người bắc cầu dắt chúng lên thùng ô tô tải rồi lên ngược, về xuôi.
Anh Hoàng Văn Hữu, người xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. 34 tuổi và có thâm niên mười năm trong nghề lái buôn, ngày ngày đi gom trâu, bò ở các nơi mang về nhốt trong chuồng nhà để vỗ béo rồi cứ quay vòng các phiên chợ trong vùng mà lái ô tô chở đi bán.
Phiên này anh chở lên 20 con trâu, bò thì bán được cả. Anh cho biết: “Giá cao nhất là 65 triệu, thấp nhất là 11 triệu rưỡi.” Anh đang hể hả cùng hai người đồng nghiệp bá vai bá cổ mấy người nữa vào quán ăn uống.
Họ là những thanh niên người địa phương đến chợ làm cò, dắt trâu, bò, chỉ trỏ, mặc cả, đếm tiền giúp các chủ trâu, bò rồi ai trả đồng nào thì tùy tâm. Họ lấy việc đi chợ ngắm trâu, bò, xem người ta mua bán làm vui.
Con trâu với người Tày là con vạn năng
Chợ trâu, bò Nghiên Loan họp năm ngày một phiên, vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hằng tháng.
Nhưng thường từ 10 giờ ngày hôm trước các lái buôn ở xa đã đánh xe tải chở trâu, bò đến để người và vật đều được nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày quan trọng nhất tuần. Những dãy hàng ăn uống, nhà trọ, dãy hàng cỏ cũng tấp nập từ đó.
Đây là chợ đầu mối quan trọng trong tỉnh Bắc Kạn và cả khu vực, thông thường lượng trâu bò được mang ra giao dịch trong chợ được tập trung từ rất nhiều nơi nhưng chủ yếu là ở trong huyện, các huyện lân cận như Ba Bể, Ngân Sơn và cả các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Tuyên Quang.
Người mua xem xét kỹ càng để đánh giá sức khỏe của trâu. Ảnh: ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG
Những năm gần đây, nhiều thương lái còn thu mua trâu, bò từ các chợ bán trâu, bò lớn ở phía bắc như: Tổng Cọt (Cao Bằng), Mèo Vạc (Hà Giang)… về bán lại ở chợ Nghiên Loan. Hầu hết số lượng trâu, bò được bán trong chợ sẽ được mang đến lò mổ chuyên nghiệp cung cấp thịt cho nhiều tỉnh và thành phố như Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định, Lạng Sơn…
Những thương lái thu mua trâu, bò cũng là những người đến từ các tỉnh miền xuôi như: Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng…
Ảnh: ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG
Chợ trâu, bò Nghiên Loan là một trong những chợ có quy mô lớn vào bậc nhất ở miền núi phía bắc với lưu lượng trâu, bò trung bình giao động khoảng 400 – 500 con vào mỗi phiên, dịp tháng một, tháng chạp là chợ đông nhất vì người ta mua để thịt ăn tết, có nhiều phiên lượng trâu, bò giao dịch lên tới hàng nghìn con.
Cũng như người Việt, coi con trâu là đầu cơ nghiệp nên người Tày chọn mua trâu, nuôi trâu, chăm sóc trâu rất cẩn thận. Họ có những tri thức bản địa rất độc đáo.
Ông Hoàng Văn Vè ở thôn Phja Đeng, xã Nghiên Loan là một người chuyên nuôi vỗ béo trâu, bò, cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Ngày ngày ông bỏ công sức đi vào thôn bản trong huyện để tìm mua trâu, bò của những gia đình có trâu, bò nhưng thiếu nhân lực chăn nuôi hoặc cần tiền nên buộc phải bán.
Ông cũng đến các chợ phiên tại các tỉnh lân cạn như Cao Bằng, Tuyên Quang để tìm mua trâu, bò. Sau khi nuôi từ khoảng 5 – 7 tháng vỗ béo, bán mỗi con có thể lãi từ 10 triệu đến 15 triệu đồng, xuất khẩu được sang Trung Quốc thì giá còn cao hơn. Mỗi năm nếu có kinh nghiệm và chịu khó có thể nuôi được bốn lứa vỗ béo trâu, bò.
Về chọn giống, theo ông, con trâu tốt là: trường thân (mình dài), lông màu đen, bốn khoáy đều, sừng đều, đuôi dài và chóp lông đuôi rậm, bụng thon, tai lá mít, đít lồng bàn (tròn), bốn móng chân khít, răng đều.
Con trâu có những tiêu chuẩn như thế thì là giống tốt, dễ nuôi, kéo cày khỏe, chịu nắng, chịu nước giỏi và bán được giá. Tục ngữ Tày nói về việc chọn con trâu cái giống là Vài mẻ lẻ xa tua toọng tòa (Trâu cái giống thì chọn con bụng to).
Còn khi sử dụng thì Vài theng thây nà chẻ, vài mẻ thây nà pàn (Trâu đực cày ruộng lầy, trâu cái cày ruộng khô). Muốn trâu thuần, thạo việc thì phải Phấc vài vửa on múp (Vực trâu từ lúc còn non).
Trong thời gian nuôi trâu, nếu chúng bị bệnh, người ta áp dụng nhiều bài thuốc dân gian với những cây, lá hái trên rừng về để chữa bệnh cho trâu. Trâu mắc bệnh thổ tả (thảo páng) thì lấy mấy củ tỏi và một nắm rau răm giã nát, hòa nước cho trâu uống.
Trâu bị nhọt dòi thì cho ăn lá mỗm giã với muối hoặc nhờ thầy tào kiêm thầy lang mẳn dòi chui ra khỏi người con trâu (mẳn non). Khi con trâu uống nước ở suối, bị một loại vắt nhỏ (tặc tè) chui vào mũi, con trâu sẽ ngứa và mất máu vì bị đốt, để chữa người ta kéo mũi trâu hếch lên rồi đổ nước điếu cày vào mũi, con tặc tè xót quá phải bò ra theo những cái hắt hơi của trâu.
Khi trâu bị thương, vết thương bị viêm nhiễm, người Tày lấy bột lông quả của cây bông bét (cây lật lá) rắc vào chỗ ròi bọ lúc rúc, khi đó lũ ròi tự chui ra ngoài, vết thương chóng khỏi.
Người Tày nuôi trâu để cày kéo, cho phân bón. Họ làm ruộng nước, nhiều nơi là ruộng thụt (ruộng sâu, lầy, bùn lún thụt) nên chỉ có con trâu mới cày bừa được. Ngoài ra, con trâu còn là của để dành. Bởi vậy người Tày thường nói “con trâu là vạn năng” trong đời sống của mình.
Vào dịp đầu năm mới, người Tày thường mời thầy bụt đến cầu phú quý vinh hoa cho gia đình, một trong số những tiêu chuẩn đó là: Liệng pết cáy têm cai/ Liệng mò vài têm lảng (Nuôi gà vịt đầy sân/ Nuôi trâu bò đầy chuồng).
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG (Tuổi trẻ)
Pingback: Nhà nghiên cứu Mỹ và những suy tư về con trâu Việt - Di Sản Trâu Việt
Pingback: Những Chuyện "Độc Nhất Vô Nhị" ở Một Chợ Trâu Bò » Di Sản Trâu Việt