Lung trâu ở Đồng Tháp Mười

Lung trâu ở Đồng Tháp Mười chị bạn làm ở bảo tàng tỉnh Đồng Tháp khuyên tôi nên về Tân Hồng, Vĩnh Hưng để coi người ta buôn “trâu miên” và có cơ hội thưởng thức món thịt trâu luộc sả, thịt trâu lụi đặc trưng của nông dân miệt đồng! Thoạt nghĩ thật hấp dẫn bởi tôi vốn khoái cái thứ thịt sớ to, dai nhanh nhách và vị ngọt nồng hòa quyện với hương cay xè của rượu đế. Lại càng bị thôi thúc khi nhớ đến ông già Tư gân guốc sống ở Gò Trâu Rống thuộc xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, đã mất cách nay gần 8 năm, nhưng những câu chuyện của ông về vùng lung trâu, vũng trâu, đìa trâu và con trâu ở Đồng Tháp Mười vẫn còn đọng mãi trong nhóm khảo sát đề tài văn học dân gian của chúng tôi ngày ấy..

Lung trâu ở Đồng Tháp Mười
Lung trâu ở Đồng Tháp Mười

Ông già tuổi Trâu

Nếu còn sống, ông già Tư Thơi đã được 98 tuổi, tôi vẫn nhớ như in lời ông nói cách nay 15 năm: “Tao sống dai lắm, bởi cầm tinh con trâu, mà lại là trâu nằm vũng xứ Tháp Mười thì mặc sức mà “cộ”… Ông tên Thơi nhưng cuộc đời cũng giống như bao người nông dân xứ này, chẳng được thảnh thơi. Sự nhọc nhằn, lam lũ hằn lên qua nét gân guốc, chai sần. Vốn sống phong phú chất chứa một cách tự nhiên. Đối với ông, thời gian như là phương tiện chuyên chở bao điều kỳ diệu của cuộc sống, len lỏi, thấm sâu vào mọi ngõ ngách tâm hồn. “Ta đi tìm trâu; trâu nằm vũng sâu; Chỉ ló hai sừng làm sao mà cột… Ta đi tìm cột; cột đóng trên gò; cột không có trâu… Ới ơi em bậu; trâu tìm cột – cột tìm trâu?” – câu ca dân gian ý nhị của chàng trai miệt đồng nhập vào lão nông với tất cả sự say sưa, sống động. Bất ngờ hơn nữa khi được biết ông già tuổi trâu này có sự tương thích đến kỳ lạ với con trâu. Thuở nhỏ chăn trâu, ông là tay mục đồng dạy trâu biết đi theo hàng, rống theo buổi, là thằng nhỏ uống nước đìa bằng miệng mà không cần gáo, ăn cỏ thay cơm, đầu cứng tựa sừng trâu, ngủ lưng trâu, trầm mình dưới sình lâu nhất… Ông đi rước vợ bằng xe trâu và vợ ông cũng mang tên… trâu – bà Nguyễn Thị Sửu. Ông là người hiểu biết nhất về con trâu ở vùng này. Ông từng nói: “Từ chuyện của tao, người ta nói dóc thêm, nhưng chẳng hề gì, tao còn thấy khoái. Ở khắp cái xứ đồng bái, đìa rạch này, chỗ nào mà không gắn với con trâu. Nó cày bừa khỏe, lại thông minh nữa chứ!”.

Chuyện lung trâu và đoàn ngưu binh của Thiên Hộ Dương

Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi ngày ấy, ở các địa phương vùng sâu Đồng Tháp Mười từ Tháp Mười, Tân Phước, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự… mỗi xã, ấp đều có vài địa danh gắn với trâu – lung trâu, vũng trâu, gò trâu, đầm trâu, vàm trâu… Nhiều nhất là địa danh lung trâu và vũng trâu. Về ngữ nghĩa, “lung” và “vũng” đều là danh từ chỉ vùng thấp, lầy lội, nơi trâu nằm, nhưng “lung” rộng hơn nhiều. Theo ông Tư Thơi, lung trâu là nơi tập trung nhiều trâu ở một khu vực rộng, đôi khi đến vài mẫu đất, cá biệt có cả một vùng đất, xóm ấp hiện nay mang tên lung trâu. Ở thời hoang hóa vùng đầm lầy đầy lau sậy, trâu rừng sống từng đàn, tập trung ở những khu đất rộng, giẫm nát đế sậy, làm dậy sình lầy, nên người ta gọi những nơi ấy là lung trâu. Trâu hoang sống theo bầy đàn, có sức khỏe, sừng to, chạy nhanh, khôn ngoan và hiếu chiến. Và rồi trong công cuộc khai hoang, trâu rừng trở thành trâu nhà, cày bừa khỏe. Con trâu ở những vùng lung trâu Đồng Tháp Mười có phần khỏe hơn trâu nơi khác.

Người nông dân rất yêu quý trâu, nuôi trâu trong chuồng và chăm sóc cẩn thận. Người nào có nhiều trâu, tức là có nhiều đất canh tác, có của ăn của để. Ngay cả khi Đồng Tháp Mười được cơ giới hóa mạnh những năm 1990 người ta vẫn nuôi trâu để dùng cày bừa ở những ruộng sâu, tính ra chi phí rẻ hơn dùng máy.

Ông Tư Thơi kể, trước khi thuần hóa con trâu, ông cha ta đã biết tận dụng đặc tính trâu hoang dã để tạo nên những điều kỳ diệu, như chuyện đàn ngưu binh của Thiên Hộ Võ Duy Dương… Chuyện kể rằng, người anh hùng Võ Duy Dương lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở vùng Đồng Tháp Mười chống thực dân Pháp giữa thế kỷ XIX, được nhân dân yêu mến, suy tôn là Thiên Hộ. Ông vốn là một nông dân cường tráng, cưỡi trâu giỏi, đánh roi xuất chúng. Lấy vùng đầm lầy hoang sơ làm chiến địa, Thiên Hộ Dương thường ngồi trên lưng trâu (thay vì lưng ngựa) tay cầm roi, mà vô cùng oai phong, dũng mãnh, làm cho quân thù khiếp sợ. Trong nghĩa binh của ông, có một số nông dân có khả năng đặc biệt thuần phục trâu rừng, dùng đạo ngưu binh lập kế đánh Tây, tạo chiến công vang dội, được phong là ngưu binh thượng tướng. Đàn trâu hàng chục con trầm mình dưới đìa, bất thần trỗi bùn chạy xộc vào đội hình giặc. Tiếng trâu rống đinh tai điếc óc làm giặc rụng rời. Tướng chỉ huy đàn trâu đầu đội khăn, tay phất cờ trận, điều khiển trâu theo nhiều hướng. Đội hình trâu có khi còn biết dồn kẻ thù vào nơi sình lầy để tiêu diệt… Đàn ngưu binh của Thiên Hộ Dương, trong trí tưởng tượng của người dân, đôi khi còn biết bay, biến hóa ẩn hiện, và khi tử trận thì rất linh thiêng, giúp nghĩa quân thoát khỏi vòng vây của địch, giúp người dân chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Thời của trâu thịt

Anh Nguyễn Văn Thượng, hiệu trưởng một trường trung học cơ sở vùng biên giới Tân Hồng đón tôi tại trung tâm thị trấn Sa Rài bằng chiếc Honda tay ga đời mới cáu cạnh. “Bây giờ đường sá dễ đi rồi, không lội sình, đi vỏ lãi, xe trâu như mươi năm về trước đâu!”, anh nói cười phân bua. Tôi gật gù và thoáng nghĩ về anh chàng quê tận Cần Thơ lập nghiệp ở vùng Đồng Tháp Mười bằng nghề dạy học kiêm làm nông với ba mẫu ruộng gò. Tôi đã từng chứng kiến anh cày trâu trên mảnh ruộng của mình, giọng thét trầm bổng chẳng khác gì người nông dân Đồng Tháp Mười thứ thiệt… Bây giờ thì khác nhiều rồi, anh nói như khoe: “Người làm ruộng ở đây ai cũng bán trâu mua máy bơm nước, máy trục, máy cày. Cũng có nuôi trâu đó chứ, nhưng chỉ để bừa “quọc quạch” hoặc là bán trâu thịt. Ở gần cửa khẩu Dinh Bà có chợ mua bán trâu bò lớn lắm, cũng có chợ bán thịt, giá cũng rẻ…”. Đêm, chúng tôi ngồi bên nhau thật khuya, no nê, khề khà muôn chuyện đổi thay của vùng Đồng Tháp Mười, của con người và cả chuyện con trâu nữa. Anh Ba Kiều, trước đây làm ở UBND huyện, vẫn còn nhớ chuyện đám sinh viên chúng tôi ngày ấy mò về Tân Hồng để tìm địa danh lung trâu, gò trâu… Anh nói: “Ấy là tên địa danh dân gian xưa, tụi nhỏ bây giờ chẳng biết. Mà tụi nó đâu có quan tâm tìm hiểu, chỉ thấy thịt trâu là rất ngon và cái chợ mua bán trâu bò là quá xôm tụ…”.

Chợ bán trâu bò Dinh Bà là một trong những điểm trung chuyển gia súc lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, họp trên một bãi đất trống rộng vài công, chỉ cách biên giới Campuchia khoảng 5 cây số. Nhẩm đếm thấy toàn khu chợ có gần một chục chuồng nhốt trâu, bò để bán. Chuồng lớn nhất bố trí ngay giữa chợ có đến trên 10 con lớn nhỏ. Mỗi chuồng nhỏ xung quanh cũng 3 – 4 con. Bò nhiều gấp đôi trâu. Theo một “lái” tên Nghiêm có thâm niên trong nghề, từng là ông chủ chuồng bò lớn nhất ở đây, “trâu miên” (nhập từ Campuchia) bây giờ cũng hiếm như trâu xứ mình do người ta ít nuôi hơn bò. Ở chợ này có con nào cũng bán hết, vì người ta chuộng thịt trâu lắm…

Nhìn chợ bán trâu bò hoạt động nhộn nhịp ngay ở vùng Đồng Tháp Mười, tôi hiểu thêm vì sao đàn trâu ở đây suy giảm trầm trọng. Theo số liệu hiện nay ở Tiền Giang chỉ còn vỏn vẹn 377 con trâu, Đồng Tháp khoảng 2.000 con, Long An thì khá hơn, với gần 11.400 con… Ông Võ Bé Hiền, chi cục trưởng Chi cục thú y Đồng Tháp, nói: Thị trường tiêu thụ thịt trâu quá lớn, trong khi tỉnh chưa triển khai kế hoạch phát triển đàn trâu. Vừa qua tỉnh có kiến nghị với chính phủ xin cho chính thức nhập trâu từ Campuchia về.

Nhiều người cho rằng vùng Đồng Tháp Mười cần phát triển nghề “nuôi trâu lấy thịt”, giống như nuôi bò vậy. Được thế sẽ vừa giữ được đàn trâu, vừa cung cấp thịt trâu cho người tiêu dùng. Vấn đề là chính quyền địa phương và ngành liên quan cần quan tâm, tạo điều kiện để khôi phục đàn trâu, bằng việc hỗ trợ vốn, lập dự án cho vay nuôi trâu, trồng cỏ, đầu tư con giống… Riêng tôi, lại có thêm mối quan tâm của một người cũng mang tuổi trâu và có phần “nặng nợ” với hình tượng con trâu vùng Đồng Tháp Mười.

Tôi từng tâm sự và đặt vấn đề với những người bạn làm ở ngành văn hóa và bảo tàng tỉnh Đồng Tháp: Có nên mở một cuộc sưu tầm quy mô, trưng bày, lưu giữ hiện vật liên quan đến con trâu và đời sống người nông dân Đồng Tháp Mười? Hàng năm, tỉnh Đồng Tháp đều tổ chức lễ hội Gò Tháp để tưởng nhớ, tôn vinh những vị anh hùng như Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều, nên chăng có hoạt động tái hiện hình tượng đàn ngưu binh hùng dũng theo như ca tụng của người dân.

Nguyên Tân (http://www.khoahocphothong.com.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *