Nay sản xuất nông nghiệp đã cơ giới hoá, không cần tới sức trâu nữa, nhưng dưới chân đồi Sân Bay (xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai) còn một ngôi làng, ở đó người dân chỉ nuôi trâu, đặc biệt không giết thịt, xem trâu như thành viên trong gia đình. Làng có tên Trường Sơn…
Trâu giúp người làm mềm sỏi đá
Làng Trường Sơn nằm dưới chân đồi Sân Bay. Gió cao nguyên ào ạt thổi vào cánh đồng mía bạt ngàn bao quanh tạo thành những đợt sóng khiến làng trở nên sinh động đến lạ. Làng cách thành phố núi Pleiku (Gia Lai) hơn 100km. Trường Sơn nổi tiếng bởi cách người dân nuôi và chăm trâu. Người dân ở đây đa phần từ phía Bắc vào theo diện kinh tế mới, di cư tự do, với các dân tộc Nùng, Tày. Giáp Tết cũng là thời điểm người dân gặt xong lúa, nhà ai cũng có một cây rơm to trước cổng. Chiều tà, những đàn trâu bắt đầu ùa về làng, phía sau là “mục đồng” trên những chiếc xe máy chở đầy cỏ voi, ngọn mía, rơm nhích theo đàn trâu dài chừng cây số. Trâu no đủ, căng mọng như trái sim rừng.
Ở tuổi 60, đều mỗi sáng lúc mặt trời chưa dậy, chân của bà Lý Thị Bình (dân tộc Nùng) thoăn thoắt theo đàn trâu gần 20 con. Bà Bình kể, quê bà mãi Lạng Sơn, đất đai chật hẹp, gia đình bà lại đông anh em, củ mài rừng ngày càng khan nên năm 1989, bà quyết định vào Tây Nguyên lập nghiệp. Quá nghèo, vay mượn khắp nơi chỉ được 500 nghìn đồng, bà Bình theo một xe khách chở hàng lọc cọc vào nơi nắng gió. Nhờ sự đảm đang, cần cù, vài năm sau bà Bình mua được 1 trâu cái, đặt tên là Cọp với mong muốn sẽ xua đuổi những đàn lợn rừng từ đồi Sân Bay xuống phá hoa màu. “Vùng này nắng gió, đất đai khô rang, kinh khủng nhất là đá sỏi bổ cuốc xuống tóe lửa. Có lúc bà nghĩ trời không cho lối thoát, nhưng may thay nhờ có trâu cày bừa sớm tối biến mảnh đất cằn khô trở nên màu mỡ. Bà nhớ, ngày đó nhà nào mua được trâu thì y rằng các thành viên trong gia đình không ai ngủ được. Nửa đêm mọi người dậy nhìn ngắm trâu. Nhớ nhất lúc khó khăn, Cọp sinh đôi ra 2 nghé, mừng lắm, đã mấy chục năm rồi cảm giác vẫn in trong đầu”, bà Bình nhớ lại. Năm tháng trôi qua, bà Bình thành người có nhiều trâu nhất làng. Bà Bình quyết định bán những chú nghé cho hàng xóm, mua thêm 3 ha đất sản xuất. Hai người con gái lấy chồng cũng được bà Bình dựng cho nhà cửa, sắm máy cày.
Theo bà Bình và người dân Trường Sơn không coi sự giàu về tiền bạc, nhà cao cửa rộng, mà nhà có nhiều trâu không.
Tôi theo chân bà Bình lùa đàn trâu gần 20 con tới chân đồi Sân Bay. Bà Bình đặt và nhớ tên từng con, hễ trâu nào tạt ngang phá hoa màu bà sẽ gọi tên nó bằng tiếng dân tộc Nùng. Thật lạ, những con trâu hiểu điều bà Bình nói, ngoan ngoãn đi theo hàng lối.
Trâu cho ấm no
Giữa trưa, anh Triệu Văn Sỹ (38 tuổi, con rể bà Bình) đã nấu cơm xong, đợi cả nhà về. Anh Sỹ niềm nở: “Trong gia đình, tôi phụ trách khoản chữa bệnh và kiếm thức ăn cho trâu vào mùa khô. Để trâu no bụng, vào những đợt thu lúa tôi chuẩn bị nơi đất khô ráo, cắm một cây dài xuống làm trụ, sau đó trải một lớp lá chuối khô, rồi đắp rơm khô lên, cuối cùng dùng bao ni lông trùm kín làm thức ăn để dành”. Anh Sỹ dự định sắp tới sẽ xây một nhà kho khoảng 40 triệu đồng chứa thức ăn cho đàn trâu. “Thức ăn, chuồng trại phải sạch sẽ trâu mới không đổ bệnh. Không làm được điều này một thời gian trâu sẽ bị ghẻ làm tróc lông, rách thịt, tiêm thuốc cũng không dứt điểm được. Xót lắm”, anh Sỹ chia sẻ kinh nghiệm.
Những năm qua nhờ đàn trâu hơn 10 con mà chị Mã Thị Phương (45 tuổi) có tiền trang trải cuộc sống, lo cho 3 người con ăn học. Chị Phương cùng bố mẹ vào làng Trường Sơn sinh sống đã gần 40 năm. Sau nhiều năm sinh sống ở nơi nắng gió này, chị Phương nhận định, vùng này đất xám bạc màu, sỏi đá, làm gì cũng phải đầu tư nhiều, có khi mượn tiền đầu tư một vụ nhưng phải 3 vụ sau mới trả hết nợ. Vậy là chị Bình chuyển sang nuôi trâu. 10 trâu nái là nguồn thu nhập chính của gia đình với mỗi năm chị bán nghé cho người ta làm giống hơn 100 triệu đồng.
Trên cánh đồng hàng trăm ha dưới chân đồi Sân Bay, ông Lý Văn Quý – Trưởng làng Trường Sơn đang cột những bao thóc vừa thu hoạch lên xe máy, ông Quý vui vẻ: “Làng này quý trâu vô cùng. Bao đời nay không ai ăn thịt trâu cả. Chẳng phải kiêng cữ gì, chỉ là quý nó thì không ăn thôi. Anh thử nghĩ xem, ngày xưa vùng đất dưới chân tôi là sỏi đá, giờ là bạt ngàn lúa nước, tất cả nhờ trâu cày kéo. Vậy thử hỏi ai nỡ ăn thịt nó. Làng này cũng chỉ ưu tiên bán trâu cho những người mua về làm giống thôi, giá rẻ cũng được, chứ không ai bán trâu của mình cho người ta thịt”.
Chủ tịch UBND xã Tơ Tung Trần Xuân Nam gắn bó với mảnh đất này hàng chục năm. Ông Nam cho biết, xã có 10 thôn làng với hơn 1.600 con trâu, tập trung chủ yếu ở làng Trường Sơn. Ông Nam nhận định, địa hình, khí hậu của xã rất phù hợp để nuôi trâu, bởi có nhiều khe suối, vùng đầm nước. Xã luôn xác định nuôi trâu là ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế.