Bút ký: Mùa cỏ trâu

Chưa vội gói bánh chưng, bánh tét, chưa vội giã giò, trồng cây nêu, cây đu, trước hết người làng tôi chuẩn bị cái tết cho trâu. Con trâu vất vả cả năm, ba ngày Tết cũng phải được nghỉ ngơi và được ăn những bó cỏ tươi thỏa thích, không phải dè sẻn. Tối tối, tù và lại vang lên từ đầu làng đến cuối xóm. Rồi sớm mai, khi gà gáy canh hai, người làng tôi thức dậy nấu cơm, ăn ngay một nửa, nửa còn lại nén chặt trong cái mo cau, đem vào trong truông, trong rú để trưa mới ăn. Ra đi từ lúc chưa rõ mặt người, sâm sẩm chiều mới về, mỗi gánh cỏ trâu ở làng tôi nhiều mồ hôi và công sức như vậy. Ðường từ làng vào trong truông xa lắm, những hơn mười cây số cơ. Ðể quên đường xa, trai gái làng tôi vừa đi vừa hát đối ví dặm. Ðiệu ví dặm quê tôi gập ghềnh, lên non xuống biển mà thao thiết, mà nghĩa tình. “Ờ là hỡi người ơi!… … muối ba năm muối còn đang mặn, gừng chín tháng gừng hãy còn cay, (chứ) đôi ta… tình nặng nghĩa dày… dù có xa nhau đi chăng nữa… thì ba vạn sáu ngàn ngày cũng nỏ xa…”. Người mở lối hát một câu, lập tức có người hát đối lại. Lối hát đối quê tôi vừa dân dã, vừa bác học, rất khó nhưng rất say: “Cô Xuân đi chợ Hạ, mua cá Thu về, chợ hãy còn Ðông, Hỏi chàng có đối được hay không, Nếu chàng đối được thì làm chồng của em…”. Những câu hát như thế cuốn bước chân người làng tôi đến truông cao, thung sâu lúc nào không ai hay.

Tiếng tù và với tôi gợi nhớ bao kỷ niệm về bạn bè thuở nhỏ. Bố tôi mất năm tôi mới lên tám tuổi. Ngay sau đó, ông bà nội cho hai mẹ con chúng tôi ra ở riêng và cho một con nghé. Con nghé mới một tuổi, tinh nghịch, rất xinh và ngoan lắm. Mỗi lần tôi dắt nó ra sông tắm, nó chạy nhảy tung tăng, lặn một hơi dài từ bờ bên này sang bờ bên kia rồi mới quay lại, nằm im cho tôi kỳ cọ. Tôi cầm xơ quả mướp già, cọ lên lưng lên cổ nó, nó lim dim mắt, vẻ thích thú, rồi nhằm lúc tôi không để ý, nó vẫy mạnh hai tai, khoát nước vào mặt tôi túi bụi, đầy khoái chí rồi vênh mặt lên cười tít cả hai mắt. Mới hai tuổi con nghé đã phải đi cày. Mỗi sáng mẹ tôi vác cày, dắt nghé ra đồng, tôi đi theo ra ngồi ở bờ ruộng, những mong mẹ cho nghé nghỉ sớm kẻo mệt. Nghé không chỉ giúp mẹ con tôi việc cày bừa, kéo xe mà còn giúp chúng tôi kiếm sống. Mùa hè, tôi dắt nghé đi ăn trên những bờ ruộng mươn mướt cỏ xanh. Hễ trông thấy hang cua đồng là tôi cầm cái roi tre chỉ cho nghé và lập tức nghé dùng chân trước, giẫm thật mạnh lên đó cho tới khi con cua đồng phải bò ra cho tôi bắt mới thôi. Mỗi buổi chăn nghé tôi bắt được cả một giỏ cua đầy. Nhưng khoái nhất là đi câu cá với nghé. Lưỡi nghé liếm quang bờ cỏ, cào cào, châu chấu hoảng loạn bay dạt ra ruộng lúa, cá rô từng đàn đuổi theo, làm rung những khóm lúa non. Tôi ngoắc con chuồn chuồn ớt vào lưỡi câu, thả dính hờ vào chót những lá lúa cong và xanh mỡn như lá hẹ. Con chuồn chuồn đỏ rất bắt mắt, từ xa đàn rô đã nhìn thấy. Con rô đầu đàn bơi lên phía trước, cong mình bật lên để đớp con mồi trên ngọn lúa. Tôi giật khẽ cần câu. Con rô to bằng ba ngón tay, béo nhẫy mỡ vàng ánh, giãy lấp lánh đầu sợi dây cước. Một lần, có một  con cá quả to, dẫn đàn con bơi theo nghé và tôi để ăn những con châu chấu mới nở, luống cuống rơi xuống nước. Nhưng hễ tôi thả con chuồn chuồn ớt xuống là lập tức cả con cá mẹ cùng đàn con đều biến mất, rồi một lúc sau, đàn cá con lại nổi lên đỏ rực một vùng nước. Cá quả nuôi con, hễ thấy động là há miệng ra cho đàn con chui vào ẩn nấp, khi thấy bình yên mới lại cho con bơi lên. Cá quả đưa con đi ăn rất khó câu, vì nó không ham mồi, chỉ lo bảo vệ đàn con thôi. Mãi cho đến khi tôi xin được của một bác thợ cày một tí bông có tẩm dầu hỏa trong cái bật lửa của bác, tôi mới câu được con cá mẹ. Tôi quấn bông vào lưỡi câu, ném xuống, dầu loang ra mặt nước, che lấp mất đàn con, thế là con cá mẹ phải lao lên tiêu diệt con mồi để bảo vệ đàn con của nó. Con quả ấy to bằng bắp chân người lớn, mẹ tôi bán được tám hào, vừa đủ một tháng tiền học phí của tôi ngày đó. Nhưng sáng hôm sau ra đồng, tôi thấy đàn cá con mồ côi đã chết hết, xác chúng nổi trắng cả một góc ruộng. Từ đó, tôi không đi câu cá nữa.

Lên bốn tuổi, nghé của tôi đã thành con trâu lực lưỡng, chân cao, bụng thon, mông nở, da và lông đen bóng, cặp sừng đen như mun, đầy kiêu hãnh, làm điên đảo các ả nghé tơ. Ngày đó, bộ tiểu thuyết Thủy Hử vừa mới được xuất bản và ngày nào mắt tôi cũng dính vào những trang sách đầy mê hoặc đó. Tôi rất mê nhân vật Hắc Toàn Phong Lý Quỳ và tôi cũng đặt cho nghé của tôi một cái tên mới – Hắc Toàn Phong. Ngày ấy, làng tôi và làng bên kia sông thường hay tổ chức thi chọi trâu và cả hội mục đồng chúng tôi đều gửi gắm hy vọng chiến thắng vào con Hắc Toàn Phong. Những buổi đi chăn trâu, hội mục đồng nhường những bờ cỏ non nhất cho Hắc Toàn Phong, có đứa còn moi trộm khoai lang ngoài đồng cho nó ăn. Trong truông Ðộng Thờ, nơi mỗi mùa cỏ trâu ngày áp Tết, người làng tôi thường vào cắt cỏ tết cho trâu, có một thung lũng nhỏ, ngờm ngợp cỏ non nhưng không hiểu vì sao mà không ai cắt. Mỗi đêm nghe tiếng tù và thổi, hôm sau tôi lẻn dậy sớm hơn mọi người, đi thẳng một mạch vào cái thung nhỏ đó, cắt cả gánh cỏ đầy cho Hắc Toàn Phong. Sau này, nghe người lớn kể lại tôi mới biết đó là cái nghĩa địa chôn những người bị bệnh hủi nên không ai dám đến gần. Người ra nói rằng ai đến đó cũng đều bị lây bệnh hủi, ngón tay, ngón chân cứ rụng dần mà chết. Tôi khiếp hãi vì chuyện đó, nhiều đêm giật mình tỉnh giấc lại sờ xem ngón tay, ngón chân của mình có còn đủ không. Nhưng mãi vẫn không sao cả, tay chân của tôi vẫn nguyên lành và vì thế, tôi vẫn mon men vào khu mả hủi để cắt cỏ non cho Hắc Toàn Phong của tôi.

Rồi trận quyết đấu giữa Hắc Toàn Phong và con trâu đực khỏe nhất làng bên kia sông đã diễn ra. Muốn trận chọi trâu diễn ra thật quyết liệt, nhất định phải có một con trâu cái tơ làm mồi khiêu chiến. Ðánh nhau vì tình bao giờ cũng ác liệt nhất. Con trâu nào chiến thắng thì chủ của nó được dắt luôn con trâu cái tơ kia về, tiền mua con trâu cái do những người bại trận trả. Khi con Hắc Toàn Phong đang quấn quýt bên bạn tình của nó thì con trâu của làng bên sầm sầm lao tới. Thế là cuộc chiến sinh tử nổ ra. Chúng quần nhau kịch liệt, làm nát cả một bãi cỏ. Chúng lao đầu vào nhau ầm ầm, hai đôi sừng chém nhau chát chúa, khét lẹt trong tiếng hò reo trợ chiến của dân chúng hai làng. Người ta hò hét đến khản tiếng, gõ méo cả mâm thau nồi đồng, trong khi hai con trâu đang gồng mình lên, lừa miếng hạ gục nhau. Từ trên bãi, chúng đẩy nhau xuống sông, quần nhau dưới nước làm cả một khúc sông sôi lên sùng sục, đục ngầu. Tối ngày, cuộc chiến vẫn chưa phân thắng bại. Người lớn mang hai cái thang tre ra, gạt hai con trâu ra xa, hẹn sáng mai lại tiếp tục cuộc đấu. Tôi đưa Hắc Toàn Phong về nhà, pha nước muối rửa vết thương cho nó. Hội mục đồng của tôi mỗi đứa ôm đến một bó cỏ non cùng những nắm cơm tẻ, bồi dưỡng cho Hắc Toàn Phong. Tôi cầm nắm cơm đút vào miệng nó, hôn lên đôi mắt mầu đồng điếu của nó. Hắc Toàn Phong lim dim mắt, đưa lưỡi liếm khẽ bàn tay tôi, lưỡi nó ấm rực, chứng tỏ sức của nó còn rất mạnh. Sáng hôm sau vào cuộc đấu, con trâu làng bên lao tới, nghiêng sừng hất mạnh một cái, một con mắt của Hắc Toàn Phong dính đầu chót sừng của con trâu kia. Máu tươi từ hốc mắt Hắc Toàn Phong không ngớt trào ra. Tôi tưởng Hắc Toàn Phong sẽ bỏ chạy. Nhưng không, nó cúi thấp đầu xuống, lừa thế cắm một cái sừng nhọn vào cổ con trâu kia, móc thật mạnh, làm máu xối ra như bị chọc tiết. Bị trúng đòn hiểm, con trâu kia lùi một bước định tháo chạy. Ngay lúc đó, Hắc Toàn Phong chụm bốn chân làm trụ, cong người lên, lao cặp sừng nhọn vào bụng con trâu kia, khiến nó ngã chổng bốn vó lên trời, ọ lên mấy tiếng rồi chết. Người làng tôi hò reo nhảy múa, phất cờ gõ trống, rước Hắc Toàn Phong về làng như rước một anh hùng. Nhưng cuộc đấu đã khiến Hắc Toàn Phong bị hai vết thương rất nặng. Cái hốc mắt không khó chữa bằng đôi sừng. Vì sử dụng đôi sừng nhiều và quá mạnh nên hai sừng Hắc Toàn Phong bị lung lay từ gốc. Ðầu nó sưng vù lên, nóng như hòn than và cặp sừng lung lay như sắp rời ra khỏi hộp xương sọ. Nó ăn rất ít và thở rất mệt mỏi. Chỉ mấy hôm mà nó đã tiều tụy lắm. Xương sống nhô lên như thanh sắt đen, xương sườn bày ra hai bên hông, mắt nó lờ đờ, nửa nhắm, nửa mở.

Mẹ tôi quệt ngang nước mắt nói:

– Nó sẽ chết mất thôi con ạ! Thương nó quá!

Hội mục đồng chúng tôi quyết định sẽ làm tang lễ Hắc Toàn Phong thật to, thật xứng với tên tuổi vị “anh hùng” đã đem vẻ vang về cho cả làng. Chúng tôi lên núi, bẻ mỗi đứa một ôm hoa rừng, định bụng đem về, đắp lên mộ Hắc Toàn Phong. Nhưng khi chúng tôi về đến nhà thì thấy sân nhà tôi rất đông người. Hắc Toàn Phong đã bị lột da xẻ thịt. Bộ da mầu chì vứt ngoài ngõ. Cái đầu có con mắt và cặp sừng kiêu hãnh nằm chỏng chơ ở góc sân. Tôi ôm đầu Hắc Toàn Phong, tiến về phía những người đang ngồi quanh cái chảo thịt sôi sùng sục, hớn hở chờ được đánh chén và gào lên:

– Tại sao các người lại dám ăn thịt cả anh hùng!

TÔI ra trận khi máy bay Mỹ ném loạt bom đầu tiên xuống Thành phố Vinh, rồi đi mãi, đi mãi, mấy mươi năm mới về làng vào mùa cỏ trâu. Và tôi lại nghe tiếng tù và bồng bềnh trôi trong sương giá. Ai đó cất tiếng hò vút cao, tha thiết: “Là người ơi!… Người khát nước sông không khát nước. Sông khát bóng anh, sông khát câu hò. Bấy lâu ni anh vui thú nơi mô mà bỏ thân em vò võ canh khuya một mình…”. Lâu quá tôi không về làng. Lâu quá tôi không đi cắt cỏ trâu. Có phải vì thế chăng mà câu ví dặm đêm nay tôi nghe sao mà khắc khoải…

HOÀNG HỮU CÁC (báo Nhân dân)

One thought on “Bút ký: Mùa cỏ trâu

  1. Pingback: Đàn trâu về "đẩy" cái nghèo đi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *