Kỳ lạ mó nước Trâu thần ở Hòa Bình

Kỳ lạ mó nước Trâu thần ở Hòa Bình một con trâu đá to như thật nằm dưới mó nước hay một khúc cây nhội cứ nhấc lên bờ là mó hết nước không khỏi làm du khách kinh ngạc.

Kỳ lạ mó nước Trâu thần ở Hòa Bình
Kỳ lạ mó nước Trâu thần ở Hòa Bình

“Trâu thần” dưới mó nước

Xóm Vãng nằm yên bình dưới thung lũng Mai Châu. Những nóc nhà sàn của người Thái ẩn hiện trong những lùm cây. Cả xóm đều dùng chung một mó nước, lúc chúng tôi đến có người đang hì hụi giặt quần áo, có người rửa xe, ở góc có mấy cô gái đang gội đầu trong làn nước mát.

Những người dân ở đây cho biết, khắp cả vùng Mai Hạ, mó nước này trong nhất, nước mát nhất. Sở dĩ như vậy vì ở mé nước chảy ra có một con trâu đá đứng cạnh. Hai cái sừng trâu, đầu trâu ẩn hiện trong làn nước.

Ông Hà Trọng Xuân (72 tuổi) cho biết: các cụ ngày xưa bảo rằng, chính vì có con trâu đá trong mó nước mà trâu của xóm Vãng ngày xưa dữ tợn lắm, húc chết không biết là bao nhiêu con trâu của các xóm khác. Người dân ở chỗ khác uất ức quá không biết làm thế nào, bèn bí mật nửa đêm dùng thuổng đục mất một sừng bên trái. Sau đó trâu bớt dữ tợn đi nhưng vẫn còn hung hăng lắm.

Ngày trước, con trâu đá to như một con trâu mộng thật, chỉ có cái đầu với sừng lộ ra ngoài, còn phần bụng nằm trong hang núi. Những thăn xương sườn đều lộ ra rất rõ. Năm 1958, giặc Mỹ đánh phá ác liệt nên người ta phải làm đường tránh đi qua mó nước. Con trâu đá bị cho nổ mìn chỉ còn lại phần bụng. Mãi vừa rồi, các cụ cao niên mới bàn nhau đắp lại đầu trâu bằng xi măng.

Theo lời ông Xuân thì trâu đá này thiêng lắm, rất ít người giám mạo phạm vì sợ thần đá, thần nước đánh chết. Mùa hạ, mó nước này không bao giờ cạn nước, nước mát lạnh trong xanh. Mùa đông, có những ngày nhiệt độ rất thấp nhưng nước rất ấm.

Khúc gỗ nhội kỳ lạ

Trên đỉnh cao nhất của huyện Lạc Sơn, toàn núi đá, nước chỉ tồn tại duy nhất ở “mó nước thần” xã Ngọc Lâu. Mó chỉ rộng chừng 6 – 7 mét vuông nằm ở bản Khộp, nhưng chưa một lần bị cạn, dù được cả 4 bản với hàng nghìn nhân khẩu dùng ngày đêm, lại múc tưới cho rau.

 

Bản Khộp nằm trên vùng núi cao của huyện Lạc Sơn.

Cụ Bùi Văn Beo là một trong những người già nhất bản Khộp, bảo: “tôi sinh ra và lớn lên đã có giếng nước và gốc cây ấy rồi. Nghe các cụ kể thì từ những ngày xa xưa trên rừng Ngọc Sơn có một cây nhội to lắm, tán rộng che cả bầu trời của cả 3 xã vùng cao. Một lần mưa bão, cây đổ, ngọn cây rơi xuống bản Khộp, lập tức chỗ đó một mạch nước rất mạnh phun lên đó chính là chỗ mó nước bây giờ. Điều kỳ lạ là nếu không có khúc cây ở trong giếng thì nước sẽ cạn”.

 

Mó nước lúc nào cũng trong xanh.

Năm 1996, bằng nguồn vốn hỗ trợ của UNICEF thực hiện chương trình nước sạch. Giếng nước bản Khộp được đầu tư cải tạo. Trong quá trình cải tạo, nạo vét xây thành, người ta đã nhấc khúc gỗ dưới mó vứt lên bờ. Chỉ qua một đêm, mó nước cạn hết sạch. Không có nước sinh hoạt, hơn trăm hộ dân ở bản Khộp phải tìm lại khúc gỗ để vào chỗ cũ. Lạ thay, từ lúc để khúc gỗ vào vị trí ban đầu, mó có nước trở lại. Chỉ qua một đêm, mó nước lại đầy tràn như cũ.

 

Những tia nước phun lên rất mạnh nhưng chỉ cần nhấc khúc gỗ ra là mó cạn nước.

Khúc gỗ dưới mó nước bản Khộp đã tồn tại hàng trăm năm nay, nhưng khi vớt lên vẫn cứng như thép. Chặt vào mẻ cả rìu. Cụ Bùi Văn Én cho hay: “người nào làm bẩn giếng chắc chắn sẽ bị trừng phạt, có người đến giếng chửi thề và ngay lập tức bị…  méo mồm. Gia đình đưa nạn nhân đi các thầy lang nhưng không ai chữa khỏi, cuối cùng phải về thắp hương xin lỗi thần giếng và múc nước cho uống thì bệnh tình mới thuyên giảm”.

 

Một cây nhội trên cánh đồng Ngọc Lâu, loại gỗ được cho là nằm dưới  đáy mó nước bản Khộp.

Không biết những câu chuyện ấy thực hư đến đâu nhưng tất cả người Mường ở bản Khộp nói riêng và người dân xã Ngọc Lâu đều coi đó là biểu tượng linh thiêng nhất của người Mường bản địa và là nguồn sống của người dân vùng núi đá này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *