Làng đang vỡ : góc nhìn của nhà thơ Trần Đăng Khoa

Làng đang vỡ: góc nhìn của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ngày mưa, đường quê lụt lội. Làng có đám cưới, người ta phải dùng trâu để đón cô dâu. Ấy là cái làng quê của tôi.

Cách đây chỉ chừng trên chục năm thôi, làng tôi dù không cách sông cách đò, nhưng vẫn có cảm giác như nó rất hẻo lánh, cô lẻ như một ốc đảo, dù không xa Hà Nội bao nhiêu, nếu tính theo đường chim bay. Bây giờ, cái làng heo hút ấy đã hoá thành đô thị. Đường làng đổ bê-tông. Đêm đêm, những bờ tre, khóm chuối bỗng mỡ màng, óng nuột trong ánh sáng của những ngọn đèn đường. Làng đã có karaoke. Rồi cơm bụi. Rồi dịch vụ cưới xin. Rồi khách sạn, nhà nghỉ cao tầng lấp ló sau những gốc sung, bụi duối. Trống, nhạc xập xình. Những gì thành phố có thì ở cái xó làng này cũng có.

Làng đang vỡ : góc nhìn của nhà thơ Trần Đăng Khoa
Làng đang vỡ : góc nhìn của nhà thơ Trần Đăng Khoa

Các cô thợ cấy, các bà chăn lợn giờ cũng phấn son, váy áo loè xoè. Ông bạn tôi, một cựu chiến binh lắc đầu ngán ngẩm: “Mình chẳng phải thằng ham hố gì đâu, nhưng nhiều lúc cũng chỉ muốn thành một lão có chức sắc thật to, để làm gì cậu hiểu không? Để ký một sắc lệnh đanh thép: Cấm tất cả các em chân cẳng khùng khoèo, đen nhẻm, không được mặc váy ngắn!”.

Cũng may, ông bạn tôi vẫn chỉ là một lão thợ cày. Nhờ thế, các em chăn lợn của làng vẫn nhóng nhánh đua sắc. Làng lúc nào cũng tưng bừng như Tết. Đèn lồng đỏ treo đầy đường. “Đấy, cháu thấy đẹp không?”, ông bác tôi bình luận, “Ở quê giờ vui lắm. Chẳng dị mọ khổ hạnh như dân đô thị chúng mày đâu”. “Khốn nạn! Có lần, tao đến thăm thằng anh mày, nó đưa đi ăn đặc sản. Mà đặc sản là gì cháu biết không? Cơm niêu, rau lang rồi chả nhái. Khiếp! Toàn những món khoái khẩu của lợn gà, trâu chó ở quê, thế mà dân phố chúng mày coi là đặc sản. Giời đất đúng là lộn tùng phèo hết cả rồi!”, ông cụ cười hể hả. Nụ cười của một lão thợ cày luôn coi mình là “cái rốn của vũ trụ”.

“Ở quê bây giờ hay lắm”, bác tôi tiếp tục câu chuyện. Đồng đất vẫn đồng đất ấy nhá. Con người cũng vẫn con người ấy nhá, chỉ thay đổi cách lãnh đạo là đời sống biến đổi như có phép lạ. Có năm lại lũ lụt liên miên ở miền Trung, rồi miền Nam, rồi cả vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long cũng coi như là mất trắng. Người làng mình phải nhường cơm sẻ áo cho bà con mình ở trong kia, vậy mà bữa cơm cũng có vơi đi đâu. Vậy cháu thử cắt nghĩa xem sự thể nó như thế nào? Ông bác ruột tôi nhìn tôi lom lom. Ông già có thú vui, hầu như cứ lần nào tôi về quê, ông cụ cũng kéo tôi sang nhà rồi lại rỉ rả bàn chuyện chính trị. Mà toàn chuyện quốc gia, chuyện thế giới. Thế mới kinh. Tôi ngồi im lặng, vì chưa đoán được ý ông cụ muốn câu chuyện đi theo hướng nào.

“Phải công nhận con cháu cụ Hồ rất tài, cháu ạ. Bí bách kiểu gì rồi cũng thoát ra được. Trong khi nhiều nước đổ liểng xiểng nhá. Thằng Tầu lại hậm hoẹ nhé. Thế mà mình thì có sao đâu nào. Vẫn vững như bàn thạch. Vấn đề lại không phải cứ trẻ mà được đâu. Trẻ như Góc bu chóp đấy, loạng quạng thế nào để vỡ bố nó cái Liên Xô và Đông Âu. Rõ thật đau hơn hoạn. Thế nên ông Trọng đốt lò tốt rồi, thì khoá tới cứ tiếp tục đốt lò. Đốt cho sạch bọn giặc nội xâm”. Nói rồi, ông già quát đứa con út, xem có cái gì ngon thì đãi thằng em mày. Cứ như lời ông già thì thằng em ở mãi trên trung ương. Mà trên trung ương thì khổ rồi, đến cả cái tăm tre xỉa răng nó cũng không có, cũng phải bỏ cả đống tiền ra mua.

Lát sau, một mâm dưa đầy ngật được đặt lên phản. Dưa đỏ mà trông cứ trắng nhợt. Ông già hể hả: “Ở quê bây giờ mùa nào thức ấy cháu ạ. Tao nói thật, mâm dưa như thế này thì đến cả mấy lão Góc bu chóp với Bap Ba ma rồi Đon Chum hay Đôn Vại cũng chẳng có mà ăn đâu”, ông già nói với vẻ mặt rất phấn chấn. Còn tôi thì không sao nuốt nổi mấy miếng dưa nhạt hoét, lại sậm sật như khoai sống. Tôi lựa lời bảo ông già: “Vâng, quả thực ông Gorbachev có nhiều tội lắm. Ông ấy trẻ người non dạ nên loạng quạng làm vỡ mất cái Liên Xô với Đông Âu của cụ. Nhưng dưa của ông ấy thì ngon lắm”. “Anh bảo sao cơ?” – “Là cháu nói dưa của nước ngoài ấy. Ngon lắm. Họ chỉ thua ta cái họ không có, như chuối, mít, na. Chứ hoa quả gì ta có mà họ cũng có thì ta không thể so được với họ đâu”.

Tôi mới nói một chút sự thật về hoa quả, mà cũng chỉ thuần chuyện thực phẩm thôi, ông già đã gườm gườm nhìn tôi như nhìn một thằng Bạch vệ. Rồi ông tìm bà mẹ tôi. Hai người rì rầm bàn bạc với nhau. Tưởng chuyện gì, hoá ra vẫn chuyện của tôi, mà chuyện rất nghiêm trọng. “Đấy, thì tôi đã nói ngay với thím rồi. Thằng này cứ để nó ở nhà đi cày thì nó lại tốt, lại vững lập trường quan điểm. Cho nó đi học Tây là hỏng rồi. Bây giờ nó đích thị là một thằng Tờ dốt kít”. Bà mẹ tôi run rẩy: “Tờ dốt kít là gì, hả bác?”. “Tờ là i – tờ. I tờ còn không biết thì là dốt chứ còn gì nữa. Mà dốt đến độ kít. Nghĩa là rất dốt. Rất nguy hiểm. Tờ dốt kít chính là một tên chống Đảng ở bên Liên Xô!”. “Chết chết”, mẹ tôi rên rẩm, “Con tôi sao lại sang đến tận Liên Xô để chống Đảng. Làm sao lại đến nông nỗi này, hở giời. Bác cứ để đó cho em dạy cháu!”.

Thế rồi suốt đêm ấy, mẹ tôi nói với tôi bao chuyện. Toàn những chuyện “cơm nặng áo dày” của Đảng và chính phủ. Một người như tôi mà còn bị nghi ngờ thì buồn cười quá. Tôi cứ cười thầm một mình. Nhưng đến khi thấy bà cụ khóc thì tôi phát hoảng. Hoá ra sự việc rất nghiêm trọng chứ không đơn giản như tôi nghĩ.

Rồi có lần nhá nhem tối, tôi mới về đến làng. Làng thay đổi nhiều quá. Một chiến dịch xây dựng và tôn tạo nhà cửa. Quẩn quanh mãi mà tôi vẫn không tìm thấy lối vào nhà. Tôi tạt vào quán “Hương quê” hỏi thăm. Bà thợ cấy chủ quán “Hương quê” nhưng bán toàn đồ điện tử rẻ tiền của Trung Quốc tròn mắt nhìn tôi: “Chú làm sao thế? say rượu à? Ối giời đất ơi, làm sao mà chú đến “lông lỗi” này hở Giời!”. Thế là sáng hôm sau, cái tin tôi về đến cổng còn hỏi thăm đường đã lan ra khắp xóm. Ông bác lại ngán ngẩm: “Hỏng! Không ngờ nó quan liêu bao cấp quá! Đời sống phố xá làm nó hư hỏng nhanh quá! Thằng này mà làm quan thì chỉ có chết dân!”.

Khổ! Nào tôi đâu có thay đổi gì. Cái dãi khoai của làng, dù có bứng ra trồng ở đâu thì cũng vẫn chỉ là cái dãi khoai thôi. Tại làng quê thay đổi nhanh quá mà tôi không theo kịp. Lại còn có dạo nghe đồn, không lâu nữa, làng tôi sẽ trở thành ngoại ô của Hà Nội cùng với mấy tỉnh lân cận. Thế là giá đất tự nhiên tăng vòn vọt. Mấy năm trước, mẹ tôi bán 360 mét vuông đất vườn cho ông chủ tiệm vàng thị trấn với cái giá 30 triệu bạc. Thế rồi đùng cái, ông ta bán lại cho anh chàng lái xe đường Hà Nội – Quảng Ninh. Thế rồi ông lái xe ấy lại trao tay qua mấy ông nữa. Khi làm lại giấy tờ cho ông chủ mới, mẹ tôi tưởng như ngất xỉu. Số tiền đã lên đến trên một tỷ 700 triệu Đồng. Bà cụ đổ bệnh.

Cơ chừng này không khéo nguy kịch. Tôi phải nhào về làng cứu nguy: “Con chúc mừng mẹ đấy!”, tôi bảo. “Mừng gì?” – “Mừng vì cái vụ bán đất của mẹ ấy!”. “Mất hàng núi vàng mà mày lại mừng à?” – “Mất đâu. Tiền sinh năm, đẻ bảy thì sao lại gọi là mất? Một trăm ngàn mẹ cho con Cún, nhà con coi như lộc của bà, đem đi mua xổ số. Mua chơi thôi. Ai ngờ lại trúng đậm”. “Cái gì?” – “Trúng xổ số! Trúng độc đắc 3 tỷ, mẹ ạ!”.

“Chúng con coi đấy như tiền dưỡng già của bà. Hay là chúng con chuyển về đây cho mẹ nhé!” – “Chết chết! Tao có tiêu gì đâu mà phải dùng tiền! Nhà chẳng có gì, mấy thằng nghiện còn cưa song cửa sổ. Bây giờ lại có tiền mà có đến ba tỷ thì nó bóp cổ tao à?”. Mẹ tôi tỉnh hẳn. Bệnh cũng tan vèo.

Cái vé trúng độc đắc ấy là chuyện tôi bịa. Nhưng lời nói dối cần thiết và đúng lúc lại hóa vị thuốc thần tiên, cứu mẹ tôi thoát cơn đột quỵ. Làng đang vỡ. Trong cuộc vươn mình ấy, tất sẽ có người vui và cả người buồn. Nỗi buồn của một cá nhân, nhưng lại là niềm vui của cả làng, cả nước. Thế thì làm sao mà ta lại không vui?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *