Con trâu và biển trong tranh Nguyễn Lương Sáng con trâu và phong cảnh đồng quê luôn là chủ đề mà anh đam mê, yêu thích nhất và thường được anh nghĩ đến khi cầm cọ vẽ.. Trong căn nhà nhỏ của họa sỹ Nguyễn Lương Sáng (phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) luôn bày biện ngổn ngang nào vải, bàn, cọ vẽ, các thùng sơn màu… và nhiều bức tranh đã vẽ xong cũng như đang vẽ dang dở.
Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, để phục vụ nhu cầu treo tranh Tết, họa sỹ Nguyễn Lương Sáng khá tất bật với những bức tranh về chủ đề con trâu và đồng quê. Từ đó đến những ngày sau Tết, anh đã vẽ được hơn 30 bức tranh với đủ các kích cỡ theo đặt hàng của khách và dự triển lãm về năm con giáp Sửu được tổ chức tại Huế vào dịp cúng ông Công, ông Táo, ngày 23 tháng chạp năm Canh Tý 2020.
Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng cho biết, con trâu và phong cảnh đồng quê luôn là chủ đề mà anh đam mê, yêu thích nhất và thường được anh nghĩ đến khi cầm cọ vẽ. Bởi vậy, ngay từ khi rời Trường đại học Nghệ thuật Huế cho đến nay, anh đã có gần 60 bức tranh đủ kích cỡ vẽ về con trâu hoặc đồng quê. Hầu hết tranh vẽ về chủ đề con trâu và đồng quê của anh được anh dùng chất liệu sơn dầu theo phong cách biểu hiện và siêu thực.
Nguyễn Lương Sáng bộc bạch rằng tuổi thơ của anh vốn gắn liền với con trâu và đồng ruộng. Những ngày chăn trâu cắt cỏ trên đồng thời xa xưa với đám bạn đã theo tiềm thức của anh đi vào trường mỹ thuật, để mỗi khi ngồi trước tấm vải ráp chuẩn bị vẽ, là hình ảnh con trâu, thửa ruộng lại hiện về mồn một trước mắt.
Tranh trâu của Sáng khá đa dạng về biểu đạt. Có khi chỉ là đặc tả mỗi cái đầu trâu với hai cái sừng vểnh ngược hung dữ trong những mảng màu vàng ngả của rơm rạ cuối mùa gặt. Có khi hình ảnh con trâu lại hiền hòa, thoáng ẩn sau tiền cảnh là những chiếc chum, vại bình dị, mang đậm ký ức một thời lam lũ, vất vả của người vùng quê ruộng lúa, nương khoai…
Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng có hai dòng tranh chủ yếu về con trâu, đồng quê và biển. Đó là dòng tranh mang tính biểu hiện với sự nhấn mạnh về xúc cảm của anh với con trâu và đồng quê, anh để nền tranh hiện rõ trước người xem. Ở dòng tranh siêu thực, anh thể hiện nội tâm của mình một cách tự nhiên, không bị gò bó điều gì, khiến người xem tranh của anh không phân biệt đâu thực, đâu mộng, đâu đúng, đâu sai…
Với dòng tranh siêu thực này, dù là những chủ thể rất bình dị với mọi người lâu nay như con trâu, cái bếp, thửa ruộng, cánh đồng… cũng được Sáng đặt trong một phông màn bí ẩn, khiến ta phải thật nhiều suy nghĩ mới cảm nhận được…
Ở bức tranh Nguyễn Lương Sáng vẽ vào dịp Tết Tân Sửu 2021, chỉ với cái đầu trâu nhiều màu sắc ngổn ngang, anh đặt tên là “Ngập xuân”. Theo anh, là mùa xuân ngập tràn trên đồng cỏ và chú trâu hiền lành đứng giữa mùa xuân bình yên ấy… Năm 2015, anh có triển lãm cá nhân mang tên “Một mình” (Quảng Bình), với nhiều tranh vẽ bằng sơn dầu như: “Giọt biển”, “Buông”, “Áp lực”, “Mầm”…
Dường như là để thể hiện sự sâu thẳm về cuộc sống, với cuộc đời và cái nghiệp họa của mình… Ngoài “Một mình”, họa sỹ Nguyễn Lương Sáng còn có các cuộc trưng bày, triển lãm cá nhân mang tên “Duyên” vào năm 2018 (Quảng Bình) và với “Biển đời” (Huế) năm 2019.
Tranh về con trâu và đồng quê của Nguyễn Lương Sáng nhiều sắc thái, nhiều mảng màu có tính biểu hiện mạnh mẽ nhưng giàu chất thôn quê thân thuộc nên được nhiều người ưa thích, đặt mua, đặc biệt là cho dịp năm con giáp Sửu 2021vừa qua.
Bên cạnh tranh và các sắp đặt chủ đề về con trâu và đồng quê, họa sỹ Nguyễn Lương Sáng cũng rất yêu biển. Anh cho biết, biển cũng gắn liền với cuộc sống và sáng tác hội họa của anh. Bởi thế nên anh đã có một triển lãm cá nhân về biển mang tên “Biển đời”, trưng bày 21 tác phẩm, trong đó có 18 bức tranh sơn dầu và 3 không gian sắp đặt mang tên “Chuyện biển 1”, “Chuyện biển 2” và “Hành trình của biển”.
Vật liệu cho ba chuyện sắp đặt này được anh thu gom, góp nhặt cần mẫn từ những chuyến đi ven biển khắp nơi, để rồi anh biến rác thải ở biển như mảnh vỡ thuyền, lưới rách, chai lọ, phao xốp, dép… thành không gian nghệ thuật và dựng nên câu chuyện “Biển đời”, hay những câu chuyện về đời biển.
Qua nghệ thuật và sự sắp đặt ấy, anh gửi đến mọi người ý nghĩa về cuộc sống, mà trong đó biển là môi trường của loài người. Nếu biển bị hủy hoại vì ô nhiễm, con người cũng sẽ bị tận diệt trong tương lai… Vì vậy, biển cần được bảo vệ, cần được giữ sạch cho tương lai con người.
Những bức tranh của Sáng ghi nhận niềm vui của ngư dân trở về sau mỗi chuyến ra biển, với thuyền lưới đầy ắp cá bạc, liệu có xung khắc với nỗi lo âu ẩn hiện qua mỗi thứ rác thải mà biển mang trong mình được anh nhặt về và sắp đặt? Nghệ thuật và hội họa của anh là ẩn ý, trăn trở.
Tranh và sắp đặt về biển của Nguyễn Lương Sáng như đời sống của anh, như suy nghĩ của anh và như ao ước của anh về cuộc sống, cuộc đời. Nếu hiểu Nguyễn Lương Sáng, thật dễ nhận ra và hiểu được những cung bậc cảm xúc của anh trong tranh. Bởi, như anh bộc bạch: “Tôi yêu con trâu, đồng ruộng, bếp nhà rơm rạ cháy, biết nỗi vất vả của mạ, ba, chú, bác, cô, dì mỗi mùa lúa rét. Yêu từng con sóng biển mỗi mùa hè lặn ngụp. Hay yêu những đôi mắt vợ người ngư dân vẫn ngóng mãi ra biển xa đợi tàu về trong gió mùa lạnh giá… Tranh của tôi không xa những điều bình dị đó”.
Đến với mỹ thuật từ hơn mười năm qua, hiện họa sỹ Nguyễn Lương Sáng là Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, là giảng viên ở Trường đại học Quảng Bình. Anh có được nhiều giải thưởng về nghề như: giải tác giả trẻ (Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam (2011), giải C giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Lưu Trọng Lư (Quảng Bình 2011), giải B tại triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung (2013 và 2017), giải C triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung (2015), giải B giải thưởng Lưu Trọng Lư (2016).. và nhiều giải thưởng khác.
Hình đầu bài: Bức tranh “Quê” của họa sỹ Nguyễn Lương Sáng.
Thiên Hà (báo Quảng Bình – https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202102/con-trau-va-bien-trong-tranh-nguyen-luong-sang-2186036/)