Tản văn: Con trâu đầu ruộng chân đồng

Tản văn: Con trâu đầu ruộng chân đồng Từ bao đời nay, con trâu đã kiên nhẫn lần bước theo thời gian, lang thang cùng dấu chân người đi khai đồng khẩn đất. 

Tản văn: Con trâu đầu ruộng chân đồng
Tản văn: Con trâu đầu ruộng chân đồng

* Tục ngữ, ca dao… mào đầu câu chuyện…

Từ bao đời nay, con trâu đã kiên nhẫn lần bước theo thời gian, lang thang cùng dấu chân người đi khai đồng khẩn đất. Người ta giấu con trâu sau lưng vạt áo nông dân mà than rằng: “Nghe vẻ, nghe ve – Nghe vè cực khổ – Suốt đời mắc nợ – Là số con trâu – Cuốc bẫm cày sâu – Mưa dầu nắng dãi… (Vè con trâu).

Rồi người ta giấu luôn cả hình tượng con trâu vào bên trong cái bắp cày mà lạy: “Lạy trời mưa xuống… Lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm…”. Ở đây cho thấy, nói đến cái cày, nói đến việc cày cấy… là đã nói đến con trâu. Tương tự như vậy, bằng thể phản ngữ, ca dao đã mượn tiếng cày để nói về sự cật lực lao động mà vui, mà hạnh phúc: “… Ở đời Nghiêu – Thuấn khổ thay! Giếng đào mà uống, ruộng cày mà ăn…”.

Vâng, qua tầm mắt dân gian, con người đã tự mượn sự cực nhọc của việc đồng áng đối với chính mình, mà ngầm khoe cho được sự trung thành, tận tụy của con trâu, luôn cùng với người làm nên cơ nghiệp nhà nông. Và con trâu được vẽ ra như một biểu tượng “Trâu ơi, ta bảo trâu này – Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta – Cấy cày vốn nghiệp nông gia – Ta đây, trâu đấy ai mà quản công!”. Rồi ta lại khen: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” và lập nên một quy luật ổn định: “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Cứ thế, lại thấy người cầm cày theo sau hai con trâu thì hỏi đố nhau rằng: “… Ba đầu, bốn lưỡi, mười chân…” là cái gì?

Con trâu lại len lén đi vào giấc ngủ em thơ bằng lời ru nhè nhẹ “Ví dầu, ví dẩu, ví dâu – ví qua, ví lại, ví trâu vô chuồng…” Người ta lại dùng một mớ chữ viết thành câu có vần dễ đọc, để làm đồng dao cho trẻ dễ nhớ cái dáng đứng của con trâu ở đầu ruộng, chân đồng… qua bài “Ông giẳng, ông giăng”. Đến lúc: “…Có gáo múc nước, có lược chải đầu, có trâu cày ruộng…”. Rồi các bạn nhỏ lại nghêu ngao: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chớ, ngồi lưng trâu ta nghé ngọ theo trâu, mà thổi sáo vi vu…” Tuy vậy, đôi khi trẻ chăn trâu cũng không tránh khỏi sự khinh thị của người đời: “Mục đồng ngồi chót đuôi trâu; ở đợ từ đầu, ở đợ tới chân…”. Bù lại, cũng có chuyện vui truyền khẩu về mục đồng gọi bè tống quái (một tập tục, lễ thức tống ôn, tống phong, tống quái… trong dân gian, nhân ngày rằm tháng 7ÂL; trên bè là những lễ vật như: đầu heo, lòng heo, xôi, chè…). Tuyên truyền, ai đã có 3 đời chăn trâu sẽ gọi được bè quay mũi vào bờ và người gọi sẽ hưởng các lễ vật ấy (?) Ở ấp Đạo Thiện, xã Đạo Thạnh (nay thuộc phường 5, thành phố Mỹ Tho) có ông Tư Cam 3 đời chăn trâu. Khoảng thập niên 30, ông Tư Cam chăn trâu cho Hào Thường, được Hào Thường cho đất làm ăn, còn việc gọi bè tống quái thì không nghe nói tới.

Sự khăng khít giữa người và trâu và giữa trâu với người không chỉ có như vậy. Trâu đối với đời sống con người còn là một tấm gương trung hậu và rất mực từ bi; đã ăn cỏ, ăn rơm cũng quyết theo người làm ruộng. Nông dân đã mượn chuyện kể dân gian để phong tặng cho trâu Phật hiệu Bồ Tát. Còn với một sự khôn của trâu đã có thể đọc lại tục ngữ “… Lạc ngõ nắm đuôi trâu”. Và một điển tích mỉa mai danh lợi thì Sào Phủ đã không cho trâu của mình uống nước dưới dòng suối, mà trước đó Hứa Do đã rửa lỗ tai vì phải nghe chiếu dụ ân hưởng công hầu, bổng lộc… Sào Phủ e rằng sẽ phải dơ lây cả bụng trâu (!)

Bên cạnh chữ thiện, con trâu còn là hình tượng sự ác, khi nó mệnh danh “Ngưu đầu, mã diện”. Hay để chỉ những kẻ hai lòng người ta bảo rằng: “sinh ngưu vô sinh giác” còn hàm ý sự bất lực của phụ huynh đối với con em mình. Mượn trâu để so sánh thì người ta có thể ví von rằng: “dữ tợn như trâu điên” hoặc “hầm hầm như thợ thiến trâu…”. Với cụ Tiên Điền thì phê phán bọn cường đạo rằng: “Người nách thước, kẻ tay đao – Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi”… (Truyện Kiều).

Ở giữa cái thiện và cái ác, con trâu còn là một gạch nối để so sánh. Một người già bị cường quyền hiếp đáp thì sẽ không ngại mà buột miệng bảo rằng: “Trâu già đâu có nệ hà dao phay” hoặc để phê phán sự cấu kết phe nhóm thì người ta nói ngay: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã…”. Những bậc tiếu Nôm, hài nho thì mượn trâu mà làm câu đối chế giễu rằng: “Áo đỏ lấm phân trâu – Dù xanh che dái ngựa”. Họ còn ví von đến cay nghiệt: “Tiếc con gái khôn lấy thằng chồng dại, tiếc cái bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”. Và với danh sĩ Học Lạc thì đã làm nguyên 8 câu Đường luật tả con trâu mà ngầm phê phán bọn cường hào: “Mài sừng cho lắm cũng là trâu…”.

Nhưng, người đời lại rất thực dụng đến thẳng thắn khi nói đến việc mua bán… thật chắc chắn và không thể theo kiểu “mua trâu vẽ bóng”. Còn đối với việc mua trâu, người lái trâu có thể ranh ma sửa lại xoáy, sừng trâu… cũng khó mà qua mắt người chuyên sử dụng trâu làm sức kéo. Bởi họ luôn nằm lòng cái câu dân dã đầy kinh nghiệm rằng: “Khoang vai, khoang nạng là sang – Sái (xoáy) l…, sái dái tan hoang cửa nhà…”. Và đến thời nay thì tục ngữ đã nhanh chóng so sánh để chỉ trích thói xấu của hiện đại qua câu: “Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà…”.

Đâu chỉ có những lời lỗ mãng mới là dân dã? Cũng bằng những lời lẽ bình dị, chơn chất; con trâu đi cạnh con chim sáo, nó càng tô đậm cho bức tranh quê mộc mạc một vẻ hữu tình, duyên dáng không kém phần lãng mạn: “Con sáo mà đậu sừng trâu – tiếng sáo không sầu, dạ sáo sầu không?”. Hoặc như bài: Lý con trâu (dân ca Cửu Long) “Sớm sớm khuya khuya – Con trâu không lìa cái ách, cái mun – Con trâu cày ngoài đồng – Có con sáo đen – Sớm sớm chiều chiều – Con sáo líu lo trên sừng trâu”. Và để cảnh giác với sự bình lặng, êm ả của đồng, của đất quê hương người ta mượn thể tỷ mà dẫn dụ: “Đi đông, đi tây chẳng sao – Về nhà sụp lỗ chân trâu rồi đời”.

Những lúc nông nhàn nhìn trâu lim dim nhơi lại, người ta thốt lời thương thay: “Thương trâu mấy lúc trâu nhà – Ăn rơm mùa trước trâu khàn giọng kêu”, lại có nơi bảo: “… Trâu vàng da trâu” hoặc có vùng còn khắt khe hơn: “… Ăn rơm mua trước cỏ làng xanh um” v.v…

Cũng từ sự ăn năn ấy mà mãi đến phút cuối cùng của cuộc đời con trâu người ta cảm thương cho số phận của nó; nó đã không lấy cái ăn làm trọng; ngày chí tối, dang tấm lưng trần ra mà cáng đáng việc nặng nhọc. Đến khi chết thì tấm da cũng không bỏ; cái móng, cái sừng… còn đắc dụng; thịt nó thì nấu, thì ninh… Vâng! Họ bảo: “Con trâu có một hàm răng – Ăn cỏ đất bằng, uống nước bờ ao – Hồi nào mày ở với tao – Bây giờ mày chết tao đâm dao xẻ thịt mày – Thịt mày tao nấu linh binh – Da mày bịt trống tụng kinh vô chùa…”

* Con trâu…sức kéo xa dần…

Đối với nhà nông, con trâu là một loại đại gia súc, chúng thích hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nói chung. Và riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long chúng cũng đã từng đồng cam cộng khổ với người ở cái vùng nắng, mưa, bưng, trắp này, để làm nên những kỳ tích lao động. Chúng góp mặt vào những công việc nặng nhọc của gia đình như kéo xe, cày ruộng, cộ lúa, kéo mạ… Hầu như tất cả những việc liên quan đến sức kéo ở nông thôn (trong chiến tranh chúng còn tham gia kéo pháo, tải đạn). Trừ một số vùng nuôi trâu để dùng vào những việc khác như: nuôi để phân phối, chọi trâu, tế thần hoặc nuôi trâu thịt, trâu sữa…

Nguồn lợi kinh tế từ trâu thì nhiều đến nỗi khó mà kể ra cho đủ. Bởi vì ngay từ phân của chúng cũng góp phần vào lợi ích của gia đình như dùng quết trám bồ lúa, tráng nền sân phơi, trộn với đất, rơm để xây vách nhà, phơi khô làm chất đốt, ủ hoai để làm phân bón… Ở đây chỉ xin tạm bàn đôi nét về sức kéo và những gì liên quan với niềm vui thôn dã qua sự hiện diện của từng con trâu đang nằm vũng, đứng chuồng hay đang nghinh mặt lên trời, dậm chân xuống đất…

                                                                                                                                

Thật vậy, cho đến nay trên phạm vi cả nước, dẫu có sự tham gia của khoảng 40% sức kéo cơ giới dành riêng cho nông nghiệp thì vẫn phải phụ thuộc ít nhất 35-40% (so với tổng công suất máy kéo) là của khoảng 1,8 triệu con trâu (trừ bò) tham gia công việc nhà nông.

Riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long con trâu được phân bổ đều khắp với mật độ bình quân từ 30-40.000 con/tỉnh. Chủ yếu ở các tỉnh Vĩnh Long, Long An, Minh Hải… Riêng tại Long An, theo số liệu thống kê năm 1985, đã có 68.900 con, trong đó 64% dùng để cày, kéo (Long An địa chí). Hiện nay, ở Vĩnh Long số lượng trâu nuôi và trâu giống còn nhiều nhất so với toàn vùng và được tập trung ở hai huyện Càn Long và Vũng Liêm.

Những năm gần đây số lượng đàn trâu đang có chiều hướng giảm thay vào đó là bầy trâu máy đủ thứ chủng loại tự do tung hoành ở những cánh đồng lớn miền Tây. Song song với sự hiện đại hóa từng bước ở nông thôn thì những dấu chân trâu gặm cỏ cũng từng lúc thưa dần trên những con đường làng khúc khủyu dọc mé sông Tiền. Có còn chăng cũng chỉ len lén vài cặp trâu buồn lơi ban trưa nhơi cỏ đáy lòng dọc triền kinh xáng múc hay ven đám trâm bầu già che khuất nửa căn nhà nào đó vừa mới cơi nền đất ra riêng.

Ở vùng ven thành phố Mỹ Tho – Tiền Giang trên dưới 2-3 thập niên trở lại đây, những cánh đồng lớn của xã Trung An, Đạo Thạnh, Tân Mỹ Chánh… chỉ còn tồn tại trong ký ức những buổi trưa hè ngồi dựa lưng trâu núp nắng thả diều. Thay vào đó là những vườn cây ăn trái, những ngôi nhà cao tầng, những dãy chung cư… được mọc lên theo biểu đồ tăng trưởng dân số, phát triển kinh tế đô thị và đô thị hóa từng khu vực. Vậy thì những con trâu từng làm dáng trên đồng đất quê tôi cũng lùi dần vào dĩ vãng, chúng len sâu vào những thửa ruộng mẻ, ruộng lỏi
quanh vùng.

Tìm về với con trâu là tôi đang đi vào chiều sâu ký ức, rượt đuổi trên nắng đồng đang mai một dần những dấu chân trâu. Tôi tìm đến một vài người đã một thời từng chăn dắt đàn trâu ở vùng ven thành phố Mỹ Tho này. Ông Tư Bốn, một nông dân nòi ở xã Trung An đã kể cho tôi nghe…

* Chọn, nuôi, dạy và chăm sóc trâu…

Sau vài ngụm trà trưa, ông Tư Bốn đã dẫn tôi về cái thời làm lúa một mùa (từ tháng 4 đến tháng 10ÂL). Nếu ai siêng làm thì cấy thêm vụ lúa Ba Trăng hoặc làm thêm mùa Sa Mo. Bằng trí nhớ của một ông già 77 tuổi, ông Tư kể lại tên từng hạt gạo một thời đã nhét kẽ răng như: Tàu Hương (Nàng Hương), Nàng Thơm, Giá Vàng, Nanh Chồn, Sọc Nâu, Móng Chim Đỏ, Móng Chim Xanh, Chệt Cụt, Ba Sa…

Vâng, đó là tên các giống lúa canh tác vào thập niên 50 và đầu những năm 60. Đến nay những giống lúa ấy cũng đã theo ông, theo bà mà cỡi hạc quy tiên; có còn chăng chỉ một vài người mang tâm hồn hoài cổ, giữ lại cho mình từng vạt đất quê xưa, họ luôn tất tả bước theo cái vòng tròn “lúa giỗ, ngã mạ”“vàng rạ thì mạ xuống đồng…”

Người ta bảo: “Có lúa rồi mới có trâu”. Mặc dù: “Con trâu ví dầu đám mạ”. Vậy thì phải biết…

Chọn trâu: sẽ không ai lựa trâu để mua về sự tan hoang nhà cửa như câu dạo đờn, nói thiệu ở trên, cũng không ai mua con trâu có sái xấu đóng ở đuôi mắt dưới ngay giọt lệ, vì không ai muốn mạt rệp quá gia. Mua trâu chọn sái là vậy. Người ta quan niệm: “Nhất sái, nhì chưn, tam sừng, tứ chậu”. Trâu 5-6 sái là tốt, sái đóng ở các điểm trên mình trâu như: Mặt 1 vai 2, đùi 2 (5 sái), nếu 6 sái thì: mặt 2… chưn (chân) thì phải lựa: Giò đóng ba phân (khoảng trên dài, khoảng dưới ngắn), móng chắc không rẽ rộng ngón, đùi sau nở, bụng thon, sườn ngang bẹ sườn khít (không lựa sườn xuôi – trâu yếu). Sừng trâu: phải to, cong đều, giao mũi sừng rộng 27cm (trâu đã xỏ vàm) và xuôi theo xương mặt không gập xuống, không vểnh lên (sừng chỉ thiên – trâu dữ)… theo bộ sừng là bộ cổ cũng phải to, xương cổ rộng độ 5-6cm, xương ống lớn và lựa trâu đi cổ trên (cổ ngước lên) đừng lựa cổ gằm xuống, trâu chỉ ăn mà lười làm. Chậu: (phần sau đuôi trâu) phải thắt, không quá dày, không quá mỏng, cậy đuôi to đủ che kín hố chậu, mông nở…

Nuôi dạy và sử dụng trâu: Thoạt trông thì nuôi trâu dễ lắm, chỉ cần dắt nó đi ăn cỏ bờ thửa đừng để nó lội xuống ruộng mà phá lúa thiên hạ là được. Vâng, dễ thì cũng có dễ, nhưng mà phải làm quen với nó, đặt tên cho nó. Trâu đực thì có: Đực mẩm, trâu cui, trâu voi, trâu ngựa, đực cổ… Cái thì có: Cái trích, cái voi, cái ngọ… Rồi phải biết xỏ vàm lúc nào, buộc niệc ra sao? Khi con nghé trích được một năm tuổi mới đâm ghim (xỏ mũi). Muốn đâm ghim phải lựa phần dưới, ngoài đầu mũi có một chỗ vùng da tạo thành một màng mỏng gọi là đồng tiền (đâm ghim qua chỗ ấy về sau giật vàm trâu mới chịu đi nếu sai vị trí trâu sẽ lì, không nghe lệnh chủ). Đâm ghim xong là xỏ vàm. Vàm được cột choàng từ lỗ đồng tiền lên gáy, vòng phía sau mép tai; tuy đã có vàm nhưng không được kéo sớm mà phải giữ khớp miệng để kéo dẫn nó đi, độ 3-4 tháng sau mới giật vàm thật.

Nuôi là phải vỗ về trâu, cho trâu ăn cỏ sương khi trời rạng đông hay chiều tối, ăn rơm thì rơm phải sạch, rơm tốt (rơm phơi khô cất trong nhà) đừng cho ăn rơm mục, rơm ẩm. Uống thì thỉnh thoảng cho uống nước cám, nước cháo gạo lức, tránh múc nước có con chôm chôm, trâu uống sẽ sình bụng. Ngủ phải chăng mùng hoặc un khói để tránh bầy muỗi đói, ruồi hà… (nếu trâu ngủ chuồng). Cho trâu nằm vũng thì phải để ý xem có đỉa trâu hay không.

Nuôi trâu đã kỹ, thì sử dụng trâu cũng đừng quá hà khắc với nó, phải tùy sức nó mà làm, tùy dải đất mà cho nó kéo có giờ, có giác (có thể nói là dát, người đồng, bưng không nói là giấc). Ví dụ: Bắt ách hồi 5giờ sáng thì khoảng 10giờ cho trâu nghỉ để ăn trưa. Buổi chiều cho trâu làm ít giờ hơn, vì nếu trời nắng nóng trâu chịu không nổi thì sẽ mau đuối sức.

Cho trâu cày trên thửa đất rộng độ 3 công (3.000m2) thì cho đôi trâu cày 2 vòng thì nghỉ chân, khoát nước tắm trâu, cho nó ăn uống qua loa (nếu đất sình lầy thì cày 1 vòng cho nghỉ). Cứ thế tùy theo diện tích phần đất lớn nhỏ, chia lô hay không… mà cho trâu cày và nghỉ phù hợp. Và phải nghỉ khác điểm nghỉ trước (căn cứ vào góc ruộng); nếu không họ (tiếng gọi trâu đi) nó cũng chẳng đi, vóc roi nó cũng đứng lì ra chịu.

Hết cày thì bừa, rồi trục, rồi kéo mạ, cuối vụ thì cộ lúa… Các loại vật dụng theo sau con trâu ấy đều phải nhẹ vừa với sức trâu. Cày có 2 loại: Cày thuông và cày đỏi (còn gọi là cày thổ, loại này đỏi cày cong hình lưng sóc). Bừa có 1 loại với 9 răng, mỗi răng dài 18cm, đóng vòng theo 1 trục 1,8m, răng bừa xuôi về phía sau vừa phải để tránh bị xóc bừa, trâu sẽ bị sưng vai, sưng cổ. Trục có 5 cạnh hình ngôi sao, cũng dài như bừa. Cày, bừa, trục phải đi theo một vọng (vòng cày: : sang trái, tha: sang phải) khi cày phải chú ý 2 chân sau của đôi trâu, mà cầm đỏi cày cho chắc, chỉnh đường cày cho ngay đường bị lỏi (chỗ đất không bị lưỡi cày xới qua). Cày lỏi trâu sẽ kéo không nổi và dễ bị sưng cổ…

Gỗ để làm cày, bừa, trục, cộ… thường người ta dùng cây huỷnh, cây chò, sao hoặc mù u (mù u ngâm nước lâu ngày sẽ nặng). Riêng bàn kéo mạ (còn gọi là cộ nếu làm bằng gỗ) có thể dùng một tấm tôn phẳng dài độ 1,2m, ngang 1m, bẻ thành gờ ngược phía trước. Mỗi cộ kéo được 1 thiên đến 1,2 thiên mạ, nặng khoảng 100-120kg/1 cộ. Không nên kéo quá tải, trâu sẽ mau đuối sức. Đồng bộ của cày, bừa… còn có chong, ách, ống và dây nài…

Khi dạy trâu cày lần đầu, phải bắt nó đi theo một con trâu khác đã thuần việc và phải chịu khó vóc roi đối với nó, để nó bước theo đến quen dần.

Chăm sóc cho trâu: Mỗi năm sau một vụ mùa là lúc trâu nhàn phải đặc biệt quan tâm, tẩm bổ cho nó sau một thời gian dài lao động. Thuốc bổ dành cho trâu: mật ong, rễ cách, đọt vông, trứng gà… Tất cả giã nhuyễn cho vào nước để trâu uống. Để xổ sên, lãi cho trâu thì dùng dây khổ qua giã ra vắt lấy nước pha với mật ong rừng (tốt hơn mật ong nuôi), rồi đổ vào một ống tre nhỏ vạt xéo một đầu, để lèn qua khóe miệng, trút cho trâu uống. Khi trâu hở móng (long móng) do đạp phải thuốc sát trùng hoặc bị nước ẩm lâu ngày thì phải cho trâu ở chỗ khô ráo, rồi bốc thuốc bắc (không rõ vị) để trị. Ở Mỹ Tho xưa có thầy Ba Thắng người chuyên bốc thuốc cho trâu, giá một thang thuốc hồi ấy là 10 đồng (cùng thời giá lúa là 30 xu/ giạ). Một con trâu bị lở móng phải uống 2 thang (khoảng 60 giạ lúa, tương đương 1.200kg lúa) mới khỏi. Trâu còn bị bệnh lở sừng, do ruồi hà (còn gọi là hà trâu) mang vi khuẩn xâm hại cặp sừng, sau đó ăn luồn vào tủy sừng, làm trâu sẽ chết. Bệnh này chủ yếu là phòng, nếu thấy ruồi hà bu bám thì lấy dầu lửa thoa lên cặp sừng và diệt ruồi hà. Để làm tan máu bầm và trị bệnh sưng vai, sưng cổ trâu, thì giã cỏ mực với muối hột rồi xoa bóp (có người dùng thuốc rượu để xoa bóp).

Ngày nay ngành thú y càng lúc càng phát triển nên những bệnh thông thường ở trâu không còn là điều đáng lo ngại. Trên đây là những phương pháp dân gian dùng để trị liệu và chăm sóc cho trâu, trong những lúc ngặt nghèo của cái thời “Đi qua ba, bảy đỗi đồng – Dõi mắt trông chừng một chỗ trú mưa”.

Trong những ngày Nguyên đán, sau khi làm mâm cơm canh rước ông bà chiều 30 tết thì phải tết sản vật (dán giấy diều, vàng bạc lên những sản vật có trong khuôn viên nhà mình). Tất nhiên là không thể thiếu cái chuồng trâu. Có lẽ lúc ấy chính con trâu cũng vui lây mà đưa mắt dò hỏi: “Tôi có được gì không?”. Vâng, đó cũng là thái độ yêu chuộng bầy trâu.

Ngoài ra, trong dân gian còn có những điều cấm kỵ để giữ gìn cho trâu được an toàn như: nếu rửa chén (bát) ban đêm thì làm trâu chảy nước mắt, sau đó là đau mắt, nướng ốc bươu, ốc lát mà ăn và đàn bà bước qua ách trâu sẽ bị lở cổ và đặc biệt là không được sắp lòng mi trâu, làm vậy trâu thấy người sẽ đụng, sẽ chém.

* Và… thịt trâu đến chào mâm cỗ

Như đã nói con trâu là một trong những nguồn lực của sức kéo, đặc biệt dùng trong nông nghiệp. Vì vậy, rất ít khi người ta làm thịt trâu, trừ khi phải dùng làm cỗ lễ quan trọng và trâu thịt vốn là những con xấu xoáy, hư sừng hoặc ngộ nạn mà chết… Tuy vậy, ngày nay thì nhan nhản trước mắt thực khách những nhà hàng thịt trâu cơm mẻ, những tửu điếm đặc sản thịt trâu… Giá thịt trâu cũng không thua kém thịt bò bất kỳ thời điểm nào, có khi còn nhỉnh hơn. Mặc dù món ăn làm từ thịt trâu nhiều người không ăn được vì mùi vị của nó ít phổ biến, vả lại thịt trâu làm món cũng không được phong phú trên thực đơn. Nhưng nếu đầy đủ gia vị thì cũng xào lăn, thui, bóp thấu, xào củ hành… đặc biệt là luộc với cơm mẻ, trâu áp táo và tái cơm mẻ… cuốn bánh tráng, rau sống, chuối chát, lát riềng… Rồi lại chấm vào chén chao cơm mẻ. Ngon lắm, mà ngọt thịt nữa! Để phân biệt thịt trâu bằng mắt thì ta chỉ việc xem mỡ vàng hay trắng, nếu mỡ trắng thì chắc chắn thịt trâu.

Tuy nhiên, cái món ăn dân dã và hiếm có mới thật là món lạ và ngon theo cảm nhận bình dị. Nếu ai đã một lần dùng đến món nhau trâu xào củ hành tây thì sẽ nhớ tới già. Chỉ có người nuôi trâu đẻ mới thưởng thức được cái món đặc biệt ngon và bổ này. Nếu có dịp đi sâu vào vùng quê xa, bạn sẽ được nhâm nhi cùng bác nông phu với cái món gỏi dây võng. Ấy là miếng da trâu xắt thành sợi, phơi khô, đánh tréo ba (thắt bím) để làm dây căng võng, lúc thắt ngặt mà bạn đến chơi nhà, đành phải chặt khúc dây ấy ra, bỏ lên nồi mà luộc lại. Chờ uống cạn 3 bình trà khao chuyện thì khúc dây võng nở ra thành 3 miếng da trâu dầy và mềm, to bằng 3 ngón tay, dài chừng 2-3 tấc… Vậy là thái mỏng, lấy gạo rang thính, nếu có mỡ thì xào, bằng không thì bóp giấm, rau răm, nêm gia vị vừa ăn… là gắp chấm nước mắm tỏi ớt. Ái chà, tuyệt cú mèo! Không có chi bằng cái lúc thiếu củi, thừa lửa này.

Tôi có một anh bạn người miền Bắc cũng đã hưởng được món nộm đầu giống (quang) bằng một miếng da bò cũng tương tự như tôi đã dùng gỏi dây võng da trâu. Thích quá tôi bèn mạo muội bổ sung vào kho tàng thành ngữ nói về món ăn dân dã rằng: “Gỏi dây võng, nộm đầu quang” hoặc cho kêu hơn thì: “Gỏi thơm dây võng da trâu, nộm thấm da bò đầu gióng”. Chắc rằng, không ai nỡ trách tôi háu ăn mà viết ra như vậy?!

Vâng, cho dẫu một ngày nào đó, có thể con trâu chỉ còn vang bóng một thời (ngại vậy thôi) thì vẫn còn đấy những câu chuyện kể, những khúc ca dao, những câu tục ngữ luôn giữ gìn nguyên vẹn hình bóng con trâu ngoài đầu ruộng, chân đồng.

Nguyễn Chi (https://vannghetiengiang.vn)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *